Hơn 250 người chết vì nCoV tại Thụy Sĩ
Thụy Sĩ đến nay ghi nhận 257 người chết vì nCoV trong 14.336 ca nhiễm trên cả nước.
Cơ quan y tế Thụy Sĩ hôm nay thông báo số người chết vì nCoV tại nước này tăng 22 ca so với ngày hôm qua, trong khi số ca nhiễm tăng 1.123 trường hợp, lên 14.336 ca. Đã có 1.595 bệnh nhân hồi phục.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nhiễm nCoV tại bệnh viện Pourtales ở Neuchatel, Thụy Sĩ, ngày 25/3. Ảnh: AFP.
Thụy Sĩ là một trong những nước có tỷ lệ xét nghiệm nCoV trên đầu người cao nhất thế giới. Số ca nhiễm nCoV tại Thụy Sĩ đang đứng thứ 6 ở châu Âu, sau Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Anh, dù dân số thấp hơn nhiều. Ca nhiễm nCoV đầu tiên được ghi nhận vào ngày 24/2 va khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh là vùng Ticino ở phía nam.
Chính phủ Thụy Sĩ đã ra lệnh đóng cửa trường học và tất cả những địa điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán bar và cả các cửa hàng không bán nhu yếu phẩm. Tuần trước, nhà chức trách áp lệnh cấm tất cả các cuộc tụ tập có nhiều hơn 5 người và bất kỳ ai không giữ khoảng cách tối thiểu hai mét với người khác sẽ đối diện án phạt.
Covid-19 xuất hiện tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 670.000 người nhiễm bệnh và gần 32.000 người tử vong.
Covid-19 xô đổ hình tượng Tây Ban Nha
Tây Ban Nha tự hào vì một xã hội tôn trọng người cao tuổi cùng hệ thống y tế phát triển, nhưng Covid-19 đã làm tan vỡ tất cả.
Video đang HOT
Một nghiên cứu được Bloomberg công bố năm ngoái xếp hạng Tây Ban Nha là quốc gia khỏe mạnh nhất thế giới. Theo nghiên cứu này, Tây Ban Nha là quốc gia có tuổi thọ bình quân cao nhất Liên minh châu Âu và xếp thứ ba toàn cầu, chỉ sau Nhật, Thụy Sĩ.
Tuổi thọ bình quân của Tây Ban Nha được dự đoán lên tới 86 vào năm 2040, cao nhất thế giới, theo Viện Đánh giá và Định lượng Sức khỏe thuộc Đại học Washington. Người Tây Ban Nha luôn tự hào rằng họ là một xã hội gắn kết chặt chẽ giữa các thế hệ, trong đó người cao tuổi đóng vai trò không thể thiếu trong gia đình, không chỉ giúp con cái trông nom các cháu.
Tuy nhiên, số người chết vì Covid-19 tại nước này giờ đây đã lên hơn 3.600, vượt cả Trung Quốc đại lục, nơi dịch bệnh khởi phát. Trong khi số người nhiễm và chết vì nCoV ở Italy có dấu hiệu chững lại, Tây Ban Nha hôm 25/3 ghi nhận gần 8.000 bệnh nhân mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 49.000.
Theo bình luận viên Raphael Minder và Elian Peltier của NY Times, điều gây sốc hơn cả là những người già bị bỏ mặc đến chết trong các viện dưỡng lão Tây Ban Nha, quốc gia nổi tiếng vì sự gắn bó bền chặt giữa các thế hệ và vai trò của người cao tuổi trong gia đình.
Nhân viên vệ sinh dọn dẹp một viện dưỡng lão có người chết vì nCoV tại khu tự trị Asturias, Tây Ban Nha hôm 20/3. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles hôm 23/3 cho biết khi các binh sĩ tới một số viện dưỡng lão để khử trùng, họ phát hiện những người già "hoàn toàn bị bỏ mặc, thậm chí chết trên giường". Hai ngày sau, chính quyền thông báo ít nhất 24 người tại một viện dưỡng lão ở quận Chamartin, Madrid đã tử vong hồi cuối tuần trước.
"Chúng tôi thực sự đã nỗ lực gìn giữ mô hình nhà nước phúc lợi và sự gắn kết gia đình mạnh mẽ. Tuy nhiên, tin tức tồi tệ từ các viện dưỡng lão buộc chúng tôi phải thừa nhận một số thiếu sót vô cùng nghiêm trọng", Marina Subirats, nhà xã hội học nổi tiếng ở Barcelona, cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
El Pais, tờ báo hàng đầu Tây Ban Nha, cũng viết trong một bài xã luận rằng những gì đã diễn ra tại các viện dưỡng lão giữa Covid-19 "đã phơi bày lỗ hổng cay đắng trong hệ thống phúc lợi của đất nước". Tây Ban Nha hiện có khoảng 5.400 viện dưỡng lão và 370.000 người sống tại đó.
Chính phủ Tây Ban Nha chưa công bố có bao nhiêu thi thể hoặc người già bị bỏ rơi trong các viện dưỡng lão, trong khi các công tố viên đang xem xét khả năng truy tố hình sự đối với hành vi này. Giới chức cho biết hơn 1/5 số viện dưỡng lão ở khu vực Madrid đã ghi nhận bệnh nhân Covid-19. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi hàng chục nhân viên nhiễm bệnh đang tự cách ly ở nhà.
Các quốc gia trên khắp Tây Âu, một trong những khu vực có dân số già nhất thế giới, đang vật lộn trong cuộc chiến chống Covid-19 nhằm bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Họ thừa nhận cuộc khủng hoảng với người già, đặc biệt trong các viện dưỡng lão, có thể tồi tệ chưa từng thấy.
Tại Italy, chính quyền cho biết số bệnh nhân tử vong vì nCoV được báo cáo không bao gồm những người chết tại nhà hoặc viện dưỡng lão. Tình hình ở Pháp cũng tương tự, khi giới chức thừa nhận chỉ những người chết trong bệnh viện mới được tính là liên quan đến Covid-19, điều họ cam kết thay đổi trong thời gian tới.
Tuần trước, một tổ chức đại diện cho các viện dưỡng lão ở Pháp cảnh báo nCoV có thể cướp đi sinh mạng của 100.000 người tại nước này, dựa trên tình hình hiện nay của các viện dưỡng lão.
"Giống như hầu hết người dân Tây Ban Nha, tôi biết cuộc sống trong viện dưỡng lão không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, tất cả đều nghĩ những người cao tuổi đang được chăm sóc tốt. Do vậy, tôi không thể tưởng tượng nổi một số cơ sở không có bất cứ khả năng ứng phó nào trong tình huống này", nhà xã hội học Subirats cho hay.
Fernando Simon, giám đốc trung tâm y tế khẩn cấp quốc gia Tây Ban Nha, hôm 25/3 thừa nhận nước này đã phải trả giá do không tiến hành các biện pháp bảo vệ viện dưỡng lão giữa đại dịch. "Khi nCoV xâm nhập những cơ sở đó, số người chết chắc chắn tăng lên rất nhiều", ông nói.
Nạn nhân của Covid-19 tại Tây Ban Nha có độ tuổi trung bình cao hơn những quốc gia khác. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha, hơn 65% số người chết vì nCoV ở nước này trên 80 tuổi, trong khi tỷ lệ này tại Italy tính đến tuần trước là 50% và Trung Quốc hồi tháng hai là 15%.
Giám đốc một số viện dưỡng lão cáo buộc chính phủ đang cố đổ trách nhiệm cho sai lầm của chính họ trong cách xử lý khủng hoảng. Các bác sĩ, y tá và nhân viên nhà xác không có đủ đồ bảo hộ, dẫn đến tình trạng hàng nghìn nhân viên y tế nhiễm nCoV, chiếm 15% tổng số ca bệnh, tỷ lệ cao nhất tại một quốc gia. Giống như họ, nhân viên tại các viện dưỡng lão không chỉ phải tiếp xúc trực tiếp với virus, mà còn có nguy cơ trở thành nguồn truyền nhiễm.
Jesus Rico, người đồng sở hữu một viện dưỡng lão nhỏ ở Madrid, cho biết chính quyền địa phương "chỉ nói mà hầu như không làm gì" để giúp họ sống sót giữa đại dịch. Cơ sở của Rico chỉ nhận được hai áo choàng và 8 khẩu trang sau khi yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp, điều mà ông gọi là "đáng xấu hổ".
Tại vùng Catalonia phía đông bắc, chính quyền địa phương mở cuộc điều tra về hai cơ sở dưỡng lão ghi nhận hơn 20 người chết ở gần Barcelona. Hơn 200 người già sống trong 70 viện dưỡng lão ở Catalonia đã nhiễm bệnh. Trong khi đó tại tỉnh Alicante, những người chết trong viện dưỡng lão chiếm tới 95% số ca tử vong vì nCoV của địa phương.
Hôm 24/3, một đoàn xe cứu thương đưa 28 ca nhiễm nCoV từ một viện dưỡng lão ở thị trấn Alcala del Valle, tỉnh Cadiz, đến cơ sở khác cách đó khoảng 128 km. Thị trưởng và các quan chức trong chính quyền Alcala del Valle đổ lỗi lẫn nhau vì cái chết của ba người trong viện dưỡng lão này.
Giữa lúc người điều hành các viện dưỡng lão và giới chính trị gia trách móc nhau, một số người già lặng lẽ suy ngẫm về cuộc khủng hoảng. Miguel Angel Malaga Granados, người sống trong một viện dưỡng lão ở Madrid hai năm qua, cho biết ông đã ngừng theo dõi tin tức về Covid-19.
"Tôi chỉ không vui vì bị nhốt trong phòng. Nếu số mệnh đã an bài, cái chết rồi cũng đến vào một ngày nào đó", ông nói.
Ánh Ngọc
Châu Âu siết cách ly chống dịch: 1m chưa phải đã xa Nhằm chặn đà lây lan như "vũ bão" của virus corona chủng mới, Ý đã áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc, trong khi Đức áp dụng những quy định cách ly chặt chẽ nhất lịch sử. Người dân xếp hàng giữ khoảng cách hơn 1m trước một hiệu bánh ở thành phố Birmingham, Anh sáng 21-3...