Hơn 1.700 người đã nhập cảnh Việt Nam, quy định test nhanh gây bất cập
Trong 3 ngày đầu mở lại đường bay quốc tế thường lệ, đã có 17 chuyến bay chở 1.753 khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Cục Hàng không Việt Nam đã cho biết thông tin trên và nêu rõ trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tình hình thực hiện các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam, giai đoạn từ ngày 1-3/1/2022.
Tình hình khôi phục đường bay quốc tế
Cục Hàng không Việt Nam cho hay, trong 3 ngày đầu khôi phục các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam, đã có 17 chuyến bay được thực hiện với 1.753 khách nhập cảnh thông qua 4 cảng hàng không quốc tế là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Các chuyến bay này được khai thác bởi 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và 7 hãng hàng không nước ngoài gồm: Thai Vietjet của Thái Lan, Singapore Airlines của Singapore, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, Starlux Airlines và China Airlines của Đài Loan, Emirates của UAE, Asiana Airlines của Hàn Quốc.
Trước đó, hôm 31/12/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi nhà chức trách hàng không Đài Bắc (Trung Quốc) đồng ý với đề xuất của đối tác về việc mỗi bên được phép khai thác chuyến bay chở khách với tần suất 5 chuyến/tuần/chiều (bổ sung một chuyến/tuần).
Ngày 4/1, nhà chức trách hàng không Đài Bắc (Trung Quốc) đã có văn bản chỉ định 3 hãng hàng không khai thác chuyến bay giữa Đài Bắc và Hà Nội/TPHCM là China Airlines, Eva Air và Starlux Airlines.
Tối 1/1, những hành khách hành trình từ Phnom Penh (Campuchia) đến TPHCM trên chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên chính thức đến Việt Nam kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 (Ảnh: VNA).
Với Hàn Quốc, ngày 31/12/2021, Cục Hàng không nước này đã có văn bản đồng ý với đề nghị của Việt Nam về việc khai thác 4 chuyến/tuần cho mỗi bên để chở khách chiều từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Tuy nhiên, Hàn Quốc mong muốn tăng lên thành 6 chuyến/tuần.
Video đang HOT
Đối với chiều từ Việt Nam đi Hàn Quốc, nước này thông báo theo quy định về phòng dịch. CDC Hàn Quốc đang hạn chế chuyến bay chở khách đến nên đề xuất chỉ cấp cho phía Việt Nam 2 chuyến/tuần nhưng phía Hàn Quốc 21 chuyến/tuần.
Bất cập quy định test nhanh
Theo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này nhận được nhiều ý kiến chính thức của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài liên quan đến các quy định về test nhanh trước khi lên máy bay và sau khi xuống máy bay, yêu cầu hãng hàng không thu phí test nhanh qua vé máy bay và hãng thực hiện thanh toán test nhanh với đơn vị y tế…
Cụ thể, Cathay Pacific, Turkish Airlines đề nghị Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thành lập điểm thu phí tại sân bay hoặc tìm bệnh viện có thể thiết lập kênh thu phí qua cổng thông tin điện tử trực tuyến như ở các sân bay khác do các hãng hàng không không thể hỗ trợ việc thu phí này.
Cũng khó khăn về việc thu hồi chi phí test nhanh, hãng Starlux cho biết đã phải ký xác nhận hóa đơn của bệnh viện yêu cầu thanh toán chi phí xét nghiệm nhanh cho hành khách vào ngày 1/1/2022, hóa đơn vẫn chưa được thanh toán do không có phê duyệt.
Quy định test nhanh đang gây những bất cập với khách nhập cảnh (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Malaysia Airlines cũng đề xuất hành khách thanh toán qua link trực tiếp với bệnh viện, hãng sẽ không ký hợp đồng với bệnh viện do hãng sẽ không chi trả khoản phí này.
Trong khi đó, Qatar Airways cho rằng việc thu phí xét nghiệm nhanh này như một khoản phụ phí trong vé gây phức tạp. Chính phủ của các hãng hàng không cần quy định đây là loại thuế mà Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) có thể cấp mã riêng, sau đó các hãng hàng không mới có thể đưa mã này vào vé bán cho hành khách nhập cảnh vào Việt Nam. Việc này sẽ mất tới 2 tháng để được thực hiện đầy đủ.
Đại diện Qatar Airways thông tin thêm, hãng đang phải thực hiện trả chi phí test nhanh của khách của bệnh viện quận 1, hãng không thu được chi phí này từ khách. Hãng kiến nghị áp dụng cách thu phí của sân bay Nội Bài (hành khách sẽ tự chi trả chi phí này khi nhập cảnh).
Phía Singapore Airlines đề nghị bỏ quy định test nhanh trước khi khởi hành và sau khi đến bằng cách giảm yêu cầu PCR từ 72 giờ hiện tại xuống 48 giờ trước khi nhập cảnh, điều này kết quả sẽ chính xác hơn.
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất quy định về xét nghiệm SARS- CoV-2 trước chuyến bay theo thông lệ chung là chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR như các quốc gia/vùng lãnh thổ cũng như Việt Nam đang áp dụng trong suốt thời gian qua, kể cả thời điểm xuất hiện chủng mới Delta.
Trong trường hợp vẫn duy trì test nhanh, Cục Hàng không kiến nghị thống nhất việc thu phí xét nghiệm nhanh tại sân bay, sẽ thu phí trực tiếp từ hành khách và chỉ xét nghiệm một lần đối với tổ bay nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam để chờ chuyến bay tiếp theo về nước.
Đề xuất Thủ tướng cho mở cửa đường bay quốc tế không cần hộ chiếu vaccine
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất mở lại đường bay quốc tế thường lệ ngay từ quý I/2022 đối với cả hành khách có hoặc không có hộ chiếu vaccine.
Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 8/11, Bộ GTVT cho biết, từ cuối tháng 3/2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19, toàn bộ các chuyến bay quốc tế đến và đi Việt Nam đều được cấp phép theo hình thức: Chiều từ Việt Nam đi được phép chở khách và hàng hóa, nhưng chiều vào Việt Nam chỉ được chở hàng và việc chở khách phải được cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.
Bộ GTVT cho rằng, việc nối lại bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không; đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh. Bộ GTVT đề xuất điều kiện để mở lại đường bay quốc tế như sau:
Hành khách nhập cảnh Việt Nam phải có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ, hành khách phải cài đặt và khai báo y tế điện tử, sàng lọc y tế tại cảng hàng không nơi đến...
Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho phép mở lại đường bay quốc tế (Ảnh: Tiến Tuấn).
Các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam được đề xuất tổ chức khai thác theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 - triển khai từ quý I/2022, tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế). Đối tượng là công dân Việt Nam và người nước ngoài. Thị trường khai thác là Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Úc.
Đây là các quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vaccine cao hơn Việt Nam, đã và đang thực hiện các chuyến bay "combo", chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế và là các thị trường hàng không quan trọng đối với các hãng hàng không Việt Nam. Tần suất khai thác 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Dự kiến, tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 12.000 người/tuần.
Trên cơ sở ý kiến của các địa phương liên quan về khả năng bố trí cơ sở cách ly, tiếp nhận hành khách, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam thực hiện công tác cấp phép bay theo quy định.
Hành khách phải tiêm đủ liều vaccine và thực hiện cách ly tập trung 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, hoặc F0 khỏi bệnh không quá 6 tháng, kèm theo xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định bao gồm chi phí phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly.
Đối với hành khách chưa tiêm đủ liều vaccine và thực hiện cách ly tập trung 14 ngày: Có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly tại cơ sở cách ly tập trung. Tuy nhiên, việc triển khai giai đoạn này phải đảm bảo phù hợp với khả năng phòng chống dịch Covid-19 trong nước cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ về công nhận hộ chiếu vaccine.
Hành khách bay quốc tế được đề xuất không bắt buộc điều kiện có hộ chiếu vaccine hay không (Ảnh: VNA).
Giai đoạn 2 - triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang hộ chiếu vaccine từ quý II/2022. Thị trường triển khai thực hiện theo nhu cầu của các hãng hàng không, tần suất 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.
Hành khách mang hộ chiếu vaccine và thực hiện tự cách ly tại nơi cư trú từ 3-7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hành khách chưa có hộ chiếu vaccine cách ly tập trung 14 ngày.
Giai đoạn 3 - khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu tùy thuộc vào diễn biến dịch và tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam và thế giới. Thị trường và tần suất khai thác sẽ do các hãng hàng không tự quyết định, triển khai từ quý III/2022.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ quyết định thời điểm cụ thể triển khai các giai đoạn thực hiện nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách trên cơ sở báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chuyến bay hành khách tự trả chi phí cách ly (combo) trong tình hình mới, các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại một số địa phương (Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam) và kết quả thực hiện của từng giai đoạn.
Mở lại đường bay quốc tế từ 1/1/2022: Vé máy bay giá rẻ có được giảm kịch sàn? Việc mở lại đường bay quốc tế đã được Chính phủ đồng ý áp dụng từ ngày 1/1/2022, tới các nước có hệ số an toàn phòng chống dịch Covid-19, các hãng hàng không đã sẵn sàng kế hoạch bay. Mở đường bay quốc tế kích cầu nền kinh tế Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Cục Hàng không Việt Nam...