Hội tụ đủ các điều kiện tạo ‘đột phá’ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Trước thềm Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 dự kiến diễn ra ngày 21/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Không chỉ cá nhân tôi, mà ai ai cũng muốn Đồng bằng sông Cửu Long khoác lên mình diện mạo mới tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Và bây giờ chúng ta đã hội tụ đủ các điều kiện tạo nên những “đột phá” cho vùng”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Để hiểu rõ hơn về quy hoạch, chiến lược và nguồn lực để thúc đẩy đầu tư, nâng tầm Đồng bằng sông Cửu Long, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xung quanh nội dung này.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xin Bộ trưởng cho biết Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chính sách cụ thể nào để thúc đẩy phát triển vùng?
Trước hết, phải khẳng định vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng. Mặc dù, khu vực này đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, nhưng luôn đối diện với rất nhiều thách thức. Chính phủ và Thủ tướng qua các nhiệm kỳ đều hết sức quan tâm đến Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ nhất, chúng ta có chủ trương của Đảng với tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm lớn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng trở thành vùng phát triển hiện đại, nhanh và bền vững, toàn diện, sinh thái, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa sông nước.
Vừa cách đây 2 ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.
Tiếp đến, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã làm thay đổi sâu sắc về cách nhìn đối với vùng trên tinh thần thuận thiên.
Cùng với đó, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022, với các định hướng chiến lược quan trọng mở ra các tầm nhìn mới, tư duy mới, giá trị mới và cơ hội mới cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa là trách nhiệm, vừa là nguồn cảm hứng. Khi nói đến Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ tôi mà nhiều vị lãnh đạo khác bao giờ cũng có một nguồn cảm hứng, một niềm trăn trở là làm sao để vùng phát triển phồn vinh và nhanh hơn, người dân được hạnh phúc hơn, cuộc sống của họ không bị bấp bênh và đối mặt với quá nhiều thách thức như hiện nay.
Không chỉ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cá nhân tôi, mà ai ai cũng muốn Đồng bằng sông Cửu Long khoác lên mình diện mạo mới tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tôi cho rằng, bây giờ chúng ta đã hội tụ đủ các điều kiện tạo nên những “đột phá” cho vùng.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi đã phối hợp với nhóm 6 ngân hàng phát triển (WB, ADB, AFD, KfW, JICA, KEXIM) vận động hơn 2 tỷ USD cho 20 dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ khoản vay nước ngoài phát triển bền vững vùng thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng được nhu cầu về phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây không chỉ là nguồn vốn đầu tư quan trọng, vốn ODA, vốn vay ưu đãi còn có vai trò là các nguồn vốn “mồi” để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài.
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt và sẽ được công bố vào ngày 21/6. Thưa Bộ trưởng, quy hoạch có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của vùng?
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng đã được xác định tại Nghị quyết 13/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương rất lớn của Bộ Chính trị với nhiều quan điểm mới, mang tính đột phá để phát triển nhanh và bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng phù hợp với quan điểm phát triển “thuận thiên”, “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, chủ động kiến tạo phát triển thông qua giải quyết bài toán tổng thể về phát triển vùng, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, xác định các vấn đề trọng tâm và ưu tiên chiến lược phát triển vùng trong thời gian tới.
Theo tôi, đây cũng là cơ sở cho việc điều phối liên kết phát triển vùng và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, đặc biệt nguồn lực về đất đai và vốn đầu tư, xây dựng danh mục dự án ưu tiên ở cấp vùng.
Video đang HOT
Từ quy hoạch này, các bộ, ngành Trung ương và địa phương sẽ nhận diện đâu là những cơ hội và thách thức mới, từ đó cơ cấu lại các ngành kinh tế để có bước phát triển mới.
Không những vậy, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn là căn cứ để lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan.
Một kỳ vọng nữa là với việc ban hành, triển khai thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ có một làn sóng đầu tư và phát triển mới tại vùng.
Đây là bản Quy hoạch được tích hợp chiến lược phát triển, tổ chức không gian phát triển, kết cấu hạ tầng và bố trí ngay nguồn lực để thực hiện, triển khai quy hoạch, để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, bứt phá.
Rủi ro, thách thức rất nhiều, nhưng khi chúng ta quản trị được tốt thì sẽ tạo ra những giá trị mới cho các địa phương nói riêng, toàn vùng nói chung, cho các nhà đầu tư và đặc biệt cho người dân có cuộc sống hạnh phúc, yên tâm và no ấm, thịnh vượng hơn. Ý nghĩa này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết số 13-NQ/TW là lấy người dân làm trung tâm, làm mục tiêu, làm động lực.
Tôi tin tưởng và kỳ vọng, thông qua Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, người dân trong vùng sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, được sử dụng những dịch vụ công tốt nhất từ y tế đến giáo dục, có việc làm, thu nhập và chất lượng cuộc sống cao hơn. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của Nghị quyết số 13-NQ/TW là mang lại hạnh phúc, thịnh vượng cho 20 triệu người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Xin Bộ trưởng cho biết rõ thêm về những nội dung mang tính đột phá trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long để giúp cho vùng phát triển bền vững?
Theo tôi, đột phá đầu tiên và lớn nhất là phát triển hài hòa, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên 3 trụ cột là kinh tế – xã hội và môi trường.
Tiếp đến, phát triển theo hướng thuận thiên, thích ứng, tôn trọng và không can thiệp quá sâu vào quy luật tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế. Lấy con người làm trung tâm, làm mục tiêu, làm động lực; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi để phát triển; đồng thời, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, hệ sinh thái tự nhiên.
Nguồn nước lợ từng được cho là thách thức nhưng bây giờ, với tư duy thay đổi, chúng ta biến thách thức thành cơ hội, coi nguồn nước lợ là tài nguyên.
Nếu như trước đây chúng ta phát triển theo hướng phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung, không tạo ra động lực, thì bây giờ Quy hoạch đặt ra yêu cầu về việc nông nghiệp, công nghiệp, đô thị đều phải tập trung lại.
Về nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên, theo 3 tiểu vùng sinh thái, bao gồm vùng nước ngọt quanh năm, vùng chuyển tiếp ngọt – lợ và vùng ven biển chuyển tiếp mặn – lợ; đồng thời, phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kết nối với các đầu mối hạ tầng để hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp, nâng cao giá trị, hiệu quả và thúc đẩy đổi sáng tạo với các sản phẩm nông nghiệp chính của vùng.
Chủ trương đầu tư sớm tuyến đường ben biển đã được đưa vào quy hoạch. Tuyến đường ven biển mở ra không gian mới cho sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long để thúc đẩy kinh tế biển, tạo nên một hành lang kinh tế bao gồm phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị và kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, để trở thành một “huyết mạch” quan trọng.
Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể về nguồn lực và cách thúc đẩy đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện quy hoạch?
Điều kiện đầu tư từ nguồn của các địa phương trong vùng cũng như thu hút đầu tư từ xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn khó. Do vậy, cần có sự ưu tiên của Trung ương về nguồn lực để giúp cho đồng bằng sông Cửu Long.
Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 162.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách trung ương là khoảng 82.000 tỷ đồng, nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 22.000 tỷ đồng.
Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 388.000 tỷ đồng. Với số vốn được bố trí như trên, chúng ta sẽ có điều kiện để hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như: Thông các tuyến cao tốc, nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự-Vĩnh Hưng, kết nối và hoàn thiện các hệ thống thủy lợi, các công trình trữ nước, chống xâm nhập mặn…
Liên quan đến nguồn FDI, so với các vùng khác, đến năm 2021 tổng vốn đầu tư FDI của Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên đáng kể so với các năm trước. FDI ở đây đang trở nên đa dạng, linh hoạt và sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho các ngành.
Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng và tham mưu những cơ chế, chính sách nào để đảm bảo tính liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
Về cơ chế, chính sách đảm bảo liên kết vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, đào tạo vào việc thực hiện các hoạt động liên kết, xây dựng quy chế liên kết vùng.
Ngoài ra, huy động nguồn vốn đầu tư cũng là việc cần phải tập trung triển khai; trong đó, nguồn vốn đầu tư công sẽ cho các dự án đầu tư liên kết vùng được xác định trong quy hoạch; đồng thời, thu hút vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, hoặc đầu tư vốn cổ phần từ các nhà đầu tư tư nhân thông qua các hình thức PPP; nghiên cứu, mở rộng việc chi trả cho các mô hình dịch vụ hệ sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long để có nguồn đầu tư phục hồi hệ sinh thái.
Cùng với đó là tăng cường thu hút đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài; xây dựng chiến lược xúc tiến toàn diện, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, gia tăng tỉ lệ giá trị nội địa, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp địa phương.
Về nguồn lực của địa phương, các địa phương cần tập trung ngân sách có trọng trâm, trọng điểm vào những dự án có hiệu quả cao, sức lan toả lớn và mạnh dạn hơn trong thu hút đầu tư để bổ sung cho nguồn lực đầu tư xã hội của mình.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Đưa nghị quyết vào cuộc sống - Bài 1: Làm giàu ở vùng 'lõi nghèo'
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia.
Đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý, hiếm, nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm là các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc vẫn đang là vùng nghèo nhất cả nước.
Xã Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La) triển khai nhiều mô hình kinh tế như trồng chanh leo, mận hậu, chè, giúp nhiều hộ thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN
Những biểu hiện của "không ít hạn chế"
Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh và 22 huyện, thị xã của Nghệ An, Thanh Hóa. Vùng có đường biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Thượng Lào, phía Đông giáp Vùng Đồng bằng sông Hồng, phía Nam giáp Bắc Trung Bộ; tổng diện tích toàn vùng khoảng 116.898 km2, chiếm 35% diện tích tự nhiên của cả nước, có hơn 30 dân tộc sinh sống với tổng dân số là 14,7 triệu người, chiếm khoảng 15,2% dân số cả nước.
Ngày 15/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, các địa phương ở trung du và miền núi Bắc Bộ đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vùng cũng còn không ít hạn chế.
Một trong những biểu hiện cơ bản của "không ít hạn chế" ở Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là tình trạng kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là ở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước.
Các địa phương ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc có những nét riêng biệt về địa hình so với các vùng lãnh thổ khác trên đất nước ta. Vùng này bao gồm nhiều dãy núi trùng điệp, hùng vĩ như dãy núi Hoàng Liên Sơn được mệnh danh là "mái nhà của Đông Dương", với đỉnh Fanxipan cao 3.142m và hàng chục đỉnh núi khác có độ cao trên dưới 3.000m.
Phía Tây Bắc là khu vực có địa hình núi cao và hiểm trở, phía Đông Bắc là khu vực có địa hình núi trung bình và thấp, kèm với nhiều dãy núi hình cánh cung. Địa hình của vùng nhìn chung hiểm trở, chia cắt, nhất là ở phía Tây Bắc, giao thông đi lại khó khăn.
Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có khí hậu khá khắc nghiệt, thất thường, thường xuyên mưa bão, rét đậm và lũ quét. Hơn thế nữa, do việc khai thác tài nguyên rừng bừa bãi khiến cho rừng ngày càng suy kiệt, dẫn đến sói mòn, sạt lở đất...
Các tài nguyên khoáng sản đang dần dần cạn kiệt, số lượng tích trữ nhỏ dần nhưng rác thải và ô nhiễm lại đang tăng với con số đáng báo động.
Trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người như: Tày, Mường, Nùng, Mông, Dao, Thái... Mật độ dân số ở miền núi vào khoảng 50 - 100 người/km2, có sự hạn chế về thị trường tại chỗ và về lao động, nhất là lao động lành nghề, nhiều chỉ số về văn hóa, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc, dù chỉ chiếm hơn 15% dân số song các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc lại chiếm tới 40% số người nghèo của cả nước.
Mật độ doanh nghiệp của vùng này đang rất thấp, chỉ bằng 1/3 mật độ chung cả nước. Có tới 5 tỉnh trong khu vực đứng trong nhóm 10 địa phương có chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) thấp nhất toàn quốc. Đồng thời, sự phát triển kinh tế của các địa phương chưa đồng đều. Số lượng doanh nghiệp hoạt động thấp, đa phần là những doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn chưa mang tính vùng, chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội, đang tạo sức ép lớn đối với môi trường.
Nhìn chung, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có quy mô kinh tế còn nhỏ so với các vùng khác; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương chậm; tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp; việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp; các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân chưa nhiều...
Tựu trung, Vùng Tung du và miền núi Bắc Bộ còn nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng chưa được khai thác và phát triển xứng tầm. Một trong những nguyên nhân là các cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển vùng từ Trung ương phát huy tác dụng chưa nhiều, còn các địa phương thuộc vùng lại chưa phát huy tính chủ động, phát huy nội lực.
Muốn đi nhanh và đi xa thì hãy đi cùng nhau
Tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch xong vùng chuyên canh rau an toàn ở các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Lập Thạch... theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không có liên kết nội vùng, liên vùng thì tất cả vấn đề liên quan đến phối hợp, phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng vùng với nhau sẽ rất khó khăn trong việc triển khai do thiếu cơ sở pháp lý. Bên cạnh đó, cần có sự đánh giá về thực trạng các nguồn lực, hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phát triển vùng trong thời gian qua, nhất là các nguồn lực đầu tư công và nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Đồng thời, cũng cần có sự phân tích, đánh giá ưu điểm, hạn chế của những cơ chế, chính sách về thu hút và phân bổ các nguồn lực đang được thực hiện trong vùng, trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển đặc thù, phù hợp trong thời gian tới.
Việc đầu tư cần có trọng tâm trọng điểm, ưu tiên các dự án có tính liên kết lan tỏa và hạ tầng giao thông. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích và thu hút được đầu tư của xã hội, tạo nguồn lực phát triển cho vùng.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những nguyên nhân liên kết vùng thời gian qua chưa đạt hiệu quả là do chưa có cơ chế liên kết, điều phối vùng, dẫn đến một số địa phương gặp phải vấn đề "xung đột lợi ích", chưa xem xét việc phối hợp trong lợi ích tổng thể của cả vùng, mà cát cứ, cục bộ, "mạnh ai nấy làm" nên xảy ra tình trạng không những không liên kết, hợp tác, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau phát triển, mà trái lại, còn làm giảm động lực tăng trưởng, không khai thác, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của cả vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Để khắc phục những hạn chế nêu trên thì cần tuân thủ đúng quy trình lập quy hoạch và tăng cường sự tham gia, phối hợp của các bên liên quan. Theo đó, Luật Quy hoạch tạo ra bước chuyển mới trong công tác quy hoạch, đặc biệt là quy định về quy hoạch vùng như một cấp quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhấn mạnh đến yếu tố không gian phát triển, gắn với đó là quy trình lập quy hoạch được tiếp cận theo hướng tích hợp, đa ngành và coi trọng sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để xử lý, giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng.
Tiếp theo, cần thể hiện rõ nét định hướng liên kết phát triển vùng trong xây dựng quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; thể hiện rõ yêu cầu liên kết, vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng địa phương trong quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh để triển khai trong thực tiễn, bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra. Nội dung các quy hoạch cần có sự thống nhất và phân chia một cách hợp lý mục tiêu phát triển, thu hút đầu tư giữa các địa phương để hạn chế tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có sân bay, cảng biển hay đường cao tốc.
Vấn đề cần quan tâm là kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông - một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng. Nút thắt lớn nhất đối với sự phát triển của vùng là sự yếu và thiếu của hệ thống giao thông kết nối nội vùng, kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng và kết nối với thị trường Trung Quốc.
Tiếp nữa là việc thúc đẩy liên kết khu vực động lực, các chuỗi liên kết kinh tế, chuỗi sản phẩm. Theo đó, cần định hướng phát triển vùng động lực của toàn vùng, từ đó lan tỏa, kích thích kinh tế các khu vực lân cận; định hướng liên kết các chuỗi kinh tế, các chuỗi sản phẩm mang quy mô vùng.
Cần tạo sự liên kết trong phát triển đô thị và nông thôn, gắn với khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Theo đó, phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị trên địa bàn cả vùng, có tính liên kết tổng thể chặt chẽ, xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị, nhất là đô thị động lực đối với hệ thống đô thị và vùng nông thôn phụ cận; tập trung đầu tư các dự án hạ tầng đô thị trọng điểm, các vùng đô thị động lực để lan tỏa, thúc đẩy khu vực phụ cận phát triển; gắn kết các khu đô thị với xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Vấn đề cuối cùng là huy động nguồn lực đầu tư bảo đảm thực thi các dự án vùng, liên vùng. Theo đó, cần tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, gồm cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho vùng để đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng. Còn đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thì cần nghiên cứu cơ chế đặc thù ưu đãi thỏa đáng để thu hút đầu tư vào Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ - khu vực kém cạnh tranh nhất cả nước.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư: Kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm phục hồi nhanh Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phục hồi nhanh ngay trong quý I/2022. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 diễn ra vào sáng nay (4/4), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế -...