Hollywood dạy Bạch Tuyết cưỡi ngựa, bắn cung
Những phim cổ tích do người thật đóng như “ Bạch Tuyết và gã thợ săn”, “Cô bé quàng khăn đỏ”…được thêm thắt táo bạo để gần hơn với khán giả hôm nay?
Rất khó để một phim cổ tích do người thật đóng xây dựng được một không gian cổ tích bay bổng và thuần khiết giống như những gì mà phim hoạt hình của Walt Disney đã làm được. Thế nên, chẳng lạ gì khi Hollywood tìm cách chế tác lại câu chuyện cổ trong không khí mới, mời các ngôi sao nhập vai dưới sự hỗ trợ của sức mạnh kỹ xảo, để tạo một “mâm cỗ” vừa lạ vừa quen.
Cổ tích “người thật việc thật”
Hình ảnh Bạch Tuyết trong phim “Bạch Tuyết và gã thợ săn”)
Kết quả là khán giả được chứng kiến một loạt nhân vật cổ tích trong hình dạng “người thật” bước lên màn ảnh trong thời gian vừa qua. Chỉ có điều, các nhân vật đều rất khác so với hình dung của người xem. Chẳng hạn như Bạch Tuyết qua diễn xuất của Lily Collins – người đã vượt qua hơn 300 cô gái được được vào vai trong phim “Gương kia ngự ở trên tường”. Nàngkhông còn là cô công chúa yếu đuối chờ hoàng tử đến cứu, mà chính là người đã cứu hoàng tử bị các chú lùn hành nghề cướp bóc treo ngược lên cây.
Một nàng Bạch Tuyết khác, thậm chí còn dũng mãnh hơn, chuẩn bị xuất hiện trên màn ảnh với bộ phim “Bạch Tuyết và gã thợ săn” ra mắt ngày 1.6. Nàng phải học cách chiến đấu để thoát khỏi cuộc truy sát nham hiểm và nhẫn tâm của mụ hoàng hậu độc ác Ravenna. Cái ác được đẩy tới tận cùng bằng những chi tiết mụ hoàng hậu cần được ăn trái tim của Bạch Tuyết vào lúc nàng trở thành người đẹp nhất thế gian để duy trì được vẻ đẹp của mình.Để vào vai chính trong bộ phim giật gân và kinh dị này, ngôi sao phim “Twilight” Kristen Stewart đã phải khổ sở suốt 4 tháng để học cưỡi ngựa, bắn cung và 4 tháng luyện giọng nói.
“Enchanted”, bộ phim đưa cô bé lọ lem trong hoạt hình tình cờ lạc đến New York hiện đại
Còn nhớ năm ngoái, bộ phim “Cô bé quàng khăn đỏ” qua diễn xuất chính của Amanda Seyfried từng khiến khán giả lạ lẫm thú vị khi đưa tuổi đời của cô già hơn so với một cô bé trong hình dung từ những trang cổ tích. Bộ phim thực sự kinh dị khi đặt vào bối cảnh một ngôi làng đang bị đe dọa của người sói.”Cô bé” còn buộc phải dũng cảm đối diện với lựa chọn hoặc chấp nhận cuộc hôn nhân sắp đặt để bảo vệ người thân, hoặc bỏ trốn theo người yêu.
Trước đó, hãng Walt Disney – vốn bảo thủ trong việc đưa truyện cổ tích lên màn ảnh theo cách trong sáng và thuần khiết – cũng khiến người ta ngạc nhiên với bộ phim “Enchanted” (2007). Bộ phim đem lại cô bé lọ lem cuộc phiêu lưu mới trong thế giới lộng lẫy của…New York hiện đại, nơi cô không tìm thấy tình yêu với chàng hoàng tử lý tưởng đến mức lố bịch, mà với người đàn ông độc thân nuôi con đang trong mối quan hệ với người phụ nữ khác.
Video đang HOT
Những gì đã xảy ra với cổ tích trong phim Hollywood được dự báo sẽ còn lặp lại trong những bộ phim sắp tới cùng lấy chất liệu từ những câu chuyện cổ dân gian như Cô bé lọ lem, Công chúa ngủ trong rừng…
Giữ lại và thêm thắt
Nhân vật hoàng hậu và chiếc gương thần trong “Bạch Tuyết và gã thợ săn”
Bằng cách thêm thắt nhiều chi tiết tạo không khí hấp dẫn chung, Hollywood dường như đã thêm vào nhiều chủ đề hơn cho câu chuyện gốc, dù vẫn giữ lại những gì thuộc về tinh thần cốt lõi của câu chuyện. Chính những chủ đề mới phát sinh lại là mối bận tâm của những khán giả đang hoài nghi điều cổ tích trong cuộc sống hôm nay.
Bằng chứng là dù có biến tấu đến thế nào, những bộ phim này luôn đảm bảo chúng phải có những hình ảnh biểu tượng cho giá trị đạo đức của câu chuyện gốc. Chẳng hạn như chiếc gương thần nhắc nhớ người ta không nên chôn vùi đời mình trong thói tự hãnh, sự ganh ghét, đố kỵ. Hình ảnh cô công chúa hôn mê trên tòa tháp là ẩn dụ của lời răn dạy những cô gái mới lớn ý thức về dục tính với tất cả quyền lực và hệ lụy. Hay quả táo độc là cảnh báo về những nguy hiểm rình rập một đứa trẻ trong cuộc phiêu lưu ngắn ngủi của nó…
Mặt khác, việc mang lại cho nhân vật nữ nhiều sức mạnh hơn, ý thức làm chủ cuộc đời hơn cho thấy nhận thức về nữ quyền sâu sắc hơn. Và có lẽ thời nay chẳng mấy ai còn thích những cô gái yếu đuối, bị số phận đày ải và chờ đợi một ai đó đến cứu giúp.
Khải Trí
Theo Vietnamnet
"Mirror Mirror" - Nàng Bạch Tuyết Ấn Độ
Trong vài năm trở lại đây, bên cạnh những xu thế đang làm mưa làm gió tại Hollywood như phim chuyển thể từ truyện tranh, làm lại các tác phẩm kinh dị thành công của Châu Á, phim thần thoại, phần tiếp theo... Hollywood còn âm thầm đưa những câu chuyện cổ tích lên màn ảnh rộng theo phong cách hiện đại.
Sở dĩ nói là "âm thầm" vì các tác phẩm thuộc dạng này (không tính phim hoạt hình) đều ít gây ấn tượng về chất lượng nội dung lẫn thương mại. Nếu như năm ngoái, cả Red Riding Hood (dựa trên truyện Cô bé quàng khăn đỏ), Beastly (phiên bản hiện đại của Người đẹp và quái vật dựa trên tiểu thuyết cùng tên do nhà văn nữ Alex Flinn sáng tác) đã chết yểu, thì năm nay Mirror Mirror cũng chưa đáp ứng được mong đợi của người xem. Giờ đây, khán giả sẽ đặt hết hy vọng vào Snow White and the Huntsman (cũng về nàng Bạch Tuyết giống Mirror Mirror).
Cùng với M. Night Shyamalan, Tarsem Singh là hai trong số đạo diễn người Ấn Độ đang được trọng vọng tại Hollywood. Họ đều để lại dấu ấn cá nhân của mình từ cuối thập niên 90 đầu những năm 2000. Nếu như M. Night Shyamalan nổi danh với The Sixth Sense (1999) thì Tarsem Singh được biết đến với The Cell (2000). Mặc dù nổi tiếng cùng thời kỳ, cùng quê hương nhưng hai người lại đi theo hai phong cách khác nhau. Nếu ai yêu thích những tác phẩm có concept art sáng tạo, sử dụng màu sắc ấn tượng, hình ảnh đánh mạnh vào thị giác người xem thì sẽ cực kỳ yêu thích phim của Tarsem Singh (The Fall, Immortals).
Sau khi Nhà vua (Sean Bean) biến mất một cách đột ngột, mọi quyền lực trong vương quốc đều rơi vào tay Nữ hoàng (Julia Roberts). Vì ghen ghét với sắc đẹp của Bạch Tuyết, mụ giam cầm cô trong lâu đài suốt 18 năm. Mọi chuyện bỗng thay đổi khi có sự xuất hiện của chàng hoàng tử đẹp trai Alcott. Để giữ lại mạng sống, Bạch Tuyết phải ẩn thân trong rừng sâu. Tại đây, cô làm quen với 7 chú lùn dũng cảm, tốt bụng nhưng cũng không kém phần láu cá. Họ quyết tâm đứng lên để chống lại Nữ hoàng, đem lại yên bình cho đất nước.
Trong Mirror Mirror, Tarsem Singh tiếp tục trung thành với phong cách riêng và tạo được hiệu ứng nhất định. Khu rừng ma quái nơi 7 chú lùn sinh sống, căn nhà bí ẩn trong gương đứng trơ trọi giữa bốn bề là nước cùng phần trang phục sặc sỡ, khác lạ quả thực rất ấn tượng. Điều này mang lại không khí rất cổ tích cho Mirror Mirror.
Là người Ấn Độ nên các bộ phim của Tarsem ít nhiều bị ảnh hưởng văn hóa vùng Nam Á. Ông thể hiện chúng qua cách sử dụng màu sắc, phục trang và âm nhạc. Ca khúc I Believe (in love) do nữ diễn viênLily Collins trình bày cuối phim mang lại cảm giác rạo rực, sôi động là minh chứng rõ nhất cho điều này. Từ giai điệu, cái liếc mắt, xoay người, màn múa phụ của dàn vũ công đều mang đậm phong cách Bollywood.
Chuyển thể câu chuyện cổ tích Bạch Tuyết và 7 chú lùn lên màn ảnh rộng có nhiều cách khác nhau. Nếu như trong phiên bản Snow White and the Huntsman, các nhà làm phim chọn thể loại phiêu lưu/hành động thì Tarsem Singh lại chọn phong cách hài/phiêu lưu. Những chú lùn và chàng hoàng tử Alcott giờ đây có nhiệm vụ chọc cười khán giả nhiều hơn.
Mirror Mirror lấy Bạch Tuyết làm nhân vật trung tâm và Lily Collins đã chiếm được cảm tình của khán giả nhờ nét xinh xắn, dễ thương. Mặc dù vậy, cô mới chỉ dừng lại ở mức đáng yêu chứ về kinh nghiệm lẫn khả năng diễn xuất, Lily Collins còn phải học tập nhiều. Vai nữ hoàng của Julia Roberts mới là trung tâm thâu tóm mọi sự chú ý của người xem. Cô thể hiện rất tốt một nhân vật vừa độc ác, vừa ngây ngô, đôi khi ngớ ngẩn, hài hước, lại có lúc điên điên rồ rồ.
Đáng tiếc, dù Tarsem Singh vẫn giữ được thương hiệu thông qua âm nhạc, hình ảnh kỳ ảo, trang phục, màu sắc độc đáo nhưng ông vẫn không thể khắc phục được nhược điểm như khi thực hiện Immortals. Câu chuyện trong Mirror Mirror đôi khi quá đơn giản, đôi khi lại rời rạc, đôi khi lại quá nhanh. Phần kịch bản nhạt nhẽo đã để lại nhiều điểm trừ cho bộ phim.
Đạo diễn: Tarsem Singh
Diễn viên: Lily Collins, Julia Roberts, Armie Hammer
Thể loại: Tâm lý / Hài / Phiêu lưu
Phân loại:
Theo TTVN
Julia Roberts ghen tức gái trẻ Trong khi nhan sắc của Lily Collins được cả thế giới tôn vinh thì sắc đẹp của Julia Robert chỉ được mỗi chiếc gương công nhận. Bộ phim Mirror Mirror ( Gương kia người ngự trên tường), chuyển thể từ một trong số những truyện cổ tích được yêu thích nhất mọi thời đại Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn vừa tung...