Hội Nông dân Việt Nam kiểm tra tình hình khó khăn của nông dân do dịch covid-19
Ngày 4/6, Đoàn kiểm tra giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 T.Ư do ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hưng Yên.
Hỗ trợ kịp thời, dân phấn khởi
Địa điểm đầu tiên Đoàn công tác đến khảo sát là hộ ông Hoàng Xuân Thụ – hội viên Hội Cựu chiến binh xã Ông Đình, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Trong đợt dịch vừa qua, ông Thụ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/3 tháng cùng nhiều gạo, nhu yếu phẩm… “Là đại dịch lớn, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nhưng chúng tôi được hỗ trợ rất kịp thời nên bà con rất phấn khởi”- ông Thụ chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN trao quà cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch ở xã Ông Đình, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Trần Quang
Cùng được nhận hỗ trợ trong đợt dịch vừa qua, hộ gia đình ông Vũ Huy Hồng, bà Vũ Thị Trường (ở thôn 1, xã Ông Đình, huyện Khoái Châu) thuộc diện hộ nghèo nên được hỗ trợ gần 4 triệu đồng cùng nhiều gạo, nhu yếu phẩm.
Khi đến thăm, nghe chủ hộ kể về hoàn cảnh của gia đình, các thành viên trong đoàn công tác rất xúc động. Hộ ông Hồng có 4 khẩu, vợ chồng ông cũng thường xuyên đau ốm, bệnh tật, mọi nguồn thu của gia đình chỉ có gần 3 sào ruộng trũng cấy lúa, vụ được mùa, vụ mất trắng. Nắm bắt được hoàn cảnh hộ ông Hồng và các gia đình khó khăn khác ở địa phương, xã Ông Đình đã khẩn trương trích ngân sách xã để hỗ trợ ngay cho bà con, gồm cả tiền mặt và nhu yếu phẩm từ nguồn xã hội hóa.
Bà Nguyễn Thị Yến – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ông Đình cho biết, tính đến nay, xã đã rà soát và chi hỗ trợ cho 511 đối tượng với số tiền 598 triệu đồng. Trong số này, đối tượng người có công là 90; người hưởng trợ cấp là 197; người nghèo là 97; hộ cận nghèo là 97… “Trong quá trình hỗ trợ, địa phương cũng cử các đoàn giám sát chặt chẽ, minh bạch để tránh tình trạng hỗ trợ trùng lặp, tiêu cực, trục lợi chính sách. Nhờ cách làm bài bản, khoa học nên đến nay các công việc đều diễn ra thuận lợi…”- bà Yến khẳng định.
Video đang HOT
Cần bổ sung đối tượng được hỗ trợ
Góp ý thêm với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Hoành – Bí thư Đảng ủy xã Ông Đình đề nghị, đoàn công tác nên đề nghị bổ sung thêm đối tượng chi hỗ trợ cho người dân sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ, lẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Trong thời điểm dịch, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của bà con rất khó khăn và gần như không bán được nông sản nên thu nhập bị “cắt đứt” ngay. Chính vì thế, đối tượng này đang rất mong nhận được hỗ trợ để hồi phục sản xuất”- ông Hoành kiến nghị.
Tiếp thu các phản hồi của người dân, các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên, các thành viên của đoàn công tác hứa sẽ tiếp thu và bổ sung các góp ý, kiến nghị của bà con, cán bộ xã, huyện, tỉnh Hưng Yên vào báo cáo trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, kịp thời hỗ trợ địa phương.
Ông Nguyễn Duy Hưng -Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, là địa phương bị ảnh hưởng kép vừa chống dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19, trong khi nguồn kinh phí dự phòng của các xã, huyện của tỉnh chỉ có 200 tỷ đồng nên Hưng Yên rất khó khăn trong bố trí kinh phí.
Theo ông Hưng, để giải quyết tạm thời, Hưng Yên đã phải trích tiền từ quỹ tiền lương để chi trả cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
“Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư có hỗ trợ kinh phí và đưa ra các văn bản hướng dẫn để địa phương trong việc rà soát, hỗ trợ các đối tượng còn lại để sớm chi trả hỗ trợ cho bà con”- ông Hưng đề nghị.
Trong đợt trao tiền từ gói an sinh xã hội của Chính phủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tính đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên đã có gần 111.000 người thuộc 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ với tổng số tiền trên 131,5 tỷ đồng; trong đó có trên 20.000 người có công với cách mạng; trên 42.000 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và gần 46.000 đối tượng bảo trợ xã hội.
Qua kiểm tra, giảm sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 ở các đại phương ở Hưng Yên, các thành viên của đoàn công tác đánh giá rất cao các kết quả mà tỉnh này trong việc phòng, chống đại dịch cũng như việc hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Ông Nguyễn Xuân Định nhận định: Dù gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống đại dịch cũng như việc rà soát hỗ trợ bà con nhưng đến nay Hưng Yên đã và đang làm rất tốt mọi việc, nhất là công tác hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Biểu dương cách làm của Hưng Yên, trưởng đoàn công tác cho rằng: Dù là địa phương bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch nhưng tỉnh vẫn duy trì và đạt tăng trưởng tốt về kinh tế, sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong công tác chi trả hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các xã, huyện của tỉnh Hưng Yên đã có nhiều cách làm hay, độc đáo cần được nhân rộng như công tác tuyên truyền, minh bạch số hộ nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, Hưng Yên đã chủ động ứng ngân sách chi trả trước cho các hộ rất kịp thời hiệu quả.
“Đặc biệt, Hưng Yên cũng chủ động kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân rất tốt. Hơn nữa, tỉnh đã đặt mua gạo của nông dân để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, đây là cách làm rất hay, vì vừa tiêu thụ được sản phẩm cho người sản xuất, vừa có gạo ngon hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn” – ông Định khẳng định.
Đẩy mạnh kết nối giao thương 3 tỉnh Lâm Đồng Bình Thuận Ninh Thuận
Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang triển khai Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác ngành công thương 3 tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Ninh Thuận năm 2019 và ký kết thỏa thuận hợp tác năm 2020.
Theo đó, Hội nghị sẽ diễn ra vào chiều ngày 19/6/2020, tại TP. Đà Lạt. Tham dự Hội nghị, ngoài đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Công thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan, còn có khoảng 40 doanh nghiệp của 3 tỉnh tham gia kết nối giao thương, trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác ngành công thương 3 tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Ninh Thuận diễn ra năm 2019 tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Nội dung của chương trình sẽ có phần báo cáo kết quả thực hiện chương trình hợp tác ngành công thương 3 tỉnh năm 2019; báo cáo tham luận của một số doanh nghiệp của 3 tỉnh; trao đổi thảo luận tại Hội nghị; ký kết thỏa thuận hợp tác ngành công thương 3 tỉnh trong năm 2020 và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của chương trình, Ban Tổ chức còn bố trí một không gian trưng bày hàng hoá, sản phẩm của các doanh nghiệp, để giới thiệu, quảng bá và kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp 3 tỉnh.
Theo ông Võ Ngọc Hiệp, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ hợp tác phát triển ngành công thương 3 tỉnh. Tạo điều kiện để Sở Công thương 3 tỉnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ hợp tác cùng nhau góp phần phát triển ngành công thương, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắt trong công tác quản lý nhà nước ngành công thương 3 địa phương.
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương tại Hội nghị năm 2019 tại tỉnh Bình Thuận
"Đây cũng là cơ hội đẩy mạnh giao thương, liên kết 3 tỉnh để phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển năng lực sản xuất của các địa phương theo hướng chuyên môn hoá và hợp tác hoá, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế so sánh của từng địa phương", Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm.
Tâm An
Gia Lai: Trồng thứ sâm này ở vùng đất khó, dân mong đổi đời Trong bối cảnh nhiều cây trồng chủ lực rớt giá, đất đai trên địa bàn không màu mỡ, UBND huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã thí điểm cho người dân 2 xã trồng sâm đương quy gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này được kỳ vọng phát huy được tiềm năng khí hậu của địa phương, giúp người dân nâng...