Hội nghị của Bộ Văn hóa ‘nóng’ vì chuyện tác quyền
Câu chuyện tác quyền âm nhạc một lần nữa được “làm nóng” sau khi Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch ban hành thông tư 01/2016.
Được sự ủy quyền của Thứ trưởng Vương Duy Biên, Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức hội nghị trực tuyến, phổ biến nghị định 15/2016 và thông tư 01/2016 vào ngày 20/4. Chủ trì cuộc họp ở ba đầu cầu – Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng – là Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) Nguyễn Đăng Chương.
Tại cuộc họp, ông Chương trực tiếp giải đáp những thắc mắc về các chi tiết, điều khoản trong nghị định mới và thông tư số 01/2016.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là tác quyền âm nhạc. Câu chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương và hội nhạc sĩ bức xúc những ngày qua cũng được nhắc đến ở hội nghị.
Theo đó, điều 9 của nghị định 15/2016 quy định: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật cần có 1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả, hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, thông tư 01/2016 ban hành sau đó lại chỉ có một mẫu đơn cam kết của phía đơn vị tổ chức. Như vậy, theo hội nhạc sĩ, văn bản này không đủ sức nặng để họ kiểm soát quyền sở hữu tác phẩm.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương bức xúc vì thông tư hướng dẫn của Bộ không nhắc đến chủ sở hữu quyền tác giả.
Bàn về vấn đề này, Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương phát biểu, Nghị định 79/2012 chỉ có một cam kết, nhưng nghị định 15 đã bổ sung thêm ba loại giấy tờ. Theo ông, đây là hành lang pháp lý tương đối thông thoáng để các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tác quyền.
Lý giải cho việc tại sao thông tư hướng dẫn lại chỉ có 1 mẫu đơn cam kết, ông Chương cho biết: “Hai mẫu kia đã có trong Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, nghị định không thể đưa ra những mẫu chồng chéo lên Luật. Đây là điều chúng tôi đã bàn nát nước và báo cáo với các thành viên hội đồng thẩm định”.
Ông nhấn mạnh pháp luật không cho phép hành chính hóa các quan hệ dân sự, đồng thời đưa ra biện pháp Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) phải có trách nhiệm phát hiện những tổ chức, cá nhân không nộp tiền tác quyền và gửi văn bản kiến nghị lên cơ quan nhà nước – các Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch.
“Cơ quan quản lý nhà nước sẽ từ chối những đơn vị chưa thực hiện tác quyền ở những lần xin cấp phép sau. Điều đó xử lý rất đơn giản, chứ chúng ta không thể hành chính hóa các quan hệ dân sự” – ông Chương nói.
Video đang HOT
Cục trưởng Cục NTBD cũng cho rằng khúc mắc tác quyền ở đây không phải là các tổ chức, cá nhân không đóng tiền bản quyền. Vấn đề nằm ở chỗ không thống nhất được mức thu giữa người sử dụng và chủ tác quyền.
NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, đồng tình rằng VCPMC nên kiến nghị lên Sở những đơn vị vi phạm để không cấp phép cho những lần sau.
“Mấy ngày nay, tôi đọc báo và xem truyền hình, đã chứng kiến phản ứng dữ dội của công chúng với thông tư 01/2016. Từ lâu, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả rất muốn cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ quyền được cấp phép, coi như một giấy phép con. Tôi cho rằng thông tư hiện nay cộng với đơn cam kết là quá đầy đủ” – NSND Trần Bình nêu quan điểm.
Trẻ em tham gia biểu diễn nghệ thuật rất tốt
Một vấn đề khác được đưa ra trong hội nghị liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung ở Điều 7 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu.
Quy định ở mục g viết: Biên tập các tiết mục biểu diễn phù hợp với lứa tuổi, giới tính khi tổ chức cho trẻ em biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và phải được sự đồng ý của người giám hộ theo đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Đăng Chương (ảnh giữa) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.Đ
Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương nhận định, trẻ em tham gia biểu diễn nghệ thuật rất tốt, giúp các em trau dồi kiến thức để sau này trở thành ca sĩ, nhạc sĩ. Thông qua đó, các em cũng hiểu được những giá trị chân – thiện – mỹ. Theo ông, đây là hoạt động phù hợp với xu thế phát triển trong quá trình hội nhập ngày nay. Tuy nhiên vì các em còn nhỏ nên phải có sự đồng ý của người giám hộ – có thể là bố mẹ hoặc anh chị.
Trước câu hỏi tại sao không đưa thỏa thuận giữa người giám hộ và đơn vị tổ chức thành một mẫu văn bản, ông Chương cho biết đây là việc đã diễn ra trong nhiều năm và chưa từng xảy ra trường hợp kiện cáo.
“Chỉ có vấn đề là đơn vị tổ chức, đơn vị cấp phép phải điều chỉnh lại hành vi của các em. Ví dụ còn nhỏ lại hát bài yêu đương, như thế là phản cảm. Ở đây, nội dung nghị định đã ghi rõ phải điều chỉnh tiết mục biểu diễn của các em sao cho phù hợp lứa tuổi, đạo đức, thuần phong mỹ tục. Tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em tham gia lĩnh vực này mà không ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của các em” – Cục trưởng phát biểu.
Ông Nguyễn Đăng Chương nhấn mạnh, sau hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch sẽ hợp nhất nghị định 79/2012 và nghị định 15/2016 theo đúng lộ trình để thống nhất các điều khoản.
Nghị định 15/2016 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5 và thông tư 01/2016 có hiệu lực vào ngày 15/5.
Theo Zing
Những người xưng 'người mẫu' để bán dâm gây nhức nhối xã hội
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn trong buổi họp báo giới thiệu các hoạt động năm 2015 của Cục NTBD diễn ra chiều 17/4 tại Hà Nội.
Nếu không bị bắt, ai biết họ là người mẫu...
Việc một số đối tương xưng danh người mẫu bị bắt vì tổ chức bán dâm và tham gia bán dâm, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết: "Thực tế, có những công ty mở những trung tâm đào tạo người mẫu theo luật doanh nghiệp, tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ người mẫu, họ đương nhiên cho ra lò những "người mẫu" như ra đường chúng ta gặp rất nhiều người tự xưng là nhà thơ, nhà văn...
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD.
Việc những người mẫu bị công an TP HCM bắt trong đường dây mại dâm thực ra không phải là những người mẫu và càng không phải là những người tham gia trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Việc họ xưng danh người mẫu để thỏa mãn dục vọng cá nhân đã gây nhức nhối cho xã hội. Nếu công an không bắt được đường dây mại dâm, sao chúng ta biết được những người mẫu "tự xưng" kia...?".
Thi sắc đẹp chui và tự trao giải là phạm pháp
Về số lượng các cuộc thi sắc đẹp, ông Nguyễn Đăng Chương khẳng định, từ năm 2013, Cục NTBD đã siết chặt các hoạt động thi sắc đẹp, bởi từng phải đi hầu 5 phiên tòa mới thắng vụ kiện của công ty Rồng Việt và thu hồi giấy phép tổ chức phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam tại Khánh Hòa.
Do vậy, các ý kiến cho rằng các cuộc thi sắc đẹp diễn ra tràn lan là không đúng bởi trong Nghị định 79 quy định mỗi 1 năm chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia và 3 cuộc thi tổ chức cho các cơ quan đoàn thể, ngành và vùng miền... Trong những năm vừa, Cục NTBD không cấp phép hết, nhất là các cuộc thi hoa khôi, có năm chỉ cấp từ 1 đến 2 cuộc thi. Đặc biệt, từ năm 2010 lại đây, cục chưa cấp phép cuộc thi cấp quốc tế nào được tổ chức tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Chương, hiện nay có tình trạng các công ty thông tin trên trang web, mạng xã hội tổ chức các cuộc thi sắc đẹp và tự trao giải là trái với quy định của pháp luật. Khi nắm bắt các thông tin này, Cục NTBD đã kịp thời chỉ đạo các Sở VHTT&DL thanh tra và xử phạt nghiêm minh.
Ông Nguyễn Đăng Chương cũng nêu vấn nạn bức xúc nữa là có một loạt cô gái, chàng trai bằng con đường du lịch đi thi người đẹp ở nước ngoài không xin phép. Họ không được phép đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam. Những người thi chui đã đạt danh hiệu nhưng đều không được thừa nhận tại Việt Nam. Những người mẫu chính danh đi thi sắc đẹp ở nước ngoài phải là người đạt 1 trong 3 danh hiệu chính ở các cuộc thi được cấp phép trong nước.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề gây bức xức này, Cục NTBT cho biết, đang tiếp tục điều tra một loạt "những nghệ sĩ giả danh nghệ sĩ, người mẫu giả danh người mẫu" tham dự những cuộc thi ở nước ngoài, đồng thời chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để dựa theo các quy định của pháp luật tạm đình chỉ việc xuất cảnh. Bởi thực tế, có những người xử phạt đến lần thứ 2 vẫn cứ đi thi chui.
Mới 1 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia được cấp phép năm 2015
Theo ông Chương, 2015 là năm tổ chức nhiều Lễ kỷ niệm lớn cấp quốc gia mà Cục NTBD phải tham gia thẩm định tổ chức như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật tối 30/4 và Lễ mít tinh, diễu hành nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) tại quảng trường Thống nhất, TPHCM; Chương trình nghệ thuật Bài ca thống nhất (tối 28/4) tại Quảng Trị; Lễ hội Làng Sen và Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung (tối 16/5); Chương trình biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tống bí thư Nguyễn Văn Linh vào tối 29/6 và sáng 30/6 tại Hưng Yên.
Đồng thời, Cục NTBD chủ trì Chương trình diễu hành nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh tại quảng trường Ba Đình và chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày Quốc Khánh (2/9/2015), tổ chức chương trình biểu diễn nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (25/11) và nhiều chương trình khác.
Người mẫu Diệu Linh bị phạt hành chính vì thi hoa hậu "chui".
Cục NTBD cũng tập chung các công tác phát triển Nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp; các cuộc thi nghệ thuật như: Ca múa nhạc chuyên nghiệp (21-27/5 tại Thái Nguyên), thi sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc (21/6-27/5 tại Thanh Hóa), thi Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc (16-30/9 tại Bà Rịa - Vũng Tàu); các Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp như: Liên hoan Múa Rối quốc tê lần 5 (10-16/10 tại Hà Nội), Liên hoan Âm nhạc truyền thống Asean (1-6/8 tại Thanh Hóa)...
Do vậy, quan điểm hạn chế tối đa việc cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp trong năm 2015 của Cục NTBD nhận được sự ủng hộ, đồng tình của lãnh đạo Bộ VHTT&DL. Đến thời điểm này, Hoa hậu Hoàn vũ là cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia đầu tiên được cấp phép năm 2015.
Theo An Như/Thể Thao Văn Hóa