Hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19 một ngày, Tây Ban Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp
“ Tây Ban Nha sẽ được đặt trong tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày tới để chống dịch Covid-19 tốt hơn”, Thủ tướng Tây Ban Nha – ông Pedro Sanchez, tuyên bố.
Ông Pedro Sanchez cho biết, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp chính quyền thực hiện thêm các biện pháp mạnh mẽ trên quy mô lớn để chống Covid-19.
“Chính phủ Tây Ban Nha sẽ bảo vệ tất cả các công dân của mình và đảm bảo các biện pháp thích hợp để ngăn chặn đại dịch với ít sự bất tiện cho người dân nhất có thể”, ông Sanchez phát biểu.
Cùng với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ Tây Ban Nha cũng cho đóng cửa tất cả trường học, rạp chiếu phim, khu vui chơi… trên phạm vi cả nước.
Tây Ban Nha có số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ 2 châu Âu, sau Italia. Tính đến đêm ngày 13.3 giờ Việt Nam, Tây Ban Nha đã ghi nhận 4.209 ca nhiễm Covid-19, tăng hơn 1.000 trường hợp so với ngày 12.3; trong đó, có ít nhất 120 người tử vong.
Thủ tướng Tây Ban Nha – ông Pedro Sanchez (ảnh: Straitstimes)
Ông Sanchez cho biết, số ca nhiễm Covid-19 tại Tây Ban Nha có thể tăng gấp đôi, lên tới 10.000 trường hợp vào đầu tuần tới. Thủ tướng Tây Ban Nha cũng kêu gọi người dân thực hiện trách nhiệm với đất nước và tự tin sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Thủ đô Madrid – trung tâm tài chính và hành chính của Tây Ban Nha, đã bắt đầu phong tỏa 4 thị trấn gồm Igualada, Vilanova del Cami, Santa Margarida de Montbui và Oneda. Tại các khu vực khác của Madrid, tất cả nhà hàng, quán bar… đều bị đóng cửa, chỉ siêu thị và hiệu thuốc được phép kinh doanh.
Ngày 13.3, trong bài phát biểu mới nhất của mình, Tổng giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết, châu Âu hiện đã là tâm điểm dịch Covid-19 của thế giới.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
Video đang HOT
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Theo danviet.vn
Dòng người vội vã rời châu Âu đến Mỹ
Những hành khách mệt mỏi đeo khẩu trang, vội vã lên các chuyến bay từ châu Âu tới Mỹ sau khi Trump ban lệnh cấm đi lại nhằm ngăn Covid-19.
Lệnh cấm đi lại trong vòng 30 ngày được Tổng thống Trump áp dụng với công dân của 26 quốc gia châu Âu, ngoại trừ Anh, Ireland và các công dân Mỹ. Quy định có hiệu lực từ nửa đêm 13/3.
"Nó đã gây ra một sự hoảng loạn lớn", Anna Grace, 20 tuổi, một sinh viên Mỹ đang trong chuyến du lịch châu Âu đầu tiên, nói. Cô đã phải đổi vé để bay từ sân bay Madrid, Tây Ban Nha, về nước, thay vì tiếp tục hành trình tới Pháp. Những người bạn của Grace kém may mắn hơn khi không đổi được chuyến bay.
Dù các công dân Mỹ được miễn trừ, Grace và nhiều người khác cho hay họ muốn về nước đề phòng trường hợp lệnh cấm được mở rộng do tình hình Covid-19 tại châu Âu diễn tiến xấu.
"Chúng tôi lo lắng mình sẽ không thể quay về nước", Jay Harrison, 29 tuổi, một người Mỹ chuẩn bị lên chuyến bay ở Brussels, Bỉ, nói. "Nếu kéo dài thêm 30 ngày nữa và chúng tôi mắc kẹt, tình hình sẽ rất khó khăn, rất tốn kém, quay về rất khó và ở lại cũng khó".
Hành khách xếp hàng trước quầy vé của hãng Delta tại sân bay quốc tế Charles de Gaulle, Paris, Pháp hôm 12/3. Ảnh: Reuters
Paola Mesa, 29 tuổi, người Tây Ban Nha, đang bay từ thành phố Barcelona đến San Francisco, cho biết cô ủng hộ lệnh cấm của Trump với châu Âu.
"Đó là những gì Tây Ban Nha lẽ ra nên làm từ trước", Mesa nói. Số người tử vong vì nCoV ở nước này hôm qua tăng gần gấp đôi lên 84 ca, số người nhiễm tăng lên gần 3.000 ca.
Trump cho biết ông phải hành động vì Liên minh châu Âu (EU) đã không có những biện pháp thích đáng để ngăn chặn virus. Trong khi đó, EU đã bác bỏ bình luận của Trump và chỉ trích phía Mỹ thiếu tham vấn trước khi đưa ra quyết định.
Nhiều người có chung quan điểm này.
"Thật nực cười. Tại sao chúng ta áp lệnh cấm khi virus đã xuất hiện ở Mỹ?" Leo Mota, 24 tuổi, người vừa từ Los Angeles đáp xuống sân bay quốc tế Charles de Gaulle, Paris, nói.
Miguel Paracuellos, một người Tây Ban Nha đang làm việc ở Mỹ, cũng cho rằng Trump đang cố gắng bù đắp thất bại của ông trong việc mở rộng xét nghiệm và sàng lọc bệnh nhân tại Mỹ.
"Ông ấy đang đổ lỗi cho một kẻ thù bên ngoài", trong trường hợp này là châu Âu", Paracuellos nói.
Jon Lindfors, một du khách Mỹ tại Paris, cũng không kém bất bình với Trump, người sẽ tái tranh cử vào tháng 11 tới.
"Trump nói đây không phải là một cuộc khủng hoảng y tế nhưng thực tế là như thế, rằng đây không phải là một cuộc chiến kinh tế nhưng thực tế đúng là vậy. Chúng tôi không tin những gì Trump nói nữa", Lindfors gay gắt.
Một hành khách tại sân bay Frankfurt, Đức ngày 12/3. Ảnh: Reuters
Một thành viên tổ bay của Delta cho hay lệnh cấm của Trump đã khiến hãng hàng không này không kịp trở tay.
"Đó sẽ là một mớ hỗn độn lớn. Chúng tôi không ngờ được điều gì như thế. Chúng tôi không có thông tin chi tiết để biết việc này ảnh hưởng gì đến mình và công ty", người này nói.
Tại sân bay Fiumicino vắng vẻ ở Rome, một du khách Italy vừa trở về từ New York cho rằng nước Mỹ sẽ sớm đối mặt với sự gián đoạn mà châu Âu đang trải qua.
"Tại New York, chỉ có vài chuyến bay bị huỷ hoặc hoãn. Họ chưa hiểu tình hình", Giuseppe Riccio đeo khẩu trang nói. "Các biện pháp kiểm soát dịch chưa được áp dụng, các cửa hàng vẫn đông nghẹt người".
Gregory và Ada Goldberg, một đôi vợ chồng ở San Francisco, đang xoay xở để đặt vé máy bay từ Barcelona, Tây Ban Nha về Mỹ nhưng không được trợ giúp nhiều ở sân bay.
"Kỳ nghỉ dài hai tuần của chúng tôi đã trở thành ác mộng", bà Ada, 69 tuổi, nói.
Anh Ngọc (Theo Reuters)
Theo vnexpress.net
Nhiều quan chức, chính trị gia nhiễm Covid-19 Chính trường nhiều nước trên thế giới cảm nhận rõ tác động của đại dịch Covid-19 khi hàng loạt chính trị gia nhiễm vi rút. Ảnh minh họa Mới nhất trong ngày 12.3, Bộ trưởng Bình đẳng Tây Ban Nha Irene Montero được xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Sau đó, chính phủ Tây Ban Nha ra thông...