Hội nghị ngoại trưởng ASEAN bế tắc về vấn đề Biển Đông
ASEAN hôm qua không đạt được đồng thuận về cách đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, dù đã trải qua các vòng đàm phán chính thức và không chính thức.
Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith (trung tâm) phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Ảnh: AFP
Các ngoại trưởng của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hôm qua thảo luận vài giờ trong ba phiên làm việc, bao gồm cả bữa ăn trưa, nhưng vẫn bế tắc vì Campuchia không muốn Trung Quốc bị chỉ trích, AP dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết.
Sau khi kết thúc các vòng đàm phán đầu tiên, các nước hôm qua chỉ đưa ra một thông cáo báo chí rằng các bộ trưởng có “trao đổi quan điểm thẳng thắn và xây dựng về các vấn đề khu vực và quốc tế”, cũng như tình hình ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên và Biển Đông.
Sau đó, các ngoại trưởng nghỉ để ăn trưa và tiến hành một cuộc họp kín và bớt nghiêm trang hơn. Không rõ liệu họ có đạt được bất kỳ tiến bộ nào không, vì phần nhiều các bộ trưởng đi ra và không nói gì với phóng viên. Không có tuyên bố nào được đưa ra.
Giống như tất cả cuộc họp ASEAN khác, hội nghị ngoại trưởng có truyền thống đưa ra thông cáo chung. Nhưng điểm đáng chú ý là liệu họ có đề cập đến vấn đề Biển Đông trong tuyên bố đó không.
Video đang HOT
Theo nguyên tắc của ASEAN, quyết định phải đạt được sự đồng thuận, có nghĩa là bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền phủ quyết các đề xuất. TheoAP, lần này, Campuchia đã sử dụng quyền phủ quyết của mình. Năm 2012, Campuchia cũng từng ngăn ASEAN đề cập đến tranh chấp Biển Đông, khiến hội nghị ngoại trưởng lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung.
Các nhà ngoại giao giấu tên cho biết dự thảo thông cáo chung của các ngoại trưởng ASEAN năm nay vẫn để trống ở dưới mục Biển Đông, cho đến khi khối đạt được sự đồng thuận.
Các cuộc đàm phán hôm qua được thiết kế để bàn luận về chủ nghĩa khủng bố, kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh, tác động của việc Anh chọn rời Liên minh châu Âu và các vấn đề khác. Nhưng tất cả điều này bị lu mờ bởi phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Tòa Trọng tài ra phán quyết rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách “đường lưỡi bò” mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông.
Phương Vũ
Theo VNE
Thẩm phán Philippines nêu cách buộc Trung Quốc thực thi phán quyết 'đường lưỡi bò'
Philippines có thể sử dụng các biện pháp kinh tế để buộc Trung Quốc thực thi các điều khoản trong phán quyết "đường lưỡi bò" của Tòa Trọng tài.
Hình ảnh được cho là oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò". Ảnh: Weibo
Theo phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague, yêu sách về "quyền lịch sử" Trung Quốc đưa ra trong "đường 9 đoạn" là vô giá trị, và khoảng 25% vùng biển trong đó là khu vực biển quốc tế, nơi các quốc gia có quyền tự do đi lại trên không và trên biển, dù là tàu dân sự hay quân sự.
Wall Street Journal dẫn phân tích của thẩm phán Antonio T. Carpio thuộc tòa án Tối cao Philippines cho biết, dù không có lực lượng cảnh sát biển quốc tế để thực thi phán quyết, các cường quốc hải quân, dẫn dầu là Mỹ, đã tuyên bố sẽ tiếp tục qua lại tự do trên vùng trời và vùng biển quốc tế ở Biển Đông để thực thi quyền của họ.
Và khi Trung Quốc không thể ngăn các cường quốc này thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không, một phần quan trọng của phán quyết cuối cùng đã được thực thi. Biển Đông không bao giờ là ao nhà của Trung Quốc như tham vọng mà nước này vẽ ra qua "đường lưỡi bò".
Sự bất hợp pháp của "đường lưỡi bò", theo Tòa Trọng tài, còn thể hiện ở chỗ nó bao trùm lên Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines và các nước khác.
Thẩm phán Carpio cho rằng, nếu Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa, Manila có thể thực hiện một số biện pháp để thực thi phán quyết và bảo vệ lợi ích của mình.
Trong trường hợp một công ty dầu khí Trung Quốc đưa dàn khoan tới khu vực nước này chiếm đóng để khai thác khí đốt, Philippines có thể kiện công ty này ở bất kỳ quốc gia nào mà công ty có tài sản, như Canada, một thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Philippines có thể đề nghị tòa án Canada thu giữ tài sản của công ty dầu khí Trung Quốc ở nước này để đền bù cho những tổn thất mà phía công ty trên gây ra.
Ngoài ra, Philippines cũng có thể yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Tòa Trọng tài từng nêu rõ hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa đối với hệ sinh vật biển ở quần đảo Trường Sa, trong đó có đá Vành khăn và đá Subi thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo UNCLOS, một quốc gia bắt buộc phải có nghĩa vụ pháp lý đối với thiệt hại gây ra cho môi trường biển của quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Philippines cũng có thể yêu cầu cơ quan Đáy biển quốc tế (ISA), một tổ chức thành lập theo quy định của UNCLOS, ngừng cấp 4 giấy phép từng cấp cho Trung Quốc để nước này khai thác đáy biển trong vùng biển quốc tế, bên ngoài quyền tài phán của Bắc Kinh.
Theo thẩm phán Carpio, đây cũng là một biện pháp tương đối hữu hiệu, bởi các quốc gia phê chuẩn UNCLOS đã nhất trí chấp thuận rằng ISA và các phán quyết của cơ quan này là một phần không tách rời của UNCLOS.
Nếu Trung Quốc không chấp thuận quyết định của ISA, Manila có thể cáo buộc rằng Bắc Kinh thừa nhận UNCLOS dưới góc độ được khai thác nguồn lực đáy biển nhưng lại bác bỏ các điều khoản liên quan tới giải quyết tranh chấp.
"Cùng với thời gian, phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ cần được thực thi đầy đủ vì thế giới sẽ không chấp nhận một quốc gia đơn lẻ tuyên bố chủ quyền đối với gần trọn một vùng biển có nhiều quốc gia khác giáp ranh. Hành vi vi phạm của Trung Quốc, nếu không được ngăn chặn, sẽ đồng nghĩa với 'cái chết' của Luật Biển quốc tế", thẩm phán Carpio khẳng định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Bực tức với phán quyết 'đường lưỡi bò', người Trung Quốc làm loạn chuỗi đồ ăn Mỹ Người dân tại nhiều thành phố Trung Quốc cuối tuần qua tổ chức chiến dịch tẩy chay các hãng đồ ăn nhanh của Mỹ sau khi Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" ở Biển Đông. Người dân biểu tình trước cửa hàng KFC ở một thành phố tỉnh Hà Bắc. Ảnh: China Hket Theo Hong Kong Economic Journal, chiến...