Hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén
Cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 14.000 thuê bao di động bị nghe lén, giám sát toàn bộ nội dung, tin nhắn, lịch sử cuộc gọi đi gọi đến…
Hình ảnh quảng cáo dịch vụ Ptracker của Công ty Việt Hồng trên mạng internet
Chiều 23.6, trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Tạ Văn Biên, Phó phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an TP.Hà Nội cho biết vào ngày 13.5 đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện Công ty Việt Hồng (110 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) đang cung cấp, cài đặt, duy trì khai thác 2 phần mềm là Ptracker và PtrackerERP. Đây là phần mềm có chức năng chạy ẩn trên điện thoại di động (ĐTDĐ); bí mật thu thập các dữ liệu trên ĐTDĐ bị giám sát và chuyển về máy chủ của Công ty Việt Hồng.
5 triệu để nghe lén “trọn đời”
Lãnh đạo Công ty Việt Hồng thừa nhận, vào tháng 6.2013, Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1974) là phó giám đốc công ty đã chủ động thuê kỹ sư lập trình phát triển từ phần mềm chấm công, xác định vị trí của nhân viên, nâng cấp thành phần mềm cài vào máy điện thoại sử dụng hệ điều hành Android. Khi hoàn thành, phần mềm giám sát được bán với giá 400.000 đồng/tháng, 3 tháng là 900.000 đồng, 6 tháng có giá 1,2 triệu đồng và 5 triệu đồng là giá để theo dõi một thuê bao trọn đời. Người sử dụng phần mềm có thể giám sát toàn bộ hoạt động của ĐTDĐ bị cài đặt phần mềm như xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, ghi âm môi trường xung quanh, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật (tắt) dịch vụ 3G/GPRS… Mục đích là cung cấp cho khách hàng các thông tin riêng của người khác để thu lợi bất chính.
Theo kết quả xác minh của đoàn thanh tra, với dịch vụ này Công ty Việt Hồng đã thu được trên 900 triệu đồng trong khoảng thời gian từ 9.2013 đến thời điểm thanh tra.
Theo Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội, thông qua việc tạo ra, cài đặt, phát tán, duy trì phần mềm Ptracker, Công ty Việt Hồng đã cố ý truy cập bất hợp pháp vào điện thoại của rất nhiều người, lấy cắp thông tin riêng để lưu giữ tại máy chủ; nhân viên kỹ thuật của công ty này có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu… Cơ quan chức năng đã phát hiện có tới 14.140 tài khoản từng cài phần mềm Ptracker, trong đó dữ liệu của 7.447 tài khoản vẫn còn được lưu tại máy chủ của Công ty Việt Hồng, 670 tài khoản vẫn đang còn trong thời gian bị giám sát.
Nghiêm trọng hơn, Công ty Việt Hồng đã cố ý làm mất khả năng nhận biết sự xuất hiện của phần mềm giám sát trong ĐTDĐ; biểu tượng của phần mềm được ngụy trang giống với biểu tượng mặc định của hệ điều hành; tên gọi phần mềm không sử dụng từ Ptracker mà dùng từ “Mapservices” khiến người dùng hiểu đây là phần mềm về bản đồ số…
Qua các kênh quảng bá, khách hàng muốn sử dụng Ptracker có thể tự cài đặt theo hướng dẫn hoặc tới công ty nhờ nhân viên kỹ thuật cài đặt. Khách hàng có nhu cầu được Công ty Việt Hồng cho dùng thử dịch vụ trong một ngày nhưng dù khách hàng có mua phần mềm hay không, ngay từ khi cài bản dùng thử, điện thoại bị cài phần mềm Ptracker đã chính thức bị chiếm quyền điều khiển, toàn bộ dữ liệu sẽ bị lấy và gửi lên máy chủ.
Một thiết bị nghe lén bán trên thị trường – Ảnh: Lê Nga
Video đang HOT
4 “công ty vệ sĩ” nghe lén điện thoại
Cùng ngày 13.5, đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra hành chính đột xuất đối với Lê Viết Tám (SN 1973, trú tại số 2309, H2, chung cư Bắc Hà, Tố Hữu, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) khi Tám đang thực hiện hành vi giao dịch mua bán, cài đặt phần mềm giám sát Mspy. Tại trụ sở công an, Tám khai đã tìm và sử dụng phần mềm giám sát ĐTDĐ trên trang web Omegaspy để theo dõi vợ. Từ 3.2012, Tám trở thành đại lý kinh doanh phần mềm Mspy trên mạng. Khách hàng có nhu cầu giám sát, sau khi liên hệ với Tám, sẽ được cấp tài khoản để theo dõi ĐTDĐ. Các thông tin mà Mspy có thể thu thập từ điện thoại bị giám sát gồm: tin nhắn và các cuộc gọi đi, đến; định vị điện thoại, ảnh, lịch sử truy cập web, danh bạ…
Qua kiểm tra tài khoản admin.mspy.biz của Tám, cơ quan chức năng xác định có 877 tài khoản người dùng Mspy, trong đó có 741 người dùng ở chế độ đang hoạt động. Theo các cán bộ điều tra, Tám khai nhận việc cài đặt phần mềm giám sát Mspy vào điện thoại tương đối đơn giản và không mất nhiều thời gian. Cụ thể, chỉ trong khoảng thời gian từ 3 – 5 phút, kẻ xấu có thể cài đặt thành công phần mềm giám sát Mspy trên máy điện thoại người mình muốn theo dõi.
Vẫn theo các cán bộ điều tra, trong vụ của Tám đã phát hiện được 4 “công ty vệ sĩ” sử dụng phần mềm giám sát Mspy để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Hiện cơ quan công an cũng đang khẩn trương lập hồ sơ điều tra làm rõ với 4 công ty này.
Thanh Niên đã từng có bài cảnh báo Báo Thanh Niên ngày 3.3.2014 từng có bài Giật mình với thiết bị nghe lén, phản ánh tình trạng mua bán từ thiết bị đến phần mềm công nghệ nghe lén tràn lan công khai khắp nơi, khiến chiếc ĐTDĐ thân thiết trở thành kẻ phản chủ, thông tin lưu trữ trên máy bị lọt ra ngoài, bí mật trong kinh doanh bỗng nhiên bị lộ… Tuy việc mua bán các phần mềm, thiết bị nghe lén là vi phạm pháp luật vì xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, đời tư, thậm chí xâm phạm đến an ninh quốc gia, nhưng trên thực tế chúng được bán công khai, có nơi còn thành lập cả công ty chỉ để cung cấp thiết bị nghe lén từ vài trăm đến vài triệu đồng mà không bị xử lý gì. Lê Nga
Có dấu hiệu hình sự Theo kết luận của Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội, việc Công ty Việt Hồng lập trình, cài đặt và phát tán phần mềm Ptracker để thực hiện thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại và lưu giữ tại máy chủ đã vi phạm khoản 2 điều 71 – luật Công nghệ thông tin. Việc ngăn chặn khả năng của người dùng điện thoại xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng phần mềm Ptracker cũng vi phạm khoản 4 điều 71 – luật CNTT; hành vi chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số vi phạm khoản 5 điều 71 – luật CNTT; hành vi làm mất an toàn, bí mật thông tin của người sử dụng điện thoại vi phạm điểm đ, khoản 2 điều 72 – luật CNTT. Ngoài ra, việc Công ty Việt Hồng quảng cáo trên trang web dịch vụ “theo dõi đối tượng” là dịch vụ cấm kinh doanh vi phạm khoản 1, điều 8 – luật Quảng cáo. Đối với vụ việc của Lê Viết Tám, hành vi của Tám có dấu hiệu vi phạm điều 224 bộ luật Hình sự về “tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số” và có dấu hiệu đồng phạm với những người đã thực hiện việc cài đặt phần mềm này vào điện thoại của người khác thuộc quy định tại điều 226a bộ luật Hình sự “Truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số của người khác”.
Theo TNO
Công an Hà Nội lên tiếng về thủ đoạn nghe lén điện thoại
Sự việc hơn 14.000 điện thoại tại Việt Nam bị cài phần mềm nghe lén vừa bị phát hiện đã gây xôn xao cho dư luận. Phần mềm nghe lén có thể xem rất nhiều thông tin nhạy cảm của người dùng, sau đó gửi về máy chủ của công ty vi phạm.
Ảnh minh họa
Mới đây đoàn thanh tra liên ngành gồm thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội; Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - PC50 (Công an Hà Nội) đã phát hiện Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (đường Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) kinh doanh phần mềm ptracker, giúp người dùng có thể xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật - tắt 3G/GPRS của điện thoại bị giám sát.
Thậm chí người sử dụng còn có thể ra lệnh điều khiển từ xa điện thoại bị cài ptracker bằng cách nhắn tin tới điện thoại này. Nghiêm trọng hơn, toàn bộ dữ liệu sau khi được lấy từ điện thoại bị cài phần mềm đã được gửi về máy chủ của Công ty Việt Hồng.
Tại đây, người của công ty có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó. Dù khách hàng có mua phần mềm hay chỉ cài bản dùng thử của phần mềm ptracker thì điện thoại đều bị chiếm quyền điều khiển. Nếu khách hàng nộp tiền cho Việt Hồng công ty này sẽ cấp tài khoản để khách hàng xem, khai thác nội dung dữ liệu đó trên máy chủ.
Theo PC50 - Công an Hà Nội, đã có trên 14.000 tài khoản bị cài phần mềm ptracker. Đến nay Công ty Việt Hồng đã thu lợi bất chính từ hoạt động phạm pháp này gần 1 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Thượng tá Tạ Văn Biên - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), công an TP Hà Nội.
Thượng tá Tạ Văn Biên - Phó Trưởng phòng PC50, công an TP Hà Nội.
Thưa Thượng tá, từ những vụ việc đã khám phá, ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của việc nghe lén này?
Tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây hoạt động ngày càng tinh vi phức tạp. Qua việc cài đặt phần mềm vào máy, đối tượng có thể khai thác những thông tin đến đời tư cá nhân, ví dụ như biết được các số máy trong danh bạ, kẻ xấu có thể sử dụng để giả mạo, lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức mượn danh...
Hoặc nạn nhân có thể sẽ bị lộ số tài khoản, mật khẩu cá nhân, lộ những thông tin bí mật về riêng tư, công việc... Đây là vấn đề liên quan đến xâm phạm đời tư của cá nhân, vi phạm pháp luật.
Nếu không phải là người thân bạn bè mà là người lạ, lọt vào tay tội phạm hoặc nếu những thông tin đó là của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn đến xã hội thì hậu quả xảy ra sẽ hết sức khôn lường.
Thủ đoạn nghe lén của loại tội phạm này thế nào, thưa ông?
Qua vụ việc phát hiện tại công ty Việt Hồng cho thấy, khi người dùng có nhu cầu nghe lén, theo dõi điện thoại của người khác, công ty này sẽ cài dùng thử 24 tiếng. Người dùng sẽ cầm máy điện thoại cần giám sát và tải theo địa chỉ trang web vhc.vn hoặc soạn tin nhắn với cú pháp đã mặc định để lấy link tải phần mềm về.
Sau khi cài đặt thành công, tất cả các dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi, gọi đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy bị giảm sát sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ của công ty Việt Hồng (đặt tại Việt Nam).
Người sử dụng theo dõi người khác sau đó chỉ cần đăng nhập vào tài khoản của công ty này là đã xem được tất cả thông tin điện thoại bị giám sát.
Phần mềm này cũng có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như: Ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh, bật tắt 3G/GPRS.
Phần mềm này chạy ngầm trong hệ điều hành của chiếc điện thoại nên người sử dụng sẽ không biết hoặc khó phát hiện được di động của mình đang bị theo dõi. Còn việc có phát hiện hay không thì phải do chủ thể người dùng, nếu họ có dùng phần mềm bảo vệ thì cũng có thể phát hiện được.
Ai có thể là nạn nhân của hoạt động nghe lén này? Ông có cảnh báo gì?
Nạn nhân của những vụ nghe lén là người sử dụng điện thoại smartphone bị cài đặt phần mềm theo dõi, nghe lén. Nếu không bị cài đặt phần mềm thì không bị theo dõi.
Tôi cho rằng, người dùng cần phải thận trọng khi có những nội dung tin nhắn có nội dung không mong muốn, với những tin nhắn mời cài đặt phần mềm mà không rõ ràng... Nâng cao ý thức sử dụng điện thoại của mình như kiểm soát phần mềm, cài đặt các phần mềm bảo vệ có uy tín, tránh người lạ tiếp xúc và sử dụng điện thoại cá nhân của mình...
Trước sự việc này, công an Hà Nội sẽ có phương án đấu tranh thế nào trong thời gian tới đây?
Sự việc không chỉ dừng lại ở những vụ việc đã phát hiện, tới đây Phòng PC50 công an Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện điều tra mở rộng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm đã bị phát hiện.
Phòng PC50, công an TP Hà Nội cũng sẵn sàng tiếp nhận những thông tin phản ánh từ các nạn nhân và người dân để phục vụ công tác điều tra, phá án.
Xin cảm ơn ông!
Theo VTC
Xóa sổ đường dây ma túy cực lớn ở Sài Gòn, bắt giữ 16 đối tượng Một đường dây buôn bán ma túy cực lớn có chân rết khắp địa bàn TPHCM vừa bị công an địa phương này xóa sổ, 16 đối tượng trong đường dây đã bị khởi tố bắt giam. Ngoài ra, công an đã thu giữ một lượng lớn ma túy tang vật. Ngày 5/6 Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý (PC47) công an...