Hơn 1.000 người tham gia Hội thảo khoa học về Bánh mì Việt Nam
Sáng 11.10, Hội thảo khoa học quốc tế: “Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia” đã diễn ra tại TP.HCM.
Sáng 11.10, tại TP.HCM, Báo Thanh Niên và Hiệp hội siêu đầu bếp Việt Nam phối hợp cùng Trường ĐH Văn Lang, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn ( Saigontourist) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Hành trình bánh mì Việt Nam: Từ giao thoa văn hóa ẩm thực đến giá trị thương hiệu quốc gia”.
Hội thảo có sự tham gia của gần 1.000 người, từ các siêu đầu bếp uy tín, nổi tiếng trên thế giới cùng đội ngũ chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước, giảng viên và sinh viên của nhiều trường đại học. Ban tổ chức mong muốn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, thúc đẩy kích cầu du lịch thành phố.
TS Nguyễn Cao Trí phát biểu tại hội thảo sáng 11.10 . NGỌC DƯƠNG
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang – ngành du lịch có vai trò quan trọng, phục vụ nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và cũng là ngành còn có yếu tố hết sức quan trọng, đó là khơi gợi cảm xúc. Khi có cảm xúc, chúng ta làm cái gì cũng tốt đẹp. Góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực của thành phố nói riêng là thúc đẩy tăng trưởng các ngành dịch vụ đúng với tiêu chí là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước và TP.HCM.
Ngành du lịch sau Covid-19 có nhiều thay đổi, từ thói quen hành vi tiêu dùng của du khách đến các chuỗi cung ứng dịch vụ. Hiện nay, GRDP của du lịch chiếm khoảng 10 – 12% của TP.HCM, tỷ lệ này gấp đôi so với cả nước. Sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho du lịch hồi phục.
Hội thảo Hành trình bánh mì Việt Nam đang diễn ra sáng 11.10 . NGỌC DƯƠNG
Nói về bánh mì, đây là văn hóa ẩm thực hết sức đặc trưng với mỗi cá nhân Việt Nam. Chúng ta có thể tìm thấy bánh mì trên hè phố hay đến các bữa tiệc sang trọng và là một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Việt lẫn du khách quốc tế. Bánh mì dù có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng đã thể hiện sự tiếp nhận và cải biến ẩm thực của người Việt Nam. Đối với du khách, đến Việt Nam và thưởng thức bánh mì là sự cảm nhận một cách rõ nét văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Người Việt khi đi đâu xa cũng sẽ luôn nhớ về ẩm thực Việt Nam với món bánh mì…
Thay mặt Tập đoàn giáo dục Văn Lang, TS Nguyễn Cao Trí chúc hội thảo thành công và cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực bằng thành công từ sự kiện lần này và tiếp tục tôn vinh, cùng xác lập Ngày bánh mì Việt Nam là ngày 24.3 hàng năm.
Chàng trai cầm 2 triệu mở xe bánh mì ở TP.HCM: Nay thành CEO, bán... 1 triệu ổ/tháng
Đâu ai ngờ chàng sinh viên tên Hải ngày nào cầm 2 triệu tiền dành dụm mở xe bánh mì đi bán dạo ở TP.HCM, nay đã trở thành CEO của một thương hiệu bánh mì có tiếng với hơn 500 điểm bán hầu khắp cả nước, mỗi tháng bán gần... 1 triệu ổ.
Đó là câu chuyện của anh Hồ Đức Hải (30 tuổi), hiện là CEO thương hiệu bánh mì Má Hải "phủ sóng" hơn 40 tỉnh thành ở Việt Nam, khiến nhiều người vừa bất ngờ, vừa ngưỡng mộ.
Điều đặc biệt từ cái tên... Má Hải
Một buổi sáng Sài Gòn, tiệm bánh mì Má Hải trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (P.2, Q.Tân Bình) đều đặn từng lượt khách đến mua rồi đi. Trước cửa tiệm nổi bật với biển hiệu và chiếc xe màu cam rực rỡ, là chừng 3 - 4 nhân viên tất bật làm món cho khách, mùi chả cá được chiên tại chỗ phả ra, thơm nức mũi.
Sáng, bánh mì Má Hải đều đặn khách tới mua. Ảnh CAO AN BIÊN
Video đang HOT
Chả cá được chiên nóng hổi . Ảnh CAO AN BIÊN
Tôi đến đúng giờ như đã hẹn với anh Hải. Thấy tôi, vị giám đốc trẻ niềm nở tiếp đón, giới thiệu thêm với tôi về anh Đoàn Văn Minh Nhựt (29 tuổi, đồng sáng lập thương hiệu) và anh Vũ Thanh Giang (cố vấn chiến lược kinh doanh) của bánh mì Má Hải.
"Thời sinh viên, mình khó khăn, muốn kiếm thêm chút thu nhập để trang trải cho cuộc sống nên tôi quyết định bán bánh mì. Bánh mì là món ăn đại chúng, có thể ăn hằng ngày, làm bánh mì cũng không quá cầu kỳ nhưng hương vị lại ngon, dễ ăn"
CEO Hồ Đức Hải
Tôi bắt đầu câu chuyện của mình, bằng một thắc mắc nhỏ về cái tên "Má Hải": "Có phải nó được lấy cảm hứng từ mẹ anh?". Vừa nghe xong, ai cũng bật cười. Anh từ tốn lý giải về cái tên thương hiệu bánh mì đặc biệt của mình.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2013, khi chàng sinh viên Hồ Đức Hải của trường Đại học Kinh tế TP.HCM (nay là Đại học UEH) cầm 2 triệu đồng dành dụm mở xe bánh mì bán gần trường, trong sự ngỡ ngàng của gia đình, thầy cô và bè bạn.
Anh Hải (trái), anh Nhựt (giữa) và anh Giang đồng hành cùng nhau phát triển thương hiệu bánh mì . Ảnh NVCC
Mỗi ổ bánh mì giá 15.000 - 20.000 đồng . Ảnh CAO AN BIÊN
"Thời sinh viên, mình khó khăn, muốn kiếm thêm chút thu nhập để trang trải cho cuộc sống nên tôi quyết định bán bánh mì. Bánh mì là món ăn đại chúng, có thể ăn hằng ngày, làm bánh mì cũng không quá cầu kỳ nhưng hương vị lại ngon, dễ ăn", vị CEO nhớ lại.
Vốn là cán bộ Đoàn - Hội, anh Hải luôn chăm lo, hỗ trợ bạn bè chu đáo, tận tình. Cảm kích trước sự nhiệt tình và giúp đỡ của chàng trai, bạn bè đặt cho anh biệt danh "Má Hải", và cái tên đã gắn luôn với cuộc đời anh từ đó.
"Lúc mở xe bánh mì, tôi có tham khảo ý kiến bạn bè. Suy nghĩ mãi vẫn không thấy cái tên nào hay thì có một người bạn gợi ý, hay là lấy cái biệt danh "Má Hải" của tôi để đặt. Thấy ok nên tôi chốt luôn!", cũng từ đây, cái tên bánh mì Má Hải ra đời đầy ngẫu hứng và tình cờ.
Chàng sinh viên kinh tế ngày nào nay đã trở thành CEO thương hiệu bánh mì có tiếng . Ảnh NVCC
Nguyên liệu được anh Hải lấy từ Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi anh lớn lên . Ảnh NVCC,
Vốn là người con đầy tự hào của gia đình, nay lại đi bán bánh mì dạo khiến cha mẹ anh có phần không ưng ý. Song, anh Hải vẫn kiên trì với quyết định của mình, chỉ để có thêm "đồng ra đồng vào" xoay xở cuộc sống. Thầy cô, bạn bè thấy Hải bán bánh thì tò mò đến mua ủng hộ, ai cũng động viên là bánh mì ngon khiến anh lại càng có động lực.
"Đổi đời" nhờ bánh mì
Là người con của mảnh đất Nghệ - Tĩnh nắng gió, lớn lên ở Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Hải có nguồn chả cá tươi ngon từ quê nhà gửi lên. Đó cũng là lý do chàng trai quyết định bán bánh mì chả cá nóng, trong vô số những lựa chọn cân nhắc. Lúc đó, khách hàng của anh chủ yếu là thầy cô, bạn bè trong trường, mỗi ổ bánh mì bán ra chừng 10.000 đồng.
Sau vài tuần, có đủ vốn, anh đã mạnh dạn đầu tư đồng phục, mũ, tạp dề, găng tay... để tạo "thương hiệu" bắt mắt. Dịch vụ phục vụ tốt, đảm bảo vệ sinh, thương hiệu bánh mì Má Hải bước đầu nhận được rất nhiều "điểm cộng" từ khách hàng.
Theo anh Hải, bánh mì là món ăn đại chúng, tiêu biểu cho ẩm thực Việt, là món có thể ăn hằng ngày . Ảnh NVCC
Buôn bán có lời, 4 tháng sau, chàng sinh viên táo bạo mở thêm xe bánh mì thứ 2, thuê hẳn người để bán. Đến năm 2015, anh có cho riêng mình 4 xe bánh mì, nhưng lòng anh thì vẫn tin mình còn làm được những điều lớn lao hơn thế.
"Nhà tôi 3 đời làm bánh mì ở quê Châu Đốc (An Giang). Tuổi thơ của tôi là những ngày đi bán bánh mì cùng mẹ, ăn ngủ với bánh mì. Có lẽ vì thế mà tôi dành một tình cảm đặc biệt cho món bánh này và hợp tác cùng anh Hải phát triển thương hiệu"
Anh Nhựt
Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Hải, có lẽ, sau một bài đăng tìm cộng sự phát triển thương hiệu bánh mì ở một hội nhóm sinh viên trường. Cũng từ đây, qua lời giới thiệu của người bạn, anh Minh Nhựt (học sau anh Hải một khóa) bắt đầu đồng hành, và trở thành người đồng sáng lập thương hiệu bánh mì Má Hải. Để đi đến quyết định này, anh chàng đã táo bạo từ bỏ công việc ở một công ty đa quốc gia với mức lương lý tưởng.
Hiện Má Hải có 500 điểm bán ở Việt Nam . Ảnh NVCC
Đơn vị có nhà máy chế biến chả cá riêng . Ảnh CAO AN BIÊN
Nghe đến đây, anh Nhựt cũng tâm sự, rằng: "Nhà tôi 3 đời làm bánh mì ở quê Châu Đốc (An Giang). Tuổi thơ của tôi là những ngày đi bán bánh mì cùng mẹ, ăn ngủ với bánh mì. Có lẽ vì thế mà tôi dành một tình cảm đặc biệt cho món bánh này và hợp tác cùng anh Hải phát triển thương hiệu", anh nói.
Vượt qua vô số những bất đồng, những thử thách, 2 chàng trai trẻ sôi nổi và nhiệt huyết đã xây dựng được một thương hiệu bánh mì có chỗ đứng như ngày hôm nay. Bật mí với Thanh Niên, anh Nhựt cho biết hiện Má Hải có hơn 500 điểm bán bánh mì ở 40 tỉnh, thành, trong đó có 250 điểm bán ở hầu khắp các quận, huyện của TP.HCM. Trung bình mỗi tháng, thương hiệu bán được 1 triệu ổ bánh mì chả cá.
Đưa bánh mì Việt Nam vươn tầm thế giới
Anh Thanh Giang, người cố vấn chiến lược kinh doanh của bánh mì Má Hải thì tâm sự rằng, hiện mọi người đã và đang nỗ lực hàng ngày để thực hiện một giấc mơ lớn hơn, chính là đưa bánh mì Má Hải nói riêng, bánh mì Việt Nam nói chung đi khắp thế giới.
Hiện anh Hải có hàng trăm nhân viên . Ảnh CAO AN BIÊN
"Hiện Má Hải đã có mặt ở Campuchia, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc. Chủ yếu là du học sinh, Việt kiều nhượng quyền lại thương hiệu bánh mì của mình. Tuy nhiên, nguyên liệu vẫn được chung tôi gửi sang để đảm bảo được hương vị gốc và chất lượng", anh Giang nói thêm, và cho biết thương hiệu đã có kế hoạch phát triển thêm ở những thị trường lớn hơn trong thời gian tới.
Trưa trưa, chị Lê Thu Hoài (27 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) ghé mua bánh mì ở tiệm anh Hải. Vị khách tâm sự mình là khách "ruột" của tiệm nhiều năm nay, thích nhất bánh mì ở đây vì giá phải chăng và hợp khẩu vị.
"Bánh mì Má Hải không phải bánh mì ngon nhất tôi từng ăn, nhưng hương vị vừa miệng, giá cũng ổn áp ở Sài Gòn. Mỗi tuần chắc tôi cũng ghé mua 4 - 5 lần, có tuần ngày nào cũng ăn", chị cười nói.
Bánh mì ăn vừa miệng . Ảnh NVCC
Hiện tại, với mức giá từ 15.000 - 20.000 đồng, anh Hải cho biết bánh mì của mình có hương vị đặc trưng không giống với bất kỳ đâu. Đó là sự phối hợp giữa rau củ, chả cá tươi rói, nước xốt được nấu theo công thức đặc biệt.
"Chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như cải tiến công thức nấu, để làm nên ổ bánh mì phù hợp với khẩu vị của đại chúng, nhưng vẫn mang đặc trưng của Má Hải từ xưa đến nay", anh Hải nói thêm.
Với anh Hải và các cộng sự, bánh mì đã là một tình yêu lớn . Ảnh NVCC
Gần 10 năm gắn bó, bánh mì, với anh Hải, anh Nhựt đã trở thành tình yêu lớn trong cuộc đời. Họ tin rằng, một ngày không xa, với những cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ, bánh mì Má Hải, bánh mì Việt Nam, sẽ còn đi được thật xa trên hành trình chinh phục những thực khách khó tính nhất trong và ngoài nước.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM: Tài xế 'chặt chém' là tự hất chén cơm của mình Sau nhiều phản ánh về thái độ tài xế, chất lượng phục vụ của các hãng taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất, Tuổi Trẻ Online có trao đổi với ông Tạ Long Hỷ, chủ tịch Hiệp hội Taxi TP, về vấn đề này. Taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: LÊ PHAN - Trước các phản ánh của người dân...