Hôm nay, nước Pháp đứng trước nguy cơ tê liệt vì tổng đình công
Một cuộc tổng đình công trên toàn nước Pháp quy mô lớn nhất trong vài năm qua đe doạ sẽ làm tê liệt nước Pháp trong ngày 5/12 và những ngày tiếp theo.
Theo lời kêu gọi của nhiều công đoàn, nhiều đảng phái chính trị và các hiệp hội nghề nghiệp, hàng trăm nghìn người lao động Pháp dự kiến sẽ xuống đường trong ngày hôm nay (5/12) để tiến hành một cuộc tổng đình công trên toàn nước Pháp cả nước.
Tổng cộng, sẽ có hơn 250 cuộc tuần hành được tổ chức tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Pháp, với tâm điểm là thủ đô Paris. Các cuộc tuần hành sẽ bắt đầu vào lúc 13h, theo giờ địa phương và dự kiến kết thúc vào lúc 19h.
Đình công ở nhà ga tại Thủ đô Paris, Pháp. (Ảnh: KT)
Video đang HOT
Nguyên nhân dẫn đến cuộc tổng đình công trên toàn nước Pháp ngày 5/12 là do nhiều người lao động trong nhiều ngành nghề tại Pháp phản đối cải cách hưu trí mà chính phủ Pháp đang dự định tiến hành. Theo cải cách này, nước Pháp sẽ xoá bỏ hơn 40 chế độ hưu trí khác nhau trong các ngành nghề để xây dựng một chế độ hưu trí tổng thể duy nhất cho tất cả mọi người lao động. Ý định này gặp phải sự phản đối quyết liệt của người lao động trong các lĩnh vực được hưởng chế độ đặc biệt, như trong ngành đường sắt.
Trước quy mô được dự đoán là sẽ rất lớn của các cuộc tuần hành, hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là giao thông và giáo dục. Tại thủ đô Paris, 11/14 tuyến đường tàu điện ngầm sẽ ngừng hoạt động và chỉ có khoảng 1/10 các chuyến tàu cao tốc sẽ khởi hành. Về tổng thể, 90% các chuyến tàu và xe bus thường ngày trong khu vực thủ đô Paris và vùng Ile de France sẽ không hoạt động.
Trong lĩnh vực hàng không, hãng hàng không Pháp Air France thông báo sẽ huỷ 30% số chuyến bay nội địa và 15% số chuyến bay các chặng trung bình tại châu Âu. Hãng hàng không EasyJet cũng thông báo huỷ 233 chuyến bay trong ngày 5/12.
Nhiều trường học cũng sẽ phải cho học sinh nghỉ học bởi theo thông báo từ Bộ Giáo dục Pháp, có khoảng 55% số giáo viên trên toàn nước Pháp sẽ tham gia cuộc đình công, trong đó cấp tiểu học là đông nhất với tỷ lệ giáo viên đình công là 70%.
Nhằm đối phó với quy mô của các cuộc tuần hành, chính quyền Pháp sẽ huy động một lực lượng lớn cảnh sát, hiến binh và lính cứu hoả để đối phó.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Christophe Castaner trong chiều ngày 4/12 đã phải lên tiếng cảnh báo nguy cơ bạo lực bùng phát: “Chúng tôi biết sẽ có rất nhiều người tham gia vào các cuộc biểu tình tuần hành và nguy cơ bạo lực là rất cao. Chúng tôi cũng đã được thông báo là những người biểu tình Áo vàng và các nhóm đeo mặt nạ đen, những nhóm cực đoan sẽ tham gia. Tại Paris có thể có khoảng vài trăm đối tượng này và trên toàn lãnh thổ có thể có khoảng vài nghìn.”
Để đối phó với nguy cơ này, riêng tại thủ đô Paris, 6.000 cảnh sát sẽ được huy động. Xe bọc thép, xe phun nước cũng sẽ được bố trí tại nhiều điểm nóng, đặc biệt là dọc tuyến đường diễu hành của những người biểu tình kéo dài từ nhà ga phía Bắc cho đến quảng trường Cộng hoà và quảng trường Dân tộc ở phía Đông thủ đô Paris.
Chính quyền thành phố Paris đã yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh dọc trên các tuyến đường này đóng cửa trong ngày 5/12, đồng thời gia cố các cửa hiệu nhằm tránh nguy cơ bị đập phá, cướp bóc./.
Theo Quang Dũng/VOV-Paris
Pháp tiếp nhận nhiều đơn xin tị nạn nhất châu Âu
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp, tính đến ngày 20/10 vừa qua, Pháp đã trở thành quốc gia tiếp nhận đơn xin tị nạn nhiều nhất tại châu Âu.
Ngày 21/11, sau khi kết thúc buổi gặp với Bộ trưởng Nội vụ Gruzia để bàn về hợp tác trong vấn đề di trú, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, từ ngày 20/10 vừa qua, nước Pháp đã vượt qua Đức, trở thành quốc gia tiếp nhận nhiều đơn xin tị nạn nhất trong số các nước châu Âu. Đây là lần đầu tiên, kể từ khi cuộc khủng hoảng người di cư nổ ra từ năm 2015, nước Pháp vượt qua nước Đức về số lượng đơn xin tị nạn.
Theo thống kê của Văn phòng bảo vệ những người tị nạn và người không quốc tịch, trực thuộc Bộ Nội vụ Pháp, vào thời điểm cuộc khủng hoảng người di cư lên đến đỉnh điểm, nước Pháp tiếp nhập khoảng hơn 80.000 đơn xin tị nạn mỗi năm, chỉ bằng 1/10 số đơn xin tỵ nạn vào nước Đức (khoảng 890.000). Tuy nhiên, đến ngày 17/11 vừa qua, theo con số của Bộ Nội vụ Pháp, nước Pháp đã tiếp nhận 120.900 đơn xin tị nạn, nhiều hơn 1.000 đơn so với tại Đức (119.900 đơn). Con số này có xu hướng tăng khoảng 10-15% mỗi năm.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp cũng khẳng định, đây là điều bất thường do dòng người di cư vào châu Âu đang có khuynh hướng giảm trong thời gian qua, nước Pháp sẽ tìm ra các giải pháp cho tình trạng này.
Lý giải nguyên nhân hiện tượng này, ông Castaner cho rằng, rất có thể sau khi không được chấp thuận đơn xin tị nạn ở các nước châu Âu khác, những người di cư đã quay trở lại xin tị nạn tại nước Pháp. Chính vì lý do này mà Bộ Nội vụ Pháp sẽ làm việc với các nước châu Âu khác nhằm cải cách chính sách tỵ nạn trong phạm vi châu Âu và cải cách không gian Schengen.
Cách đây ít lâu, nhằm đối phó với tình trạng này, Chính phủ Pháp cũng đã công bố 20 biện pháp, siết chặt chính sách đối với người di cư, đặc biệt những người đến Pháp vì động cơ kinh tế. Nổi bật trong số này là kế hoạch áp đặt một hạn mức (con số) cụ thể trong tiếp nhận người di cư đến Pháp vì lý do kinh tế, siết chặt chế độ phúc lợi xã hội đối với người nhập cư hay tăng cường công tác quản lý nhằm đảm bảo an ninh từ dòng người di cư./.
Theo Huỳnh Điệp/VOV-Paris
1 năm biểu tình 'áo vàng': Gần 150 người bị bắt, bạo lực trở lại Paris Cảnh sát Paris, Pháp bắt giữ 147 người khi các cuộc biểu tình kỷ niệm năm đầu tiên của phong trào "áo vàng" biến thành bạo lực. Các cuộc biểu tình "áo vàng" diễn ra trên toàn nước Pháp ngày 16/11, một năm sau khi các cuộc tuần hành đầu tiên bắt đầu. Cảnh sát Paris phải sử dụng hơi cay và vòi...