Hơn 10 triệu dân sẽ giám sát dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng, chất lượng công trình chống ngập là yếu tố quan trọng không thể lơ là và hơn 10 triệu người dân TPHCM sẽ cùng giám sát.
Chiều 4/10, lãnh đạo UBND TPHCM và các sở, ngành đã đi kiểm tra thực tế tiến độ triển khai các hạng mục của dự án “giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)”. Dự án do Công ty cổ phần xây dựng Trung Nam đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được khởi công ngày 26/6.
Lãnh đạo TPHCM thị sát công trường cống kiểm soát triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè)
Nhiều cống kiểm soát triều vướng công trình ngầm
Đại diện nhà đầu tư, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết hiện đã đồng loạt triển khai toàn bộ 6 cống kiểm soát triều, 2 cống nhỏ và 7,8 km đê kè thuộc huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, do vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật và vấn để giải phóng mặt bằng nên làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
“Trước đây nhà đầu tư cam kết hoàn thành dự án trong 24 tháng nhưng với điều kiện là phải đồng bộ trong vấn đề bàn giao mặt bằng”, ông Tiến nói.
Ông Tiến đề nghị TP chỉ đạo các đơn vị khẩn trương di dời các công trình ngầm (hệ thống cáp điện, cấp thoát nước, cáp quang…) trong phạm vi 3 dự án cống kiểm soát triều Phú Định, Tân Thuận, Bến Nghé để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
6 cống kiểm soát triều được triển khai thi công đồng loạt
Video đang HOT
Nhà đầu tư cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP làm việc với Khu quản lý liên hợp xử lý chất thải TP để sớm giao phần diện tích đất mở đường (dài 2,1km, rộng 3m) vào thi công dự án cống kiểm soát triều Cây Khô (huyện Bình Chánh). Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND TP ban hành kế hoạch và cơ chế phối hợp về giải quyết nhanh vấn đề giải phóng mặt bằng cho dự án. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đề nghị quận 7, huyện Nhà Bè hỗ trợ vận động các doanh nghiệp có đất dọc các tuyến đê kè đồng ý giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công trước.
Trước kiến nghị của nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho biết tinh thần của TP là tạo điều kiện tốt nhất và tháo gỡ các khó khăn cho nhà đầu tư để thuận lợi triển khai dự án. Ông Khoa cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với nhà đầu tư để giải quyết các vấn đề vướng mắc, đặc biệt là mặt bằng thi công.
“Đối với các khu vực chưa đảm bảo đủ tính pháp lý buộc người dân phải di dời bàn giao mặt bằng thì phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động – đây là phương án tối ưu”, ông Khoa nói.
Về vấn đề vướng mắc các bến đậu dọc tuyến đê kè, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết trong quá trình thi công dự án cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống tốt hơn, kinh doanh thuận lợi. Dọc tuyến đê kè cần suy nghĩ bố trí một số bến neo đậu để người dân đi lại, thậm chí là giao thương hàng hóa.
“Ngoài ra, đề nghị địa phương quản lý bờ kè mới cho tốt không để bị lấn chiếm. Trước mắt, một số vị trí bến đậu trong phạm vi thi công dự án thì chắc chắn không thể kinh doanh được nên phải giải thích cho người dân rõ. Và cũng nói rõ cho người dân đến tháng 12 này là hết thời hạn thì TP sẽ không cấp giấy phép lại, để người dân hiểu và chia sẻ”, ông Hoan nói.
Chất lượng công trình chống ngập là hàng đầu
Tại buổi làm việc, ông Khoa cũng lưu ý chủ đầu tư phải ý thức được trách nhiệm và tầm vai trò của dự án chống ngập do triều đối với TP. “Bên cạnh đảm bảo tiến độ thì chất lượng công trình là yếu tố quan trọng không thể lơ là. Ngoài các cơ quan chức năng, đơn vị giám sát thì còn có hơn 10 triệu dân của TP sẽ cùng giám sát chất lượng công trình. Trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn lao động cũng như an toàn cho phương tiện qua lại”, ông Khoa nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thị sát các hạng mục công trình thuộc dự án giảm ngập do triều trị giá gần 10.000 tỷ đồng của TP
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, yêu cầu chống ngập cho TP là hết sức cấp bách. TP ngập do mưa và cả triều cường nên giải quyết ngập phải hết sức đồng bộ.
Ông Phong đề nghị phải tạo cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành và nhà đầu tư để dự án triển khai thuận lợi.
“Thực tế cho thấy việc chống ngập hay phát triển hạ tầng nói chung không đồng bộ thì sẽ tác động rất lớn đến hiệu quả công việc. Tôi cũng đề nghị các địa phương cần làm tốt công tác vận động hộ dân trong vùng di dời để dự án triển khai sớm. Di dời không nhiều nhưng làm không tốt thì sẽ kéo chậm tiến độ triển khai dự án”.
Quốc Anh
Theo Dantri
Vì sao Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông "đội" vốn, "lụt" tiến độ?
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bị "lụt" tiến độ vận hành và vừa phải vay thêm vốn của Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án bị chậm vì Việt Nam đang tiến hành thẩm định giá gói thầu thiết bị, dự án bị "đội" vốn là do trượt giá.
Tại cuộc họp báo quý III/2016 diễn ra chiều 29/9, trả lời PV Dân trí về các vấn đề của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, Dự án Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu là 550 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức EPC.
Với hình thức đầu tư này, Trung Quốc và Việt Nam có những điểm khác nhau. Cụ thể, theo quy định của Trung Quốc thì Việt Nam là nước hưởng ưu đãi và có trách nhiệm kiểm tra công nghệ của dự án, tuy nhiên theo quy định của Việt Nam thì Việt Nam kiểm soát cả về vấn đề thiết kế, dự toán trước khi Trung Quốc triển khai thực hiện. Vì có những khác biệt nên các vấn đề phải thực hiện theo Hiệp định vay vốn.
Theo Thứ trưởng Trường, do có biến động giá rất lớn về mọi mặt dẫn đến trượt giá nên năm 2013 Tổng thầu Trung Quốc đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trên cơ sở tính toán, Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc thống nhất bổ sung thêm 250,62 triệu USD.
"Số vốn 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án đã được thống nhất xong từ cách đây 3 năm, mới đây nhân chuyến thăm của Thủ tướng sang Trung Quốc làm việc nên hai bên thực hiện ký kết để lấy vốn cho dự án, chứ không phải là vốn tăng thêm và vay mới" - Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành xây lắp vào cuối năm 2016, đến cuối năm 2017 mới có thể đưa vào khai thác thương mại (ảnh: Hà Trang)
Đối với tiến độ Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trước đó Bộ GTVT khẳng định hoàn thành dự án và đưa vào vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2016, nhưng mới đây Bộ GTVT lại cho biết phải "giãn" sang năm 2017 và nếu "thuận buồn xuôi gió" thì mới hoàn thành được.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng tiến độ dự án hoàn toàn dựa trên công nghệ và phương thức thi công của Trung Quốc, Bộ GTVT giao cho Ban Quản lý Dự án Đường sắt (đơn vị có nhiều kinh nghiệm) làm đại diện chủ đầu tư. Từ năm 2013 đến nay dự án có nhiều tiến triển tốt về tiến độ.
"Trong quá trình làm việc với Trung Quốc vẫn quyết tâm hoàn thành phần xây lắp vào cuối năm 2016, tiến độ này có thể đáp ứng được" - Thứ trưởng Trường cho hay.
Lí do phải "giãn" tiến độ sang năm 2017 theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GTVT là vì đang trong quá trình thẩm định gói thầu về thiết bị cho dự án, gồm: Thiết bị đoàn tàu, đường ray, nhà điều hành, nhà xưởng...
"Gói thầu thiết bị chúng tôi đang đàm phán khoảng 200 triệu USD nhằm đảm bảo có được công nghệ mới nhất cho Dự án, đáp ứng được tự động hóa và giá thành. Bộ GTVT đã mời đơn vị của Bộ Tài chính tham gia thẩm định giá. Chậm là do Việt Nam đang tiến hành thẩm định, phía Trung Quốc cũng mong muốn Việt Nam sớm hoàn thành công tác thẩm định để họ thực hiện ký kết" - Thứ trưởng Trường khẳng định.
Theo dự kiến, đến cuối năm 2016 dự án sẽ hoàn thành xây lắp, hết quý 1/2017 mới có thể thực hiện xong các thiết bị, hạ tầng và sau đó sẽ vận hành thử trong 3 tháng và đến cuối tháng 9/2017 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới có thể khai thác thương mại.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, hiện nay sự hợp tác của Trung Quốc là rất tích cực, đây là dự án đầu tiên hoạt động tại Thủ đô, mang tính biểu tượng nên sẽ cố gắng hoàn thành và đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ Nông nghiệp: Không có hải sản "vùng cấm" bị bán ra thị trường Bộ NN&PTNT khẳng định hiện nay trên thị trường không có hải sản sống ở tầng đáy trong phạm vi dưới 20 hải lý tại vùng biển ô nhiễm của 4 tỉnh miền Trung, do đó người dân có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng hải sản. Bộ NN&PTNT khẳng định không có hải sản tầng đáy khai thác ở khu vực...