Hôm qua là ngày lịch sử của nước Mỹ
Đại cử tri trên khắp nước Mỹ ngày 14/12 đã bỏ phiếu xác nhận chiến thắng bầu cử của ông Biden. Cùng ngày hôm đó, vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được lưu hành tại Mỹ.
Khi các nhà sử học tương lai viết về năm 2020 tại Mỹ, một năm của bệnh tật, chết chóc, xung đột chủng tộc, bạo lực đường phố, suy thoái kinh tế và bất hòa chính trị, họ sẽ nhìn lại ngày 14/12 như một thời điểm mang tính bước ngoặt, New York Times viết.
Chính vào ngày đó, người Mỹ bắt đầu lao vào sản xuất một loại vaccine được phát triển trong thời gian kỷ lục để đánh bại một loại virus ngay cả khi số người chết đã vượt mức 300.000. Và chính vào ngày đó, đại cử tri đoàn đã tập trung tại thủ phủ 50 bang cũng như thủ đô Washington, D.C. để khép lại cuộc bầu cử phân cực nhất trong hơn một thế kỷ qua tại Mỹ.
Bước ngoặt của nước Mỹ
Không gì có thể xóa đi được những thiệt hại to lớn trong 12 tháng qua, cũng không có nghĩa là sẽ không còn nỗi đau hay sự phản kháng. Nhiều người Mỹ vẫn sẽ mắc bệnh và chết trong những tháng trước khi vaccine này được phổ biến rộng rãi. Nhiều người Mỹ vẫn sẽ nặng lòng về kết quả của một cuộc bầu cử mà họ mong muốn đi theo hướng khác.
David Conway, y tá cấp cứu, là nhân viên y tế đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Iowa. Ảnh: New York Times.
Đây vẫn là một thời đại đầy cam go và chia rẽ. Song sau quá nhiều bất ổn, sau quá nhiều nghi ngờ, con đường phía trước dường như rõ ràng hơn ít nhất ở hai khía cạnh chính.
“Đây là cuộc hội ngộ lớn lao”, Benjamin L. Ginsberg, luật sư về bầu cử hàng đầu của đảng Cộng hòa, người đã chỉ trích những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm lật ngược kết quả cuộc bỏ phiếu mà ông đã thua, nói. “Và điều tốt về việc cả hai chuyện xảy ra trong cùng một ngày là nó thực sự có thể tạo ra bước ngoặt cho một quốc gia thực sự muốn có bước ngoặt”.
Ngày 14/12 diễn ra trên truyền thông bằng hình ảnh nhân viên y tế được tiêm vaccine, xen kẽ với cảnh quay trực tiếp từ thủ phủ các bang trên khắp nước Mỹ cho thấy đại cử tri đã bỏ phiếu chính thức xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris.
Hai diễn biến cùng đánh dấu một bước ngoặt sau nhiều tháng hỗn loạn về chính trị, y tế và kinh tế ở Mỹ: cuối cùng, người Mỹ có thể nhìn về tương lai mà họ miễn dịch với Covid-19, dù thậm chí phải chờ đến mùa xuân; và bây giờ họ biết bất chấp mọi ồn ào từ Nhà Trắng và các đồng minh sau bầu cử, ai sẽ trở thành tổng thống vào ngày 20/1.
“Tôi thực sự không thể nhớ ra hai sự kiện độc lập nào có tầm quan trọng như vậy từng xảy ra trong cùng một ngày”, David Oshinsky, giáo sư y khoa tại Langone Health thuộc Đại học New York, cho biết. Ông cũng là nhà sử học từng giành giải Pulitzer với tác phẩm viết về việc phát triển vaccine bại liệt trong thế kỷ 20.
Video đang HOT
Ông nói rằng dường như đây là sự kết hợp giữa cuộc bầu cử năm 1800 với hai ứng viên John Adams và Thomas Jefferson, và ngày mà Tổng thống Dwight D. Eisenhower cảm ơn bác sĩ Jonas Salk vì đã nghiên cứu ra vaccine bại liệt.
“Ở đất nước đang bị chia rẽ cay đắng của chúng ta, ngày 14/12/2020 nên nhắc nhở chúng ta về việc chúng ta là ai và chúng ta có khả năng gì”, ông Oshinsky nói.
Hai thái cực của ông Trump
Đối với Tổng thống Trump, người đã không thừa nhận kết quả bầu cử cũng như mức độ nghiêm trọng của đại dịch virus corona, sự rõ ràng của ngày 14/12 không hoàn toàn được hoan nghênh. Ông có lý do để ăn mừng sự ra đời của vaccine, thứ mà ông ưu tiên hàng đầu và chắc chắn sẽ được coi là một phần chính trong di sản của ông.
“Vaccine đầu tiên được phân phối”, ông viết trên Twitter. “Xin chúc mừng nước Mỹ! Xin chúc mừng thế giới!”
Ông Trump vẫn chưa chấp nhận thua cuộc dù đại cử tri đã bỏ phiếu cho ông Biden. Ảnh: New York Times.
Song ông không sẵn sàng chúc mừng ông Biden, hoặc chấp nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn, mặc dù hiến pháp Mỹ trao cho họ quyền quyết định tổng thống tiếp theo theo đa số phiếu. Ông Trump vắng mặt cả ngày, không nhượng bộ và tiếp tục tung ra những cáo buộc gian lận bầu cử mà không có căn cứ.
Thật vậy, trong một nỗ lực nhằm đánh lạc hướng sự chú ý, ông Trump đột ngột thông báo về việc từ chức của Bộ trưởng Tư pháp William Barr, người đã khiến tổng thống tức giận khi bác bỏ những khẳng định viển vông của ông về gian lận bầu cử.
Cùng với sự hoàn tất của quá trình đó, việc ông Trump từ chối chấp nhận thất bại cũng có thể xem như là chống lại thời tiết. Có thể ông sẽ tiếp tục kiện tụng sau khi hàng chục vụ kiện khác đã bị bác bỏ, ngay cả ở Tòa án Tối cao. Có thể một số đồng minh của ông sẽ phản đối khi lá phiếu của đại cử tri đoàn được quốc hội chính thức kiểm đếm vào ngày 6/1. Song không điều gì sẽ làm thay đổi kết quả.
Trong lịch sử Mỹ, chưa bao giờ đa số phiếu của đại cử tri đoàn bị đảo ngược. Dù muốn hay không, ông Biden sẽ tuyên thệ sau 37 ngày nữa tính từ ngày 14/12.
“Ngày này giống như một bước ngoặt vì trong cả hai trường hợp, chúng ta đều có đột phá thực tế – thời hạn bắt buộc theo luật để kết thúc chu kỳ bầu cử được đáp ứng một cách có trật tự và vaccine đã được đánh giá và thử nghiệm cẩn thận để đưa vào sử dụng rộng rãi”, Yuval Levin, giám đốc nghiên cứu xã hội, văn hóa và hiến pháp tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói.
“Trong cả hai trường hợp, hệ thống thiết chế và sự chuyên nghiệp đã vượt qua cơn bão và đang hoạt động tốt dưới áp lực”.
Đất nước chia rẽ
Không phải ai nấy đều sẵn sàng để loại bỏ sự xáo trộn của năm 2020 – một năm được đánh dấu bởi đại dịch chết chóc nhất trong một thế kỷ, sự sụp đổ kinh tế kinh hoàng nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái, xung đột chủng tộc tồi tệ nhất kể từ kỷ nguyên dân quyền và thời kỳ hậu bâu cử gây chia rẽ và tranh chấp nhất kể từ sau Nội chiến.
“Đây là một ngày tốt lành”, Jill Lepore, học giả Harvard nổi tiếng, người đã viết nhiều cuốn sách về lịch sử nước Mỹ, nói. “Nhưng những năm qua, người ta thường cảm thấy như thể đất nước đang rơi xuống một cái giếng trống”.
“Bạn tiếp tục nghĩ, thôi được rồi, cuối cùng chúng ta đã chạm đáy và có thể bắt đầu cố bò lên và thoát ra ngoài. Nhưng rồi bạn nhận ra, chúng ta chưa chạm đáy; chúng ta chỉ đang ở trên một mỏm đá, và sau đó chúng ta lại bắt đầu sa sút”, ông bình luận. “Một vài tuần trước, đó dường như là đáy. Và hôm nay, có lẽ ai đó đã đưa một sợi dây xuống. Hai sợi dây! Dù vậy, vẫn thật khó tin”.
Ông Biden phát biểu tối 14/12. Ảnh: Reuters.
Chỉ trong bối cảnh đó, những hành động bình thường như một y tá tiêm vaccine cho ai đó và các đại cử tri bỏ phiếu mới trở nên đáng chú ý. Với việc Mỹ đã thất bại thảm hại trong việc kiểm soát virus, lời hứa đơn thuần về vaccine đã khiến các đài truyền hình phải theo dõi các xe tải cung cấp vaccine khi chúng bắt đầu đi xuyên đất nước.
Đại cử tri đoàn chưa bao giờ được theo dõi sát sao như vậy trước đây. Một quy trình vốn chủ yếu mang tính thủ tục, để chuyển kết quả phiếu phổ thông trong ngày bầu cử thành 538 phiếu đại cử tri, nay trở thành sự kiện để tường thuật cả ngày đối với CNN và MSNBC.
“Giờ là lúc để bước sang trang mới, như chúng ta đã làm trong suốt lịch sử của mình”, ông Joe Biden nói. “Để đoàn kết. Để hàn gắn vết thương”.
Ít nhất là trong một ngày.
Cử tri đoàn xác nhận Biden thắng cử, Trump tuyên bố không bỏ cuộc
USA Today cho hay, mặc dù Cử tri đoàn Mỹ xác nhận Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020 song ông Trump vẫn không thừa nhận thất bại, tiếp tục chiến đấu.
Hôm 14/12, Trump và phụ tá của mình đã phát đi thông báo "không thừa nhận" kết quả bầu cử, cho rằng cuộc bỏ phiếu của Cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của ông Biden sẽ không làm nhụt ý chí của họ dù cơ hội đảo ngược tình thế là rất mong manh.
Vào thời điểm các đại cử tri đang bỏ phiếu, Trump đăng tải tweet, lặp lại một tuyên bố "cho thấy gian lận lớn" trong cuộc bầu cử.
Một số đồng minh trong Quốc hội Mỹ cho biết, họ có kế hoạch phản đối các phiếu đại cử tri của Biden ở các bang quan trọng khi Hạ viện và Thượng viện Mỹ bỏ phiếu để chứng nhận kết quả của Cử tri đoàn vào ngày 6/1.
Ông Trump tuyên bố không bỏ cuộc sau khi Cử tri đoàn xác nhận Biden thắng cử. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, những nghị sĩ này thiếu sự hỗ trợ cần thiết để vô hiệu hóa kết quả bầu cử. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa bắt đầu thừa nhận Biden là "Tổng thống đắc cử" sau khi ông giành được đa số cử tri đoàn vào hôm 14/12.
Để khẳng định cho quyết tâm tiếp tục chiến đấu, Trump đã đưa ra các dấu hiệu cho thấy ông không có kế hoạch rời Nhà Trắng và nhường chỗ cho Biden khi lễ nhậm chức diễn ra ngày 20/1. Trump cũng đã nói với các trợ lý rằng ông sẽ không bao giờ nhượng bộ, thừa nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử với Biden.
Trump đã dành ngày 14/12 tổ chức các cuộc họp kín và đưa ra các tuyên bố trên tweet. Trong suốt cả ngày, các phụ tá Trump đã lên tiếng ủng hộ các thách thức của Trump. "Chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng" , một văn bản gây quỹ của chiến dịch Trump cho hay.
Trước khi các thành viên của Cử tri đoàn tập trung tại các thủ phủ của các bang trên khắp nước Mỹ, phát biểu trên Fox News, cố vấn cấp cao của Trump - Stephen Miller, tuyên bố những người ủng hộ ở một số bang đang lựa chọn "nhóm đại cử tri thay thế" của riêng họ.
Từ sau Ngày bầu cử, Trump và nhóm của ông đề ra các chiến lược pháp lý và chính trị để lật đổ chiến thắng của Biden ở các bang chiến địa là Pennsylvania, Michigan, Georgia, Arizona, Nevada và Wisconsin.
Đội ngũ của Trump vẫn đang chờ kết quả thụ lý các đơn kiện ở một số bang, nhưng các thẩm phán và quan chức bầu cử đã liên tục bác bỏ cáo buộc gian lận cử tri của họ. Khi các thành viên của Cử tri đoàn họp vào 14/12, Tòa án Tối cao Wisconsin đã bác bỏ vụ kiện của Trump ở bang đó. Tuần trước, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn khiếu nại do những người ủng hộ Trump đệ trình.
Theo dữ liệu sơ bộ từ cuộc bỏ phiếu của đại cử tri hôm 14/12, ông Biden đã giành được 306 đại cử tri, trong khi ông Trump chỉ giành được 232 phiếu. Kết quả bỏ phiếu của đại cử tri là chính thức mà không phải chịu bất kỳ kháng cáo nào. Quốc hội Mỹ sẽ thông qua kết quả bỏ phiếu đại cử tri vào ngày 6/1/2021.
Chính quyền ông Trump lập kỷ lục về lệnh trừng phạt với tần suất khoảng 3 lần mỗi ngày Không chính quyền tổng thống Mỹ nào trước đây vượt mức 700 hành động trừng phạt trong một năm, tuy nhiên, dưới thời ông Trump, nước Mỹ đã thực hiện hơn 3.900 hành động trừng phạt. Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh trừng phạt Iran hồi tháng 6/2019. Ảnh: Getty Bloomberg ngày 10-12 cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã...