Hội thảo quốc tế Hoàng Sa, Trường Sa: Sáng tỏ chủ quyền của VN
Tại cuộc họp báo hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” vào chiều nay ở Đà Nẵng, đại diện ban tổ chức cho biết, hội thảo lần này thu hút được sự quan tâm gấp đôi của các học giả, nhà khoa học so với hội thảo năm ngoái và hội thảo sẽ làm sáng tỏ hơn chủ quyền lịch sử cũng như pháp lý của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Giám đốc trường Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam (giữa) và PGS.TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng (bìa phải) tại cuộc họp báo hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” vào chiều nay tại Đà Nẵng.
Tại cuộc họp báo được tổ chức vào 5h chiều nay 19/6, Giám đốc trường Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam cho biết có gần 100 đại biểu tham dự Hội thảo “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” từ ngày 19-21/6 tại Đà Nẵng, gồm các học giả, nhà nghiên cứu, luật gia nổi tiếng đến từ Hoa Kỳ, Nga, Đức, Úc, Ấn Độ, Philippines…, như giáo sư danh dự Carl Thayer của Đại học New South Wales và Học viện quốc phòng Úc, Giáo sư Jerome Cohen, chủ tịch học viện Pháp lý Hoa Kỳ, Đại học Luật, New York,… và các học giả, nhà nghiên cứu của Việt Nam, đại diện của các ban ngành trong cả nước.
Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng trường Đại học Phạm Văn Đồng, đơn vị đồng tổ chức Hội thảo cùng với Đại học Đà Nẵng, từ tiếng vang của Hội thảo “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Các khía cạnh lịch sử và pháp lý” được tổ chức vào tháng 4/2013 tại Quảng Ngãi, năm nay số lượng đại biểu và cả phóng viên báo chí tham gia tăng gấp đôi. Nhưng ông cũng cho biết con số đông các đại biểu tham dự cũng một phần là do sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép từ đầu tháng 5 trong vùng biển của Việt Nam.
Ông Trần Văn Nam cho biết thêm trong số những đại biểu tham dự, có 19 đại biểu nước ngoài, 5 học giả là nhà khoa học người Việt ở nước ngoài và 9 học giả trong nước, với 34 tham luận được gửi đến. Theo dự kiến 20 tham luận sẽ được trình bày trong ngày mai 20/6.
Video đang HOT
Ông Nam cũng thông báo về các nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo, gồm vai trò, vị trí của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông; thực tế tranh chấp của hai quần đảo tác động đến hòa bình và an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương, với sự kiện 19/1/1974 và ngày 14/31988 cũng được đề cập; xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa dưới góc độ luật quốc tế và triển vọng, giải pháp giải quyết tranh chấp đối với chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bao gồm các giải pháp quá độ như hợp tác cùng phát triển, hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm tại các khu vực tranh chấp.
Trong khuôn khổ của hội thảo, ông Nam cho biết sẽ có buổi tọa đàm để các học giả, nhà nghiên cứu có đánh giá sâu về ý đồ của Trung Quốc khi cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam và phân tích những khía cạnh pháp lý liên quan.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về khía cạnh pháp lý trong hội thảo, ông PGS.TS Phạm Đăng Phước cho biết mục tiêu của hội thảo là “làm sáng tỏ hơn chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” và hội thảo cũng muốn có đóng góp từ phía các học giả về các giải pháp đối với tranh chấp hiện nay.
Ngoài ra, theo ông Trần Văn Nam, tại triển lãm “Hoàng Sa – Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” được tổ chức vào ngày 21/6, sẽ có những tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa lần đầu tiên được công bố.
Thùy Trang
Theo Dantri
Gần 40 tàu cá Trung Quốc dàn hàng ngang chặn tàu cá Việt Nam
Cập nhật thông tin tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, gần khu vực tàu cá của ta đánh bắt có khoảng 35-38 tàu cá của Trung Quốc được sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh có số hiệu 46102, 44608 của Trung Quốc tiến hành dàn hàng ngang, ngăn cản, chặn hướng và ép các tàu cá của ta ra xa không cho hoạt động ở gần giàn khoan.
Trước tình hình đó, các tàu của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam tiếp tục tăng cường hỗ trợ, bảo vệ an toàn cho nhóm tàu cá của ngư dân yên tâm bám ngư trường đánh bắt cá và hỗ trợ nhau bảo đảm an toàn.
Cũng theo Cục Kiểm ngư, đến thời điểm 16 giờ ngày hôm nay (19/6) phía Trung Quốc vẫn tiếp tục gây căng thẳng trên biển Đông. Theo đó, các tàu của Trung Quốc thường xuyên ép hướng, ngăn chặn quyết liệt tàu của Việt Nam và không cho các lực lượng thực thi pháp luật của ta tiếp cận khu vực giàn khoan Hải Dương-981.
Cận cảnh tàu của Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước vào tàu lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.
Theo đó, các tàu Hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu kéo của Trung Quốc thường xuyên bám sát, chủ động ngăn cản, ép hướng, ngăn chặn quyết liệt, áp sát tàu ta với khoảng cách 50-200m. Tuy nhiên, các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư của ta vẫn kiên trì bám trụ, cơ động vòng tránh.
Cung cấp thông tin tại hiện trường thực địa, đại diện Cục Kiểm ngư cho hay, trong ngày vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 vẫn không có gì thay đổi.
Hiện, lực lượng bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc có khoảng 106-115 tàu các loại; trong đó có 37-39 tàu Hải cảnh, 12-14 tàu vận tải, 17-19 tàu kéo, 35-38 tàu cá và vẫn duy trì 5 tàu quân sự.
Đại diện Cục này cũng cho biết, trong ngày các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam cơ động vào cách giàn khoan khoảng 9-10 hải lý tiếp tục đấu tranh, tuyên truyền và thực thi pháp luật.
Cùng với đó, các tàu đánh cá của ngư dân ta vẫn ở khu vực ngư trường truyền thống sản xuất, đánh bắt kết hợp tuyên truyền đấu tranh ở Tây Nam giàn khoan 37-41 hải lý.
Theo Vietnam
Quốc tế phản đối hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông Trong cuốn hồi ký mới xuất bản, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, Trung Quốc đã "đi quá đà" ở Châu Á. Tình hình căng thẳng trên Biển Đông xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục khiến...