Hôm nay, xét xử “đại án” Ngân hàng Xây dựng bị thất thoát 7.000 tỷ
Phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày, được trưng dụng 3 phòng liên tiếp để xét xử với gần 50 luật sư; với 36 bị cáo; 130 người liên quan, chưa kể nhân chứng…
Phạm Công Danh sẽ hầu tòa vào hôm nay (19.7). Ảnh: Tân Châu
Chiều 18.7, TAND TP.HCM cho biết mọi công tác chuẩn bị cho phiên tòa &’đại án’ xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng đã hoàn tất.
Do phiên tòa đông người tham gia, Tòa đã trưng dụng phòng xử án A của Tòa làm phòng xử án chính. Đây cũng là nơi có HĐXX, bị cáo, luật sư và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.
Liền kề với phòng xử án A là khoảng trống, Tòa trưng dụng, bố trí ghế ngồi để các nhân chứng và người dự tòa ngồi. Đây là nơi người dự tòa có thấy trực tiếp HĐXX nhưng khá xa, vì vậy Tòa bố trí thêm 1 màn hình tivi và truyền trực tiếp từ phòng A sang.
Riêng báo chí sẽ ngồi đưa tin tòa tại phòng xử án B – liền kề 2 phòng nói trên và sẽ theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi.
Tòa cũng cho biết, vào mỗi đầu giờ xử án, HĐXX sẽ cho phép báo chí vào phòng A tác nghiệp, sau đó các phóng viên sẽ trở về phòng B để theo dõi phiên tòa.
Đây là phiên tòa &’đại án’ lớn được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây. Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra (giai đoạn 1), chuyển VKSND Tối cao truy tố các bị can ra Tòa án.
Đồng tình với Kết luận của Cơ quan điều tra, VKSND Tối cao đã ra cáo trạng, ủy quyền cho VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại TAND TP.HCM.
Theo cáo trạng mà VKS sẽ công bố vào phiên tòa ngày 19.7, Ngân hàng Xây dựng (VNCB) được Ngân hàng nhà nước chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu ngày 6.9.2012. Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối VNCB và đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân.
Video đang HOT
Phạm Công Danh đã lập 29 doanh nghiệp nhờ người thân, quen của Danh đứng tên làm giám đốc, đứng tên sở hữu cổ phần của VNCB. Phạm Công Danh quản lý toàn bộ con dấu, Giấy chứng nhận cổ phần của VNCB. Từ sự điều hành của Phạm Công Danh, VNCB đã thiệt hại trên 9 nghìn tỷ đồng.
Cáo trạng của VKS truy tố 5 bị can tội “Cố ý làm trái…” gây thiệt hại 7 nghìn tỷ đồng, ngoài Phạm Công Danh thì còn có 4 bị can khác là Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn và Nguyễn Thị Kim Vân.
Các bị can đã lập hồ sơ khống nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNBC 62 tỷ đồng; Lập hồ sơ khống thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 gây thiệt hại 182 tỷ đồng; Thuê trụ sở ở đường Sư Vạn Hạnh gây thiệt hại 400 tỷ đồng; Phạm Công Danh cùng các bị can còn gây thiệt hại khi rút 5 nghìn tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý của chủ tài khoản và không có chữ ký của chủ tài khoản; Rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay; Rút 903 tỷ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu.
Theo Cơ quan điều tra, Phạm Công Danh và các bị can đã gây thất thoát cho VNBC từ hành vi “Cố ý làm trái…” là 7 nghìn tỷ đồng.
Có 33 bị can bị truy tố tội “Vi phạm về cho vay…”, gây thiệt hại 2 nghìn tỷ đồng, cáo trạng cho rằng ở tội danh này, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã cho 14 Cty vay 14 nghìn tỷ đồng. Đáng lưu ý là tài sản đảm bảo được nâng khống về giá trị.
Về tội “Thiếu trách nhiệm…” có 4 bị can là Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh. 4 bị can này là thành viên Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNBC, để xảy ra việc Phạm Công Danh và các đồng phạm rút số tiền gần 19 nghìn tỷ đồng, ngoài trách nhiệm của Tổ giám sát, còn của các cơ quan liên quan.
Về tội “Cố ý làm trái…” và “Vi phạm quy định…” có 7 bị can là Phạm Công Danh; Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB); Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn); Hoàng Đình Quyết (nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang); Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng ban Kiểm soát VNCB); Phan Minh Tùng (nguyên phụ trách Tổ tài chính Tập đoàn Thiên Thanh) và Bạch Quốc Hảo (nguyên Phó giám đốc Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của VNCB).
4 bị can bị truy tố tội danh “Cố ý làm trái…” là Phạm Văn Thép (nguyên Giám đốc Công ty An Phát); Trần Văn Bình (nguyên Tổng giám đốc Công ty Trung Dung); Nguyễn Thị Kim Vân (nguyên Giám đốc Công ty Hương Việt) và Lê Công Thảo (nguyên Giám đốc Trung tâm CNTT VNCB).
25 bị can bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay…” gồm Lê Khắc Thái (nguyên Phó giám đốc VNBC Chi nhánh Sài Gòn); Hoàng Việt Thắng (nguyên Phó giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang) và các bị can nguyên là cán bộ của 2 chi nhánh VNCB Sài Gòn, Lam Giang cùng giám đốc các công ty do Phạm Công Danh lập ra.
Theo Tân Châu (Tiền Phong)
Cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng như thế nào
Ông Nguyễn Công Danh được cho là chỉ đạo cấp dưới làm các hợp đồng mua bán khống, rút tiền trái phép của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam để tiêu xài... gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.
TAND TP HCM dự kiến ngày 19/7 mở phiên xử ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đây là một trong 8 đại án gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Đồng phạm tích cực giúp sức cho ông Danh là dàn lãnh đạo cấp dưới của VNCB gồm Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc); Mai Hữu Khương (33 tuổi, nguyên TV HĐQT, Hoàng Đình Quyết (33 tuổi, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn).
Nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam Phạm Công Danh.
Liên quan đến vụ án còn có hơn 30 bị cáo nguyên là cán bộ VNCB và lãnh đạo, nhân viên nhiều công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các công ty đối tác của VNCB.
Theo cáo trạng, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) có 23 năm hoạt động. Tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung ưu tiên phục vụ lĩnh vực xây dựng với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định, sau khi tái cấu trúc, ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước đặt tại đây. Tuy nhiên, trong thời gian là Chủ tịch HĐQT, ông Danh đã lợi dụng việc nắm quyền chi phối chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các Chi nhánh VNCB.
Cụ thể, khoảng tháng 5/2013, ông Danh chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và nhiều thuộc cấp khác tạo hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50% vốn điều lệ, rút tiền trên 5 tỷ đồng mà không báo cáo Tổ giám sát.
Giữa năm 2013 và đầu 2014, ông Danh chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng khống thuê mặt bằng với hai công ty của mình để chuyển hơn 600 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được chuyển lòng vòng qua các tài khoản cá nhân rồi rút ra trả nợ cho 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và tiền chăm sóc khách hàng.
Cáo trạng thể hiện, từ cuối năm 2012 đến tháng 7/2013, ông Danh chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới lập hồ sơ cho nhóm của Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm, giải ngân hơn 17.700 tỷ đồng vào tài khoản của Bích tại VNCB. Trong đó hơn 16.260 tỷ đồng đã được chuyển lại vào tài khoản của Chủ tịch Danh.
Có tiền, ông Danh chuyển trả Bích hơn 9.600 tỷ đồng để tất toán các khoản vay trước đó, trả cho nhóm Phú Mỹ hơn 2.000 tỷ đồng, hơn 4.500 tỷ còn lại chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản cá nhân và công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh để trả nợ, đảo nợ.
Đến thời điểm khởi tố vụ án, các khoản vay này đã xong thủ tục tất toán. Tuy nhiên, trong vòng vài ngày cuối tháng 8/2013, số tiền gần 5.200 tỷ đồng đã bị rút khỏi VNCB từ tài khoản của Bích nhưng không có chứng từ, chữ ký của chủ tài khoản. Số tiền này sau đó được chuyển đến tài khoản của chủ tịch Danh và ông rút ra để chi tiêu nhưng không giải trình được sử dụng vào việc gì.
Vào tháng 5/2013, dù báo báo tài chính năm 2012 không có lãi, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án trọng điểm Khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng, nhưng ông Danh vẫn chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu. Sau đó bán 1.000 trái phiếu cho 3 công ty thông qua Quỹ Lộc Việt. Sau khi phát hành trái phiếu, ông Danh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 900 tỷ đồng để đầu tư mua 900 trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh từ nguồn tiền của ngân hàng VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng.
Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, trong thời gian từ cuối năm 2012 đến tháng 3/2014, cần tiền trả nợ cho các cá nhân và ngân hàng khác, Danh đã chỉ đạo đồng phạm sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân của công ty đối tác làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống; lập các biên bản họp HĐQT khống, định giá nâng giá các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo vay 5.000 tỷ đồng của VNCB.
Danh chỉ đạo cho 15 nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh rút 4.700 tỷ đồng tiền vay để trả nợ cho Ngân hàng BIDV, nhóm Phũ Mỹ, nhóm của Trần Ngọc Bích. Số còn lại hơn 1.465 tỷ đồng Danh khai chi cho việc chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể.
Sau khi thẩm định lại giá trị hai lô đất mà Danh sử dụng để vay thế chấp 5.000 tỷ đồng và cấn trừ, VNCB xác định bị thiệt hại thêm khoảng hơn 2.000 tỷ.
Như vậy, tổng cộng trong vụ án này, Danh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng xây dựng Việt Nam.
Liên quan đến những sai phạm của cựu chủ tịch Danh, cơ quan chức năng còn tách hành vi rút hơn 6.630 tỷ đồng của VNCB đem gửi tại 3 ngân hàng, nhằm bảo lãnh 29 lượt vay của các công ty nhà ông Danh, sang vụ án khác. 4 bị can khác gồm Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh là thành viên Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB và các cá nhân có liên quan cũng được tách ra, điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi hai lãnh đạo cao nhất của VNCB bị bắt tháng 7/2014, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại toàn bộ cổ phần của nhà băng này với giá 0 đồng và trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu. Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) được chỉ định tham gia quản trị, điều hành VNCB.
Mới đây, trong Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2016 của Ban Nội chính trung ương, ông Đinh Thế Huynh - thường trực Ban Bí thư - yêu cầu Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đưa ra xét xử giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam; sớm kết thúc điều tra để truy tố, xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (phần bị tòa phúc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại) và khẩn trương truy tố, xét xử vụ án xảy ra tại Công ty dịch vụ Agribank.
Hải Duyên
Theo VNE
Dự kiến ngày 19-7 xét xử vụ án tại Ngân hàng Xây dựng Dự kiến từ ngày 19-7 sẽ đưa ra xét xử bị cáo Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh - và 35 bị cáo khác. Ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - phát biểu tại hội nghị...