Hollywood ‘tập kích’ Nhà Trắng của ông Trump trong cuối năm 2017
Nhiều ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng Oscar 2018 hướng đến những bê bối trong quá khứ của chính phủ Mỹ với thông điệp đanh thép dành cho chính quyền hiện tại của Donald Trump.
Sau mùa phim hè thất bát về mặt doanh thu, các nhà rạp tại Bắc Mỹ ngóng trông chuỗi phim bom tấn tiếp theo mà Thor: Ragnarok,Justice League hay Star Wars: The Last Jedi là những cái tên nổi trội nhất.
Song song với đó, cuộc đua Oscar cũng sẽ diễn ra với một số gương mặt đáng chú ý như Call Me by Your Name, The Florida Project hayMudbound. Kể từ đầu năm, mới chỉ Get Out, Wonder Woman cùngDunkirk thực sự nổi lên như những ứng cử viên tiềm tàng, và Oscar năm nay bị cho là “xuất phát chậm” hơn thường lệ.
Nhìn vào danh sách các dự án nghệ thuật sắp sửa ra mắt, công chúng có thể nhận ra một xu hướng trong bốn tháng cuối năm. “Không hẹn mà gặp”, nhiều tác phẩm tới đây đều hướng đến Nhà Trắng với lăng kính không mấy thân thiện.
Đó giống như thông điệp ngầm mà Hollywood muốn gửi tới chính quyền đương thời của Tổng thống Donald Trump.
“Nhà Trắng thất thủ”
Có sự nghiệp kéo dài hơn bốn thập kỷ, nhưng Liam Neeson mới chỉ có duy nhất một đề cử Oscar với Schindler’s List (1994), và khán giả hiện đại có lẽ nhớ tới ông nhiều nhất qua loạt phim hành độngTaken xoay quanh một cựu điệp viên liên tục phải giải cứu cô con gái bị bắt cóc.
Liam Neeson sắm vai Mark Felt trong bộ phim xoay quanh vụ bê bối Watergate của Nhà Trắng.
Video đang HOT
Nhưng vinh dự lần thứ hai rất có thể đến với tài tử người Ireland trong cuối năm nay nhờ Mark Felt: The Man Who Brought Down the White House. Trong phim, Liam Neeson vào vai Mark Felt – nguồn gốc của vụ bê bối Watergate hồi thập niên 1970 và còn được biết tới với biệt danh “Deep Throat”.
Đương thời, đây là nhân vật số hai tại Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), và sự kiện có nhiều điểm tương đồng với khúc mắc giữa Trump, cựu giám đốc FBI James Comey và cơ quan này trong thời gian qua.
Trên thực tế, dự án Mark Felt: The Man Who Brought Down the White House vốn được lên kế hoạch từ năm 2005. Cá nhân biên kịch kiêm đạo diễn Peter Landesman thừa nhận mọi thứ bỗng “trở nên trôi chảy hơn” khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, và việc Mark Felt có nhiều điểm tương đồng với Jim Comey – người mới bị Trump sa thải hồi tháng 5 – khiến bộ phim chuẩn bị ra rạp từ 29/9 là “cực kỳ thời sự”.
Tương tự là The Post – dự án điện ảnh rất được chờ đợi của đạo diễn Steven Spielberg với hai ngôi sao thượng hạng là Tom Hanks và Meryl Streep.
Ban đầu mang tên Pentagon Papers, tác phẩm kể lại sự kiện tờ The Washington Post tiết lộ hàng loạt tài liệu mật mang tên Pentagon Papers, qua đó phanh phui những lời dối trá của chính phủ Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam hồi thập niên 1970.
The Post là bộ phim rất được chờ đợi nhờ tên tuổi của đạo diễn và dàn diễn viên thượng hạng.
Trong khi Meryl Streep từng có nhiều lần đấu khẩu với Donald Trump, thì bản thân Tom Hanks cũng từng tham gia giễu nhại vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Đó là khi ông cùng Dwayne “The Rock” Johnson giả vờ tuyên bố sẽ tham gia tranh cử sau đây ba năm với lời lẽ nửa đùa, nửa thật.
Mới được công bố hồi tháng 3, nhưng The Post lập tức tiến hành ghi hình trong mùa hè và đã sẵn sàng ra rạp từ 22/12 – tức đủ chuẩn để có thể tham gia tranh tượng vàng Oscar của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) năm nay.
Tiếng nói phản ánh thời kỳ nhiễu nhương
Ngay khi Tổng thống Donald Trump mới ra lệnh điều thêm quân tới Afghanistan, thì Hollywood cũng đã sẵn sàng trình làng nhiều bộ phim khai thác mặt trái của chiến tranh. Điển hình nhất là Last Flag Flying của Richard Linklater – đạo diễn phim Boyhood (2014).
Có sự góp mặt của ba ngôi sao gạo cội Bryan Cranston, Steve Carell và Laurence Fishburne, chuyện phim xoay quanh chuyến hành trình của ba người bạn già từng phục vụ tại chiến trường Việt Nam là Larry “Doc” Shepherd, Sal Nealon và Richard Mueller. Họ tái ngộ sau nhiều năm để cùng chôn cất con trai của Doc – chàng lính thủy đánh bộ mới bỏ mạng tại Iraq.
Last Flag Flying mới được chọn làm tác phẩm chiếu mở màn Liên hoan phim New York 2017.
Từ nghĩa trang Arlington tới bờ biển vùng New Hampshire, họ đem theo tro cốt của chàng trai trẻ, cùng nhau sẻ chia kỷ niệm từ cuộc chiến ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương, và cả những tiếng cười tưởng như đã mất sau khi trở về từ chiến trường.
Đạo diễn Richard Linklater phát biểu: “Chiến tranh để lại hậu quả khủng khiếp và cái giá quá đắt. Điều đó khiến tôi lo lắng về chính phủ hiện tại. Nhưng dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ, những người không cầm súng luôn thích chứng tỏ bản lĩnh bằng cách ném bom hay phóng tên lửa. Theo dõi Last Flag Flying, tôi hy vọng khán giả có thể hiểu thông điệp ấy”.
Một tác phẩm khác cũng đề cập đến sang chấn tâm lý hậu chiến làThank You for Your Service. Có sự tham gia của Miles Teller và Haley Bennett, phim đề cập tới khó khăn của những người lính trở về từ Iraq trong việc tái hòa nhập cộng đồng.
Khán giả kỳ vọng Suburbicon sẽ là tiếng cười châm biếm sâu cay về nạn phân biệt chủng tộc kéo dài trong suốt nhiều thập kỷ qua tại Mỹ.
Nỗi đau từ quá khứ cũng không bị Hollywood lãng quên, và còn tình cờ phản ánh một phần sự nhiễu nhương của xã hội Mỹ đương đại. Từ kịch bản của Joel và Ethan Coen, tài tử George Clooney thực hiệnSuburbicon – tác phẩm hài đen lấy bối cảnh thập niên 1950 tại một khu ngoại ô thanh bình, nhưng thực tế ẩn chứa nạn kỳ thị và bạo lực đối với người da màu.
Clooney cho biết: “Donald Trump đắc cử khi chúng tôi đang quay phim. Nhiều người trong đoàn nói rằng, &’Thật tệ khi bộ phim chưa thể ra rạp ngày hộm nay’. Nhưng tôi tin là những vấn đề màSuburbicon nêu lên không bao giờ lỗi thời. Tính thời sự của bộ phim quả là điều không may mắn đối với chúng ta”.
Nỗi đau kỳ thị chắc chắn cũng sẽ được nhắc tới qua Marshall. Đây là tác phẩm tiểu sử về Thurgood Marshall – thẩm phán da màu đầu tiên trong lịch sử xứ sở cờ hoa.
Năm 1941, ông có nhiệm vụ bào chữa cho một thanh niên da màu bị cáo buộc là đã tấn công tình dục và sát hại người chủ da trắng giàu có. Đây là vai diễn nặng ký dành cho Chadwick Boseman – tài tử Black Panther trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Đạo diễn Clint Eastwood chiêu mộ chính những người hùng ngoài đời thực cho 15:17 to Paris.
Đâu đó giữa làn sóng “tập kích”, chủ nghĩa anh hùng Mỹ vẫn xuất hiện. Clint Eastwood, người thuộc nhóm sao ủng hộ Donald Trump, đang gấp rút hoàn thành The 15:17 to Paris. Bộ phim xoay quanh vụ khủng bố tấn công tàu Thalys tại Pháp hồi cuối 2015.
Để tạo ra sự độc đáo cho tác phẩm, Clint Eastwood chiêu mộ chính những nhân vật người hùng ở ngoài đời thực là Anthony Sadler, Alex Skarlatos và Spencer Stone cho dự án. Các phim của ông thường được thực hiện rất nhanh, và giới quan sát cho rằng The 15:17 to Paris hoàn toàn có thể trở thành “ngựa ô” vào phút chót trên đường đua Oscar 2018.
Việt Phương (theozing.vn)