Hơn 100 ô tô chạy vào làn xe máy chưa bị xử lý, Cục CSGT nói gì?
Nhiều ô tô chạy vào làn xe máy bị camera ghi hình ở đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây nhưng CSGT không dễ để xử lý.
Chỉ có trường hợp trường hợp duy nhất xe Hoa Mai chạy vào làn đường xe máy bị xử lý
Thời gian gần đây có rất nhiều trường hợp xe ô tô chạy vào làn xe máy ở đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn nút giao Vành đai 2 đến nút giao An Phú, Q.2, TP.HCM). Rất nhiều trường hợp được camera ghi lại, tuy nhiên có ý kiến cho rằng Cục CSGT chưa xử lý nhanh và nghiêm các trường hợp này khiến dư luận bức xúc. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Đồng Thái Chiến – Phó phòng tuần tra kiểm soát, kiêm Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Đội 6), Cục CSGT (Bộ Công an), phụ trách tuần tra kiểm soát tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Không dễ xử phạt xe qua hình ảnh
Thưa Thượng tá, gần đây tình trạng xe ô tô chạy vào làn xe máy ở đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây diễn ra rất nhiều. Có ý kiến cho rằng lực lượng tuần tra của Cục CSGT chưa xử lý nghiêm và nhanh các trường hợp này, ông có ý kiến như thế nào?
Thượng tá Đồng Thái Chiến:Từ ngày 20/3, khi Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 tháo cục bê tông chắn ở lối đi của làn xe máy trên đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dâu Giây, tình trạng ô tô chạy vào này diễn ra khá nhiều.
Trong 2 tháng qua, Đội CSGT số 6 đã tuần tra và xử lý 59 trường hợp xe ô tô chạy vào làn xe máy. Trong các trường hợp này, chỉ có 1 trường hợp xử lý qua hình ảnh theo phản ánh của người dân ghi hình, đó là chiếc xe của Công ty Hoa Mai cố tình đi vào làn xe máy, những trường hợp còn lại đều do cán bộ CSGT tuần tra xử lý trực tiếp.
Khi có thông tin phản ánh, chúng tôi đã giao cho tổ tuần tra, khi phát hiện xe đó chạy trên tuyến, đã yêu cầu tài xế dừng xe lại và về làm việc. Hôm đó tài xế thừa nhận lỗi của mình cố ý chạy vào làn đường xe máy, nhưng giải thích là do hôm đó có hành khách trên xe bị đau bụng, đường kẹt nên chạy vào làn xe máy để đưa hành khách đến bệnh viện. Chúng tôi đã xác lập biên bản và xử phạt tài xế 1 triệu đồng, tạm giữ GPLX 2 tháng.
Camera Trung tâm hầm quản lý sông Sài Gòn ghi nhận nhiều xe ô tô chạy vào làn xe máy
Trung tâm quản lý hầm sông Sài Gòn cho biết hệ thống camera của họ ghi nhận đến 112 trường hợp ô tô chạy vào làn xe máy, những trường hợp đó có bị xử lý không?
Video đang HOT
Thượng tá Đồng Thái Chiến:Chúng tôi không nhận được những thông tin, hình ảnh nào từ Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn gửi qua cho Đội CSGT số 6 nên không có cơ sở để xử lý.
Việc xử lý qua hình ảnh camera của người dân ghi hình, cũng như hệ thống camera giám sát hiện nay có khó khăn gì không?
Thượng tá Đồng Thái Chiến:Theo thông tư 165 của Bộ Công an, việc xử lý qua hình ảnh phải được ghi nhận từ các trang thiết bị được Bộ Công an trang bị. Hiện nay, trên 55km tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây chưa có hệ thống camera giám sát của Bộ Công an mà chỉ có một số camera của VEC gắn để quan sát tình hình giao thông. Cũng tương tự, hệ thông camera của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn chỉ có chức năng quan sát chứ chưa có chức năng ghi nhận để xử phạt nên về mặt pháp lý là chưa đủ cơ sở, bởi đây không phải là thiết bị của Bộ Công an trang bị.
Trước đây, VEC cũng có chuyển một số hình ảnh xe chạy vào làn khẩn cấp, dừng đỗ trái phép. Chúng tôi liên lạc yêu cầu tài xế đến làm việc. Có nhiều trường hợp không đến, cũng có trường hợp chủ xe đến. Tuy nhiên, khi chủ xe đến làm việc thì nói rằng tài xế đã nghỉ việc nên không xác lập được biên bản ghi nhận vi phạm. Trong khi quy định của Luật chỉ cho xử lý hành vi điều khiển phương tiện vào đường cấm đối với tài xế chứ không xử phạt chủ xe.
Khu vực phía Nam hiện tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã được Bộ Công an lắp đặt hệ thống camera nên việc xử lý vi phạm rất thuận tiện. Chúng tôi đã kiến nghị và sắp tới Bộ Công an sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát để xử lý trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đồng thời cũng nên sửa quy định của Luật để gắn trách nhiệm của chủ xe trong tất cả các hành vi mà tài xế cố tình vi phạm.
Thượng tá Đồng Thái Chiến – Phó phòng tuần tra kiểm soát, Kiêm Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Đội 6), Cục CSGT (Bộ Công an)
Ngoài ra, trên tuyến cao tốc các tài xế thường vi phạm những lỗi gì?
Thượng tá Đồng Thái Chiến: Từ đầu năm đến nay các tổ đã phát hiện xử lý hơn 800 trường hợp vi phạm các loại như: chạy vào đường xe gắn máy, chạy ngược chiều, quá tốc độ, chạy vào làn khẩn cấp, dừng đỗ trên cao tốc. Trong đó riêng lỗi chạy quá tốc độ là 227 trường hợp. Hiện nay trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 55km nhưng Đội CSGT số 6 chỉ có 14 cán bộ chiến sĩ thường xuyên tổ chức các tổ tuần tra, điều này là rất khó khăn. Chúng tôi đang kiến nghị bổ sung thêm quân số, đồng thời lắp đặt hệ thống camera giám sát để phạt nguội, nhằm đảm bảo tính chính xác và đỡ mất thời gian.
Sở GTVT TP.HCM có kiến nghị Cục CSGT nghiên cứu bàn giao thẩm quyền tuần tra xử phạt xử lý vi phạm trên tuyến đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn từ đường Mai Chí Thọ đến đường Võ Chí Công) về cho Công an TP.HCM thực hiện để chủ động, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Thượng tá Đồng Thái Chiến: TheoThông tư 01/2016/TT-BCA ngày 4/1/2016 của Bộ Công an, quy định nhiệm vụ, quyền hạn trong việc tuần tra kiểm soát giao thông, thì lực lượng tuần tra của Cục CSGT đảm trách trên các tuyến cao tốc và đường dẫn. Phòng CSGT các tỉnh đảm trách tuần tra kiểm soát giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Công an cấp huyện là các tuyến huyện lộ.
Nếu TP.HCM có đề nghị giao 4km đầu tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cho Thành phố quản lý, tổ chức tuần tra kiểm soát thì UBND Thành phố phải có văn bản gửi Bộ Công an, còn phía Cục CSGT không có đủ thẩm quyền.
Xin cảm ơn Thượng tá!
Theo Baogiaothong
Nguy cơ tai nạn từ gờ giảm tốc, vật cản tự xây
Cọc tiêu mềm, thùng phuy, panô... đặt không đúng quy định được coi là vật cản trở giao thông.
Sau vụ tai nạn trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Sở GTVT TP.HCM đã cho tháo dỡ các đốt dải phân cách bê tông đặt giữa làn xe máy, cho đặt thêm cọc tiêu.
Nguy hiểm từ cọc tiêu vận dụng
Cụ thể, Sở GTVT cho gắn thêm số cọc tiêu mềm tại hai điểm cuối cầu vượt đường Võ Chí Công và cầu vượt đường Đỗ Xuân Hợp từ sáu lên chín cọc trên chiều dài khoảng 10 m của làn xe máy. Tuy nhiên, hàng cọc tiêu này đang gây băn khoăn về tính pháp lý và quan ngại về an toàn cho xe máy lưu thông.
Theo ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 thuộc Sở GTVT TP.HCM, bề rộng của làn xe máy trên đường dẫn cao tốc là 3 m. Bề rộng chân đế của đốt bê tông làm dải phân cách trước đây là 0,5 m. Khi đặt các đốt bê tông này để ngăn ô tô đi vào làn xe máy thì bề rộng của làn xe máy được chia hai, chỉ còn khoảng 1,25 m/làn. Nay chỉ còn hàng cọc tiêu có đường kính chân đế 30 cm thì mỗi làn xe máy cũng là 1,35 m.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, cho biết theo các tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ, đến nay chưa có quy chuẩn về chiều rộng của làn xe máy mà chỉ có quy chuẩn của làn xe đạp là 1,5 m. "Do đó việc lắp đặt hàng cọc tiêu chia nhỏ làn xe máy làm hai chỉ còn 1,35 m là cách vận dụng trong tình thế ngăn ô tô đi vào" - ông Đường nói.
Theo một chuyên gia về hạ tầng giao thông, hàng cọc tiêu gắn chết giữa làn xe máy không có trong quy chuẩn giao thông đường bộ nên nó phải được xem là vật cản trở giao thông. Các cọc tiêu mềm dù được sơn phản quang màu vàng trắng nhằm cảnh báo và dễ nhận diện vào ban đêm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Vì phần đế cứng của cọc tiêu được bắt chết bằng bulông vào nền đường nên khi xe máy đâm va vào rất dễ dẫn tới ngã cả người và xe ra đường.
Hàng cọc tiêu trên cầu vượt Đỗ Xuân Hợp lên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được tăng từ sáu lên chín cọc, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Ảnh: LƯU ĐỨC. Gờ giảm tốc trên hẻm 816/64/20 Tô Ngọc Vân, khu phố 5, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Gờ giảm tốc, trụ xi măng tự xây nằm giữa đường
Không chỉ các đốt phân cách, cọc tiêu trên đường đặt không đúng quy định gây nguy hiểm, các vật chắn tự phát trên đường trong các khu dân cư cũng gây nguy hiểm cho người đi đường.
Trong các khu dân cư hiện nay rất phổ biến việc người dân tự xây các trụ bê tông, gờ giảm tốc, đặt thùng phuy, panô cảnh báo... giữa đường để ngăn ô tô vào hoặc cảnh báo giảm tốc độ. Nhất là những chiếc gờ giảm tốc được xây tùy tiện, không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên nhiều cái đã có tác dụng ngược, gây tai nạn cho người đi đường.
Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, những con hẻm trong khu phố 5 thuộc phường Thạnh Xuân, quận 12 có lẽ là nơi tập trung nhiều gờ giảm tốc nhất, đi một đoạn khoảng 100 m mà đã có tới 3-4 gờ giảm tốc, có những cái được đắp lên rất cao. Đặc biệt tại con hẻm 373 khu phố 5, đường Hà Huy Giáp, quận 12, ngay giữa hẻm án ngữ một trụ bê tông lớn, tiềm ẩn tai nạn giao thông khi lưu thông vào hẻm này.
Anh Hoàng Văn Đại nhà gần đó cho hay: "Nhiều hôm đi chơi về khuya, đi ngang qua đây đã không ít lần tôi bị giật mình vì cái trụ bê tông này, nhiều lần còn suýt tông trúng. Người nào không phải ở khu vực này, không quen địa bàn nơi đây đi vào rất nguy hiểm".
Nói về sự tồn tại của những chiếc gờ giảm tốc và cột trụ bê tông giữa hẻm, anh Mai Xuân Thắng, trưởng khu phố 5, cho biết trước đây có nhiều thanh niên phóng nhanh vượt ẩu trong hẻm rất nguy hiểm nên mọi người đã đắp lên chiếc gờ để hạn chế tình trạng trên. Còn cái trụ bê tông thì con hẻm đó là đường đi nội bộ, không phải đất công. Ông chủ đất đã tự bỏ một phần đất của mình mở đường để đi, vì không muốn cho xe trọng tải lớn đi vào nên ông này đã dựng lên cái trụ bê tông.
Một trường hợp khác, theo ghi nhận trên con hẻm 382 Phan Văn Trị (phường 5, quận Gò Vấp) xuất hiện một gờ giảm tốc cao khoảng 10 cm, rộng trên 20 cm. Gờ được đắp cao trong khi lại không được sơn phản quang để cảnh báo rất dễ gây tai nạn và hư hỏng phương tiện.
Theo ông Lê Hồng Việt Phó Chánh thanh tra Sở GTVT, các vật chắn tự phát trên đường trong các khu dân cư được đặt không đúng quy định cũng được coi là vật cản trở giao thông. Chúng không được sơn phản quang, không theo quy chuẩn nên rất nguy hiểm cho người, xe đi qua, nhất là vào ban đêm.
Đặt vật cản không đúng quy định, phải tự chịu trách nhiệm
Ông Ngô Hải Đường cho biết hiện tại nhiều khu vực thi công công trình trên đường bộ, chủ đầu tư, đơn vị thi công cho đặt các loại biển báo, rào chắn, vật cản không theo đúng quy định. "Trên nguyên tắc, chủ đầu tư các con đường trong khu dân cư, tổ dân phố hoặc đơn vị thi công đặt thùng phuy, panô, biển báo, rào chắn... không đúng quy định phải chịu trách nhiệm khi có sự cố, tai nạn giao thông do các vật cản trên" - ông Đường nói.
LƯU ĐỨC - HỮU ĐĂNG
Theo PL
Đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa bão, TP.HCM chỉ đạo gì? Sở GTVT TP.HCM đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường rà soát, bảo dưỡng các công trình giao thông, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân trong mùa mưa bão năm nay. Sở GTVT TP.HCM chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường rà soát, bảo dưỡng các công trình giao thông, đảm bảo an toàn...