Hơn 100 phút nước Mỹ bị tấn công 13 năm trước
Ngày 11/9/2001, 19 kẻ khủng bố thuộc nhóm Al Qaeda đã cướp 4 máy bay chở khách và tấn công tự sát vào một số địa điểm quan trọng của Mỹ khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Phi cơ mang số hiệu 175 của United Airlines đâm vào tầng 75 đến 85 của tòa tháp phía nam. Ảnh: Daily Mail
7h59: Chuyến bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines (AA) chở theo 92 hành khách và thành viên phi hành đoàn, cất cánh từ Sân bay Quốc tế Logan, thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ.
8h14: Chuyến bay mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines chở theo 65 hành khách và thành viên phi hành đoàn cũng thực hiện hành trình từ Sân bay Quốc tế Logan tới thành phố Los Angeles, Mỹ.
8h19: Những tiếp viên hàng không trên chiếc Boeing 767 của AA thông báo với bộ phận trên mặt đất rằng phi cơ bị tấn công. Hãng này ngay lập tức thông báo vụ việc cho Cục Điều tra Liên bang (FBI).
8h20: Chuyến bay mang số hiệu 77 của AA, thực hiện hành trình từ Sân bay Quốc tế Dulles (thuộc thủ đô Washington, D.C) đến thành phố Los Angeles, chở theo 64 hành khách và phi hành đoàn.
8h24: Mohammed Atta, một trong những kẻ khủng bố trên máy bay khi đó, vô tình truyền tín hiệu tới trạm kiểm soát không lưu.
8h40: Cơ quan Quản trị Hàng không Hoa Kỳ (FAA) báo cáo với Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian bắc Mỹ (NORAD) về nghi ngờ chuyến bay mang số hiệu 11 của AA bị cướp. Các nhà chức trách đã cố gắng xác định vị trí của phi cơ này trên bầu trời
8h41: Chuyến bay mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines, chở theo 44 người, khởi hành từ Sân bay Quốc tế Newark tới thành phố San Francisco.
8h46: Mohammed Atta và những tên không tặc khác trên chuyến bay số hiệu 11 của AA điều khiển phi cơ đâm vào tầng 93 đến 99 của tháp Bắc, thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, khiến tất cả những người trên máy bay và hàng trăm nạn nhân trong tòa nhà thiệt mạng.
8h47: Giới chức địa phương nhanh chóng tổ chức sơ tán và cứu hộ nạn nhân ở tháp Bắc WTC.
8h50: Andy Card, Chánh văn phòng Nhà Trắng, thông báo với Tổng thống George W.Bush về việc một chiếc máy bay đâm vào WTC. Khi đó, ông Bush đang tham dự một sự kiện giáo dục ở một trường tiểu học tại thành phố Sarasota, bang Florida.
9h02: Giới chức địa phương tổ chức sơ tán cả 2 tòa tháp của WTC. Khoảng 10.000 đến 14.000 người tham gia quá trình di tản.
Video đang HOT
Chuyến bay mang số hiệu 11 của AA chở theo 92 hành khách và thành viên phi hành đoàn, bao gồm cả những tên không tặc, cất cánh lúc 7h59 phút ngày 11/9/2001 đã đâm vào tháp Bắc WTC. Ảnh: Wikipedia
9h03: Phi cơ mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tầng 75 đến 85 của tòa tháp phía nam khiến tất cả những người trên máy bay và hàng trăm nạn nhân trong tòa nhà thiệt mạng.
9h08: FAA cấm mọi chuyến bay hoạt động trên không phận thành phố New York.
9h21: Giới chức địa phương ra lệnh phong tỏa tất cả các đường hầm và cầu trong phạm vi toàn thành phố.
9h24: FAA thông báo với NORAD về nghi ngờ chuyến bay 77 của AA bị cướp sau khi một số hành khách và thành viên phi hành đoàn liên lạc và nói với gia đình về những chuyện xảy ra trên máy bay.
9h31: Phát biểu từ bang Florida, Tổng thống Bush tuyên bố các sự kiện xảy ra ở thành phố New York là sự tấn công khủng bố vào nước Mỹ.
9h37: Chuyến bay mang số hiệu 77 của AA đâm vào mặt tiền phía tây của Lầu Năm Góc khiến toàn bộ những người trên máy bay và 125 người khác thiệt mạng, gồm 70 dân thường và 55 nhân viên quân sự.
9h42: Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Quản trị Hàng không Hoa Kỳ (FAA) ra lệnh đóng cửa tất cả các phi trường trên nước Mỹ. Mọi chuyến bay đều bị hoãn. Những chuyến bay đang thực hiện hành trình đều phải hạ cánh khẩn cấp.
9h45: Trước những tin đồn về các cuộc tấn công khác, cơ quan an ninh tổ chức sơ tán tại nhiều khu vực quan trọng như Nhà Trắng, Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở Liên Hiệp Quốc…
Dự đoán trùng hợp kinh ngạc về thảm họa 11/9
9h59: Tháp Nam WTC sụp đổ.
10h07: chuyến bay mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines rơi xuống một cánh đồng gần quận Shanksville, hạt Somerset, bang Pennsylvania khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng (bao gồm cả nhóm không tặc). Những gì ghi lại trong hộp đen cho thấy các hành khách trên máy bay đã cố gắng giành lại quyền kiểm soát từ tay bọn không tặc.
10h28: Tháp Bắc WTC sụp đổ sau 102 phút kể từ khi bị tấn công.
11h00: Thị trưởng Rudolph Giuliani kêu gọi cư dân ở khu vực Hạ Manhattan di tản và tiếp tục nỗ lực tìm kiếm người còn sống trong đống đổ nát tại WTC.
13h00: Từ một căn cứ không quân tại Louisiana, Tổng thống Bush tuyên bố quân đội Mỹ đang trong tình trạng báo động cao.
14h51: Hải quân Mỹ đưa tàu khu trục tên lửa đến thành phố New York và thủ đô Washington.
17h20: Tòa nhà số 7 của WTC, cao 47 tầng, sụp đổ sau 7h bị cháy nhưng không gây thương vong do tất cả mọi người trong tòa nhà đã được sơ tán vào buổi sáng.
18h58: Tổng thống Bush trở lại Nhà Trắng sau khi dừng lại tại căn cứ quân sự ở bang Louisiana và Nebraska.
19h45: Phát ngôn viên của Sở Cảnh sát thành phố New York cho biết, ít nhất 78 nhân viên cảnh sát mất tích và khoảng 300 lính cứu hỏa trong đội đầu tiên tiếp cận hiện trường đã tử nạn.
20h30: Tổng thống Bush nói chuyện trên truyền hình để trấn an công dân Mỹ. Ông gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân đồng thời tuyên bố sẽ truy lùng cũng như trừng trị những kẻ chủ mưu vụ khủng bố này, bất cứ ai hay quốc gia nào dung dưỡng chúng.
Theo Tri Thức
Nước Mỹ trước những nguy cơ mới 13 năm sau sự kiện 11/9
Al-Qaeda suy yếu, thủ lĩnh khét tiếng Bin Laden của tổ chức này bị tiêu diệt. Thế nhưng IS đã nổi lên còn nguy hiểm hơn al-Qaeda.
Ngày mai (11/9), nước Mỹ đánh dấu 13 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9. Gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố làm thế giới bàng hoàng đã khởi động cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do nước Mỹ dẫn đầu. 13 năm qua, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã đạt được nhiều bước tiến, trong đó có việc tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden.
Tấn công khủng bố 11/9
Tuy nhiên, giờ đây nước Mỹ lại tiếp tục "đau đầu" với một mối đe dọa khác là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuần trước, thủ lĩnh của al-Qaeda Ayman al-Zawahiri thông báo nhóm này có kế hoạch mở rộng phạm vi họat động sang Ấn Độ, Myanmar và Bangladesh. Mặc dù tuyên bố mở rộng hoạt động ra toàn cầu, nhưng các cơ sở của tổ chức khủng bố al-Qaeda đã bị phá hủy nhiều bởi chiến dịch chống khủng bố của Mỹ và các nước đồng minh. Al-Qaeda đã suy yếu sau sự kiện 11/9 với số lượng binh sĩ tham gia giảm và quỹ tài chính cạn kiệt. Người dân Mỹ tưởng chừng như thở phào nhẹ nhõm sau khi tiêu diệt được kẻ đứng đầu tổ chức al-Qaeda Osama Bin Laden vào năm 2011.
Tuy nhiên, giờ đây không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới lại đang đối mặt với một nguy cơ mới từ nhóm Nhà nước Hồi giáo mới nổi lên tại Iraq và Syria .
Nhận định về sức mạnh của nhóm "Nhà nước Hồi giáo", các chuyên gia phân tích của Viện nghiên cứu các chính sách ngoại giao Mỹ cho rằng, al-Qaeda hiện chỉ là nhóm cực đoan mạnh thứ 2 toàn cầu. Nhóm Nhà nước Hồi giáo đang dẫn đầu với số lượng binh lính tham gia và nguồn tài chính dồi dào.
Việc chiếm được khu vực rộng lớn nhiều dầu mỏ của Iraq đang củng cố thêm sức mạnh của nhóm phiến quân này.
Hussien Allawi- một quan chức của Bộ Dầu lửa Iraq cho biết: "Nhóm phiến quân này có thể thu về 2 triệu USD/ngày. Đây là một số tiền khổng lồ. Nhà nước Hồi giáo có thể sử dụng lợi thế này để mở rộng lực lượng. Những kẻ khủng bố có thể sử dụng tiền để chiến đấu chống lại người dân Iraq".
Không chỉ mạnh về tài chính, nhóm Nhà nước Hồi giáo cũng thu hút được cả những tay súng đã từng hoạt động trong lực lượng al-Qaeda và các công dân nước ngoài trong đó có Mỹ và phương Tây tham gia.
Vụ hành quyết hai nhà báo Mỹ gây chấn động toàn cầu cho thấy mức độ man rợ và nguy hiểm của nhóm phiến quân này.
Trong một cuộc khảo sát gần đây, 91% người Mỹ cho rằng, nhóm Nhà nước Hồi giáo là một mối đe dọa đối với lợi ích quan trọng của Mỹ , trong khi 47% cảm thấy nước Mỹ thiếu an toàn hơn so với thời điểm trước vụ khủng bố 11/9.
Các quan chức Mỹ hiện vẫn khẳng định, nhóm Nhà nước Hồi giáo hiện nay chưa có đủ sức mạnh để tiến hành một vụ tấn công tương tự như vụ 11/9. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Obama nhận thấy sự khẩn cấp phải chấm dứt hoạt động của nhóm vũ trang này.
Ông Obama nói: "Theo các thông tin tình báo, chúng tôi chưa thấy có bất cứ mối đe dọa hiện hữu nào đối với nước Mỹ từ nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên nếu tổ chức này tiếp tục mở rộng kiểm soát vùng lãnh thổ, chiếm thêm được nhiều nguồn tài nguyên, được vũ trang thêm và thu hút nhiều tay súng nước ngoài, bao gồm cả những khu vực như châu Âu- những người có visa và sau đó có thể sang Mỹ mà không gặp trở ngại, thì đó thực sự là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với nước Mỹ."
Trong thời gian qua, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã thúc đẩy kế hoạch xây dựng một chiến dịch quốc tế nhằm đối phó lại những tay súng Nhà nước Hồi giáo, bao gồm khả năng tiến hành một chiến dịch quân sự chung tại Iraq và Syria.
Trước thềm sự kiện nước Mỹ kỉ niệm 13 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9, Tổng thống Barack Obama cũng sẽ công bố kế hoạch một chiến dịch của Mỹ nhằm đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Theo một số nguồn tin, kế hoạch này sẽ bao gồm sự hợp tác với các đồng minh châu Âu, Trung Đông và một số nước khác.
Kế hoạch phát động cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo trên quy mô toàn cầu của Mỹ đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Từ lãnh đạo các quốc gia châu Âu đến các nước Arab đều tuyên bố sẵn sàng bên cạnh Mỹ trong cuộc chiến đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, với một tổ chức đang mạnh dần lên, hoạt động tinh vi phức tạp cùng nguồn tài chính ổn định báo hiệu cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ lần này sẽ vô cùng khó khăn và lâu dài./.
Theo VOV
"Ninja Rùa" bị ném đá vì gợi nhớ vụ khủng bố 11/9 Poster phim "Teenage Mutant Ninja Turtles" (Ninja Rùa) tại Úc bị cư dân mạng phản ứng vì hình ảnh quá nhạy cảm. Bộ phim Teenage Mutant Ninja Turtles (Ninja Rùa) hiện đang là đề tài tranh cãi của cư dân mạng sau khi tung ra poster mới nhất. Trên poster là 4 chú Ninja Rùa nhảy ra khỏi một tòa nhà chọc trời...