Hội nghị thượng đỉnh EU điều chỉnh chiến lược chung để đối mặt với đại dịch
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 25/2, Hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khai mạc, trong đó 27 nước sẽ thảo luận về cách tiếp cận chung được áp dụng khi đối mặt với các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Đây là cơ hội cho các lãnh đạo châu Âu giải quyết chiến lược vaccine của khối, hạn chế việc di chuyển tự do của người dân, lưu thông hàng hóa và dịch vụ.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Munich, Đức ngày 25/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Lãnh đạo châu Âu bắt đầu thảo luận chiều 25/2 với một phiên dành cho điều phối về dịch bệnh COVID-19. Ngày làm việc tiếp theo sẽ dành cho các vấn đề an ninh và quốc phòng. Trang tin tức châu Âu Euronews cho biết trong chương trình nghị sự, “vấn đề chi phối bao trùm là làm thế nào để giúp chấm dứt đại dịch và trở lại cuộc sống bình thường”. Do đó, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ cố gắng áp dụng một chiến lược chung khi đối mặt với các biến thể của virus SARS-CoV-2. Kênh tin tức của Pháp France 24 cho biết thêm ngoài vấn đề vaccine, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào “những biện pháp hạn chế của một số quốc gia siết chặt hoạt động di chuyển qua lại biên giới, khả năng thiết lập chứng chỉ tiêm chủng ở châu Âu và việc cung cấp vaccine cho các nước thứ ba, đặc biệt là ở châu Phi”.
Video đang HOT
Euronews viết Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng ưu tiên vẫn là tăng tốc độ tiêm chủng trên toàn EU, trong đó tập trung vào quá trình cấp phép cũng như sản xuất và phân phối vaccine. Ông Charles Michel nhấn mạnh rằng vấn đề trong cung ứng vaccine là có thể dự đoán được và các công ty dược phẩm tôn trọng các cam kết của họ. Chủ đề này sẽ được thảo luận song song tại Nghị viện châu Âu. Tờ La Croix của Pháp cho biết một sự kiện chưa từng có diễn ra, đó là ít nhất 4 Giám đốc điều hành của các phòng thí nghiệm dược phẩm có vaccine ngừa COVID-19 sẽ tham dự phiên điều trần của các nghị sĩ châu Âu diễn ra chiều 25/2.
Tờ Provence của Pháp viết, trong Hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo 27 nước cũng sẽ xem xét một đề xuất của Ủy ban “nhằm thành lập vào năm 2023 một cơ quan mới, tương đương với Cơ quan nghiên cứu và phát triển nâng cao trong y sinh (BARDA) ở Mỹ, được gọi là Cơ quan ứng phó khẩn cấp y tế (HERA). Cơ quan mới này sẽ “giúp các nhà sản xuất phát triển vaccine chống lại các biến thể”.
Lô vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca sau khi được chuyển đến Budapest, Hungary ngày 6/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo France 24, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng đề cập đến việc phải tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa các hạn chế di chuyển và lưu thông hàng hóa trên thị trường đơn nhất. Với sự gia tăng của các biến thể hung hăng của COVID-19, một số quốc gia như Đức, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển và Hungary đã thực hiện các biện pháp chặt hạn chế qua lại biên giới và đã bị Ủy ban châu Âu chỉ trích vào đầu tuần vì những trở ngại mà họ gây ra đối với tự do đi lại ở châu Âu.Việc phối hợp là rất phức tạp vì đối với các nhà lãnh đạo, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ người dân của họ”, một quan chức cấp cao của châu Âu nhận xét và bày tỏ mong đợi “các cuộc thảo luận sôi nổi.
Trong khi đó, tờ Le Journal du Dimanche đề cập vấn đề giấy chứng nhận tiêm chủng mà một số quốc gia như Hy Lạp đang thúc đẩy, trong khi những quốc gia khác như Pháp lại đang muốn kìm hãm, cũng sẽ được giải quyết. Nội dung này đang trong tình trạng treo, khi mà chiến dịch tiêm chủng vẫn đang bị chậm lại ở châu Âu. Một nhà ngoại giao chia sẻ trên France 24 rằng đề cập đến chứng chỉ vaccine khi mà chỉ có 4,2% người châu Âu mới nhận được ít nhất một liều tiêm là vô nghĩa.
Trên Euronews, một số đại diện châu Âu cũng nhấn mạnh rằng Tổ chức y tế thế giới (WHO) hoặc châu Âu không có khuyến nghị về khả năng những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể lây nhiễm sang người khác. Giáo sư về luật châu Âu thuộc đại học HEC Paris(Pháp), Alberto Alemanno đánh giá “hộ chiếu vaccine”, theo một cách nào đó, có thể trao đặc quyền tiếp cận tự do đi lại cho một số công dân này mà không phải cho những người khác sẽ gây khó cho việc dung hòa việc tự do đi lại ở EU. Do đó, các nhà lãnh đạo có thể hài lòng với việc kêu gọi theo đuổi một cách tiếp cận chung, bằng cách hứa quay trở lại chủ đề này vào thời gian tới.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Colmar, Pháp ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên quan đến tình hình COVID-19 tại châu Âu, theo phóng viên TTXVN tại LHQ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng ngày 25/2 cho biết đã có hơn 850.000 người tử vong do COVID-19 trên khắp “lục địa già”.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, ông Hans Kluge lưu ý rằng trong khi các ca bệnh đã giảm trong tháng qua, số người nhiễm bệnh vẫn cao gấp 10 lần so với hồi tháng 5 năm ngoái. Đến nay, toàn khu vực châu Âu đã báo cáo gần 38 triệu trường hợp mắc COVID-19.
Ông Hans Kluge cảnh báo “COVID-19 tiếp tục lây lan với tốc độ rất cao trên khắp châu Âu, với hai biến thể đáng lo ngại, tiếp tục thay thế các biến thể khác, gia tăng phạm vi tiếp cận của chúng”.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về một số tác động kéo dài của virus có thể tồn tại trong cơ thể người bệnh, được gọi là COVID kéo dài, bao gồm mệt mỏi, sương mù não, rối loạn tim và thần kinh.
Khu vực Châu Âu của WHO bao gồm 55 quốc gia, trải dài từ Greenland ở phía tây bắc đến vùng Viễn Đông của Nga tiếp giáp Nhật Bản.