‘Hơn 10 năm là fan Android, tôi vừa chuyển sang mẫu iPhone 12 rẻ nhất’
Là người đứng đầu trang tin Android Police, cây viết David Ruddock chia sẻ lý do anh quyết định chọn iPhone 12 mini để dùng như máy chính trong thời gian sắp tới.
David Ruddock, người đứng đầu trang tin Android Police , cũng là tín đồ trung thành với Android. Tuy nhiên, anh cho biết mình vừa sắm một chiếc iPhone 12 Mini. Bài viết dưới đây là chia sẻ của Ruddock về trải nghiệm của một fan Android chuyển sang dùng iPhone.
Sau trải nghiệm ngắn với iPhone X và iPhone 11 Pro Max, cây viết của Android Police quyết định gắn bó một thời gian với iPhone 12 mini để có thêm trải nghiệm.
Một tuần trước, tôi vẫn còn cầm trên tay chiếc Galaxy S21 Ultra, dùng trình duyệt Google Chrome để đặt mua iPhone 12 mini trên trang web của Apple. Đây không phải là iPhone đầu tiên mà tôi sở hữu. Thật ra trước đó tôi từng có thời gian sử dụng iPhone X (chiếc iPhone đầu tiên của tôi) và iPhone 11 Pro Max (để kết nối với Apple Watch).
Cả hai chiếc điện thoại đều chỉ theo tôi một thời gian ngắn. Lần này, tôi tin iPhone 12 mini sẽ là người bạn đồng hành lâu dài và chắc chắn không phải chiếc iPhone cuối cùng của tôi.
iOS đã cải thiện rất nhiều
Tôi có trải nghiệm làm việc đa nhiệm tồi tệ trên hai dòng iPhone trước đó. Để chìm đắm trong hệ sinh thái Apple, tôi tự nhủ mình phải lờ đi trung tâm thông báo lộn xộn, hỗ trợ giọng nói kém, nhiều hạn chế trong sắp xếp màn hình chính và sự khó chịu đến từ những tính năng cơ bản nhất như cắt và dán văn bản. Trên thực tế, tất cả không còn là vấn đề nữa.
Ẩn biểu tượng trên màn hình chính không hề phức tạp. Thư viện ứng dụng mới trên iOS 14 thật sự làm tôi ấn tượng. Các widget mới cũng cực kỳ hữu ích, khác xa thứ widget lâu năm nhưng xấu xí và gần như vô dụng trên Android. Carplay của Apple “ăn đứt” Android Auto. Tôi cũng khá hài lòng với dịch vụ stream nhạc của Apple Music.
iOS 14 có nhiều cải thiện về tính năng, nhưng cũng có những lỗi ngớ ngẩn
Hầu như tất cả dữ liệu trên Google của tôi đều hoạt động tốt trên iPhone, như điền mật khẩu lưu trên Google Chrome bằng FaceID. Trải nghiệm chỉ đường với Apple Maps thật sự làm tôi bất ngờ, nhưng tôi chỉ loanh quanh California nên tôi không chắc ứng dụng này có đáng tin tưởng ở nơi khác hay không.
Và đến tận bây giờ, vẫn chưa thiết bị nào đồng hành với smartphone tốt như Apple Watch.
Hệ sinh thái Apple quá hấp dẫn
Gần 25% lưu lượng truy cập vào Android Police trên điện thoại đến từ thiết bị chạy iOS, cao nhất từ trước đến nay. Có thể kết luận là giờ đây nhiều người dùng sẵn sàng “sống” trong nhiều hệ sinh thái công nghệ khác nhau, vì hiếu kỳ hoặc khả năng cao đơn giản là vì nhu cầu thiết thực.
Bên cạnh đó, người ta đến với Apple mong muốn một chiếc máy tính bảng hay smartwatch tốt, hoặc một chiếc laptop được thiết kế để đồng bộ hoàn hảo với điện thoại thông minh. Đó là những lý do hoàn toàn hợp lý để mua sản phẩm của Apple dù giá khá cao và khả năng hoạt động đa nền tảng hạn chế.
Video đang HOT
Hệ sinh thái sản phẩm quá mạnh là lý do lớn khiến nhiều người dùng lựa chọn iPhone.
Công nghệ là bài học về sự thỏa hiệp: ta phải quyết định sẽ chấp nhận bất tiện nào để thỏa mãn các nhu cầu khác. Cuối cùng, không có lựa chọn nào là sai khi chọn hệ sinh thái công nghệ, chỉ có sự ưu tiên.
Rõ ràng tôi cũng phải thoả hiệp không ít khi lựa chọn một chiếc iPhone. Tôi không vui vẻ chút nào khi phải trả 59,99 USD cho chiếc ốp da Apple MagSafe. Thêm vào đó, có rất ít đế sạc không dây trên thị trường tương thích với iPhone 12 mini.
Đó là chưa kể đến những lần giận sôi máu khi sử dụng Gboard trên iOS, một trong những trải nghiệm tồi tệ nhất trong cả hệ sinh thái ứng dụng iOS. Hơn nữa, iOS 14 rất nhiều lỗi! Ứng dụng đôi lúc đơ và văng ra ngoài không có lý do cụ thể. Và tất nhiên rồi, thời lượng pin không ổn cho lắm.
iPhone 12 mini là mẫu iPhone thế hệ mới rẻ và nhỏ nhất, phù hợp cho những người mới bắt đầu với hệ sinh thái Apple.
Tôi nhận ra mình làm việc kém năng suất hơn từ khi chuyển sang sử dụng iPhone 12 mini. Tôi còn cảm thấy mình giao tiếp không được hiệu quả như trước. Và tôi còn bỏ lỡ nhiều thứ hơn vì công bằng mà nói, hệ thống thông báo của iOS thật sự tệ.
Sử dụng iPhone là một trải nghiệm đắt đỏ, tôi có thể nói như vậy sau khi chi trả cho Apple Watch, CarPlay, AirTag và nhiều khoản phí khác. Lần này, tôi sẽ cố gắng trải nghiệm iPhone theo cách tôi chưa từng thử và mong có thể gắn bó thêm một thời gian nữa.
Đánh giá AirTag: Thảm họa với người dùng Android
Phụ kiện giúp tìm đồ "đi lạc" này sẽ thích hợp nhất với những vật đắt tiền, quan trọng. Tuy nhiên, nó có thể bị sử dụng sai cách.
Tôi là người khá gọn gàng. Đồ đạc khi đi về nhà như balo, kính, chìa khóa hay ví tiền đều được cất vào đúng khay trong một chiếc hộp ở cạnh cửa. Nhờ đó, tôi hiếm khi phải đi tìm những đồ vật quan trọng với mình trước khi đi làm.
Tuy nhiên, dù gọn gàng đến mấy thì cũng có lúc tôi thất lạc đồ. Tôi từng đánh rơi chiếc ví trên ôtô của người quen, và bởi chiếc ví rơi xuống khe dưới ghế nên chính người bạn cũng không tìm ra. Nếu như không nhờ người rửa xe tìm thấy, tôi có thể đã phải đi làm lại giấy tờ.
Đó là những tình huống mà một thiết bị tìm đồ thất lạc như AirTag trở nên rất hữu dụng. Tôi đã rất phấn khích khi Apple giới thiệu chiếc AirTag, nhưng khi trải nghiệm thực tế mới thấy nó vẫn còn nhiều điểm bất tiện.
Phụ kiện "giá rẻ" theo cách của Apple
Không tính bộ sạc hay tai EarPods, AirTags là sản phẩm độc lập rẻ nhất của Apple. Phụ kiện này có giá chính hãng khoảng gần 800.000 đồng, và nếu mua bộ 4 chiếc thì giá còn thấp hơn một chút.
Tuy nhiên, với nhiều người đây sẽ không phải là mức giá cuối cùng để có thể sử dụng AirTag. Thiết bị này có kiểu dáng tròn và hai mặt không phẳng, đồng nghĩa với nó rất khó để cố định ở bên trong ngăn của một chiếc túi xách.
Bỏ AirTag trong ví vừa khiến ví cộm, lại vừa giảm âm lượng thông báo của thiết bị.
AirTag cũng khá dày, do đó đặt bên trong những chiếc ví mỏng sẽ làm ví cộm lên khá nhiều. Ngoài ra, nếu AirTag bị đặt trong ví hoặc ngăn quá mỏng thì độ hiệu quả cũng sẽ giảm.
Giải pháp lúc này là mua một chiếc bao đựng bằng da. Tuy chưa có mức giá tại Việt Nam, các bao đựng chính hãng mà Apple bán đều có giá bằng hoặc gấp vài lần bản thân chiếc AirTag (từ 29-449 USD). Bao da của các đơn vị thủ công tại Việt Nam cũng có giá khoảng 200.000 đồng trở lên. Nếu mua thêm phụ kiện này, giá AirTag sẽ gần 1 triệu đồng.
AirTag ghép đôi rất nhanh với iPhone.
Do không kịp mua bao da, tôi đã sử dụng AirTag "trần", và hiểu ngay tại sao bao da lại cần thiết. Chỉ chưa đầy một ngày sử dụng, để phụ kiện này ở ngăn balo và ví tiền, cả mặt nhôm và nhựa của AirTag đều đã có những vết xước.
Thực ra những vết xước sẽ không ảnh hưởng đến chức năng của thiết bị, nhưng với những người yêu cầu cao về ngoại hình thì những đây vẫn là điểm cần chú ý.
Làm tốt chức năng chính
Việc kết nối AirTag với iPhone rất đơn giản. Chỉ cần đưa phụ kiện vào gần, máy sẽ tự động nhận biết và quá trình thiết lập chỉ mất khoảng 30 giây. Đây là điểm cộng lớn so với các thiết bị tìm đồ khác.
Để tìm đồ gắn cùng AirTag, người dùng có 3 cách. Đầu tiên, họ có thể vào ứng dụng Find My, chọn hiển thị trên bản đồ để xem vị trí được ghi nhận gần nhất. Nếu ở gần như trong cùng căn hộ, bạn có thể bấm nút loa để AirTag phát âm thanh.
Cách thứ ba chỉ áp dụng với iPhone 11 trở đi, cho phép hiển thị cả hướng đi, khoảng cách đến chiếc AirTag ở gần.
Chức năng "tìm chính xác" hoạt động khá tốt, nhưng thỉnh thoảng vẫn báo mất tín hiệu.
Mạng lưới Find My với cả tỷ thiết bị chạy iOS là lợi thế cực lớn của AirTag. Không cần GPS hay kết nối mạng, người dùng vẫn có thể tìm những chiếc AirTag khi nó ở gần một thiết bị iOS bất kỳ. Thử nghiệm ở điều kiện thành phố, tôi nhận thấy vị trí AirTag hiện trên bản đồ khá chính xác.
Thách thức sẽ đến khi bạn muốn tìm AirTag ở gần. "Loa" của AirTag thực tế là mặt nhựa trắng của thiết bị này. Khi bạn chọn tính năng phát tiếng, mặt nhựa sẽ rung lên để tạo ra âm thanh.
Âm thanh này chỉ đủ nghe ở trong một căn hộ chung cư, khi tiếng ồn xung quanh khá nhỏ. Nếu tìm kiếm bên trong một ngôi nhà nhiều tầng, hoặc giả sử người nhà đang bật TV khá to, bạn sẽ khó nghe được tiếng phát ra từ AirTag.
Đây là lý do bạn không nên để AirTag bên trong ví quá chật. Khi đó, âm lượng AirTag phát ra sẽ nhỏ đi nhiều, làm giảm sự hiệu quả khi muốn tìm kiếm.
Việc tìm kiếm khi AirTag thất lạc khá hiệu quả, địa chỉ hiển thị chính xác.
Tính năng tìm kiếm chính xác bằng sóng UWB cũng hữu dụng, nhưng độ hiệu quả cũng tùy thuộc vào môi trường. Khi thử để AirTag ở phòng khách trong một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ, chiếc iPhone thường xuyên báo "tín hiệu yếu" khi tôi đi vào một trong các phòng ngủ. Chỉ tới khi khoảng cách còn dưới 4 m, và không có tường chắn giữa iPhone và AirTag, máy mới có thể báo khoảng cách và hướng chính xác.
Kết hợp cả 3 tính năng này, khả năng tìm kiếm đồ vật thất lạc sẽ tăng lên đáng kể khi được gắn với AirTag. Tuy nhiên, vẫn có những môi trường mà AirTag không hiệu quả lắm, như trong một căn hộ lớn, hay giữa một trung tâm thương mại đông đúc. Thiết bị này cũng không phù hợp nếu bạn muốn bỏ ở xe máy để tìm trong bãi xe, bởi những phụ kiện rẻ hơn và kêu to hơn có rất nhiều trên thị trường.
Sẽ là thảm họa nếu bị dùng sai cách
Khi ra mắt, Apple nói rõ AirTag là phụ kiện "để theo dõi đồ vật, không phải theo dõi người". Hãng cũng tích hợp một số tính năng để người dùng biết được khi có AirTag của người khác đi theo mình.
Tuy nhiên, trong thực tế các tính năng này đều có lỗ hổng. AirTag hiện tại vẫn có thể sử dụng để theo dõi người khác.
Cách đầu tiên AirTag thông báo là âm thanh. Theo Apple, sau "một khoảng thời gian", nếu một chiếc AirTag bị tách xa khỏi thiết bị của chủ, nó sẽ kêu lên để gây sự chú ý. Hãng không nói rõ khoảng thời gian đó là bao lâu.
Chỉ cần bóp chặt hoặc dán băng dính xung quanh AirTag, âm thanh phát ra sẽ rất nhỏ.
Theo Washington Post , phải sau 3 ngày kể từ lần cuối ở xa chủ, chiếc AirTag mới kêu lên trong khoảng 15 giây, và sau đó cứ vài giờ lại kêu một lần. Khoảng thời gian 3 ngày là khá lâu để chủ AirTag có thể theo dõi những địa điểm mà nạn nhân ghé qua. Bên cạnh đó, việc giảm âm thanh của một chiếc AirTag không khó.
Nếu phát hiện một chiếc AirTag không cùng tài khoản nhưng ở gần trong thời gian dài, thiết bị iOS của người dùng cũng sẽ hiện ra một thông báo cho biết có AirTag lạ. Nạn nhân có thể bấm phát âm thanh để tìm chiếc AirTag lạ, nhưng không thể truy cập bản đồ hoặc tìm chính xác như với AirTag chính chủ.
Tuy nhiên, trong trải nghiệm thực tế khi mang theo chiếc AirTag lạ cả một ngày, tôi không hề nhận được thông báo trên chiếc iPhone của mình. Ngoài ra, nếu nạn nhân sử dụng điện thoại Android thì họ cũng sẽ không nhận được thông báo nào.
AirTag sử dụng viên pin CR2032 quen thuộc, bán ở mọi tiệm đồng hồ.
Đó là chưa kể nếu chủ AirTag theo dõi một người thân và biết mật khẩu iPhone của họ, người đó hoàn toàn có thể vào ứng dụng Find My và tắt tính năng thông báo khi phát hiện AirTag lạ.
Dù Apple hứa hẹn rất hay, AirTag vẫn hoàn toàn có thể sử dụng để làm một thiết bị theo dõi người khác. Trong tương lai, hãng có thể cập nhật để giảm khoảng thời gian báo động hoặc điều chỉnh tính năng thông báo. Ở thời điểm hiện tại, AirTag vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng lớn có thể bị khai thác sai mục đích ban đầu.
Có nên mua AirTag?
Nếu như bạn là một người dùng iPhone và lại có tính hay quên, AirTag sẽ là phụ kiện rất hữu dụng, đặc biệt là với những đồ vật quan trọng. Mức giá gần 1 triệu không phải là cao nếu so với công sức làm lại giấy tờ trong ví, hay đánh một chiếc chìa khóa xe.
Có thể nói AirTag là một lý do rất lớn để những người dùng iPhone tiếp tục gắn bó với hệ sinh thái của Apple. Tuy nhiên, nếu không dùng iPhone thì bạn có nhiều lựa chọn khác trên thị trường, với mức giá thấp chỉ bằng một nửa Samsung SmartTag hay Baseus Intelligent T3.
AirTag sẽ cột chặt bạn với iPhone và hệ sinh thái Apple Sự tiện dụng của AirTag khi dùng chung với iPhone khiến cho bạn ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hệ sinh thái Apple. Một trong những tính năng được yêu thích của các sản phẩm đến từ nhà Táo là Find My. Người dùng có thể dễ dàng tìm lại iPhone, iPad, Apple Watch hay tai nghe AirPods bỏ quên ở đâu...