Hội Nhà báo Việt Nam ra tuyên bố phản đối Trung Quốc
Ngày 29/6, Hội Nhà báo Việt Nam đã ra Tuyên bố yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động gây hấn, dừng ngay hành vi vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, toàn văn Tuyên bố như sau:
“Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương – 981 tại vùng biển của Việt Nam, ngày 10/5/2014 , Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã gửi thư tới Chủ tịch Hội Nhà báo toàn Trung Quốc phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương – 981 và các phương tiện hộ tống khỏi vùng biển của Việt Nam.
Đến nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động ngang ngược bất chấp công lý, bất chấp làn sóng phản đối của Việt Nam và quốc tế, không rút giàn khoan, mà tiếp tục gia tăng các hành động ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng, dùng tàu lớn đâm thẳng vào tàu của Việt Nam, làm hư hỏng tàu và thiết bị, gây nguy hiểm tới tính mạng của công dân Việt Nam, trong khi đó lại lớn tiếng vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Ngày 26/5, tàu cá của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa-90152 của Việt Nam. Tiếp đó, ngày 1/6, tàu Trung Quốc liên tục phun vòi rồng vào tàu Cảnh sát biển 2016 và đâm mạnh mạn phải của tàu làm thủng 4 lỗ, cách mép nước biển chỉ 40 cm. Gần đây nhất, ngày 23/6/2014 , tàu kiểm ngư của Việt Nam mang số hiệu KN- 951 đã bị 7 tàu của Trung Quốc bao vây, phun vòi rồng với áp lực lớn, đâm va, ngăn cản trong khi tàu KN-951 đang thực thi pháp luật trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là những hành động nguy hiểm, làm căng thẳng thêm tình hình, làm tổn hại tình cảm giữa nhân dân hai nước, đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Một lần nữa, Hội Nhà báo Việt Nam cực lực phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, rút ngay lập tức giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, dừng ngay các hành vi vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, chấm dứt ngay các hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của ngư dân, kiểm ngư viên và các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, gây phức tạp thêm tình hình, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông.
Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi cộng đồng báo chí quốc tế, trong đó có báo chí Trung Quốc hiểu rõ, hiểu đúng tình hình, lên án những hành vi gây hấn nguy hiểm, vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời, báo chí khẳng định rõ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình của khu vực và thế giới. Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng mỗi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng trước trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh chung, đồng thời cần có sự tôn trọng và lòng tin vào nhau. Với tinh thần hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân, cộng đồng báo chí Việt Nam và Trung Quốc”.
Theo TTXVN
Chiến lược "thay đổi nhận thức" đầy nguy hiểm của Trung Quốc
TQ tìm cách thay đổi nhận thức thế giới bằng biện pháp phi quân sự trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Ngày 29/6, trong một bài phân tích đăng trên website của Viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham (Anh), chuyên gia Harry J. Kazianis cho rằng trong bối cảnh Mỹ đang phải đau đầu tìm cách đối phó với phiến quân nổi dậy ở Iraq, có vẻ như Trung Quốc lại đang áp dụng một chiến lược khác để phục vụ cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Video đang HOT
Theo ông Kazianis, dường như giờ đây Bắc Kinh đã tìm ra một cách mới để hiện thực hóa tham vọng của mình tại vùng biển mà chuyên gia phân tích Robert Kaplan từng gọi là "Chiếc vạc châu Á". Theo đó, Trung Quốc sẽ làm nóng "chiếc vạc" này mà không cần phải sử dụng lực lượng quân sự hay trình bày thẳng thắn trước tòa án quốc tế, bởi họ có thể huy động các giàn khoan và bản đồ để thực hiện mục tiêu chiến lược của mình.
Ông Harry J. Kazianis (ảnh nhỏ) là một chuyên gia về chính sách Trung Quốc
Chuyên gia Kazianis cho rằng việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và tiếp sau đó là một loạt giàn khoan khác được đưa xuống Biển Đông thể hiện một nước cờ đã được tính toán kỹ của Trung Quốc khiến các nước châu Á phải vô cùng cảnh giác.
Hồi cuối tuần trước, Trung Quốc đã cho xuất bản tấm bản đồ khổ dọc đầu tiên gom trọn Biển Đông vào lãnh thổ của mình bằng một "đường mười đoạn" phi pháp do họ đơn phương vẽ ra mà không tuân thủ bất cứ quy định nào của luật pháp quốc tế.
Việc sử dụng bản đồ để phục vụ cho tham vọng lãnh thổ của mình không phải là thủ đoạn mới mẻ của Trung Quốc. Trước đây họ đã từng cho in tấm bản đồ có "đường chín đoạn" trái phép đó vào hộ chiếu cấp cho công dân nước này, tuy nhiên việc xuất bản bản đồ chính thức như thế này thể hiện một nấc thang mới trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Với tấm bản đồ này, Trung Quốc muốn vơ trọn vào mình cả một vùng biển rộng gần bằng diện tích đất liền của họ, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Mục đích của Trung Quốc trong việc xuất bản bản đồ kiểu này không chỉ là nhằm từ từ thay đổi hiện trạng trên biển, mà còn để thay đổi nhận thức của người dân trong nước và quốc tế về các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Với tấm bản đồ này, Trung Quốc đang hành động như thể họ đã có chủ quyền đối với Biển Đông từ lâu, đồng thời hướng luồng dư luận theo hướng có lợi cho họ, và hành động này nằm trong một chiến lược tổng thể đã được tính toán cẩn thận của Trung Quốc.
Bản đồ "mười đoạn" phi lý (đã bị gạch chéo) do Trung Quốc mới công bố
Trung Quốc biết rằng những đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông không hề có cơ sở pháp lý và không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Thế nên nếu họ cứng rắn quá mức và sử dụng lực lượng quân sự để hậu thuẫn cho tuyên bố chủ quyền của mình, chắc chắn chiến tranh với các nước láng giềng sẽ nổ ra, và Mỹ sẽ có cơ hội để can thiệp vào khu vực.
Thế nên, Trung Quốc đang tìm mọi cách để giành ưu thế trên những mặt trận ít có nguy cơ nổ ra chiến tranh hơn, bằng những công cụ có vẻ hợp pháp hơn, chẳng hạn như giàn khoan, bản đồ cùng lực lượng chấp pháp trên biển. Mục đích của họ vẫn là khẳng định quyền sở hữu đối với Biển Đông bằng một vũ khí vô cùng lợi hại, đó chính là trò chơi nhận thức.
Bằng việc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, sử dụng các loại phương tiện không phải của hải quân để hộ tống, bảo vệ, và sử dụng bản đồ để "phục vụ cho nhu cầu của người dân", Trung Quốc đang muốn dần dần thay đổi nhận thức của dư luận trong nước và quốc tế, nhằm lừa mị và buộc họ phải thừa nhận rằng Biển Đông là của Trung Quốc.
Đây là một chiến lược vô cùng nguy hiểm của Trung Quốc, và các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải vô cùng cảnh giác để đưa ra những đối sách hợp lý với chiến lược này.
Tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu Kiểm ngư của Việt Nam trên Biển Đông
Đối với các quốc gia ASEAN, thách thức đến từ "đường chín đoạn" trước đây và "đường mười đoạn" hiện nay là vô cùng rõ ràng. Thế nên, theo chuyên gia Kazianis, các nước này phải thể hiện sự phản đối của mình đối với tham vọng của Trung Quốc bằng mọi cách.
Một chiến lược đáp trả khả dĩ là cách mà Philippines đã và đang làm, đó là sử dụng "chiến tranh pháp lý" để chống lại Trung Quốc. Philippines đã kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực nhằm sử dụng luật pháp quốc tế để đưa Trung Quốc vào thế bị "mất mặt" nếu không chịu nhượng bộ.
Tuy nhiên, ông Kazianis cho rằng nỗ lực của riêng Philippines là chưa đủ. Chiến lược đối phó đó cần được đẩy lên ở một cấp độ mới, đó là tất cả các quốc gia ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc cùng đệ đơn kiện tập thể lên tòa án quốc tế, cùng sát cánh bên nhau thử thách Trung Quốc.
Đây có thể coi là vụ kiện lớn nhất mọi thời đại, trong đó lý lẽ và dư luận đều đứng về phía các quốc gia ASEAN trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Đây có thể là cách thức duy nhất để các quốc gia ASEAN có thể phản công trước mưu đồ của Bắc Kinh, bởi chiến tranh pháp lý là cách thức tốt nhất để đạt được mục đích đó.
Còn đối với Mỹ, thách thức đến từ chiến lược mới của Trung Quốc cũng khá rõ ràng: Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, và trong trường hợp này là bằng việc xuất bản bản đồ. Nếu Trung Quốc thực hiện được tham vọng của mình, tự do hàng hải trên tuyến đường biển trị giá 5 ngàn tỉ USD qua Biển Đông sẽ bị đe dọa.
Tự do hàng hải trên Biển Đông có nguy cơ bị đe dọa nếu Trung Quốc thực hiện được tham vọng của mình
Ngoài ra, Nếu Bắc Kinh tìm cách thay đổi được quan niệm có từ lâu đời rằng đại dương không phải là lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào mà là nơi các quốc gia cùng chia sẻ lợi ích, họ sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm.
Ai dám đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không thực hiện hành động tương tự ở các khu vực khác, chẳng hạn như trên biển Hoa Đông, và các quốc gia khác trên thế giới không áp dụng chiến lược tương tự để thu về lợi ích cho mình.
Chuyên gia Kazianis kết luận: "Tất cả mọi quốc gia trân trọng các giá trị chung toàn cầu đang đứng trước thách thức mới từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, và họ không thể để những chiến lược kiểu bản đồ hay giàn khoan làm ảnh hưởng đến những giá trị chung vô cùng quan trọng như vậy."
Theo Khám phá
Sự tích "đường lưỡi bò" hoang đường của Trung Quốc "Đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" (Trung Quốc gọi là "cửu đoạn tuyến") là một sản phầm khiến cả thế giới, kể cả một số nhà nghiên cứu Trung Quốc, ngạc nhiên và "không thể hiểu". Tiết lộ của người Trung Quốc về "lò sản xuất đường lưỡi bò" Năm 2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ có đường lưỡi...