Hơn 200 người mắc bẫy “siêu lừa”, mất trên 10 tỷ đồng
Ngày 18-4, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Selaco – chi nhánh Hưng Yên.
Theo CQĐT, đây là vụ án với số người bị hại và số tiền thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Chu Đình Huy và số giấy tờ, visa, thẻ cư trú giả sử dụng để lừa đảo
Món “bánh vẽ” của kẻ thất nghiệp
Đối tượng chính trong vụ án này là Chu Đình Huy (SN 1984), trú ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Huy từng đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, rồi về Việt Nam năm 2011 và sớm rơi vào cảnh thất nghiệp. Một thời gian ngắn sau đó, Huy nảy ý đồ kiếm tiền bất chính bằng cách tìm những công ty có chức năng xuất khẩu lao động để thực hiện kế hoạch lừa đảo.
Tháng 10-2012, Huy gặp Nguyễn Trí Năng (SN 1972), Giám đốc chi nhánh Hưng Yên – Công ty CP xuất khẩu lao động và vận tải thủy miền Nam (Selaco). Huy khoe với Năng quen biết nhiều nghiệp đoàn lao động Nhật Bản có nhu cầu tuyển lao động Việt Nam sang làm việc và lập tức được Năng mời về làm việc, chuyên khai thác đối tác Nhật Bản để Công ty Selaco ký kết hợp đồng cung ứng lao động.
Video đang HOT
Thực tế, chi nhánh Hưng Yên chỉ có chức năng tiếp nhận hồ sơ đăng ký xuất khẩu lao động để tổ chức các lớp đào tạo nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài, chứ không được phép ký hợp đồng và thu tiền dịch vụ của người lao động. Tuy nhiên từ khi “mời” được Chu Đình Huy về, Nguyễn Trí Năng đã thành lập 2 văn phòng của chi nhánh tại Đông Anh (Hà Nội) và Thái Bình; bổ nhiệm Lê Văn Diệp, Vũ Văn Hứng làm đại diện để thu hồ sơ của người có nhu cầu xuất khẩu lao động.
Để lấy được niềm tin của Nguyễn Trí Năng, Huy tìm một số khách du lịch người Nhật Bản sang Việt Nam, đưa họ đến chi nhánh Hưng Yên và giới thiệu là đối tác Nhật Bản đang tìm hiểu thị trường lao động Việt Nam. Thấy Huy trao đổi với các “đối tác” bằng tiếng Nhật có vẻ rất thông thạo, Năng hoàn toàn tin Huy sẽ mang về cho công ty những hợp đồng lao động tiềm năng.
Thủ đoạn cao tay
Khi nghe “siêu lừa” thông báo về chương trình tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật Bản với chi phí 6.500 USD/lao động, trong đó “hoa hồng” trích cho người môi giới từ 300-500 USD/lao động và cam kết sẽ lo thủ tục cho lao động đi làm việc đúng thời hạn, Năng cùng 2 văn phòng Đông Anh và Thái Bình đã thu hồ sơ và tiền của người lao động chuyển cho Chu Đình Huy. Năng còn đưa cho Huy 2 quyển hóa đơn có đóng dấu treo của Công ty Selaco – chi nhánh Hưng Yên để Huy thu tiền của người lao động.
Để thu hút nhiều người lao động tìm đến nộp tiền, thi thoảng, Huy lại thuê khách du lịch người Nhật Bản đến “tham quan” các lớp đào tạo lao động của Công ty Selaco – chi nhánh Hưng Yên và mời Nguyễn Trí Năng đi “tiếp khách” cùng. Không biết một chữ tiếng Nhật, nên sau mỗi buổi “tiếp khách” như vậy, Năng cũng chỉ biết gật gù khi nghe Huy thông báo chương trình hợp tác lao động rất khả quan; đối tác Nhật rất hài lòng và tăng chỉ tiêu tuyển dụng cho công ty. Về phía người lao động, thấy Huy dẫn các “ông chủ” tuyển dụng nhân công trực tiếp đến lớp học thăm hỏi tình hình, hứa hẹn sẽ lo cho nhiều người đi xuất khẩu lao động tại Nhật trong thời gian sớm nhất nên ai cũng tin chương trình đi lao động là có thật, tin tưởng nộp tiền cho Chu Đình Huy cũng như Nguyễn Trí Năng.
Theo CQĐT, Chu Đình Huy đã sử dụng hóa đơn có dấu treo của chi nhánh Hưng Yên thu của 15 người lao động với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Huy còn nhận của Nguyễn Trí Năng và 4 đầu mối thu gom lao động khác, với tổng số tiền đã chiếm đoạt là gần 10,2 tỷ đồng. Để đối phó với người lao động, Huy tìm cách làm giả thẻ lưu trú, visa cho người lao động. Gần đến thời hạn được “bay” như Huy hứa hẹn nhưng không thấy chi nhánh Hưng Yên có động tĩnh gì, người lao động chất vấn thì Huy đưa số giấy tờ giả để trấn an, với lý do nghiệp đoàn Nhật Bản đề nghị lùi thời hạn tiếp nhận lao động.
Với thủ đoạn này, Huy đã lừa được Nguyễn Trí Năng cũng như trì hoãn được việc đòi tiền của nhiều người lao động, rồi ôm tiền bỏ trốn.
Khi biết bị Huy lừa, Nguyễn Trí Năng và các đầu mối thu gom đã phải trả lại khoản tiền hưởng chênh lệch cho người lao động, đồng thời chủ động đi tìm kiếm “siêu lừa”. Sáng 25-10-2013, phát hiện Chu Đình Huy trên phố Tràng Tiền, Nguyễn Trí Năng đã giữ lại và đưa đến CQĐT Công an Hà Nội trình báo.
Thi hành lệnh khám xét nơi ở đối với Chu Đình Huy tại khu chung cư đô thị Bắc Linh Đàm, Hà Nội, cơ quan công an thu giữ 29 quyển hộ chiếu và 28 thị thực Nhật Bản giả cùng danh sách hàng trăm lao động đã nộp tiền. Tại CQĐT, Chu Đình Huy khai nhận đã ăn tiêu cá nhân và bao “bồ nhí” hết hơn 10 tỷ đồng lừa được. Đáng chú ý khi khám xét nơi ở của “bồ nhí” Huy, cơ quan công an tìm thấy bộ đồ “đập đá” mà Huy thường sử dụng để thác loạn với người tình.
Theo CQĐT, mặc dù Nguyễn Trí Năng là người đã đưa Chu Đình Huy đến cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo, song trong vụ án này, bản thân Năng cũng có nhiều sai phạm khiến Huy có cơ hội lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, CQĐT đề nghị Viện KSND truy tố Nguyễn Trí Năng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đối với Chu Đình Huy, cơ quan điều tra xác định trong tổng số gần 10,2 tỷ đồng đã chiếm đoạt của hơn 200 người, Huy mới trả được… 350 triệu đồng, đến nay không có khả năng khắc phục hậu quả. “Siêu lừa” này bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 139 BLHS.
Theo Minh Hà
An ninh thủ đô
Kê khống đất đền bù thủy điện, 10 cán bộ bị truy tố
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam vừa chuyển hồ sơ qua VKS cùng cấp đề nghị truy tố 10 cán bộ về các tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "cố ý làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
10 cán bộ gồm Nguyễn Ngọc Bội (SN 1972, trú phường An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng, chuyên viên ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4), Nguyễn Văn Hợp (SN 1979, trú huyện Đại Lộc, Quảng Nam, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Nam Giang), Lê Ngọc Phú (SN 1964, trú huyện Điện Bàn, Quảng Nam, cán bộ Trung tâm kỹ thuật tài nguyên môi trường Quảng Nam), Lê Ngọc Ánh (SN 1964, trú huyện Điện Bàn, Quảng Nam, cán bộ Trung tâm kỹ thuật tài nguyên môi trường Quảng Nam).
Thủy điện Sông Bung 4 khởi công tháng 6/2010 có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng trên địa bàn huyện Nam Giang, Quảng Nam
Lê Ngọc Huỳnh (SN 1980, trú huyện Điện Bàn, Quảng Nam, cán bộ Trung tâm kỹ thuật tài nguyên môi trường Quảng Nam), Trương Công Đăng (SN 1966, trú huyện Đại Lộc, Quảng Nam, cán bộ Trung tâm kỹ thuật tài nguyên môi trường Quảng Nam), Coor Hiết (SN 1975, trú huyện Nam Giang, Quảng Nam, Chủ tịch xã Zuôih, huyện Nam Giang, Quảng Nam), A Rất Mông (SN 1979, trú huyện Nam Giang, Quảng Nam, Phó Chủ tịch xã Zuôih, huyện Nam Giang, Quảng Nam), Pơ Loong Nhanh (SN 1982, trú huyện Nam Giang, Quảng Nam, cán bộ địa chính xã Zuôih, Nam Giang, Quảng Nam) và Bnước Ấp Lý (SN 1980, trú huyện Nam Giang, Quảng Nam, nguyên trưởng thôn Pa Rum A, xã Zuôih, Nam Giang, Quảng Nam).
Kết quả điều tra cho thấy, năm 2011, khi tiến hành đo đạc đất và tài sản trên đất của các hộ dân thuộc 3 xã Zuôih, Tà Pơơ và Cha Val (huyện Nam Giang) để tiến hành giải tỏa, đền bù dự án thủy điện Sông Bung 4, các đối tượng đã câu kết với các hộ dân kê khai khống hàng chục ha đất, hàng trăm cây ăn quả.
Các cán bộ đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn làm trái các quy định của nhà nước để đút túi hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Hành vi của các đối tượng đã làm thất thoát gần 16,5 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan chức năng đã thu hồi trên 8,7 tỉ đồng, còn số tiền trên 7,6 tỉ đồng chưa thu hồi được.
Công Bính
Theo Dantri
Nguyên giám đốc Công ty rượu Halico bị truy tố tội trốn thuế Ngày 11-2, VKSND Tối cao cho biết đã tống đạt cáo trạng, truy tố sáu bị can nguyên là giám đốc, nhân viên Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) và một số người khác về các tội trốn thuế và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo đó, bị can Hồ Văn Hải, nguyên...