Hơn 300 người diễn tập y tế phục vụ Đại hội XIII
Lực lượng chức năng các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và TP Hà Nội diễn tập y tế phục vụ Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ngày 10/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình đã diễn ra lễ xuất quân và diễn tập y tế phục vụ Đại hội XIII của Đảng.
Phát biểu tại lễ diễn tập, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói Đại hội Đảng diễn ra khi dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm. Đó là sự khác biệt nhất so với các kỳ Đại hội Đảng đã tổ chức trước đây, đặt ra yêu cầu rất cao về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đại biểu, cán bộ, nhân viên phục vụ… “Đại hội lần này, công tác y tế phải được đề cao hơn lúc nào hết, sẽ vất vả, khó khăn và phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều ở tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao của đội ngũ nhân viên y tế”, ông Trần Quốc Vượng nói.
Lực lượng tham gia diễn tập hơn 300 người đến từ các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và TP Hà Nội.
Nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại được huy động phục vụ cuộc diễn tập như xe phun tẩy rửa, khử trùng môi trường trên diện rộng; xe xét nghiệm lưu động, đảm bảo an toàn thực phẩm; hệ thống xe cứu thương hiện đại, xe cứu thương có buồng áp lực âm; xe tẩy xạ, tẩy trùng, tẩy hóa chất trên cơ thể; xe labo lưu động sử dụng trong giám sát và chẩn đoán.
Các xe ra vào khu vực tổ chức Đại hội đều được phun khử trùng.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn – tổng chí huy cuộc diễn tập, cho biết mục đích của diễn tập nhằm “hợp luyện các đơn vị chuyên môn, trưởng các bộ phận, thành viên nắm chắc nhiệm vụ, quy trình xử lý trong công tác y tế phục vụ Đại hội Đảng; xử lý kịp thời, hiệu quả, không chồng chéo trong các tình huống khẩn cấp”.
Cuộc diễn tập gồm 5 hợp phần chính là kiểm soát Covid-19 và vệ sinh môi trường; lấy mẫu bệnh phẩm và xử lý ca nghi nhiễm; kiểm soát thực phẩm và xử lý ngộ độc thực phẩm; xử lý cấp cứu bệnh nhân và vận chuyển về tuyến điều trị; xử lý cấp cứu nhiễm xạ hàng loạt.
Các đại biểu, người phục vụ Đại hội đều được đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Lực lượng y tế diễn tập xử lý tình huống khi có người cần cấp cứu tại Đại hội.
Bộ Y tế đã triển khai nhiều trang thiết bị hiện đại như các phòng y tế, phòng chăm sóc tích cực (ICU) đặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và trên các xe cứu thương.
Những người bị thương ngay lập tức được cấp cứu tại chỗ kịp thời.
Hội trường tổ chức Đại hội cũng được lực lượng y tế phun khử khuẩn.
Sau diễn tập, các lực lượng đã họp, rút kinh nghiệm để hoàn thiện kế hoạch đảm bảo y tế cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, diễn ra từ 25/1 đến 2/2.
Vì sao bệnh nhân COVID-19 xét nghiệm tới 4 lần mới phát hiện dương tính?
Theo chuyên gia, có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm COVID-19 như thời điểm lấy mẫu, kỹ thuật lấy mẫu và hóa chất sử dụng.
Chiều 16/8, Bộ Y tế công bố thêm 11 trường hợp mắc COVID-19 mới ở Hà Nội và Đà Nẵng. Đáng chú ý, trong 8 ca bệnh ở Đà Nẵng được ghi nhận, có bệnh nhân nữ là nhân viên y tế (BN961) làm việc tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang mắc COVID-19 phải xét nghiệm tới 4 lần mới cho ra kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Tại Hà Nội, trường hợp BN812 phải xét nghiệm tới lần thứ 3 bằng phương pháp PCR mới cho kết quả dương tính.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung cho biết có rất nguyên nhân dẫn đến tình trạng "nhiều lần âm mới dương".
Đầu tiên có thể khi đó bệnh nhân đã mắc bệnh, nhưng virus chưa nhân lên đủ để xét nghiệm cho kết quả dương tính. " Virus cũng vậy, phải có thời gian để cho kết quả dương tính. Điều này lý giải tại sao các cơ quan y tế hiện nay luôn khuyến cáo người dân là phải cách ly đủ 14 ngày", ông Nga nói.
Một nguyên nhân khác là khi lấy mẫu, thao tác diễn ra không chuẩn, khiến mẫu bệnh phẩm không có dịch chứa virus. Bên cạnh đó, trang thiết bị xét nghiệm và hóa chất khi sử dụng cũng là vấn đề làm ảnh hưởng tới kết quả.
Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, nơi bệnh nhân 961 từng làm việc.
Chung quan điểm, BS CKII Vũ Thị Thu Hương - khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, Real-Time PCR là xét nghiệm khẳng định một người nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Tuy nhiên, kết quả còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Trong đó chú ý diễn biến bệnh, tức là thời điểm lấy mẫu bệnh phẩm. Nếu thời gian lấy mẫu khi bệnh nhân mới nhiễm virus thì kết quả xét nghiệm vẫn là âm tính. Nếu nhân viên y tế được lấy mẫu sau khi đã khỏi bệnh thì xét nghiệm PCR cũng cho âm tính.
"Để đưa ra được kết quả khẳng định một người mắc COVID-19 hay không phải xem xét rất nhiều các quy trình, trong đó cần sự phối hợp giữa lâm sàng và xét nghiệm. Khi lâm sàng và xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ hoặc không hợp lý, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm lại nhiều lần để so sánh các phòng xét nghiệm mới cho ra được kết quả cuối cùng", BS Hương nói.
BN961 (nữ, 32 tuổi, trú K1120 Trường Chinh, tổ 11, Hòa Phát, Cẩm Lệ) cùng chồng P.N-H), là nhân viên y tế tại Khoa ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng. Trong các ngày từ 28/7 đến 13/8, bệnh nhân được xét nghiệm tới 4 lần mới cho ra kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
BN812 - nhân viên giao hàng có địa chỉ tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Bệnh nhân có tiền sử dịch tễ làm chung cửa hàng với BN447 (người được xác định mắc COVID-19 trước đó). Từ ngày 29/7 đến 8/8, BN812 được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần bằng phương pháp PCR mới cho ra kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Các chuyên gia khuyến cáo những người được chỉ định xét nghiệm COVID-19, dù ban đầu kết quả có cho âm tính nhưng mọi người vẫn cần tuân thủ cách ly 14 ngày theo quy định để đảm bảo an toàn.
Video: Kịch bản nào cho cuộc chiến chống COVID-19 mới?
Hạn chế chuyến bay đưa người nhập cảnh Do xuất hiện chủng nCoV mới, lây lan nhanh hơn ở nhiều nước, Việt Nam hạn chế tối đa chuyến bay đưa người nhập cảnh từ nay đến Tết Nguyên đán. Ngày 9/1, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nêu rõ với trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón người về phải...