Hội nhập kinh tế: Mổ xẻ điểm yếu chí tử là nông nghiệp
Hai trong số những hiệp định kinh tế quan trọng và có ảnh hưởng bậc nhất đối với kinh tế Việt Nam là cộng đồng kinh tế ASEAN ( AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP) đã ở ngay trước mắt, đặc biệt là AEC sẽ bắt đầu đi vào thực thi trong thời điểm cuối năm nay.
Cả hai hiệp định này sẽ tạo ra một đấu trường trong đó buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh một cách trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài và không thể có chuyện thoái lui như trước đây. Mỗi lĩnh vực vì thế giờ đây đều là một cuộc chiến “tồn tại hoặc không tồn tại”, và trong các lĩnh vực lớn và quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay trước giờ G thì nông nghiệp đang là điểm yếu chí tử.
Nếu nói rằng nông nghiệp là điểm yếu chí tử của nền kinh tế Việt Nam vào thời điểm cách đây khoảng 6 đến 7 năm thôi, đó sẽ bị coi là một phát ngôn ngớ ngẩn. Cho đến thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 2008, nông nghiệp được xem là trụ cột và là bệ đỡ của kinh tế Việt Nam, giúp đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chưa khi nào vai trò của nông nghiệp với kinh tế Việt Nam lại lớn đến như thế trong giai đoạn 2008 – 2011.
Nhưng đó cũng là dấu mốc khởi đầu sự thoái trào, khi mà trong khoảng thời gian 6 – 7 năm ấy cho đến nay, nông nghiệp từ vị trí bệ đỡ cho nền kinh tế đã chuyển xuống vị trí lĩnh vực cần được nền kinh tế hà hơi nếu muốn tồn tại. Các yêu cầu và đề án cải cách nông nghiệp liên tục xuất hiện cho thấy một thực trạng rằng, lĩnh vực từng được xem là bệ đỡ trong định hướng phát triển tương lai của kinh tế đất nước đang què quặt hơn bao giờ hết.
Nhìn lướt qua nền nông nghiệp Việt Nam cách đây vài năm và nền nông nghiệp ở thời điểm hiện tại, một người bình thường sẽ không nhận ra được sự khác nhau ẩn giấu bên trong. Thực tế là sản lượng các ngành nông nghiệp chủ đạo như lúa gạo, cà phê hay hồ tiêu ít suy suyển so với cách đây vài năm, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu gạo và cà phê nằm trong top dẫn đầu thế giới. So với giai đoạn được xem là hoàng kim, là bệ đỡ cho nền kinh tế đất nước, thì nền nông nghiệp không có dấu hiệu suy giảm trầm trọng.
Nhưng điểm yếu chí tử của nông nghiệp Việt Nam lại nằm chính ở chỗ đó, là việc không chịu thay đổi. Sự hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới đã che khuất đi những điểm yếu cố hữu vốn đầy rẫy trong nền nông nghiệp Việt Nam; để giờ đây khi hào quang ấy sắp tắt, thì một nền nông nghiệp chứa đầy những khuyết tật mới lộ ra.
Đọc những con số thống kê về thực trạng nông nghiệp Việt Nam, dù là một người không am hiểu về nông nghiệp cũng phải ngỡ ngàng. Gần 60% nguồn lực xã hội đổ vào nông nghiệp nhưng số doanh nghiệp chịu đầu tư vào lĩnh vực này chỉ chiếm 1%, không chỉ có quá ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà phần lớn khả năng sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đều ở mức manh mún và cực kỳ lạc hậu. Có tới 80% nông dân có diện tích canh tác dưới 1ha và trên 4 thửa 1 hộ.
Nói cách khác, ngoại trừ một số ứng dụng khoa học kỹ thuật ở mức tối thiểu như phân bón và thuốc trừ sâu, đa phần nông dân Việt Nam vẫn đang canh tác theo đúng mô hình manh mún trên các mảnh ruộng nhỏ hẹp như thời phong kiến; dấu hiệu của cơ khí hóa và hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp là cực ít. Sự lạc hậu ấy đang khiến cho những nỗ lực cải cách nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nông sản khó tiếp cận với thị trường và giá thành quá rẻ mạt, khiến cho ngày càng nhiều trường hợp nông dân bỏ ruộng xuất hiện.
Video đang HOT
Cho đến trước khi Việt Nam gia nhập AEC và TPP, sự yếu kém ấy của nông nghiệp được xem như một câu chuyện theo kiểu khép cửa bảo nhau; nhưng khi các hiệp định kinh tế trên đã đi vào thực thi và buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài, thì câu chuyện đã rẽ sang một hướng khác. Số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp quá ít và quá yếu cả về quy mô lẫn sức cạnh tranh để có thể đối đầu với doanh nghiệp nước ngoài.
Nói về sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp ngoại thì các doanh nghiệp nông nghiệp là yếu kém nhất. Nó sẽ dẫn đến khả năng rất lớn là các doanh nghiệp ngoại sẽ thâu tóm các doanh nghiệp nội, và bắt đầu đầu tư vào nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó người nông dân Việt Nam sẽ chỉ là những người làm thuê ngay trên mảnh đất của mình. Thậm chí các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu cũng sẽ dần bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.
Sự yếu kém cao độ của nền nông nghiệp Việt Nam và đi cùng với đó là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, chủ yếu đến từ 3 nguyên nhân: giảm tỷ trọng đầu tư, những khuyết tật về cơ chế chính sách, và thiếu chiến lược dài hạn. Tỷ trọng đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng, điển hình như từ mức 15% trong năm 2005 đến nay chỉ còn có 9% – một mức đầu tư quá thấp trong khi mức đầu tư của nền kinh tế là trên 30%.
Nhưng vẫn chưa đáng lo ngại bằng những khuyết tật về chính sách, việc hạn chế tích tụ ruộng đất quy mô tạo nên một rào cản cực lớn đối với việc hình thành các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, rất ít có những chính sách hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp hay khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhìn nhận một cách công bằng, cánh cửa chính sách để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam là cực hẹp, hẹp hơn rất nhiều so với các ngành và lĩnh vực khác. Nói cách khác, do chính sách, nền nông nghiệp Việt Nam buộc phải tự hài lòng với sự khép kín và lạc hậu của mình.
Kể cả với những mặt hàng được xem là chiến lược và ưu tiên cho xuất khẩu như lúa gạo, cà phê ở Việt Nam cũng bị chi phối mạnh mẽ bởi những khuyết tật này, tạo nên vấn đề thứ ba của nông nghiệp Việt Nam: thiếu chiến lược dài hạn. Thiếu đầu tư và chạy theo số lượng, các mặt hàng chủ lực này tạo ra thặng dư giá trị thấp hơn nhiều so với thế giới.
Điển hình như hạt điều và tiêu, hai mặt hàng chủ lực mà Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về khối lượng và giá trị, nhưng giá bán của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 hoặc thứ 8 thế giới. Tương tự là cà phê, Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về sản lượng, nhưng giá bán thì chỉ xếp thứ 8 đến thứ 10 thế giới. Việc chạy đua theo số lượng mà không cải thiện chất lượng khiến cho giá thành nông sản Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới, thu nhập của người nông dân không tăng trong khi chi phí sản xuất lại đội lên liên tục.
Các nhà kinh tế và chuyên môn đều đồng ý rằng, phần lớn các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ được hưởng những thuận lợi lớn trong hai hiệp định kinh tế AEC và TPP dù một số mặt hàng khác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điển hình là chăn nuôi. Nhưng lợi thế này sẽ không diễn ra trong dài hạn, khi mà đơn vị cốt yếu cho sức cạnh tranh là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam vẫn đang quá ít và quá yếu.
Nếu không có các doanh nghiệp nội, thì nông sản Việt Nam sẽ trở thành món hời cho các doanh nghiệp ngoại đến khai thác, biến nông dân Việt Nam trở thành những người làm thuê trong khi phần lớn lợi nhuận lại được chuyển ra nước ngoài. Không còn nhiều thời gian nhưng vẫn chưa quá trễ để cởi trói và thiết lập nền tảng vững chãi cho nền nông nghiệp ngay ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là một quốc gia nông nghiệp và không thể đánh mất lợi thế lớn nhất của mình ngay trên sân nhà.
Theo Một thế giới
Bầu Đức: "Tôi không ngán TPP"
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang đến nhiều thách thức cho ngành chăn nuôi Việt Nam, song mô hình nuôi bò của ông "miễn nhiễm" với khó khăn này.
Ngay khi TPP được ký kết, nhiều chuyên gia lo ngại ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ bị tổn thương. Là doanh nghiệp có tỷ trọng đầu tư chăn nuôi lớn, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Xét tổng thể, ngành chăn nuôi Việt Nam đúng là sẽ phải chịu rất nhiều thách thức khi vào TPP bởi tiêu chuẩn sản phẩm của Hiệp định này rất cao. Hiện nay đa số nông dân trong nước vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp, không có điều kiện áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại. Với cách sản xuất này, chất lượng không đồng nhất, giá lại cao, rất khó cạnh tranh với sản phẩm của các cường quốc trong nhóm 11 nước còn lại tham gia TPP. Đây chính là những điểm yếu điển hình của ngành chăn nuôi trong nước.
Đại bộ phận nông dân và những đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ không có điều kiện đầu tư bài bản sẽ bị ảnh hưởng bởi những khó khăn này. Còn những doanh nghiệp đủ sức chăn nuôi quy mô lớn, tiếp cận công nghệ tiên tiến thì không cần lo ngại. Tôi tin những doanh nghiệp đầu tư bài bản như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Vinamilk, TH True Milk, Hòa Phát... đều không ngán TPP.
- Ông có thể phân tích vì sao những doanh nghiệp này không ngán TPP?
- Nuôi bò công nghệ cao như chúng tôi không ngại TPP. HAGL đang phát triển mô hình chăn nuôi bò Australia theo hình thức đại công nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại của Israel. Những nông trại này có quy mô lớn nhất nhì Đông Nam Á, đồng thời có cơ chế giám sát, vận hành bằng thiết bị kỹ thuật cao, giúp kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, đầu ra theo tiêu chuẩn.
Dựa trên lợi thế về quỹ đất, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, đầu tư con giống tốt ngay từ ban đầu, hiện nay hơn 120.000 con bò Australia được nuôi theo hình thức cơ giới hóa gần như toàn bộ tại những trang trại ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Tại Gia Lai, doanh nghiệp chủ động trồng 3.000 hecta cỏ voi phục vụ đàn bò để tiết giảm chi phí thu mua, đó là chưa tính đến diện tích đất trồng cỏ tại Lào, Campuchia và các tỉnh thành khác trong nước. Với guồng quay hiện nay, mỗi ngày chúng tôi xuất chuồng 300 con bò ra thị trường cả nước, giá thành cạnh tranh được với bò ngoại nhập đang có mặt ở thị trường Việt Nam. Vì lẽ đó, HAGL tự tin không ngại những tác động xấu từ TPP, thậm chí đây còn là cơ hội lớn để phát triển.
Bầu Đức cho rằng nếu cải tổ ngành chăn nuôi triệt để, trong 2-3 năm tới, Việt Nam có thể từng bước vượt qua những thách thức TPP mang lại và giúp ngành này trưởng thành hơn. Ảnh: V.L
- Vậy theo ông, cơ hội mà TPP mang lại cho ngành chăn nuôi Việt Nam là gì?
- Tôi chỉ đánh giá ở khía cạnh thị trường trong nước vì muốn vươn ra bên ngoài thì việc đầu tiên là cần có nội lực mạnh mẽ. Thứ nhất, ngành chăn nuôi Việt Nam có lợi thế sân nhà, thấu hiểu thị trường nội địa hơn các đối thủ ngoại khác. Cũng cần lưu ý đây là thị trường lớn hơn 90 triệu người, dân số trẻ, đầy tiềm năng. Thứ hai, sản phẩm chăn nuôi của chúng ta không tốn chi phí vận chuyển lớn, hoặc tốn ít chi phí hơn các đối thủ vì quãng đường di chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ ngắn hơn.
Ví dụ: đối với bò thương mại ngoại nhập, trung bình phí vận chuyển và những chi phí cho hệ thống phân phối có thể lên đến 30-35% giá thành. Ngoài ra, giá nhân công của Việt Nam rẻ hơn so với các quốc gia tham gia TPP cũng là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.
Cơ hội lớn nhất mà TPP mang lại cho ngành chăn nuôi Việt Nam là động lực to lớn để thay đổi, giúp ngành này trưởng thành hơn, điều mà bất lâu nay chúng ta vẫn chậm chạp, thậm chí giẫm chân tại chỗ. Ngành chăn nuôi trong nước buộc phải cải tổ để đương đầu với cuộc chiến sinh tử, lựa chọn giữa tiến lên hay là "chết".
TPP đưa ra các chuẩn sản phẩm cao hơn, giá cả hợp lý hơn. Đây là cuộc chơi sòng phẳng ở đó không có chuyện bảo hộ hay độc quyền. Sản phẩm từ ngành chăn nuôi Việt Nam có cơ hội được nâng lên một tiêu chuẩn cao hơn, đồng nhất hơn. Người tiêu dùng trong nước được mua hàng hóa giá cạnh tranh nhất, chất lượng tốt nhất.
- Theo ông, nông dân, các doanh nghiệp nhỏ phải làm thế nào để tận dụng cơ hội để trưởng thành và vượt qua thách thức của TPP?
- Giải pháp không phải là không có. Vấn đề nằm ở chỗ khi nào chúng ta bắt tay làm. Đầu tiên cần có chiến lược quốc gia về việc cấp tốc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận những mô hình chăn nuôi tiên tiến. Phải bỏ cái cũ đi để tiếp thu cái mới. Giải mã bài toán quỹ đất để phục vụ chăn nuôi đại công nghiệp bằng cách cho họ liên kết với nhau. Cấp vốn và chuyển giao công nghệ một cách bài bản. Song song đó, cần đưa ra các chuẩn hàng hóa cao hơn, ngang bằng với các đối thủ ngay từ đầu vào (con giống, quy trình chăn nuôi, nguồn thức ăn), kiểm soát chặt đầu ra (sản phẩm).
Công nghệ tiên tiến trong ngành chăn nuôi không khó để tiếp cận. Hiện nay thị trường này bán mua cực kỳ sôi động, rất đa dạng. Khi đã mua công nghệ, chúng ta được hỗ trợ chuyển giao. Có vẻ như đây là bài toán khó nhưng không phải là không có lời giải.
Tất nhiên không thể nào thay đổi trong tích tắc, đây là việc không thể chuyển biến nhanh được. Cần bao nhiêu thời gian tùy thuộc vào việc chúng ta nỗ lực đến đâu. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có 10 năm để chuẩn bị cho TPP. Nếu đó thật sự là khoảng thời gian chuẩn bị thì tôi tin chúng ta có thể khắc phục được. Bởi vì nếu quyết tâm cải tổ triệt để ngành chăn nuôi thì từ những năm thứ hai, thứ ba trở đi sẽ có thành quả bước đầu. Hãy nhìn câu chuyện của HAGL, chúng tôi cũng chỉ mới nuôi bò được hai năm thôi nhưng tất cả đã vào guồng. Do đó, thời gian bao lâu không quan trọng bằng quyết tâm vượt khó.
Theo Vũ Lê (Vnexpress)
VN vượt Indonesia, nhập khẩu bắp nhiều nhất thế giới Với số lượng bắp nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2015, có thể Việt Nam sẽ vượt qua Indonesia, trở thành nước nhập khẩu bắp nhiều nhất TG. Đây là thông tin được ông Phạm Quang Diệu, Công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), đưa ra tại một hội thảo liên quan đến nông nghiệp...