Hơn 2.000 nhạc sĩ cùng chơi ghi ta
2.134 nhạc sĩ cùng chơi đàn Ukulele, một kiểu đàn ghi ta, ở Yokohama (Nhật Bản) cuối tuần qua. Con số này lập kỷ lục Guinness.
Ukulele hay còn được gọi là Uke thuộc họ ghi ta, gồm 4 dây. Loại đàn này xuất hiện vào thế kỷ thứ 19 và là một phiên bản Hawaii của cavaquinho, braguinha và rajao – những loại đàn ghi ta nhỏ được những người nhập cư đưa đến Hawaii. Uke trở nên phổ biến khắp nước Mỹ trong suốt thế kỷ 20 và lan rộng ra thế giới. Giai điệu và âm lượng của nhạc cụ này đa dạng với kích cỡ và cấu tạo khác nhau. Nhóm đông nhạc sĩ đã chơi bản Aloha Mahalo A Hui Ho, bài hát do võ sĩ sumo Konishiki sáng tác.
Co số 2.134 nhạc sĩ đã vượt qua kỷ lục lập trước đó tại Thụy Sĩ một cách ấn tượng (1.547 người). Buổi văn nghệ này nằm trong khuôn khổ tuần lễ dã ngoại Ukulele, đặc trưng bởi điệu múa hula.
Quang cảnh 2.134 nhạc sĩ cùng đánh đàn ghi ta ở gần Tokyo, Nhật Bản.
Video đang HOT
ĐỖ QUYÊN
Theo Infonet.vn
Khâm phục nghị lực của thủ khoa mồ côi mẹ
Mẹ mất hồi Trần Anh Tùng mới vào lớp 10. Vượt qua cú sốc tinh thần và những khó khăn bộn bề của gia đình, cậu học trò Trường THPT Tiểu La (Thăng Bình, Quảng Nam) vừa đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng với 27 điểm.
Thủ khoa Trần Anh Tùng bên góc học tập của mình.
Ngôi nhà nhỏ của thủ khoa Trần Anh Tùng ở tổ 4, thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) mấy hôm nay chộn rộn tiếng nói cười. Ai cũng mừng cho cậu học trò đầy nghị lực. Ông Trần Văn Luật - bố Tùng chia sẻ: "Hôm Tùng thi xong về cháu nói làm bài được, chỉ nghĩ là cháu thi đạt điểm cao, yên tâm thi đậu đại học thôi chứ không ngờ cháu thi đỗ thủ khoa. Mừng lắm! Qua nay, bạn bè cháu cứ ào đến nhà báo chia vui".
Bố Tùng (bìa phải) và thầy giáo chủ nhiệm ở trường THPT Tiểu La (Thăng Bình, Quảng Nam) chia sẻ niềm vui với tân thủ khoa ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Mẹ mất hồi năm Tùng mới vào lớp 10. Một mình bố Tùng với đồng lương giáo viên trung học nuôi hai con ăn học và phụng dưỡng mẹ già nay đã ngoài 80. Sau cú sốc tinh thần là khó khăn bộn bề của gia đình. Thế nhưng cậu học trò trường THPT Tiểu La (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) không ngã lòng. Tùng tâm sự: "Hồi mẹ mất, em sốc lắm. Việc học hành của hai anh em cũng bị ảnh hưởng do sa sút tinh thần. Nhưng rồi vực dậy, em càng quyết tâm học tập tốt hơn nữa". Bố Tùng chia sẻ: "Mẹ các cháu bị ung thư, đau nặng nhưng đâu nói cho các cháu biết, sợ ảnh hưởng việc học hành của các cháu. Nên khi mẹ mất, các con tôi sốc lắm. Qua những ngày khó khăn nhất đó, tôi phải họp gia đình bàn hai việc chính: một là, không còn mẹ, mấy cha con bà cháu phải tự lo liệu, cân đối chi tiêu trong nhà hai là, việc học vẫn luôn là việc quan trọng nhất nên tôi dặn các con không được xao lãng". Lời nhắc nhở của cha và bảng 10 điều nội quy gia đình do chính mẹ viết ra trước khi qua đời, anh em Tùng luôn ghi nhớ và làm theo.
Lời trấn tỉnh tinh thần của cha và 10 điều nội quy gia đình mẹ để lại đã nhắc nhở Tùng luôn quyết tâm học tập tốt.
Đặt quyết tâm học thật giỏi, kỳ thi đại học năm nay, Tùng chỉ đăng ký thi mỗi ngành Công nghệ thông tin - Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Không chỉ quyết tâm thi đậu, Tùng còn đặt mục tiêu đậu thủ khoa. Cậu học trò trường huyện chia sẻ: "Em biết có nhiều anh chị hoàn cảnh khó khăn nhưng không lấy đó làm cớ xao lãng việc học hành. Như năm ngoái, ở trường em có anh Nguyễn Tấn Phong, nhà nghèo vẫn thi đậu thủ khoa đại học. Em càng hy vọng và quyết tâm thực hiện ước mơ thi đỗ thủ khoa".
Làm sao để thực hiện mơ ước đó? Cậu học trò trường huyện đậu thủ khoa ĐH Bách khoa Đà Nẵng với tổng điểm 3 môn thi đạt 27 điểm chia sẻ: "Em nghĩ mình phải có tinh thần tự học, tự tìm tòi. Hè năm lớp 11, em đã học xong chương trình các môn thi đại học trong sách giao khoa lớp 12. Đến giữa năm lớp 12, em chỉ đi học ở trường và xin phép các thầy cô cho nghỉ học thêm để tự học ở nhà. Có điều gì không hiểu, em lại đến hỏi thầy và trao đổi với các bạn. Để làm bài thi đại học tốt, theo em, bất cứ môn nào, cũng đều cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa. Sau đó, em học thêm ở thầy và tìm học trên mạng để rèn kỹ năng giải các dạng đề bài tập. Với các môn Lý, Hóa thì phải nắm lý thuyết và nhận đề nhanh để tìm hướng giải bài tập, chọn được đáp án chính xác trong thời gian ngắn. Môn Toán cũng là môn tự nhiên nên rèn giải bài tập vẫn là chủ yếu. Trước những công thức, kiến thức mới em cố gắng học theo phương pháp học hiểu để nhớ lâu".
Có những hôm thấy con học bài khuya, bố em trở mình dậy thấy nhắc con đi ngủ, Tùng vẫn ráng học cho xong. Nhưng Tùng khẳng định mình không phải "mọt sách" mà cũng biết vừa học vừa chơi, có thời gian "cày" bài tập phải có thời gian thư giãn, giải trí. Người bạn tinh thần của em sau những giờ học miệt mài là cây đàn ghi ta. Nhờ sở trường đàn ghi ta mà em trở thành cây văn nghệ góp sức cùng các bạn đưa phong trào văn thể mỹ của lớp dẫn đầu trường.
Người bạn của Tùng sau những giờ học miệt mài là cây đàn ghi-ta.
Bố Tùng còn cho biết thêm tân thủ khoa nấu ăn rất ngon. Được ưu tiên tập trung mọi thời gian để học tập năm cuối cấp, song Tùng vẫn đảm nhận công việc phụ bà nấu ăn cho cả nhà. Tùng cho biết: "Bà nội thương cháu lắm, bà giành làm hết. Nhưng bà đã có tuổi rồi, cũng nay ốm mai đau...".
Hoàn thành mục tiêu thi đậu thủ khoa, trước cánh cổng trường đại học đang rộng mở, Tùng đặt ra mục tiêu mới là phải học thật tốt để có học bổng. Tùng còn tính chuyện sẽ sắp xếp thời gian đi làm thêm để trang trải học phí và sinh hoạt phí. Bởi "em biết, tuy chưa bao giờ có một tiếng than để các con phải lo lắng mà xao lãng học hành. Nhưng lo được cho cả nhà bữa cơm qua ngày, lo được cho tụi em ăn học trong những năm qua, ba em cũng đã vất vả nhiều. Giờ nuôi em học đại học, em sợ ba lo không xuể". Quả thật, trong lúc trò chuyện cùng chúng tôi, bố của Tùng có chia sẻ: "Hồi mẹ em nằm bệnh, nhà đâu dư giả chi nên cũng chạy đi mượn khắp. Đến giờ vẫn chưa trả xong. May là cũng mượn của người thân, bạn bè, họ hiểu hoàn cảnh gia đình nên cũng không ai hối..."
Thầy Đinh Văn Nhân - giáo viên chủ nhiệp lớp của Tùng ở Trường THPT Tiểu La (Thăng Bình) nói về học trò mình: "Tùng là học sinh có nghị lực, chăm ngoan, hiền lành. Đặc biệt là em có tinh thần tự học rất cao và học khá giỏi. Nhất là ở những môn tự nhiên, điểm số của em Tùng luôn dẫn đầu lớp. Em từng đoạt giải Ba học sinh giỏi môn Vật lý cấp tỉnh năm lớp 12. Ngay ở hai đợt khảo sát thi thử đại học ở trường, em đều đạt tổng điểm 3 môn thi trên 28 điểm, cao nhất toàn trường".
Khánh Hiền
Theo dân trí
Số phận người vợ xinh đẹp Vừa thấy vợ ngồi âu yếm với trai trong nhà, lão hét lên: "Đồ đốn mạt. Chồng vừa đi đã gọi giai về nhà hú hí" Lão Đốn là kẻ dị nhân. Mà dị nhân bao giờ cũng có tài. Thì đấy, bàn tay lão làm ra hàng ngàn chiếc đàn ghi ta, đàn nguyệt trứ danh, cung cấp cho nhạc công khắp...