Homestay ở Hà Tĩnh: Bao giờ phát huy hiệu quả?
Homestay là loại hình du lịch cộng đồng độc đáo, mới mẻ và dân dã ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Vậy nhưng, sau hơn 4 năm đầu tư xây dựng mô hình du lịch này không phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Đìu hiu, vắng khách
Say mê, tâm huyết làm homestay, khu vườn của gia đình bà Lê Thị Hiền ở tổ dân phố Phong Giang, thị trấn Tiên Điền luôn xanh tươi, sạch đẹp. Không gian yên ả, thanh bình, thực sự là nơi khám phá, trải nghiệm du lịch rất ý nghĩa, nhất là những người trở về từ các đô thị lớn.
Không gian homestay của gia đình bà Lê Thị Hiền luôn xanh tươi, sạch đẹp.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Hiền cho biết: Từ nguồn hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, huyện được gần 30 triệu đồng, gia đình đã đầu tư thêm vốn xây dựng, trang trí phòng ở sạch sẽ, thoáng mát và mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt phục vụ du khách đến tham quan, lưu trú.
Thời kỳ mới xây dựng cũng có một vài đoàn du khách đến tham quan, nhưng tham quan xong rồi đi, không có ai ở lại lưu trú. Còn 2, 3 năm nay thì homestay không hoạt động vì không có khách.
“Trước đây, mỗi lần khách đến gia đình phải dành thời gian đón tiếp, mua sắm hoa quả, nước nôi mời khách. Có nhiều khi nghe nói có đoàn đến tham quan, chúng tôi phải ở nhà chờ đợi vừa mất thời gian vừa ảnh hưởng đến công việc đồng áng, nhưng sau đó khách lại không đến. Tôi cho rằng homestay không phát huy hiệu quả” – bà Lê Thị Hiền nói.
Bà Lê Thị Hiền buồn rầu vì homestay luôn “phòng không, nhà trống”.
Không gian thanh bình, gần gũi thiên nhiên của homestay luôn tạo sức hấp dẫn đối với du khách thập phương. Thực tế cho thấy, ban đầu các homestay ở thị trấn Tiên Điền (trước tháng 12 năm 2019 là xã Tiên Điền) thu hút khá nhiều đoàn đến tham quan, trải nghiệm nông thôn mới, tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa, ẩm thực… của người dân bản địa.
Vậy nhưng, chỉ sau đó một thời gian, số lượng du khách thưa dần, đặc biệt là từ khi chịu ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19, đến nay, toàn bộ homestay không có du khách đến tham quan, lưu trú và ngày càng trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xây dựng homestay ở thị trấn Tiên Điền chưa thực sự phù hợp, thậm chí còn lãng phí một khoản tiền hỗ trợ đầu tư không hề nhỏ.
Video đang HOT
Ông Trần Mạnh Tuấn, một người dân kinh doanh homestay ở thị trấn Tiên Điền cho biết: Hiện tại, do kinh doanh không hiệu quả nên tôi không duy trì hoạt động. Nguyên nhân do không có sản phẩm du lịch đặc trưng, khách đến ở đây có khi họ đi biển còn thoải mái hơn. Có nhiều người ở Hà Nội từng xin số điện thoại để sau này đưa gia đình vào chơi, nhưng rồi cũng không thấy đến.
Dụng cụ phục vụ du khách ngâm chân bằng thuốc bắc của ông Trần Mạnh Tuấn chưa một lần sử dụng.
Đầu tư homestay thiếu giải pháp căn cơ?
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Đức Bình – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân cho biết: Năm 2018 trên địa bàn có 14 hộ dân đầu tư xây dựng homestay, mỗi hộ được tỉnh, huyện hỗ trợ gần 30 triệu đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để mua sắm, tu bổ tiện nghi phòng khách, trang trí sân vườn.
Trước đây cũng có các đoàn đến tham quan, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, không có khách đến tham quan, lưu trú. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng điều quan trọng là không có kết nối tour tuyến du lịch. Thời gian đầu, khi xây dựng nông thôn mới, các đoàn đến tham quan khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Phong Giang, nhưng nay đã sáp nhập thành thị trấn Tiên Điền, thôn trở thành tổ dân phố.
Homestay không còn biển bảng, không đón khách đến tham quan, lưu trú.
“Muốn đưa được du khách về cần phải có sự đầu tư cơ sở vật chất, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo điểm nhấn khi vui chơi, trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Nhưng hiện tại, các dịch vụ này đều chưa có, địa phương cũng chưa có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Do vậy mô hình du lịch cộng đồng homestay ở thị trấn Tiên Điền không phát huy hiệu quả” – ông Trần Đức Bình bộc bạch.
Một số homestay xuống cấp, suốt ngày đóng cửa.
Qua tìm hiểu được biết, homestay ở thị trấn Tiên Điền, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du có giá chỉ 100.000 đồng/1 phòng qua một đêm lưu trú. Vậy nhưng mô hình du lịch cộng đồng này lại không phát huy hiệu quả như mong đợi. Điều đó đặt ra nhiều việc phải làm trong công tác quảng bá, kết nối tour tuyến du lịch, đặc biệt là tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng mới có thể thu hút du khách, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Phát triển du lịch xứ Lạng: Phá vỡ lối mòn, tạo điểm nhấn riêng
Với những lợi thế sẵn có, Lạng Sơn có khả năng phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn kết hợp lưu trú homestay tại các thôn bản.
Tượng đá nàng Tô Thị bồng con chờ chồng ở Xứ Lạng. (Ảnh: TTXVN phát)
Tiềm năng lớn, lợi thế là rất lớn song du lịch cộng đồng tại Lạng Sơn hiện phát triển chưa tương xứng với giá trị. Điều này bắt nguồn từ nhận thức và cách thức phát triển du lịch của người dân, chính quyền địa phương.
Ngành du lịch đang từng bước xây dựng giải pháp để tạo điểm nhấn riêng có, thu hút du khách đến với xứ Lạng.
Thách thức từ tuy duy "lối mòn"
Hầu hết các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng và lưu trú homestay tại Lạng Sơn đều là đồng bào dân tộc thiểu số sở tại.
Do tự bỏ kinh phí xây dựng với nguồn vốn hạn hẹp, đa số các hộ chưa đáp ứng yêu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du khách.
Bên cạnh khó khăn nhất định như hệ thống đường giao thông chưa thuận lợi, dịch vụ viễn thông không ổn định... đa số các gia đình kinh doanh du lịch cộng đồng tại Lạng Sơn chưa hiểu rõ bản chất của loại hình du lịch này.
Hầu hết họ chỉ biết rằng homestay là dịch vụ ăn, ở cùng nhà dân và tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương chứ chưa nghĩ đến việc tổ chức hoạt động kèm theo để tạo sức hút riêng cho du khách như cùng làm ruộng, đan lát, thêu thùa, đánh bắt cá hay vào bếp nấu ăn...
Theo anh Lê Đình Tứ, du khách đến từ Hưng Yên, tỉnh Lạng Sơn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, một số điểm du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn cần xây dựng thêm sản phẩm, biểu trưng của địa phương, vùng miền..., ví dụ như bày bán các logo thương hiệu du lịch, từ đó khách du lịch sẽ nhớ đến điểm du lịch đó.
Ngành Du lịch địa phương thẳng thắn nhìn nhận công tác xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch chưa được quan tâm thường xuyên và lâu dài do eo hẹp về kinh phí hỗ trợ.
Sản phẩm du lịch của các địa phương chưa thực sự đa dạng. Các làng nghề truyền thống, hoạt động sản xuất, dịch vụ văn hóa, văn nghệ không diễn ra thường xuyên do lượng khách không đều.
Có thể nói việc khai thác tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng của địa phương là hướng đi đúng đắn. Do đó, thời gian tới rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, doanh nghiệp trong việc xây dựng môi trường du lịch bền vững, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc.
Xây dựng hướng đi bền vững
Để giải quyết những vấn đề trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn tập trung nghiên cứu phát triển các tour, tuyến du lịch mới và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
Du khách tham quan thác Đăng Mò. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Sở tăng cường giới thiệu, quảng bá và mời gọi nhà đầu tư, công ty du lịch xây dựng sản phẩm du lịch để khách du lịch đến Lạng Sơn là nghĩ tới điểm du lịch cộng đồng hoang sơ, đậm tính miền núi chứ không chỉ là đi lễ đền chùa hay mua sắm tại các chợ cửa khẩu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lạng Sơn Ngô Mạnh Tùng khẳng định đơn vị sẽ phối hợp với các điểm du lịch để tổ chức cho đoàn du lịch trong và ngoài tỉnh đến điểm tham quan. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ, tạo dựng chương trình tour, tuyến mang tính du lịch cộng đồng cao gắn với điểm tham quan du lịch sẵn có.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, chủ trương "Người Lạng Sơn đi du lịch Lạng Sơn" của Ủy ban Nhân dân tỉnh là phù hợp thực tế. Cùng với đó, việc thành lập Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 và Khu Du lịch Quốc gia Mẫu Sơn đang là điểm nhấn để tỉnh lan tỏa các luồng khách đi các không gian du lịch trên địa bàn.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho hay ngoài phát triển sản phẩm và thị trường du lịch, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, Sở tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng đề án du lịch thông minh, xây dựng tour, tuyến du lịch địa phương an toàn trong phòng, chống dịch.
Để người dân thấy rõ những lợi ích mà du lịch cộng đồng mang lại, ngành Du lịch Lạng Sơn tiếp tục xây dựng chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng cho người dân. Từ đó, họ thay đổi tư duy, quan tâm đầu tư khai thác sản phẩm du lịch này một cách bền vững.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, cho biết địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng, phát triển điểm du lịch cộng đồng phục vụ nhu cầu của khách du lịch, tạo ra điểm đến hấp dẫn, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển một số điểm du lịch cộng đồng theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng cao.
Cùng với đó, chính quyền các cấp tuyên truyền tới người dân để nâng cao ý giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc truyền thống của địa phương và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng...
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Lạng Sơn hoàn toàn có khả năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên cơ sở xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn kết hợp lưu trú homestay tại các thôn bản văn hóa.
Qua đó, không chỉ kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách mà còn góp phần đưa du lịch cộng đồng tại xứ Lạng thoát khỏi "lối mòn" là chỉ thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ.
Xuân sớm trên những điểm du lịch hấp dẫn ở Hà Tĩnh Mùa xuân dường như đến sớm trên những di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh Hà Tĩnh. Ngày đầu năm mới 2022, rất nhiều du khách đã đến tham quan, vãn cảnh... Khu du lịch chùa Hương Tích buổi sáng đầu năm mới nổi bật trên nền cây cối xanh tươi và khuôn viên sạch sẽ. Cái rét cuối đông không ngăn...