Hơn 14.500 nhân viên y tế được huy động hỗ trợ chống dịch tại miền Nam
Từ đầu tháng 7 đến nay, Bộ Y tế, các địa phương, các bệnh viện, trường y dược, các viện đã huy động tổng cộng hơn 14.500 nhân viên y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Trong đó, Bộ Y tế cử gần 200 người là lãnh đạo Bộ và lãnh đạo, chuyên viên các Cục/Vụ/Viện. 35 tỉnh, thành phố cũng huy động gần 2.000 người tới TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu.
Về nhân lực khối các trường y dược, 12 trường huy động hơn 7.500 người tới TPHCM, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu. 27 bệnh viện trung ương huy động 2.731 người tới TPHCM, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp.
Bộ Y tế, các địa phương, các bệnh viện… đã huy động một lượng lớn nhân lực để hỗ trợ phòng chống dịch tại các tỉnh phía Nam.
Đồng thời, 10 bệnh viện trung ương thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực cũng huy động 1.246 người tới các Trung tâm Hồi sức tích cực tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long.
Số liệu này không bao gồm lực lượng y tế tại chỗ của các tỉnh, thành đang trực tiếp chống dịch.
Theo Bộ Y tế, trong số hàng ngàn cán bộ y tế tham gia chống dịch đợt 4 này có các bác sĩ, điều dưỡng, giảng viên, sinh viên từ các trường y, tình nguyện viên… Số còn lại là các nhân viên trợ giúp công tác hành chính, hậu cần, truy vết…, hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm và vận chuyển mẫu xét nghiệm…
Bên cạnh đó, 5 Giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương là Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế và Đại học Y Dược TPHCM được giao đảm đương kiêm nhiệm Giám đốc bệnh viện hồi sức Covid-19 TPHCM quy mô 1.000 giường và 4 Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ Y tế tại TPHCM với quy mô 500 giường/Trung tâm để điều trị bệnh nhân nặng.
Bên cạnh đó, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đảm đương kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp cứu người bệnh Covid-19 với quy mô gần 500 giường trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tại tỉnh Long An, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đang kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19; tại tỉnh Vĩnh Long là Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Cùng với hỗ trợ về nhân lực, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ vật tư, trang thiết bị như thành lập Kho dã chiến tại TPHCM để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ Thành phố và các tỉnh phía Nam.
Trong đợt dịch thứ 4 đến nay, Bộ Y tế đã quản lý, cấp phát gần 5.000 máy thở (trong đó có 4080 máy thở dòng cao HFNC), 191 máy xét nghiệm RT-PCR, 93 máy tách chiết, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu và hàng triệu test xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Virus âm thầm gây dựng thành luỹ kiểu "xôi đỗ": PGS Nguyễn Huy Nga chỉ ra điều thuận lợi khiến dịch dễ bùng phát
Virus SARS-CoV-2 đang âm thầm lây lan, âm thầm gây dựng thành lũy kiểu "xôi đỗ". Sự việc Covid-19 xâm nhập vào các bệnh viện như Bệnh viện Phổi Hà Nội đang gióng lên hồi chuông cảnh báo sự cô lập nơi điều trị bệnh nhân và gây khó cho các nhân viên y tế.
Video đang HOT
Virus đang âm thầm gây dựng thành lũy
Trong khi dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đang vào thời kỳ khó khăn nhất thì dịch tại Hà Nội cũng đang lấy đà tăng lên với hai con số mắc hàng ngày, có ngày đã lên tới 3 con số.
Đặc biệt, có nhiều ca xuất hiện tại cộng đồng được phát hiện nhờ khám sàng lọc hoặc có các triệu chứng sốt, ho và người bệnh tự đi khám. Đây là những dấu hiệu báo trước nguy cơ dịch bùng phát diện rộng nếu không kịp thời khống chế. Bất kỳ địa điểm nào trên thành phố cũng có nguy cơ và bất kỳ ai cũng có thể trở thành F0.
Virus SARS-CoV-2 đang âm thầm lây lan, âm thầm gây dựng thành lũy kiểu "xôi đỗ". Sự việc Covid-19 xâm nhập vào các bệnh viện như Bệnh viện Phổi Hà Nội đang gióng lên hồi chuông cảnh báo sự cô lập nơi điều trị bệnh nhân và gây khó cho các nhân viên y tế.
Trong tình hình hiện nay, nếu Hà Nội không kìm hãm được con số mắc dưới 100 trong ngày thì sẽ gặp khó khăn như Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, cũng có sự thuận lợi là thành phố đã kịp thời giãn cách sớm theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ. Vấn đề còn phụ thuộc vào ý thức của người dân và sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức chính quyền.
Dịch bệnh đang âm thầm tồn tại trong cộng đồng - Ảnh: Đồng Nguyên.
Thực tế giãn cách cũng chỉ giảm được sự lây lan dịch trong một thời gian. Hết giãn cách thì có thể dịch lại bùng phát tiếp tục vì mầm bệnh vẫn còn. Nếu giãn cách dài ngày liên tục thì sức chịu đựng của người dân, của nền kinh tế cũng gặp khó khăn, thậm chí sẽ rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".
Đặc biệt biến thể Delta (lần đầu tiên ghi nhận tại Ấn Độ) đang lưu hành hết sức nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh gấp nhiều lần chủng virus nguyên thuỷ. Khi có nhiều người mắc bệnh thì tỷ lệ tử vong tăng cao và hệ thống y tế rơi vào khủng hoảng.
Điều thuận lợi khiến dịch dễ bùng phát
Có nhiều yếu tố tạo điều kiện để dịch bùng phát ở Hà Nội, đó là mật độ dân cư đông đúc. Tại nhiều khu phố cổ, ngõ, hẻm, mọi người sinh sống gần nhau, ra vào gặp nhau ở khoảng cách gần, thường xuyên nói chuyện, trao đổi trước cửa nhà.
Những con phố nhỏ, hẻm nhỏ không khí lưu thông kém nên khi virus bắn ra trong các giọt nhỏ do ho, nói chuyện, khạc nhổ sẽ luẩn quẩn một lúc trong không khí hoặc bị gió cuốn từ nơi này sang nơi khác.
Vì là thủ đô nên nơi đây cũng có nhiều người dân nhập cư, lao động thời vụ, lao động tự do sống tại các khu nhà thuê chật chội, ngày đi lao động khắp nẻo, tối về giáp mặt nhau, ăn chung, ngủ chung.
Hà Nội cũng có nhiều chung cư với hàng ngàn người sinh sống, sảnh nhà, hành lang được điều hòa nhiệt độ, thang máy lúc nào cũng đông người lên xuống, tiếp xúc nhau thường xuyên. Nếu bị virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào thì có nguy cơ nhiều người bị nhiễm bệnh.
Hà Nội có nhiều chợ dân sinh, nhiều siêu thị, minimart được trang bị điều hòa nhiệt độ cũng có thể là nơi lý tưởng để lây lan virus.
Hà Nội tập trung nhiều khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi để dịch dễ bùng phát - Ảnh Quang Vinh.
Trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều cơ sở sản xuất, khu công nghiệp với hàng vạn công nhân làm việc, sinh sống trong điều kiện không gian hẹp tiếp xúc gần nhau. Người dân Hà Nội tuy có đa số có ý thức chống dịch, thực hiện nguyên tắc 5K nghiêm túc nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ có thái độ chủ quan, lơ là, không tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra đường, hoặc đeo không đúng cách, tụ tập đông người, không rửa tay bằng xà phòng, không khai báo y tế, chống đối người thi hành công vụ...
Thêm vào đó, Hà Nội là nơi giao lưu đi lại của cả nước, mầm bệnh thường xuyên có cơ hội xâm nhập qua đường hàng không, đường bộ, đường thuỷ. Tóm lại, Hà Nội có nguy cơ thường trực bùng phát dịch không khác gì thành phố Hồ Chí Minh.
Chế ngự virus, ngăn ngừa "bão Covid-19"
Để cơn bão dịch Covid-19 không ập đến bất ngờ thì thành phố Hà Nội phải rút kinh nghiệm từ các tỉnh phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh để chế ngự nó khi nó chưa tới quá gần.
Trước hết, thành phố phải có một kế hoạch chống dịch thật chi tiết, lường trước mọi tình huống xấu nhất. Thành phố cần có kế hoạch đáp ứng khẩn cấp cấp thành phố, quận có kế hoạch quy mô quận, phường, xã có kế hoạch quy mô phường, xã , tổ dân phố, thôn xóm có kế hoạch tổ dân phố dân phố, gia đình có kế hoạch của gia đình.
Đặc biệt thành phố phải quy hoạch cụ thể các nơi điều trị, cách ly tập trung các F1 không có điều kiện cách ly tại nhà, các ca bệnh có nguy cơ cao cần sự chăm sóc y tế, các ca bệnh nặng cần cấp cứu chăm sóc đặc biệt theo mô hình tháp 4 hoặc 5 tầng như thành phố Hồ Chí Minh đang làm.
Các bệnh viện dã chiến, trang thiết bị y tế , máy thở, nguồn oxy phải được dự trữ đủ cơ số theo các quy mô dịch bùng phát. Việc bố trí nhân lực cũng phải lên kế hoạch từ trước, kể cả các bệnh viện tư nhân, các bác sĩ, điều dưỡng đã về hưu, và tập huấn cho họ.
Việc tập huấn nên được tiến hành online, kể cả vào buổi tối với các cán bộ y tế chuyên ngành giàu kinh nghiệm. Khi cần thiết, có thể điều động các bệnh viện, nhân viên y tế theo kế hoạch định trước.
Các cán bộ y tế thuộc hệ thống tư nhân hay đã về hưu phải được thông báo trước nhiệm vụ cụ thể, vị trí, địa điểm làm việc khi dịch bùng phát. Phải coi các nhân viên y tế bệnh viện tư, phòng khám tư, cán bộ về hưu cũng là lực lượng quan trọng và cấp tốc tiêm phòng vắc xin cho họ.
Để tránh quá tải bệnh viện, giảm tử vong, thành phố cũng phải ưu tiên tiêm vaccine cấp tốc cho các đối tượng trên 65 tuổi, có bệnh nền.
Đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người trên 65 và bệnh lý nền để giảm tỷ lệ tử vong, ảnh Thái Bình.
Thành phố nên thành lập một Ban chỉ huy thường trực để điều phối thống nhất hoạt động đáp ứng chống dịch, kể cả cung cấp lương thực, thực phẩm, các khu điều trị. Bên cạnh ban chỉ huy phải có một ban cố vấn, trong đó bao gồm các chuyên gia có kinh nghiệm, có kiến thức về dịch tễ học và chống dịch từ các cơ quan, viện nghiên cứu đóng trên địa bàn thành phố để kịp thời tham mưu cho Ban chỉ huy và lãnh đạo thành phố...
Việc quản lý nguồn bệnh, phòng chống dịch trong cộng đồng cũng nên chuyển sang chiến lược mới. Nhà nào có điều kiện cách ly tại chỗ các ca F1, F0 nhẹ không có triệu chứng, ít nguy cơ thì cũng nên lên kế hoạch trước để cách ly. Y tế phường, xã phải có khảo sát và lên danh sách cụ thể. Gia đình nào không đủ điều kiện thì cũng có kế hoạch đưa đi tập trung.
Tại nơi cách ly tập trung các F1, nên sắp xếp mỗi người một phòng. Có thể trưng dụng các khu chung cư, khách sạn, nhà nghỉ, với điều kiện tiên quyết các F1 không được ở, sinh hoạt cùng nhau một phòng, không dùng chung nhà vệ sinh và được quản lý chặt chẽ.
Kinh nghiệm cho thấy rất nhiều F1 đã trở thành F0 tại các khu cách ly tập trung do không đảm bảo ngăn ngừa lây lan được. Việc xét nghiệm cũng nên giảm bớt xét nghiệm rộng, xét nghiệm bằng test nhanh tràn lan mà chỉ tập trung vào xét nghiệm trọng điểm để phát hiện F0.
Bài học từ Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng nếu giai đoạn đầu mà tập trung quá nhiều nguồn lực, nhân lực vào việc truy vết, xét nghiệm cách ly F1, F0 nhẹ thì khi dịch bùng phát diện rộng sẽ hụt hơi, thiếu nguồn lực, trang thiết bị, quần áo bảo hộ, hóa chất xét nghiệm, nhân lực mệt mỏi, kiệt quệ sức chiến đấu, nếu dịch kéo dài thì hệ thống y tế sẽ khủng hoảng trầm trọng
Tất cả các gia đình phải được cung cấp các số điện thoại cần thiết khi cần cấp cứu hoặc đưa đi cách ly tập trung. Chính quyền phường xã, tổ chức Đảng phải chịu trách nhiệm chống dịch tại địa phương mình, kể cả việc hướng dẫn mua bán, cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết khi cả khu vực bị phong tỏa hoặc giới nghiêm.
Tốt nhất là mọi gia đình đều được hướng dẫn chuẩn bị gì, xử trí thế nào khi đi cách ly tập trung và khi nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh. Những người bệnh mãn tính, bệnh nền tiến triển nặng phải chuẩn bị kế hoạch nhập viện khi bệnh kịch phát. Họ phải có điện thoại các bác sĩ điều trị của mình để có thể xin ý kiến tư vấn khi cần thiết.
Thành phố nên triển khai công nghệ quản lý dịch. Phân chia trên bản đồ thành phố thành các khu vực nguy cơ theo các màu xanh, vàng, đỏ tím để cảnh báo nguy cơ giống như bản đồ ô nhiễm không khí. Người dân chỉ cần vào mạng là biết nguy cơ dịch nơi mình đang ở là an toàn, có nguy cơ, nguy cơ cao, hay rất nguy hiểm.
Truyền thông là một thành tố quan trọng trong hệ thống phòng chống dịch của thành phố. Các thông tin về dịch bệnh, các biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh phải được cập nhật thường xuyên trên hệ thống truyền thông của thành phố.
Chính quyền nên có một người phát ngôn về dịch Covid-19 để kịp thời cung cấp thông tin chính thống và trả lời các câu hỏi cho các phóng viên, cho nhân dân. Cơ quan truyền thông phải có một bộ phận chuyên thu thập thông tin dịch Covid-19 ngoài nước, trong nước, kể cả những tin đồn trong cộng đồng để kịp thời xử lý.
Các chuyên gia xã hội học, tâm lý học cũng phải tham gia vào truyền thông để trấn an cộng đồng, ổn định tâm lý xã hội. Thành phố cũng phải có định hướng rõ cho cộng đồng, cho các doanh nghiệp, định hướng giãn cách, thời gian giãn cách trong tương lai, bao giờ thì ngừng giãn cách, hết giãn cách có giãn cách tiếp hay không.
Nếu quyết định giãn cách, phong toả, giới nghiêm được quyết định đột ngột thì người dân, doanh nghiệp không kịp trở tay để chuẩn bị ứng phó, có thể gây hoang mang, vỡ kế hoạch sinh sống, khám chữa bệnh, sản xuất của họ và hậu quả sẽ rất nặng nề.
Nếu kiềm chế tốt sự bùng phát dịch bệnh bằng giãn cách xã hội chặt chẽ, trong khi đó tranh thủ tiêm vắc xin cho toàn bộ nhân viên y tế, người trên 65 tuổi, có bệnh nền thì Hà Nội sẽ tận dụng được cơ hội chế ngự được "cơn bão" Covid-19 đang hoành hành khắp nơi. Thiệt hại của thành phố sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất.
Hàng trăm thầy thuốc Thủ đô tiếp tục đổ vào miền Nam chống dịch Sáng 19/8, 122 y bác sĩ BV Phụ sản Trung ương lên đường vào miền Nam hỗ trợ chống dịch Covid-19. BV Bạch Mai, BV Mắt Trung ương, Bệnh viện E... cũng tiếp tục chi viện các đoàn tiếp theo vào miền Nam. Sáng 19/8, 122 cán bộ viên chức Bệnh viện Phụ sản Trung ương xuất quân vào miền Nam chống dịch...