Hơn 1,5 triệu đô la cho dự án phòng, chống tham nhũng
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa ký quyết định phê duyệt danh mục dự án “Tăng cường năng lực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và vai trò của các chủ thể ngoài khu vực nhà nước nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam” do UNDP tài trợ.
Ảnh minh họa.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng thông qua việc nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và tăng cường vai trò của các chủ thể ngoài khu vực nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. Theo quyết định, Cơ quan chủ quản thực hiện dự án là Thanh tra Chính phủ.
Các kết quả của dự án sẽ gồm: Báo cáo đánh giá quốc gia về thực thi Công ước UNCAC cho chu kỳ đánh giá thứ 2 từ năm 2015 được xây dựng; Hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng được sửa đổi theo hướng nâng cao mức độ tuân thủ Công ước; Cơ sở dữ liệu về chống tham nhũng được xây dựng và phục vụ theo dõi, đánh giá công tác phòng chống tham nhũng; Báo cáo nhận định thực trạng tham nhũng và đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng hàng năm được xây dựng; Diễn đàn đối thoại về phòng chống tham nhũng giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế được hỗ trợ; Hoạt động nhân rộng một số sáng kiến phòng chống tham nhũng có hiệu quả từ các chương trình “Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam” (VACI) 2009, VACI 2011, VACI 2013 liên quan tới hoạt động giám sát cộng đồng, vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông và các tổ chức xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng được triển khai; Hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát của các tổ chức xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng được nâng cao.
Thời gian thực hiện: 4 năm kể từ khi dự án được phê duyệt. Tổng kinh phí thực hiện Dự án: 1.562.426 USD, bao gồm: Vốn ODA viện trợ không hoàn lại: 1.478.000 USD (vốn đã được đảm bảo là 1.030.000 USD, vốn cần huy động thêm là 448.000 USD); Vốn đối ứng: 1.776.000.000 đồng (tương đương 84.426 USD).
Quyết định cũng quy định nguồn và cơ chế tài chính trong nước. Cụ thể, đối với vốn ODA cấp phát 100% từ ngân sách; Vốn đối ứng do cơ quan chủ quản tự bố trí theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Quyết định giao cụ thể cho Thanh tra Chính phủ phối hợp với Văn phòng UNDP tại Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng, phê duyệt, ký Kế hoạch hoạt động hàng năm và triển khai thực hiện Dự án theo quy định hiện hành, đồng thời tiếp tục vận động khoản tài trợ còn thiếu để bảo đảm hiệu quả cao nhất của Dự án.
Video đang HOT
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 874/QĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Trúc Dân
Theo_VnMedia
Nỗ lực phòng chống tội phạm rửa tiền
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tội phạm rửa tiền đã xuất hiện ở Việt Nam, thậm chí đã đến mức đáng lo ngại. Tuy nhiên, số vụ việc bị phát hiện, xử lý còn quá ít so với thực tế.
Số vụ việc bị phát hiện quá ít
Vừa qua, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự bắt giữ đối tượng Vũ Văn Lăng, trú tại phường Đằng Giang (Ngô Quyền, Hải Phòng), Giám đốc Công ty TNHH Giao dịch nhanh về tội kinh doanh trái phép. Thông qua việc kinh doanh tiền điện tử LR, Lăng đã "giúp" nhiều đối tượng chuyển "tiền bẩn" vào Việt Nam.
Thượng tá Phạm Văn Thống, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát kinh tế - Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho biết, tội phạm rửa tiền ở Việt Nam có thể thực hiện ở 2 dạng: Dạng thứ nhất là đối tượng phạm tội trong nước như lừa đảo, tham nhũng, mua bán ma túy, sau đó "hợp pháp hóa" số tiền phạm tội mà có bằng cách thực hiện các giao dịch như mua bán bất động sản, chuyển giao cho người khác. Dạng thứ 2, phổ biến hơn, đó là đối tượng phạm tội ở nước ngoài, sau đó chuyển "tiền bẩn" từ nước ngoài về Việt Nam để hợp pháp hóa, chuyển sang "tiền sạch".
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, chưa có đánh giá chính thức nào của cơ quan chức năng về tình trạng rửa tiền tại Việt Nam, nhưng nếu căn cứ vào số liệu của các cơ quan pháp luật, thì số vụ rửa tiền ở nước ta là quá ít. Đến nay, Việt Nam mới có một trường hợp rửa tiền được xử lý, bắt giữ, đó là vụ rửa tiền "ảo" LR từng gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua. Việc chỉ một vụ việc liên quan đến rửa tiền được phát hiện và xử lý sau hơn 8 năm thực hiện Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền của Chính phủ ra đời là rất phi thực tế.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, con số trên không phản ánh đúng thực tế tình trạng rửa tiền ở Việt Nam. Thực tế, ở Việt Nam, do thói quen sử dụng tiền mặt, tiền "bẩn" có thể được "rửa" qua rất nhiều con đường, như chứng khoán, bất động sản, đầu tư dự án..., chứ không phải chỉ qua ngân hàng. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngọc cũng thừa nhận, con số chỉ 1 - 2 vụ án liên quan đến rửa tiền được phát hiện là quá ít.
Tội phạm rửa tiền bị phát hiện còn quá ít (ảnh minh họa)
Khó xử lý tội rửa tiền
Một trong những lý do khiến số vụ việc rửa tiền được phát hiện ở nước ta quá ít là do khung pháp lý chậm được ban hành. Cụ thể, tuy Nghị định 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền của Chính phủ ra đời năm 2005, song mãi đến năm 2012, các chế tài xử phạt tội danh này mới có hiệu lực.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Ngọc, ở nhiều nước, người dân phải có trách nhiệm chứng minh khối tài sản là hợp pháp. Đó chính là căn cứ quan trọng chống rửa tiền. Trong khi đó, ở nước ta, người dân không có trách nhiệm chứng minh tài sản. Ngoài ra, theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thói quen thanh toán bằng tiền mặt của nước ta khiến tình trạng rửa tiền thực chất "sôi động" hơn rất nhiều so với con số báo cáo.
Ngay như trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, hai đối tượng Hùng Mỹ Phương và Nguyễn Thiên Lý ban đầu bị khởi tố về tội danh rửa tiền do có nguồn tiền không hợp pháp cho Huyền Như vay lãi suất cao. Tuy nhiên, VKSNDTC đã đề nghị chuyển đổi tội danh để xử lý hai đối tượng này với tội cho vay nặng lãi.
Trong thực tiễn xét xử của Việt Nam, khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản từ việc thực hiện tội phạm, và sau đó hợp pháp hóa hoặc sử dụng tài sản đã chiếm đoạt được vào các hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động kinh tế khác, thì thông thường người phạm tội chỉ bị truy tố về hành vi phạm tội nguồn mà không đồng thời bị truy tố theo Điều 251 BLHS (Tội rửa tiền) vì hình phạt đối với các tội phạm nguồn trong trường hợp này thường đã rất nghiêm khắc, trong nhiều trường hợp là hình phạt cao nhất - tử hình. Chẳng hạn như đối với đối tượng Nguyễn Phi Khanh trong vụ án liên quan đối tượng Lăng như đã nói ở trên, cơ quan CSĐT đã khởi tố đối tượng về tội trộm cắp tài sản (tội nguồn) nên sẽ không khởi tố đối tượng thêm tội rửa tiền.
Được biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố giai đoạn 2014 - 2020, trong đó hướng tới mục tiêu xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam nhằm đáp ứng tình hình thực tiễn, các quy định của pháp luật Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế; bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng; tăng cường sự ổn định, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nỗ lực của Chính phủ
Ngày 14/2/2014, Hội nghị toàn thể Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã kết luận về Việt Nam: FATF hoan nghênh những tiến triển đáng kể của Việt Nam trong việc tăng cường cơ chế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. FATF cũng ghi nhận Việt Nam đã thiết lập được khung pháp lý và cơ chế quản lý nhằm hoàn thành được những cam kết theo kế hoạch hành động giải quyết các thiếu hụt nghiêm trọng mà FATF xác định vào tháng 10/2010. Vì vậy, Việt Nam sẽ không còn là đối tượng giám sát của FATF theo quy trình giám sát liên tục về tính tuân thủ toàn cầu, về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) nhằm giải quyết toàn diện các thiếu hụt về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương của mình.
Như vậy, với quyết tâm chính trị và nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động mà Chính phủ Việt Nam cam kết với FATF, Việt Nam đã ra khỏi quy trình rà soát của FATF sau gần 4 năm nằm trong quy trình rà soát của tổ chức này.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (NHNN) đánh giá, việc Việt Nam được đưa ra khỏi Quy trình rà soát của ICRG/FATF có ý nghĩa rất quan trọng, tác động tích cực đối với các vấn đề chính trị, xã hội và đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Trong năm 2013, Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN Việt Nam đã nhận được hơn 700 báo cáo giao dịch đáng ngờ và căn cứ vào kết quả xử lý thông tin, báo cáo đã chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, để đảm bảo các đối tượng báo cáo tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, NHNN đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.
Song, do đây là loại hình tội phạm tương đối mới ở Việt Nam, nên chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc điều tra, truy tố, xét xử; trong khi đó loại tội phạm này thường dùng những phương thức, thủ đoạn, công nghệ hết sức tinh vi, phức tạp... Như vậy, để phát hiện và ngăn chặn tội phạm rửa tiền, Việt Nam còn phải làm rất nhiều việc. Trước hết, phải nhanh chóng đưa Luật Phòng, chống rửa tiền đi vào cuộc sống, từng bước chấm dứt thói quen thanh toán dùng tiền mặt, nâng cao trình độ chuyên sâu của lực lượng cảnh sát điều tra kinh tế. Bên cạnh đó, với những khoản tiền lớn, việc đưa ra những quy định bắt buộc người dân phải khai báo, chứng minh... cũng cần phải tính đến.
Theo Công lý
"Hiệp sĩ" dùng ô tô truy đuổi kẻ cướp Nhóm "hiệp sĩ" đang trên ô tô đi ăn tiệc về thì phát hiện tên cướp giật dây chuyền của một phụ nữ bên đường. Ngay lập tức "hiệp sĩ" cầm lái ô tô đã áp sát, ép xe tên cướp, buộc hắn phải bỏ xe máy, chạy bộ thoát thân. Chiếc xe máy tên cướp bỏ lại khi bị các "hiệp sĩ"...