Hội nghị cấp cao ASEAN: Kỳ vọng cuộc họp ASEAN – Trung Quốc
Giới quan sát đã rất kỳ vọng, hội nghị lần này sẽ ghi nhận những bước tiến trong đàm phán COC giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: VGP
Ngày 3-11, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác tham dự phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 – một sự kiện quan trọng của khu vực có khoảng 650 triệu dân.
Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục nhắm trọng tâm các vấn đề an ninh và biển Đông. Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh những thành tựu ASEAN đạt được năm nay với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” góp phần hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng đến người dân, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại ai phía sau và hướng tới tương lai.
Nhấn mạnh trọng tâm COC
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này và các hội nghị liên quan, sáng 3-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 22.
Tại cuộc họp, Trung Quốc cho biết đã “sẵn sàng làm việc” với các quốc gia ASEAN về một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), nơi Bắc Kinh đang hứng chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế vì những tuyên bố chủ quyền vô lý cùng các hoạt động phi pháp. ASEAN đã “bị khóa” trong các cuộc đàm phán về COC, được lên kế hoạch sẽ kết thúc vào năm 2021, nhằm đưa ra những hướng dẫn về hành vi trên biển Đông cùng với các thông số giải quyết xung đột. Tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường viện dẫn những tiến triển đạt được về COC, dự kiến được hoàn tất trong vòng 3 năm. Ông nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với ASEAN, dựa trên sự đồng thuận đạt được, nhằm duy trì sự ổn định và hòa bình lâu dài ở biển Đông, theo một lộ trình 3 năm đã được vạch ra”.
Từ lâu, một bộ quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý đã là mục tiêu của các nước thành viên ASEAN đang tranh cãi về cái mà họ coi là sự coi thường của Trung Quốc đối với quyền chủ quyền cũng như sự cản trở của Bắc Kinh đối với hoạt động thăm dò năng lượng và đánh bắt cá của những nước này. Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc có hành vi bắt nạt trên biển và Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tuần trước đã nói rằng, Washington đã quá dễ dãi với Bắc Kinh. “Chúng ta đã do dự và làm ít hơn nhiều so với những gì chúng ta nên làm”, ông nói, đề cập đến những động thái bị chỉ trích của Trung Quốc trên biển Đông.
Video đang HOT
Vì vậy, giới quan sát đã rất kỳ vọng, hội nghị lần này sẽ ghi nhận những bước tiến trong đàm phán COC. Trong nỗ lực nhằm giảm căng thẳng, các nhà đàm phán ASEAN đã kỳ vọng đạt được văn bản COC đầu tiên về biển Đông, nhằm đặt ra một khung quy tắc để giải quyết các bất đồng. Tuy nhiên, điều các chuyên gia lo ngại là việc Trung Quốc có thể sẽ không đi theo sáng kiến này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35. Ảnh: VGP
Quan điểm của Việt Nam về biển Đông rõ ràng, nhất quán
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đánh giá của các nhà lãnh đạo về những tiến triển trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ASEAN luôn coi trọng vai trò của Trung Quốc đối với các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định để hợp tác phát triển thịnh vượng khu vực. Thủ tướng ủng hộ việc xác định năm 2020 là năm hợp tác kinh tế số ASEAN – Trung Quốc.
Về biển Đông, Thủ tướng khẳng định duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới và không gian an ninh, phát triển của khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của mọi quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về tình hình biển Đông là rất rõ ràng, nhất quán, đã được bày tỏ nhiều lần tại các diễn đàn ở các cấp. Thủ tướng khẳng định cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho các tiến trình xây dựng luật lệ, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và nỗ lực hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Trước đó, tại cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Prayut Chan-o-cha tối 2-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ lãnh đạo đất nước Thái Lan phát triển ổn định, hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2019. Lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ để đạt được các mục tiêu chung xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác, xử lý các vấn đề an ninh tại khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông.
Việt Nam sẽ tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch ASEAN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các nước ASEAN phát huy tinh thần đoàn kết ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, có quan hệ sâu rộng với các đối tác.
Giới quan sát nhận định, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này là sự kiện rất bận rộn cho Việt Nam vì ngoài biển Đông, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam còn phải tập trung thúc đẩy chương trình nghị sự và tiếp nhận vị trí chủ tịch từ Thái Lan (sau bế mạc vào ngày 4-11 tại Thái Lan, lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam sẽ diễn ra). Hôm 2-11, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN tham dự Hội nghị Hội đồng cộng đồng chính trị – an ninh ASEAN lần thứ 20 (APSC-20) và Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 24 (ACC-24).
Tại Bangkok, ông Phạm Bình Minh kêu gọi tiếp tục các nỗ lực đối thoại, xây dựng niềm tin, tạo ra một môi trường mang tính xây dựng cho các cuộc đàm phán một COC thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Điều này sẽ giúp duy trì vai trò trung tâm cũng như dẫn đầu các sáng kiến hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, năm 2020 là thời điểm quan trọng đánh dấu 5 năm thực hiện Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể xây dựng các trụ cột cộng đồng, cũng như nhiều dịp kỷ niệm quan trọng.
KHẢ ANH – VCG
Theo CADN
ASEAN đoàn kết nắm lấy "Vòng cung vàng của những cơ hội"
Đoàn kết, thống nhất để vượt qua thách thức, đi tới thành công vẫn là khẩu hiệu được nhắc tới nhiều tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, vừa chính thức khai mạc tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35
Quan hệ đối tác và tình hữu nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh: "Chúng tôi tập hợp tại đây trong quan hệ đối tác và tình hữu nghị với thế giới để biến khu vực thành một nơi tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người". Theo ông Prayut Chan-o-cha, Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại ai phía sau và hướng tới tương lai.
Vượt qua chặng đường dài kể từ khi được thành lập vào năm 1967, từ một khu vực hỗn loạn, tranh cãi và bạo lực, từ một nơi được ví như "con tốt" trong Chiến tranh Lạnh, ASEAN đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành mảnh đất hòa bình, hợp tác và thịnh vượng, một khu vực đứng ở vị trí trung tâm cấu trúc kinh tế và an ninh chính trị của cả châu Á - Thái Bình Dương. Người dân Đông Nam Á, từng tách biệt và thiếu gắn kết, đang dần trở thành một cộng đồng văn hóa-xã hội mạnh mẽ.
Với dân số hơn 649 triệu người, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tổng GDP lên tới 2.900 tỷ USD vào năm 2018 và là thị trường lớn thứ 3 toàn cầu. Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng bình quân vào khoảng 5,5%/năm, ASEAN có thể vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2025, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.
Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại, dù đang có nhiều thuận lợi, ASEAN cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa ở phần lớn các nước phát triển đang phủ đám mây đen lên nền kinh tế toàn cầu, tác động mạnh đến ASEAN. Bằng chứng là trong quý 2-2019, ngoại trừ Malaysia, hầu hết các nền kinh tế lớn khác của khu vực đều suy giảm. "Cuộc chiến" thương mại Mỹ-Trung cũng khiến thương mại và đầu tư của khu vực bị đe dọa.
ASEAN sẽ nắm bắt được cơ hội để vượt lên
Thêm vào đó, sự nổi lên của tình hình bất ổn trong khu vực khiến dư luận thế giới hết sức lo ngại. Phát biểu trong Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và các cấp cao liên quan vào chiều 2-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: "Vừa qua có những sự việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN". Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cũng bày tỏ sự quan ngại về sự xuất hiện của nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển của nước này.
Thực tế đó đòi hỏi ASEAN phải đặc biệt quan tâm đến đoàn kết và thống nhất, yếu tố quyết định đưa đến thành công của khu vực trong hơn nửa thế kỷ qua. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi chủ đề năm 2019 của ASEAN là "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững" với mục tiêu gia tăng tính bền vững trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN, gắn kết các mục tiêu phát triển của ASEAN với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Trên cơ sở đó, ASEAN sẽ đẩy mạnh quan hệ đối tác, mở rộng kết nối và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng của ASEAN trước các biến động của tình hình, tranh thủ thời cơ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư...
Khu vực cũng phấn đấu sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một thị trường ASEAN chung và một cơ sở sản xuất tích hợp, kết nối và thống nhất. Hội nhập ASEAN sâu rộng hơn đồng nghĩa với việc thực hiện đầy đủ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, hệ thống lưu trữ thương mại quốc gia, hệ thống lưu trữ thương mại ASEAN, hệ thống giao dịch hải quan ASEAN và các chương trình tự chứng nhận ASEAN.
Hai thập kỷ sắp tới sẽ là giai đoạn phát triển vượt bậc của tầng lớp trung lưu và trên trung lưu tại hành lang kinh tế Ấn Độ - ASEAN - Trung Quốc, nơi được mệnh danh là "vòng cung vàng của những cơ hội". Nếu có tầm nhìn và năng lực vạch kế hoạch tốt, ASEAN sẽ nắm bắt được cơ hội này để vượt lên trong cuộc cạnh tranh gay gắt, trở thành một tổ chức đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt trong các vấn đề toàn cầu và khu vực.
Theo ANTD
Ông Lý Khắc Cường hòa hoãn với các lãnh đạo ASEAN về biển Đông Ông Lý nói sự kiện các nước cùng duyệt qua lần một bản thảo COC, một cơ hội cho tất cả thành viên có ý kiến về các điều khoản trong bản thảo, là "một cột mốc rất quan trọng". Hôm nay, ngày 3-11 tại Bangkok (Thái Lan) diễn ra hội nghị ASEAN-Trung Quốc lần thứ 22 giữa các lãnh đạo ASEAN và...