Hội thẩm nhân dân: Không thể “ngồi cho có”
Có quyền bỏ phiếu liên quan đến bản án nhưng nhiều hội thẩm nhân dân không hỏi được bị cáo, đương sự, người bị hại câu nào, bị phụ thuộc vào ý kiến của thẩm phán.
Phiên họp thứ 12 Ủy ban Tư pháp Quốc hội mới đây bàn thảo về thực trạng vai trò, nhiệm vụ, quyền lợi của hội thẩm nhân dân (HTND) trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm ở Việt Nam hiện nay. Qua đó cho thấy sau một thời gian áp dụng, chế định HTND đã bộc lộ nhiều vấn đề.
Vai trò rất quan trọng
Điều kiện để trở thành HTND: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; có phẩm chất, đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực; có kiến thức pháp lý; có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế XHCN; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bản thân chế định HTND là sự thể hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc”, bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của tòa án. Hội thẩm bằng sự tham gia của mình vào hội đồng xét xử (HĐXX) mà thực hiện quyền lực tư pháp, đồng thời thông qua đó để nhân dân tham gia một cách có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước nói chung, hoạt động của tòa án nói riêng.
Một hội đồng xét xử gồm 3 hội thẩm nhân dân và 2 thẩm phán. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: PHẠM DŨNG
Luật Tổ chức TAND tại điều 5 quy định: “Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nghĩa là khi tham gia xét xử một vụ án cụ thể, HTND phải nghiên cứu và nắm vững hồ sơ, thu thập thông tin và quá trình diễn biến tại phiên tòa, độc lập suy xét, chí công vô tư, không vị nể hoặc vì áp lực của bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào. Về nguyên tắc xét xử, điều 6 Luật Tổ chức TAND năm 2002 quy định: “Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số…”. Pháp luật tố tụng quy định thành phần HĐXX sơ thẩm gồm: 1 thẩm phán và 2 hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng, HĐXX có thể gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm.
Như vậy, hội thẩm có địa vị pháp lý và vai trò rất quan trọng trong công tác xét xử bởi chiếm đa số thành viên trong HĐXX và ngang quyền với thẩm phán khi ra các phán quyết về vụ án. Khi xét xử, nếu ý kiến biểu quyết của các hội thẩm giống nhau nhưng khác ý kiến của thẩm phán thì quyết định của HĐXX phải theo ý kiến của các hội thẩm (đa số). Thẩm phán chỉ có quyền bảo lưu ý kiến và đề nghị tòa án cấp trên xem xét.
Hữu danh vô thực
Tuy nhiên, thực tiễn công tác của các tòa án cho thấy vai trò của HTND khá mờ nhạt. Theo quy định của pháp luật, người được bầu làm hội thẩm chỉ cần có kiến thức pháp luật mà không quy định một tiêu chuẩn tối thiểu. Vì vậy, không ít HTND kiến thức pháp luật hạn chế nhưng lại cùng tham gia xét xử với những thẩm phán có trình độ cử nhân luật, được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức pháp luật và kỹ năng xét xử nên không tránh khỏi việc các hội thẩm mang tâm lý “hữu danh vô thực”, ngồi cho có, không bỏ công nghiên cứu kỹ hồ sơ, xem xét các tình tiết vụ án, bị phụ thuộc vào ý kiến của thẩm phán.
Không thiếu những vị hội thẩm vì yếu kém về kỹ năng xét hỏi, kinh nghiệm sống đã không hỏi được bị cáo, đương sự, người bị hại câu nào, không biết cách đặt câu hỏi để làm sáng tỏ tình tiết vụ án. Nhiều vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, thành phần xét xử phải có một hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để hiểu rõ tâm lý người chưa thành niên; đồng thời thông qua hoạt động xét xử, giáo dục người chưa thành niên tốt hơn, làm cho mục đích của pháp luật hình sự đạt hiệu quả. Thế nhưng, không ít hội thẩm đã mạt sát bị cáo là người chưa thành niên, lên lớp với các bậc phụ huynh.
Video đang HOT
Nhiều phiên tòa, trong khi một mình thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét hỏi, trích bút lục, đối chứng lời khai các bên thì 2 vị hội thẩm ngồi bên thờ ơ hoặc ngả lưng vào ghế lim dim và chỉ mạnh dạn… lắc đầu khi chủ tọa hỏi: “Các vị trong HĐXX có hỏi gì thêm…?”. Cũng có những hội thẩm “sợ” người tham dự phiên tòa cho rằng mình chỉ là “đội hình dự bị” nên đã cố đưa ra nhiều câu hỏi. Tiếc là những câu hỏi kiểu này thường vô thưởng vô phạt hoặc lặp lại câu hỏi của vị chủ tọa phiên tòa, gây mất thời gian và không mang lại hiệu quả…
Cần tập huấn, bồi dưỡng
Để xử lý vấn đề này, cần sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn hội thẩm theo hướng quy định người được bầu hoặc cử làm hội thẩm phải có uy tín, kiến thức, hiểu biết trên các lĩnh vực đời sống xã hội và trình độ pháp lý nhất định (tối thiểu phải có bằng trung cấp pháp lý hoặc ít nhất phải qua một lớp bồi dưỡng về pháp luật từ 3-6 tháng).
Trong khi chưa sửa đổi được các quy định của pháp luật, các cơ quan có liên quan cần phối hợp tốt hơn với tòa án trong công tác tập huấn, bồi dưỡng cho hội thẩm về các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật mới, kỹ năng xét xử…
HĐND và Ủy ban MTTQ cùng cấp cần xây dựng quy chế phối hợp và thực hiện tốt hơn việc quản lý, giám sát đối với hội thẩm từ việc thực thi nhiệm vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức đến việc tạo điều kiện thuận lợi để họ được bố trí thời gian hợp lý tham gia công tác tại tòa án cũng như bảo đảm các biện pháp bảo vệ hội thẩm và gia đình họ trong những trường hợp cần thiết.
Chế định HTND là cần thiết Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, cho rằng chế định HTND là cần thiết để bảo đảm tính nhân dân trong hoạt động xét xử của ngành tòa án và tính tập thể của HĐXX. HTND chỉ tham gia xét xử ở cấp sơ thẩm, nếu xét xử thiếu công bằng, thậm chí oan sai, thì còn có phúc thẩm, giám đốc thẩm xem xét, không phải cấp sơ thẩm xử sao cũng được. Ngoài ra, nếu nói rằng lực lượng HTND chênh lệch trình độ, kiến thức thì còn có kiểm sát viên, hội đồng phúc thẩm xem xét. Vả lại, thẩm phán phải có trách nhiệm cung cấp những văn bản, tài liệu để HTND nắm chắc hơn về đường lối xử lý. Không áp đặt nhưng cần giải thích một cách thuyết phục nếu có sự khác nhau, chênh nhau về việc áp dụng pháp luật. Tất nhiên, kết quả cuối cùng vẫn phải biểu quyết theo đa số. H.Duyên
Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Người Lao Động)
5 CA dùng nhục hình: Nhiều điều lộ ra sau phiên tòa gây phẫn nộ
Vậy là qua một vụ xét xử đã lộ ra khá nhiều điều về sự độc lập của thẩm phán.
Quan hệ chằng chịt
Phiên tòa xét xử sơ thẩm 5 công an đánh đập dẫn đến tử vong một người dânbị nghi ăn cắp đã khép lại. Trái với mong đợi của rất nhiều người, hội đồng xét xử đưa ra bản án không thỏa đáng, gây phản ứng gay gắt.
Sau phiên tòa, trả lời báo chí của ông Chánh án TANDTC TP Tuy Hòa càng "đổ thêm dầu vào lửa", làm cho người ta ngao ngán về trình độ, phẫn nộ về thái độ hờ hững, vô tư lự, thiếu trách nhiệm, lo lắng cho quyền của người dân...
Đặc biệt, những lời lẽ đó cho thấy một vấn đề cốt lõi của hệ thống tòa án, cũng là trọng tâm của cải cách tư pháp - đó là độc lập tư pháp, hay nói cách khác nguyên tắc đã được ghi trong Hiến pháp, các Bộ luật, Luật: Thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử.
Năm bị cáo trước giờ tòa tuyên án. Ảnh: Duy Thanh/TTO
Sổ tay thẩm phán của TANDTC Việt Nam đã trích dẫn lại câu nói của C. Mác "Cấp trên của quan toà là luật pháp". Sổ tay này chỉ dẫn: Khi xét xử, Thẩm phán độc lập, không bị ràng buộc bởi ý kiến của bất cứ ai, không bị chi phối bởi ý kiến của ai. Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử của Thẩm phán. Khi xét xử, Thẩm phán phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để đưa ra ý kiến, quyết định của mình về từng vấn đề của vụ án, không được tuỳ tiện hay bằng cảm tính.
Các thẩm phán trong hội đồng xét xử vụ án nói trên và ông Chánh án chắc đều đã thuộc lòng những hướng dẫn này. Tuy nhiên, diễn biến và kết quả phiên xét xử, nhất là trả lời phỏng vấn của Chánh án cho thấy, dù không trực tiếp nói ra, rõ ràng là các thẩm phán đã chịu tác động từ những mối quan hệ chằng chịt ở địa phương khi xét xử.
Kết quả của phiên tòa trái với mong đợi và làm thất vọng nhiều người, nhưng không ai ngạc nhiên. Bởi lẽ, như lâu nay nhiều ý kiến đã phân tích, nhất là của các chuyên gia pháp lý, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sự độc lập của thẩm phán, dẫn đến những kết quả tương tự như trong vụ án này.
Trước hết, ngay bản thân việc ông Chánh án đứng ra biện luận thay cho các thẩm phán trực tiếp xét xử đã cho thấy điều gì đó không ổn trong mối quan hệ giữa chánh án và các thẩm phán cùng tòa. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, mối quan hệ giữa chánh án và thẩm phán ở Việt Nam giống như quan hệ thủ trưởng - nhân viên, chứ không phải là giữa các quan tòa vốn phải có vị thế bình đẳng.
Mối quan hệ hành chính đó chi phối hoạt động của thẩm phán, hội thẩm, hạn chế hoặc làm mất đi tính độc lập của thẩm phán hay hội thẩm khi tham gia xét xử. Hơn nữa, trong hệ thống chính quyền nói chung, thẩm phán ở Việt Nam cũng chỉ được coi là một công chức, với vị thế, những quy trình, thủ tục bổ nhiệm, lương, mối quan hệ công tác của một công chức, chứ không có được vị thế của những người "cầm cân nảy mực", bảo vệ công lý, có vị thế tách biệt, cao quý như ở nhiều nước.
Mặt khác, hệ thống toà án ở Việt Nam hiện nay được tổ chức theo đơn vị hành chính - lãnh thổ. Điều này dẫn đến tình trạng là thẩm phán, và trong một số trường hợp cả chánh án cũng bị chi phối bởi các ý kiến của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi toà án đặt trụ sở. Trong hoạt động chuyên môn, nếu việc xét xử ấy không phù hợp với chủ trương, ý chí của cấp uỷ, chính quyền địa phương thì có thể bị địa phương đánh giá không tốt.
Là người chịu sự quản lý về nghiệp vụ của toà án cấp trên, nhưng chánh án, thẩm phán toà án ở các địa phương lại đồng thời chịu sức ép từ chính quyền địa phương, nên trong công tác xét xử, thường là không thể độc lập hoàn toàn. Ngoài ra, trong vụ án này, các bị cáo là công an, tức là người của cơ quan nhà nước ở địa phương. Như ông Chủ tịch UBND Phú Yên khẳng định, về nguyên tắc, chính quyền địa phương không can thiệp vào công việc chuyên môn của tòa án.
Mọi người đều muốn tin rằng, về nguyên tắc, có lẽ không ai trực tiếp chỉ đạo hay gợi ý với chánh án hoặc các thẩm phán cần xử thế này, thế kia. Nhưng như trả lời của ông chánh án, trên thực tế, đứng trước các mối quan hệ nhằng nhịt cả trong công việc và cuộc sống, thẩm phán "phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn", "làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt".
Công lý, quyền lợi của dân là tối thượng
Vậy là qua một vụ xét xử đã lộ ra khá nhiều điều về sự độc lập của thẩm phán. Nó cho thấy, cần có những điều kiện để củng cố sự độc lập này như: Tổ chức tòa án theo khu vực chứ không theo đơn vị hành chính; Đổi mới quy trình, cơ chế bổ nhiệm thẩm phán theo hướng giảm sự can thiệp của các cơ quan chính quyền địa phương; Bổ nhiệm suốt đời, hoặc kéo dài thêm nhiệm kỳ của thẩm phán; bỏ cơ chế thỉnh thị, cơ chế duyệt án (trừ việc trao đổi nghiệp vụ giữa các cấp toà với nhau) như nó đã và đang tồn tại ở một số toà án địa phương; Sửa đổi một cách tổng thể chế độ, chính sách đãi ngộ cho thẩm phán tăng "sức đề kháng" trước cám dỗ vật chất.
Xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, nhất quán, kịp thời để thẩm phán khi xét xử có cơ sở pháp lý vững chắc và chỉ tuân theo pháp luật; Công khai hoá bản án, quyết định của Toà án, trừ một số bản án, giúp công chúng thấy rõ quan điểm của toà án, giám sát quá trình, chất lượng xét xử.
Riêng phiên tòa Tuy Hòa còn một lần nữa làm nổi lên một vấn đề đã từng được tranh luận nhiều, nhất là trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, đó là có nên bỏ chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát (VKS). Mặc dù cuối cùng trong Hiến pháp sửa đổi VKS vẫn có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng vụ án Tuy Hòa cho thấy, tòa án TP Tuy Hòa đã không muốn làm căng với Viện Kiểm sát, không muốn "ôm rơm rặm bụng". Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia pháp lý đã cho rằng, việc bỏ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS sẽ góp phần giúp hội đồng xét xử độc lập, khách quan hơn khi xét xử.
Vợ và hai con nhỏ của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Ảnh: Duy Thanh/TTO
Tuy nhiên, việc thiếu những điều kiện khách quan nói trên là nguyên nhân, chứ không biện hộ được kết quả của phiên tòa ở Tuy Hòa. Người dân bình thường, nhất là vợ con, người nhà của người đã mất chỉ quan tâm một điều: hãy trả lại cho họ sự công bằng.
Do vậy, điều quan trọng nhất là sự độc lập nằm trong mỗi thẩm phán. Chỉ khi thẩm phán có một tầm chuyên môn cao với cái tâm trong sáng, tôn trọng lẽ phải, công bằng, thì mới không chịu chi phối từ những tác động bên ngoài.
Khi đó, thẩm phán sẽ có niềm tin nội tâm vững chắc để độc lập xét xử, phán quyết chỉ dựa trên kết quả tranh tụng theo Hiến pháp và pháp luật, hướng đến lẽ phải, công lý. Khi đó, cùng với vị thế đáng ra phải có của người "cầm cân nảy mực", đối với thẩm phán, quyền lợi của người dân, lẽ phải, công lý là điều tối thượng, chứ không phải làm sao "để giải quyết cho an toàn; "bảo đảm mối quan hệ cho tốt".
Một vài phát ngôn Chánh án TANDTC TP Tuy Hòa được công khai với dư luận
- Chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt.
-Có những cái cần nói rõ nhưng cũng có những cái không nên nói, nói càng phức tạp, rối rắm, gây ra dư luận không tốt. Cái này mình đã trả rồi mà người ta không làm thì chỉ xử theo truy tố đó thôi. Ôm rơm nặng bụng.
-VKSND không truy tố thì mình xử theo phạm vi truy tố của VKS, chứ chuyện gì phải căng thẳng"; "xét xử còn có phúc thẩm"; "70 vết thương trên người nạn nhân, nhìn thấy kinh. Cả đám đông đấy mà hỏi ai cũng nói không biết, không nhớ gì hết. Hết sức phức tạp, làm gì được nữa?"; "Bỏ lọt hả? Có cái cũng đành vậy chứ"; "Tôi thấy đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp".
Theo VietNamNet
Nhiều điều lộ ra sau phiên tòa gây phẫn nộ Vậy là qua một vụ xét xử đã lộ ra khá nhiều điều về sự độc lập của thẩm phán. Quan hệ chằng chịt Phiên tòa xét xử sơ thẩm 5 công an đánh đập dẫn đến tử vong một người dân bị nghi ăn cắp đã khép lại. Trái với mong đợi của rất nhiều người, hội đồng xét xử đưa ra...