Hơn 11.000 người chết vì nCoV toàn cầu
Số người chết do nCoV tăng vọt ở châu Âu, nâng số ca tử vong trên toàn cầu lên 11.357, trong số 274.413 ca nhiễm.
Covid-19 xuất hiện ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tây Ban Nha và Đức đã vượt qua Iran, trở thành vùng dịch lớn thứ ba và thứ tư thế giới sau Trung Quốc đại lục và Italy. Số ca tử vong ở châu Âu vượt 5.000.
Nhân viên y tế chuẩn bị thực hiện xét nghiệm tại Virginia, Mỹ ngày 20/3. Ảnh: AFP.
Italy, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 47.021 ca nhiễm và 4.032 người tử vong. Tỷ lệ tử vong là 8,5%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu 4,1%, chủ yếu do Italy có dân số già nhất châu Âu. Gần 99% người chết có bệnh lý nền.
Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 21.510 ca nhiễm, 1.093 ca tử vong, tăng lần lượt 3.433 và 262 ca so với một ngày trước đó.
Đức ghi nhận thêm 4.528 ca nhiễm và 24 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 19.848 và 68. Mặc dù là vùng dịch lớn thứ ba thế giới, tỷ lệ tử vong ở nước này chỉ 0,3%. Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân là Đức đã thực hiện xét nghiệm quy mô lớn, có nhiều giường chăm sóc đặc biệt (ICU) nhất châu Âu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe được nhà nước chi trả.
Video đang HOT
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục với 19.644 ca nhiễm và 1.433 ca tử vong. Người Iran đang kỷ niệm Nowruz (năm mới của người Ba Tư) với kỳ nghỉ lễ kéo dài hai tuần. Chính quyền đã kêu gọi công chúng tránh thăm gia đình hoặc ra ngoài trong dịp lễ năm nay nhưng hàng trăm phương tiện vẫn đổ ra khỏi Tehran tối 19/3.
Trung Quốc ngày thứ ba liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm nội địa, nhưng có tới 41 ca nhiễm “ngoại nhập”. Hàn Quốc chưa công bố số liệu hôm nay.
Tại Mỹ, thêm 5.087 ca nhiễm được xác định, nâng số ca nhiễm trên cả nước lên 18.876, trong đó 237 người chết. Một nhân viên trong văn phòng Phó Tổng thống Mike Pence, người đứng đầu công tác đối phó Covid-19, đã dương tính với nCoV.
Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 1.030 người nhiễm và ba người chết. Indonesia là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực, 32 ca trong số 369 người nhiễm. Bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp, 1.500 tín đồ Indonesia ngày 19/3 vẫn dự lễ sắc phong giám mục tại tỉnh Đông Nusa Tenggara, mặc dù giới chức đã yêu cầu hoãn sự kiện.
Tổng cộng, thế giới ghi nhận thêm 1.326 ca tử vong, phần lớn tại các nước châu Âu, đưa số người chết vì nCoV lên 11.357. 90.942 người, tức 33,1% số ca nhiễm, đã hồi phục. Papua New Guinea, Cabo Verde và Angola là những nước mới nhất ghi nhận dịch.
Bản đồ Covid-19 trên thế giới. Bấm vào hình để xem chi tiết.
Phương Vũ (Theo Reuters)
Xác định người nhiễm nCoV đầu tiên ở Trung Quốc
Dữ liệu chính phủ Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên là một người đàn ông 55 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc, khởi phát bệnh ngày 17/11/2019.
Từ người đầu tiên này, trong một tháng rưỡi cuối năm 2019, giới chức y tế xác định được ít nhất 266 bệnh nhân. Tất cả họ đều được theo dõi y tế.
Từ ngày 17/11/2019, mỗi ngày có 1-5 bệnh nhân mới, triệu chứng tương tự người đầu tiên. Đến ngày 17/12, tổng số ca tăng hàng ngày lên hai con số. Đến ngày 20/12, tổng số trường hợp bệnh được xác nhận lên tới 60. Khi ấy, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh.
Ngày 27/12, Zhang Jixian một bác sĩ của Bệnh viện Trung Tây Y tổng hợp tỉnh Hồ Bắc, đã báo cáo với các cơ quan y tế của Trung Quốc rằng căn bệnh này là "do một loại virus corona chủng mới gây ra". Lúc này đã có hơn 180 người mắc bệnh, nhiều y bác sĩ vẫn chưa nhận ra mức độ nghiêm trọng của bệnh này.
Đến ngày cuối cùng của năm 2019, số trường hợp được xác nhận đã tăng lên 266. Vào ngày đầu tiên của năm 2020, số ca nhiễm lên 381.
Giữa tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới công bố xác định nguyên nhân gây bệnh do chủng virus corona chưa từng biết đến, tạm gọi tên là nCoV. Một tháng sau WHO mới đặt tên cho dịch bệnh là Covid-19 và gọi virus chủng mới là SARS-CoV-2.
Đến nay các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm "bệnh nhân 0" để truy tìm nguồn gốc của nCoV. Virus mới được tạm cho lây từ động vật hoang dã, cụ thể là dơi, sang người.
Các nhà khoa học đã và đang cố gắng lập bản đồ mô hình truyền bệnh Covid-19 sớm kể từ khi dịch bệnh được báo cáo tại thành phố Vũ Hán. Hiểu cơ chế nCoV lây lan và xác định các ca bệnh chưa được phát hiện sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh.
Nhân viên y tế chụp ảnh tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Xương, Vũ Hán, sau khi các bệnh nhân cuối cùng xuất viện ngày 10/3, bệnh viện đóng cửa hoàn thành sứ mệnh. Ảnh: Chinadaily.
Ngày 12/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khẳng định nước này đã vượt qua đỉnh dịch Covid-19 do số ca nhiễm nCoV mới đang giảm nhanh. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tỉnh Hồ Bắc ghi nhận chỉ 8 ca nhiễm mới trong ngày. Một chuyên gia y tế hàng đầu của Trung Quốc dự báo thành phố Vũ Hán, tâm dịch Covid-19, có thể không còn ca nhiễm mới vào cuối tháng 3.
Đến sáng 13/3, Covid-19 lan ra 127 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 134.000 người nhiễm, gần 5.000 người chết. Các ca mới tập trung tại những điểm nóng ở châu Âu như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Đức...
Lê Cầm (Theo SCMP)
Theo vnexpress.net
Đại dịch Covid-19: 4 nước châu Âu lập kỷ lục số ca nhiễm mới Cả Italy, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đều ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục trong ngày 12/3. Hết ngày 12/3, 43 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu có người nhiễm Covid-19. Tổng số trường hợp mắc bệnh ở châu lục này là 25.690 người, trong đó 1.201 người chết. Italy vẫn là nước đứng đầu...