Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ra Tuyên bố chung
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 8 (ADMM-8) đã ra Tuyên bố chung về “Hợp tác quốc phòng vì cộng đồng và thịnh vượng”, trong đó nhấn mạnh việc không sử dụng vũ lực trong khu vực.
Hội nghị ADMM-7 diễn ra tại Brunei hồi tháng 5/2013.
Hội nghị ADMM-8 diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến căng thẳng sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, tinh hình Biển Đông là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất tại hội nghị.
Trong Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác chính trị – an ninh hướng tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, trưởng đoàn các nước kêu gọi tăng cường hợp tác bảo đảm thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
“Tất cả các bên cần thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) như đã được thể hiện trong Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông”, tuyên bố nhấn mạnh.
Tuyên bố cũng nêu rõ các nước ASEAN mong muốn căng thẳng ở Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Video đang HOT
Trước đó, phát biểu tại hội nghị về quan điểm của Việt Nam sau những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định hành động của Bắc Kinh đang khiến các nước ASEAN quan ngại và gây bức xúc trong quần chúng, nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, trước sự việc này, Việt Nam vẫn chủ trương đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và DOC, để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
“Việt Nam sẽ hết sức kiềm chế để không xảy ra xung đột quân sự trên biển. Chúng tôi không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo, lực lượng đặc công người nhái tấn công, phá hủy giàn khoan của Trung Quốc. Việt Nam chỉ sử dụng các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và tàu cá của ngư dân để bảo vệ chủ quyền. Tàu Việt Nam không chủ động đâm va cũng như sử dụng vòi rồng phun vào các tàu của Trung Quốc, mà chỉ sử dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Việt Nam quyết tâm giữ vững ổn định chính trị trong nước; duy trì quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc; tích cực liên hệ, đối thoại với Trung Quốc ở nhiều cấp với mong muốn hai bên kiềm chế, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.
Về việc một số phần tử quá khích lợi dụng lòng yêu nước của người dân Việt Nam để kích động gây ra một số vụ việc đáng tiếc như đập phá cơ sở sản xuất của một số doanh nghiệp nước ngoài gây thiệt hại về người và của, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm theo pháp luật Việt Nam, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
“Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho công dân và doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam. Cơ bản tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã trở lại bình thường. Chúng tôi đề nghị các nước bạn bè chia sẻ khó khăn đó với Việt Nam, động viên các nhà đầu tư yên tâm làm ăn tại Việt Nam”, Bộ trưởng chia sẻ.
Vũ Anh
Theo Dantri
Trung - Nga chưa thể ký thỏa thuận khí đốt
Bất chấp những ngôn từ hoa mỹ được tung hứng trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc vẫn chưa thể đặt bút ký vào thỏa thuận khí đốt lịch sử như giới phân tích kỳ vọng trước đó.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình chưa đạt được đồng thuận trong giá khí đốt.
Kết thúc cuộc hội đàm song phương ở Thượng Hải ngày hôm qua, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký Tuyên bố chung cam kết tăng cường hợp tác trên nhiều phương diện.
Theo tuyên bố, hai nước đặc biệt chú trọng hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Liên minh Á - Âu (sẽ được thành lập ngày 1/1/2015).
Hai bên cũng cam kết đi sâu hợp tác, phối hợp quan điểm để đưa ra các đề xuất chung trong khuôn khổ "Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về tương tác và giải pháp xây dựng lòng tin ở châu Á" (CICA) diễn ra ở Thượng Hải.
Mặc dù đạt được một loạt thỏa thuận, nhưng phần nội dung quan trọng nhất và được trông đợi nhiều nhất là hai bên sẽ ký kết hợp đồng kỷ lục về khí đốt lại không diễn ra.
Theo các nguồn tin thân cận, các nhà đàm phán của hai bên đã không thể đi đến nhất trí về mức giá bán khí đốt cho Trung Quốc, khiến hợp đồng trị giá 400 tỷ USD phải tạm thời gác lại.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, vẫn bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ được ký kết vào hôm nay (21/5) trước khi Tổng thống Putin về nước.
"Chuyến thăm vẫn chưa kết thúc. Các cuộc thương lượng sẽ tiếp tục và (kết quả) có thể đạt được bất cứ lúc nào. Chúng tôi chỉ còn phải thảo luận thêm một chút về giá cả", ông Dmitry Peskov nói.
Trong trường hợp hợp đồng vẫn chưa thể ký được trong ngày hôm nay, hai nhà lãnh đạo đặt mục tiêu sẽ đặt bút ký vào cuối tuần này tại Diễn đàn APEC sẽ diễn ra ở St. Petersburg.
Theo ước tính, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020. Trong khi đó, Nga cũng đang có nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Á để bù đắp suy giảm từ thị trường châu Âu do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Vũ Anh
Theo dantri
Bộ trưởng Quốc phòng: "Việt Nam đã rất kiềm chế" Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói về diễn biến ở Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ngày 20/5, trước sự quan tâm sâu sắc của hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ tám (ADMM-8) về tình hình Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã...