Hội nghị ASEAN: “Đồng sàng” nhằm tránh “giậm chân tại chỗ” về Biển Đông
Lãnh đạo ASEAN ngày 24/4 sẽ nhóm họp ở Brunei trong nỗ lực tái thiết mặt trận đoàn kết trước những rạn nứt chưa từng có tiền lệ về ứng xử đối với những tranh chấp lãnh thổ, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn ở Biển Đông.
Hội nghị thưởng định 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được nhóm họp trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt, thậm chí là hiếu chiến, trong tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, khu vực được cho là giàu dầu lửa và khí đốt.
Cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra nhằm độc chiếm Biển Đông ăn vào vùng biển của 4 thành viên ASEAN gồm nước chủ nhà ASEAN năm nay Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Giới chuyên gia cho rằng nỗ lực thúc đẩy một lực lượng thống nhất trong ASEAN của Philippines và Việt Nam trước Trung Quốc đã gặp trở ngại vào năm ngoái, năm Campuchia làm chủ tịch ASEAN.
Trước hội nghị Thượng đỉnh 2 ngày, bắt đầu từ thứ tư tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh ASEAN cần phải xây dựng được một mặt trận thống nhất về Biển Đông. “ASEAN không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển nếu chúng ta mạnh mẽ…chúng ta cần phải “đồng sàng”", ông Natalegawa cho biết với hãng thông tấn Pháp AFP.
Brunei đã nêu rõ một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm chủ tịch ASEAN của nước này là cho đến cuối năm nay xem xét một bộ quy tắc ứng xử trên biển có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc (COC). Bộ quy tắc này lần đầu tiên được đề xuất là cách đây hơn một thập niên.
Video đang HOT
Trong khi đó tại hội nghị Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ thúc đẩy một “kết luận sớm” về bộ quy tắc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, ông Raul Hernandez, cho biết với các phóng viên tại Manila và tuần trước.
Và vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa cho hay các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc có cuộc họp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng một bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên chi tiết về cuộc họp không được công bố.
Mặc dù nhiều nước Đông Nam Á tỏ quyết tâm, nhưng theo giới phân tích, hầu như không có hy vọng đạt được một thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN về COC. Có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất là quan điểm của Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định chỉ đàm phán với từng nước liên quan và không chấp nhận thương lượng với ASEAN, trong tư cách là một khối.
“Đừng nên đợi đột phá trong bộ quy tắc ứng xử tại hội nghị lần này”, Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho biết với hãng thông tấn AFP.
“Quan điểm của Trung Quốc cho thấy họ chưa sẵn sàng đàm phán với ASEAN về Biển Đông… Nếu Trung Quốc không muốn tiến lên, bộ quy tắc ứng xử sẽ không có gì”, ông nhận định.
Căng thẳng trong cách ứng xử với Trung Quốc đã phủ bóng xuống các hội nghị cấp cao của ASEAN vào năm ngoái. Đỉnh điểm là hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh vào tháng 7, với kết thúc mà lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối này không đưa ra được thông cáo chung.
Điểm thứ hai là nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi nội bộ ASEAN không hề thay đổi, mặc dù Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Hernandez tỏ ra tin tưởng là ASEAN gạt các bất đồng sang một bên.
“Vết thương từ năm ngoái vẫn chưa hoàn toàn lành”, một nhà ngoại giao Đông Nam Á giấu tên cho hay.
Cho đến nay, chỉ có hai nước, Việt Nam và Philippines, lên tiếng chỉ trích gay gắt Trung Quốc. ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận chung, trong lúc Campuchia và Lào lại được coi là hai đồng minh của Trung Quốc.
Hơn nữa, do phải vận động tranh cử, Thủ tướng của Malaysia, một trong các bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, sẽ không tham dự Thượng đỉnh lần nàyở Brunei, mà chỉ cử đại diện đi thay. Do vậy, giới chuyên gia dự đoán là việc xây dựng COC nhiều khả năng tiếp tục “giậm chân tại chỗ” ở Thượng đỉnh ASEAN tại Brunei lần này.
Theo Dantri
"Biển Đông vẫn là trọng tâm của ASEAN trong 2013"
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh ASEAN thúc đẩy đối thoại, giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, trên cơ sở thỏa thuận DOC.
Ngày 11/4, tại Brunei, các hội nghị quan chức cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22 (sẽ diễn ra trong các ngày 24-25/4) đã kết thúc với ba hội nghị quan trọng gồm Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 9 và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 12.
Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại nước chủ nhà, Hoàng thân Mohamed Bolkiah đã chủ trì các hội nghị, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo ngành ngoại giao các nước thành viên ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị.
Trong chương trình làm việc, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tập trung trao đổi về tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, tình hình quốc tế, khu vực cũng như các vấn đề có tầm quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực, trong đó có việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và thúc đẩy sớm Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei Mohamed Bolkiah khẳng định Biển Đông tiếp tục là một trọng tâm của ASEAN trong năm 2013, bên cạnh các chương trình hợp tác an ninh, quốc phòng, kinh tế và xã hội.
Hoàn tất COC là mục tiêu hàng đầu của nước Chủ tịch ASEAN trong năm nay, và với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN, Brunei ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại trên tinh thần đảm bảo an ninh và ổn định, đồng thời sẽ tham vấn các nước lớn và các nước liên quan về vấn đề này.
Thông cáo báo chí của Chủ tịch hội nghị cho biết các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã xem xét, đánh giá những tiến bộ đạt được kể từ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 diễn ra ở Phnom Penh, Campuchia hồi tháng 11/2012, trong có có hợp tác chính trị và an ninh, sự chấp thuận quốc tế được mở rộng đối với Hiệp định Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của ASEAN, các vấn đề liên quan đến việc công bố Triển vọng an ninh ASEAN và thảo luận những nội dung được các cơ quan khác nhau của ASEAN khuyến nghị trình các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét trong các cuộc họp cấp cao sắp tới.
Các nhà lãnh đạo tham dự các hội nghị cũng đã trao đổi quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm, lợi ích chung trên cả bình diện khu vực và quốc tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tin tưởng lẫn nhau, hợp tác thúc đẩy an ninh hàng hải, và đảm bảo giải pháp hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) khẳng định sự cần thiết phải kiềm chế của tất cả các bên trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hay gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Các bộ trưởng ngoại giao tiếp tục khẳng định Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông của ASEAN, sự cần thiết duy trì động lực về đối thoại và tham vấn đã đạt được từ các cuộc tham vấn quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19 và giao nhiệm vụ cho các quan chức cấp cao ASEAN tích cực làm việc với Trung Quốc nhằm sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.
Trả lời phóng vấn báo chí sau khi kết thúc các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho rằng việc nhất trí thúc đẩy các cuộc đàm phán với Trung Quốc để sớm hoàn tất COC là kết quả nổi bật nhất của các hội nghị lần này và những vấn đề các bên cùng quan tâm sẽ tiếp tục được đề cập trong các hội nghị quan chức cấp cao lần tới để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), dự kiến sẽ diễn ra trong quý cuối cùng của năm nay./.
Theo Dantri
Vệ sĩ của Putin không được vào hội nghị ở Nam Phi Các vệ sĩ của Tổng thống Nga Vladimir Putin bị bảo vệ tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi ngăn vào trong tòa nhà có các cuộc họp quan trọng. Trong đoạn video do các phóng viên bên ngoài tòa nhà quay lại, ông Putin đi vào và theo sau là các vệ sĩ người Nga. Nhưng ngay sau đó, một...