Hôm nay khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 13
Kỳ họp lần này, Quốc hội dự kiến thông qua 18 luật và 14 nghị quyết, bầu Hội đồng bầu cử trung ương, Tổng thư ký và dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ.
Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày Báo cáo về “Tình hình kinh tế – xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016″. Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 cũng sẽ được Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ có mặt trong 2,5 ngày diễn ra phiên chất vấn. Ảnh: Giang Huy.
Theo chương trình, ngày 2 và sáng 3/11, người dân có thể theo dõi phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 thông qua truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Sau ngày nghỉ chủ nhật, Quốc hội bước vào 2,5 ngày 16, 17 và sáng 18/11 làm việc căng thẳng với hoạt động được chờ đợt là chất vấn và trả lời chất vấn. Người dân có thể theo dõi thông qua truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Sáng 16/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.
Sau khi Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay… các đại biểu sẽ thảo luận về các báo cáo và chất vấn lại một số vấn đề.
Video đang HOT
Khác với các kỳ họp trước lựa chọn bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn, ở kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành toàn bộ thời gian cho đại biểu chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ. Tất cả thành viên Chính phủ sẽ phải có mặt và đại biểu có thể chất vấn bất cứ thành viên nào nếu thấy cần thiết. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự tất cả các phiên chất vấn và có thể trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu. Quốc hội có thể ra nghị quyết về phiên chất vấn để khóa sau tiếp tục giám sát những nội dung các tư lệnh ngành đã hứa.
Kỳ họp này, Quốc hội bầu hội đồng bầu cử trung ương và bầu Tổng thư ký. Sáng 28/11, Quốc hội bế mạc sau khi biểu quyết thông qua Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Nghị quyết về công tác tư pháp, Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Nghị quyết về giám sát chuyên đề, và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo chương trình dự kiến, với kỳ họp kéo dài hơn một tháng, Quốc hội sẽ thông qua 18 luật và 14 nghị quyết quan trọng gồm: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), bộ luật Hình sự (sửa đổi), bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật trưng cầu ý dân, Luật về phí, lệ phí…
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào 8 dự luật khác như: Luật về hội; Luật báo chí (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật tín ngưỡng tôn giáo; Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)…
Quốc hội dành 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách năm 2016; Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; Xây dựng đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020…
Đồng thời, Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến vào các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chính phủ về công tác thi hành án, phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng chống tham nhũng.
Hoàng Thuỳ
Theo VNE
Quốc hội sẽ bầu Tổng thư ký tại kỳ họp 10
Sẽ chất vấn việc thực hiện "lời hứa" của các tư lệnh ngành từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc ngày 20-10 và dự kiến bế mạc ngày 28-11.
Tại buổi họp báo sáng 19-10, thông tin về kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (dự kiến khai mạc sáng mai 20-10 và bế mạc ngày 28-11), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay:
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia, bầu chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, tổng thư ký Quốc hội, phê chuẩn phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Quyết định ngày bầu cử toàn quốc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Liên quan đến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, ông Phúc cho hay: "Chất vấn tại kỳ họp thứ 10 vẫn diễn ra trong 2,5 ngày và sẽ rà soát lại toàn bộ tám nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Qua đó cho thấy các cam kết của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trước Quốc hội đã được thực hiện như thế nào. Trên cơ sở đó đại biểu tiếp tục chất vấn về những điều đã làm được và tại sao có những việc chưa hoàn thành".
Cũng theo ông Phúc, Thủ tướng tham dự phiên chất vấn và có thể trực tiếp trả lời hoặc báo cáo tổng quát về những ý kiến liên quan theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, tất cả thành viên Chính phủ cũng phải có mặt để đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên nào.
Đánh giá về nội dung kỳ họp, ông Phúc cho biết đây là kỳ họp với rất nhiều nội dung quan trọng. Riêng về mặt tài liệu phát cho mỗi đại biểu Quốc hội nhiều hơn gấp ba lần so với các kỳ họp trước.
Cụ thể, trong 31 ngày làm việc, Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét thông qua 18 luật, 16 nghị quyết và cho ý kiến tám dự án luật.
Điều đáng lưu ý là tại kỳ họp này Quốc hội tập trung xem xét, thông qua các dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp (Bộ luật Hình sự sửa đội, Tố tụng hình sự sửa đổi, Luật Tạm giữ, tạm giam...).
Đồng thời Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận, cho ý kiến về nhiều đạo luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 nhằm hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân (đáng lưu ý là Luật Trưng cầu ý dân...).
Lượng thời gian còn lại, Quốc hội tập trung thảo luận, xem xét kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015...
Bên cạnh đó cũng có khoảng 30 báo cáo cũng được gửi tới Quốc hội, trong đó có báo cáo về việc đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014; thảo luận góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng... Các phiên họp toàn thể của kỳ họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên các kênh: Truyền hình Quốc hội, VOV1, VTV1...
Trọng Phú
Theo_PLO
Thủ tướng: Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo đứng trước nhiều thách thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích, thời gian tới, tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động, gây bạo loạn, mất ổn định nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển đảo đứng trước nhiều khó...