Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc : Ứng dụng công nghệ an ninh hiện đại
Phương tiện an ninh không người lái mang tên HR-Sherpa thực hiện các nhiệm vụ giám sát và đảm bảo an ninh quanh Trung tâm BEXCO mà không cần tài xế hoặc người điều khiển.
Phương tiện an ninh không người lái mang tên HR-Sherpa thu hút sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông. (Nguồn: AP/Yonhap)
Các phương tiện an ninh tự động, robot, máy bay không người lái và các thiết bị công nghệ cao đóng vai trò đáng kể trong công tác bảo vệ nguyên thủ các quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Hàn Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại thành phố cảng Busan.
Trong rất nhiều thiết bị an ninh công nghệ cao được lắp đặt bên trong và xung quanh Trung tâm Triển lãm BEXCO, nơi sẽ diễn ra hội nghị vào ngày 26/11, phương tiện an ninh không người lái mang tên HR-Sherpa thu hút sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông.
Hoạt động dựa trên nền tảng lái xe tự động do các nhà nghiên cứu Hàn Quốc phát triển, HR-Sherpa thực hiện các nhiệm vụ giám sát và đảm bảo an ninh quanh Trung tâm BEXCO mà không cần tài xế hoặc người điều khiển.
Với hệ thống camera xung quanh, HR-Sherpa có thể thu trọn mọi hình ảnh ở mọi góc độ cả ban ngày và ban đêm. Những hình ảnh này sẽ được truyền tự động tới phòng xử lý tình huống.
Theo đội đặc nhiệm của Chính phủ Hàn Quốc bảo vệ hội nghị, HR-Sherpa cũng có thể nhận diện các nhân viên an ninh lân cận và tự động đi theo họ hoặc thăm dò và tự giám sát các tuyến đường đã được định sẵn.
Một robot an ninh khác tại BEXCO cũng thu hút sự chú ý của giới truyền thông đó là Paro. Robot tự hành này có thể đóng vai trò như một người dẫn đường đa ngôn ngữ cho các đại biểu tham dự hội nghị và tiến hành đồng thời các nhiệm vụ an ninh. Bên cạnh đó, Paro còn có khả năng phát cảnh báo về đối tượng tình nghi xâm nhập trái phép.
Video đang HOT
Tại hội nghị lần này, các máy bay không người lái cũng được huy động đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra tuyến đường di chuyển của các nguyên thủ quốc gia và tiến hành hoạt động tìm kiếm trong rừng cũng như dọc khu vực đường bờ biển.
Với hệ thống tạo ảnh nhiệt, các máy bay này có thể tiến hành cả các nhiệm vụ tìm kiếm trong đêm, cũng như phát hiện các đối tượng bắn tỉa tình nghi đột nhập từ nóc các tòa nhà cao tầng hoặc nhiều địa điểm khác.
Ngoài ra, đội đặc nhiệm của Chính phủ Hàn Quốc đang vận hành một hệ thống giám sát nhận diện khuôn mặt hiện đại dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo để có thể nhận diện tốt hơn đối với khoảng 14.000 người đăng ký tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Hàn Quốc và ASEAN ngày 26/11.
Sau đó một ngày là Hội nghị Cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất. Hiện công tác chuẩn bị của nước chủ nhà đã sẵn sàng.
Trong những tháng qua, nước chủ nhà Hàn Quốc đã bắt tay vào việc chuẩn bị cho 2 sự kiện ngoại giao được cho là lớn nhất kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức năm 2017.
Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban chuẩn bị hội nghị với sự tham gia của nhiều bộ ngành, tiến hành đồng thời các hoạt động chuẩn bị từ chương trình nghị sự chính, các hoạt động chào mừng, hoạt động bên lề hội nghị cho đến công tác hậu cần, phục vụ báo chí và đảm bảo an ninh./.
Theo Minh Tâm (TTXVN/Vietnamplus.vn )
Tướng Mỹ cảnh báo ASEAN về đàm phán COC, nhắc đến "mối đe dọa TQ"
Đô đốc Philip S. Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định, hoạt động tự do đi lại trên biển và trên không bao gồm ở Biển Đông là điều quan trọng với cả thế giới.
Đây là lời phát biểu tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax ở Canada của Đô đốc Davidson hôm 23/11.
Theo thông tin từ trang web chính thức defense.gov của Bộ Quốc phòng Mỹ, Đô đốc Davidson nhấn mạnh trong những năm qua, Trung Quốc đã tiến hành quân sự hóa trên các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông, đồng thời không ngừng nâng cao sức mạnh quân sự trên những thực thể này.
Tàu chiến ven bờ Gabrielle Giffords của hải quân Mỹ di chuyển trên Biển Đông hôm 18/11. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Liên quan tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà các nước ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc, ông Davidson cảnh báo các quốc gia ASEAN cần phải đảm bảo rằng nếu đạt được một bộ quy tắc như vậy sẽ không làm hạn chế quyền tự do hàng hải, khả năng hoạt động trên biển, hoạt động thương mại và chương trình tập trận của các nước trong khu vực.
Ông Davidson tuyên bố "các nước ASEAN có thể tin tưởng rằng Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ hỗ trợ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông".
"Canada, New Zealand, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ cho điều động tàu thuyền đi qua Biển Đông và tham gia các đợt tập trận quân sự", ông Davidson nói.
Đô đốc Davidson cũng tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường hoạt động ở Biển Đông. Trong đó, một vài cuộc tập trận đã được hải quân Mỹ tiến hành hồi tháng Chín và tháng 10. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã tiến hành hai cuộc tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông trong tuần qua.
Cụ thể, Reuters đưa tin, theo phát ngôn viên Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, Chỉ huy Reann Mommsen, tàu chiến ven bờ Gabrielle Giffords đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vào ngày 20/11.
Tới ngày 21/11, tàu khu trục Wayne E. Meyer thực hiện "hành trình vô hại" gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
"Những nhiệm vụ này dựa trên luật pháp và thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc duy trì các quyền, sự tự do và việc sử dụng hải phận, không phận một cách hợp pháp với tất cả các quốc gia", bà Mommsen, Người phát ngôn của hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Davidson nhấn mạnh thêm, việc đi lại tại những vùng biển này sẽ được tiếp tục khi Mỹ liên tục luân chuyển các lực lượng đi qua Singapore và thể hiện sức mạnh trên biển cũng như trên không từ các căn cứ tại Nhật Bản.
Tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax ở Canada, Đô đốc Davidson còn nhắc tới những mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Trung Quốc.
Theo ông Davidson, Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện quân sự cả ngoài khu vực Biển Đông.
"Trung Quốc hiện hoạt động trên khắp thế giới bao gồm cả những khu vực xung quanh Nam Phi, châu Âu và châu Phi. Hoạt động triển khai trên toàn cầu của hải quân Trung Quốc trong vòng chưa đầy 30 tháng qua đã nhiều hơn cả 30 năm qua", ông Davidson nói.
Đáng nói, theo ông Davidson, Trung Quốc đang phát triển và mở rộng kho tên lửa đạn đạo cùng các tên lửa siêu thanh tối tân.
Để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc, Mỹ cũng đang đẩy mạnh phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa và phát triển hỏa lực tấn công chính xác tầm xa.
Cuối cùng, Đô đốc Davidson kết luận "sự tự do và ủng hộ các quy định quốc tế là những điều đáng được bảo vệ".
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ "đường chín đoạn". Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Đáp lại những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ thường xuyên điều động tàu thuyền tới "làm nhiệm vụ tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải" trên tuyến đường biển chiến lược.
Minh Thu (lược dịch)
Theo infonet.vn
Đô đốc Mỹ : Washington sẽ tăng cường hoạt động trên biển, trên không ở Biển Đông Quân đội Mỹ dự định tăng cường các hoạt động trên biển và trên không ở Biển Đông để khẳng định quyết tâm giữ cho tuyến đường biển quan trọng tự do và mở. Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương tại Hawaii, tuyên bố tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax ở Nova Scotia, Canada,...