Hơn 30% phi công Pakistan nhờ người thi bằng hộ
262 trong tổng số 860 phi công Pakistan thuê người thi lấy bằng và không đủ khả năng điều khiển máy bay, theo Bộ trưởng Hàng không Dân dụng nước này.
Phát biểu trước quốc hội Pakistan hôm 24/6, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ghulam Sarwar Khan cho biết các phi công này “không tự đi thi” và đã trả tiền nhờ người khác thi hộ bằng lái máy bay. “Họ không có kinh nghiệm bay”, ông nói.
Thông tin được đưa ra sau khi ông Khan trình bày báo cáo sơ bộ cho thấy chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu PK 8303 của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) gặp nạn khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Jinnah ở Karachi, miền nam Pakistan hôm 22/5, làm 97 người thiệt mạng, là do lỗi của con người, trong đó có cả phi công.
Theo báo cáo, hai phi công trên máy bay đều mải mê trò chuyện về đại dịch Covid-19 khi tìm cách hạ cánh chiếc Airbus A320 xuống sân bay Jinnah với tốc độ quá nhanh. Dữ liệu từ hai hộp đen cho thấy máy bay không gặp bất cứ vấn đề nào về kỹ thuật.
Pakistan có 860 phi công đang làm việc tại các hãng hàng không nội địa, bao gồm PIA, cũng như một số hãng hàng không nước ngoài. Bộ trưởng Khan không nói rõ hai phi công trên chuyến bay gặp nạn có nhờ người thi hộ để lấy bằng hay không.
Video đang HOT
Hiện trường chiếc Airbus A320 của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan gặp nạn ở Karachi ngày 22/5. Ảnh: Reuters.
PIA đã đình chỉ 150 trong số 426 phi công của hãng sau báo cáo của Bộ trưởng Hàng không Dân dụng do nghi ngờ nhờ người thi hộ. “PIA thừa nhận đây không chỉ là vấn đề của PIA mà còn lan rộng ra toàn bộ ngành hàng không Pakistan”, phát ngôn viên PIA Abdullah Khan nói, thêm rằng một số phi công nhờ thi hộ cũng đang làm việc cho các hãng hàng không nước ngoài.
Thảm kịch chuyến bay của PIA xảy ra chỉ ba ngày sau khi Pakistan nối lại các chuyến bay bị tạm ngừng hoạt động do đại dịch. Theo Khan, các phi công đã được các nhân viên kiểm soát không lưu thông báo ba lần rằng máy bay đang ở độ cao quá lớn và họ không nên cố hạ cánh, “nhưng cơ trưởng đã không chú ý đến những chỉ dẫn này”.
Trong lần hạ cánh thứ nhất, phi công đã giảm độ cao quá nhanh và duy trì vận tốc lớn, trong khi càng đáp không được thả ra, khiến máy bay quệt động cơ xuống đường băng. Kiểm soát viên không lưu cũng mắc lỗi khi cho phép phi cơ hạ cánh dù phát hiện vận tốc của nó cao hơn mức cho phép.
Sau lần hạ cánh bất thành thứ nhất, máy bay tiếp tục vọt lên và bay trên không trung suốt 17 phút để tìm cách hạ cánh lần hai. Trong thời gian này, cả hai động cơ của máy bay bị hỏng và ngừng hoạt động.
Phi công đã không thông báo cho tháp kiểm soát không lưu về việc càng đáp bị kẹt trước khi tìm cách hạ cánh lần hai. Báo cáo điều tra cũng cho rằng phi công đã phạm sai lầm khi cố hạ cánh, nhưng không nêu chi tiết.
Máy bay Pakistan rơi: Phi công 2 lần phớt lờ cảnh báo nguy hiểm của kiểm soát không lưu
Phi công của máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) rơi xuống khu dân cư ở Karrachi được báo cáo là đã phớt lờ cảnh báo của kiểm soát không lưu về độ cao và tốc độ của máy bay khi chiếc máy bay tiếp cận hạ cánh.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay.
Theo đó, Airbus A320 chở 91 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn bay từ Lahore đến Karachi nhưng không may bị rơi gần sân bay chiều 22/5.
Trong số 99 người trên máy bay chỉ có 2 người sống sót, 97 người đã thiệt mạng.
Theo báo cáo của kiểm soát không lưu, chuyến bay rời sân bay Lahore lúc 13h05 chiều 22/5 và dự kiến hạ cánh tại sân bay quốc tế Jinnah lúc 14h30/ cùng ngày.
Tuy nhiên, vào 14h30, chiếc máy bay cách sân bay Karachi 24 km, bay ở độ cao hơn 3.000 m thay vì 2.100 m theo quy định.
Lúc này kiểm soát không lưu đã cảnh báo phi công hạ thấp độ cao. Tuy nhiên, thay vì nghe theo hướng dẫn của kiểm soát không lưu, phi công trả lời rằng, anh cảm thấy mọi việc đều ổn.
Khi cách sân bay Karachi 16 km, máy bay đã bay ở độ cao 2.100 m thay vì 910m theo quy định.
Kiểm soát không lưu đã đưa ra cảnh báo thứ 2 cho phi công để hạ thấp máy bay nhưng phi công lại đáp lại rằng, anh ta thấy mọi việc đều ổn và sẽ kiểm soát tình huống đồng thời sẵn sàng hạ cánh.
Hiện Islamabad đã thành lập 1 đội điều tra để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay xấu số. Các nhà điều tra đang cố gắng xác định xem liệu vụ tai nạn là do lỗi của phi công hay do vấn đề kỹ thuật.
Vụ máy bay Pakistan rơi: Chủ tịch ngân hàng sống sót thần kỳ được cứu khỏi đám cháy Một chủ tịch ngân hàng và ít nhất một người khác đã sống sót thần kỳ và được cứu ra khỏi xác chiếc máy bay Airbus A320 của Hãng hàng không Quốc tế Pakistan sau khi nó đâm vào khu dân cư của thành phố Karachi. Chủ tịch ngân hàng của bang Punjab, Zafar Masood là một trong 2 người sống sót và...