Hội nghị Cấp cao APEC 22: Quyết tâm đẩy mạnh kết nối toàn diện
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 đã kết thúc tốt đẹp, chuyển thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối.
Ảnh TTXVN
Đẩy mạnh kết nối toàn diện và phát triển hạ tầng cơ sở
Chiều ngày 11/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hồ Nhạn Thê ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục phiên thảo luận về “Đẩy mạnh kết nối toàn diện và phát triển hạ tầng cơ sở”.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối toàn diện đối với tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh kết nối hàng hải và hàng không, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự thịnh vượng và tinh thần cộng đồng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những thành quả mà các thành viên APEC đã đạt được về hợp tác tăng cường kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời ghi nhận nỗ lực của các nền kinh tế thành viên trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư (PPP) về hạ tầng cơ sở thông qua các sáng kiến trong khuôn khổ APEC.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, những thành tựu nổi bật của APEC trong hơn hai thập kỷ qua về việc hình thành một mạng lưới hợp tác và liên kết đa tầng nấc, từ cấp tiểu vùng, khu vực đến cả châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn.
Chủ tịch nước hoan nghênh và ủng hộ Kế hoạch tổng thể kết nối APEC giai đoạn 2015-2025 và những quyết định quan trọng nhằm tăng cường kết nối, đặc biệt là phát triển hạ tầng cơ sở giữa các thành viên APEC. Chủ tịch nước nhất trí cần sớm cùng nỗ lực huy động nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết, thông qua các cơ chế hợp tác minh bạch và vì mục tiêu phát triển.
Để kết nối khu vực toàn diện, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên cần chú trọng hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển, đẩy mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo, tăng cường hợp tác công tư, phát huy vai trò không thể thiếu của các doanh nghiệp… Chủ tịch nước cho rằng, vấn đề thiết yếu là cần gắn kết các khuôn khổ kết nối ở mọi tầng nấc của khu vực, bảo đảm tính bổ trợ, phối hợp trong đề xuất và triển khai các sáng kiến của các khuôn khổ này.
Chủ tịch nước nhấn mạnh “Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN” cùng các dự án kết nối hạ tầng cơ sở ở ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong mà các thành viên ASEAN đang triển khai mạnh mẽ có thể được coi là một hạt nhân thúc đẩy kết nối ở châu Á-Thái Bình Dương. Kết nối khu vực cùng tăng trưởng kinh tế và giảm khoảng cách phát triển là những nội hàm then chốt của một Cộng đồng ASEAN tự cường, hài hòa và gắn kết.
Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế
Ngay sau đó, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục phiên thảo luận toàn thể thứ hai về “Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế”.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh triển vọng về sự thịnh vượng chung của APEC sẽ phụ thuộc vào phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng ở khu vực, và châu Á-Thái Bình Dương đang ở giai đoạn then chốt của quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế. Các nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và nâng cấp các ngành truyền thống, khai thác những tiềm năng tăng trưởng kinh tế mới, như kinh tế xanh, kinh tế biển, kinh tế mạng, phát triển nguồn nhân lực, tránh bẫy thu nhập trung bình…
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết đẩy nhanh tốc độ cải cách và sáng tạo, và cùng nỗ lực nâng cao vị thế của châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Video đang HOT
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong bối cảnh hệ lụy của khủng hoảng tài chính còn tác động sâu sắc, phục hồi kinh tế thế giới chưa vững chắc, phát triển sáng tạo và cải cách cần gắn với các nỗ lực phát triển bền vững, giảm khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ “Lộ trình an ninh lương thực của APEC đến 2020″, vì an ninh lương thực là một trong những thách thức của nhân loại trong thế kỷ 21.
Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị cần coi trọng thỏa đáng mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa an ninh lương thực với an ninh nguồn nước; cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trao đổi và ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái, và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại cho các sản phẩm lương thực nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực của người dân.
Chủ tịch nước cho rằng, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế biển trên cơ sở cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên sẽ góp phần làm sâu rộng hợp tác APEC trong giai đoạn mới, trong đó hợp tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác ngư nghiệp, ứng dụng khoa học-công nghệ… là những nội hàm không thể thiếu. Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, vấn đề then chốt là chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực.
Chủ tịch nước đề nghị, quá trình triển khai hợp tác cần theo hướng tiếp cận tổng hợp, đa ngành, bảo đảm được yếu tố cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội với quản lý và bảo tồn nguồn lợi hệ sinh thái biển, ven biển bền vững và bảo đảm bình đẳng xã hội, sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển.
Chủ tịch nước khẳng định, với quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, Việt Nam đang triển khai mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên thúc đẩy phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế.
Thông qua 2 tuyên bố và 4 văn kiện
Kết thúc, Hội nghị đã thông qua 2 Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối” và “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương”, cùng 4 văn kiện kèm theo về “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương – FTAAP”, “Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu”, “Thỏa thuận APEC về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng” và “Kế hoạch tổng thể kết nối APEC 2015 – 2025″.
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 đã kết thúc tốt đẹp, chuyển thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên vì một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối, góp phần nâng cao vị thế của APEC và duy trì vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại Philippines vào năm 2015.
Theo PV
Chính phủ
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn về chuyến làm việc tại Trung Quốc
Sau khi tham dự Hội chợ Triển lãm quốc tế Trung Quốc-ASEAN lần thứ 11 (CAEXPO 2014) và Hội nghị cấp cao kinh doanh và đầu tư Trung Quốc-ASEAN lần thứ 11 (CABIS 2014), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí về vai trò của CAEXPO trong tiến trình hội nhập kinh tế Đông Á.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ khai mạc CAEXPO 11. (Ảnh Tường Thu/TTXVN)
PV: CAEXPO và CABIS đã qua 10 năm tổ chức, xin Phó Thủ tướng đánh giá về tầm quan trọng của hai sự kiện đối với tiến trình kết nối kinh tế Đông Á?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: CAEXPO và CABIS là 2 dấu ấn nổi bật và thiết thực của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, là những sáng kiến cụ thể nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu trực tiếp.
Qua 10 năm tổ chức, CAEXPO và CABIS đã trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc. Những con số thống kê cho thấy, qua 10 kỳ Hội chợ, tổng kim ngạch giao dịch thương mại đạt 15,478 tỷ USD, tổng vốn đầu tư các dự án hợp tác quốc tế là 66,436 tỷ USD.
Đối với Việt Nam, từ chỗ chỉ đạt vài chục triệu USD về giá trị các hợp đồng giao dịch trong những năm đầu tham gia, riêng năm 2013, tổng giá trị giao dịch thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp ta tại Hội chợ đạt 120 triệu USD.
Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm việc với khoảng 50.000 thương nhân Trung Quốc, các nước ASEAN và quốc tế tại Hội chợ. Năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ đạt các kết quả tương tự do quy mô và số lượng doanh nghiệp tham gia hội chợ của ta là rất đáng kể so với nhiều năm trước.
Nhìn rộng hơn, việc ASEAN đang tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động liên kết kinh tế, triển khai FTA với 6 đối tác lớn hàng đầu Đông Á và đàm phán một hiệp định sâu rộng, tổng thể hơn là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương mới trong khu vực.
Cùng với đó, CAEXPO và CABIS đang là cầu nối hữu hiệu không chỉ giữa các doanh nghiệp ASEAN kết nối với Trung Quốc mà còn với cả khu vực Đông Á nói chung, giúp hình thành một chuỗi cung ứng và kết nối mới tại Đông Á. Có thể nói, toàn bộ quá trình này là kết quả của nỗ lực hội nhập của doanh nghiệp, đồng thời phản ánh chất lượng kết nối về hạ tầng, thể chế và con người từ các liên kết kinh tế khu vực, trong đó có CAEXPO và CABIS mà Việt Nam đã và đang tích cực tham gia.
Thưa Phó Thủ tướng, đâu là những khó khăn lớn nhất đối với tiến trình liên kết kinh tế Đông Á?
Cơ hội và thách thức luôn đan xen. Phải khẳng định cơ hội vẫn là to lớn, chưa từng có và là chủ yếu, mặc dù còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, Đông Á vẫn là một điểm sáng kinh tế, trong đó Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và ASEAN là khu vực phát triển năng động, tiến tới hình thành Cộng đồng vào năm 2015.
Các nước ở Đông Á đều đang tích cực đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và liên kết kinh tế sâu rộng; tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển báo hiệu sức mua ngày càng tăng; lợi ích hợp tác giữa các nước chưa bao giờ gắn kết chặt chẽ như hiện nay.
Bên cạnh đó, liên kết kinh tế Đông Á còn nhiều khó khăn, thách thức. Các khó khăn lớn là trình độ phát triển chưa đồng đều, đặc biệt về hạ tầng cơ sở, chất lượng nhân lực và thể chế rất khác nhau. Các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cũng tác động đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, ít nhiều làm phân tán nguồn lực và làm ảnh hưởng đến hợp tác.
Tuy nhiên, chúng ta cần nỗ lực không để các khó khăn, thách thức cản trở cơ hội hợp tác, thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế vì sự phát triển của đất nước. Về phía Chính phủ, Chính phủ đã xác định đúng và đang đẩy mạnh triển khai 3 khâu đột phá chiến lược là xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện thể chế và phát triển nhanh nguồn nhân lực, đồng thời tiếp tục mở rộng các kênh hợp tác mới cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam, với tư cách là chủ thể của hội nhập, mới chính là nhân tố quyết định đến thành công của hội nhập. Tôi đề nghị các doanh nghiệp cần phát huy vai trò tiên phong trong quá trình khắc phục các khó khăn, thách thức, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm và doanh nghiệp mình để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.
Chính phủ cũng sẽ cam kết đồng hành với doanh nghiệp. Tại CAEXPO và CABIS, việc lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp cùng tham gia không chỉ tạo điều kiện để tăng cường hợp tác công-tư mà còn để lãnh đạo lắng nghe ý kiến trực tiếp từ doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng của các kết nối và liên kết kinh tế khu vực thiết thực, hiệu quả hơn.
Thưa Phó Thủ tướng, việc tham gia CAEXPO, CABIS mang lại những lợi ích lớn nào cho Việt Nam?
Với chủ trương của Đại hội XI, Việt Nam đang triển khai tích cực quá trình hội nhập quốc tế một cách toàn diện. Cùng với việc thiết lập mạng lưới các quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện, tham gia các liên kết kinh tế khu vực; trong đó có các FTA thế hệ mới như TPP và RCEP, việc tham gia CAEXPO và CABIS là một phần trong nỗ lực hội nhập nhằm tạo lập các sân chơi, không gian hội nhập mới cho doanh nghiệp và đất nước phát triển.
CAEXPO và CABIS tạo cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp giao lưu, gặp gỡ; nhiều cơ hội, hợp đồng, giao dịch đều từ những sân chơi như thế này mà ra.
Ở một tầm chiến lược hơn, sự tham gia tích cực, chủ động của Chính phủ và đặc biệt là giới doanh nghiệp vào các cơ chế hợp tác, liên kết đó sẽ góp phần từng bước đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng của mạng lưới kết nối kinh tế Đông Á và toàn cầu. Trong sân chơi rộng lớn đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện trưởng thành hơn, lớn mạnh hơn. Suy cho cùng đó cũng là nhằm tạo nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống của người lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thông qua hợp tác kinh tế, việc tham gia CAEXPO và CABIS còn tạo cơ hội để chúng ta tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các địa phương biên giới của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây.
Với lợi thế núi liền núi sông liền sông với Quảng Tây, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Quảng Tây chiếm đến 70% tổng kim ngạch thương mại của Quảng Tây với ASEAN. Do đó, cả lãnh đạo và nhân dân Quảng Tây cũng như các tỉnh địa phương của Việt Nam giáp với Quảng Tây đều rất coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với nhau.
Qua chuyến đi khảo sát bằng đường bộ và tận mắt chứng kiến các hoạt động nhộn nhịp tại Hội chợ, tôi nhận thấy tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Để hiện thực hóa tiềm năng đó, còn có rất nhiều việc phải làm, trong đó vấn đề kết nối hạ tầng cứng và mềm giữa các tỉnh biên giới giáp biên của Việt Nam với Quảng Tây.
Trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục tăng cường kết nối hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục, hài hòa chính sách và tạo thuận lợi hơn nữa cho giao thương hàng hóa, dịch vụ và con người.
Tham dự CAEXPO, CABIS năm nay và trực tiếp thăm khu gian hàng Việt Nam, Phó Thủ tướng nhìn nhận như thế nào về sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam?
Trước hết, tôi đánh giá cao sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia các kỳ CAEXPO vừa qua. Việt Nam luôn là nước có đoàn doanh nghiệp tham dự CAEXPO đông nhất trong số các nước ASEAN.
Năm nay, Việt Nam có hơn 100 doanh nghiệp tham gia với 200 gian hàng, đến từ 21 tỉnh, thành hoạt động trên các lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, du lịch, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ gỗ. Thành phố Bình Thuận đại diện Việt Nam tham gia trưng bày gian hàng quốc gia với chủ đề "Thành phố Đẹp" rất sáng tạo và mang bản sắc Việt Nam. Điều này chứng tỏ sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp đối với CAEXPO chứ không phải chỉ một vài doanh nghiệp mạnh ở các thành phố lớn.
Có thể nói, các doanh nghiệp của Việt Nam đã chủ động tận dụng Hội chợ này không chỉ để xúc tiến quảng bá và thâm nhập thị trường các tỉnh rộng lớn miền Tây Nam Trung Quốc mà còn giao lưu kết nối với các doanh nghiệp, đối tác kinh doanh trong khu vực ASEAN và Đông Á cũng như quảng bá hình ảnh quốc gia.
Khu vực Đông Á đang chứng tỏ là một đầu tàu kinh tế thế giới với những nền kinh tế phát triển nhanh, mạng lưới FTA ở nhiều cấp độ sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp muốn vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, qua hội chợ cũng thấy doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng các cơ hội mang lại từ tiến trình kết nối kinh tế Đông Á, từ việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đến việc thực hiện công tác quảng bá thương hiệu và sản phẩm một cách chuyên nghiệp và bắt mắt hơn... để hàng hóa và dịch vụ ngày càng được khách hàng khu vực ưa chuộng hơn.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của CAEXPO, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng với các bộ, ngành liên quan, đã tích cực phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị tốt cho việc tham gia CAEXPO để tận dụng các cơ hội mang lại từ tiến trình liên kết kinh tế khu vực, đặc biệt là các FTA song phương giữa Việt Nam với các nước, các khu vực để kết nối với chuỗi kinh tế Đông Á ngày càng gắn kết.
Đây cũng là một hoạt động ngoại giao kinh tế cụ thể trong đó Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp để quảng bá hình ảnh quốc gia, kết nối đối tác, mở rộng thị trường và cơ hội kinh doanh cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.
PV
Theo Dantri
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp nguyên Tổng thống Hàn Quốc Ngày 21/10, tại Nhà khách Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp nguyên Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak Hoan nghênh chuyến thăm làm việc của nguyên Tổng thống Lee Myung-bak, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui...