Hội ND Sóc Sơn: Tìm giải pháp tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn
Vừa qua, tại huyện Sóc Sơn, Hội Nông dân phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội đã tổ chức diễn đàn “Tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông lâm thủy sản thực phẩm an toàn theo chuỗi”.
121 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ
Có mặt tại diễn đàn, ông Lê Trọng Khuê – Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản, nguyên liệu gắn với chế biến, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với năng suất và giá trị thu nhập cao như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây ăn quả có múi, hoa cây cảnh, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tập trung tại các huyện ứng Hòa, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên…
Cụ thể với gần 5.500ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.810 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư; 25 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp; 148 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai hoạt động hiệu quả; có 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm an toàn, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia ngày càng hiệu quả, từng bước hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn. Qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân của thành phố.
Hà Nội hiện có 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: I.T
Để các chuỗi này hoạt động tốt, cần đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật tư nông nghiệp cho nông dân theo phương thức trả chậm đạt nhiều kết quả. Chú trọng tới công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nghề, hướng dẫn nông dân truy cập và sử dụng mạng Internet; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý giúp nông dân phát triển sản xuất.
Video đang HOT
Tháo gỡ đầu ra cho nông sản
Tuy nhiên, ông Khuê cũng thẳng thắn nhận định, hiện nay việc hợp tác, liên kết sản xuất ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức cho nên chưa hấp dẫn để thu hút hộ nông dân tự nguyện tham gia. Đầu ra nông sản hàng hóa chưa thật sự ổn định, vẫn còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá.
Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo các chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến với kết nối thị trường chưa rõ; thiếu giải pháp chính sách thực hiện hiệu quả…
Tại diễn đàn, các đại biểu được nghe các ý kiến tham luận trao đổi những nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: Chuyển đổi mô hình trồng rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân; mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè sạch Bắc Sơn; mô hình chuỗi gà đồi Sóc Sơn; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường và giá trị cho sản phẩm nông lâm thủy sản;
Chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; công tác tuyên truyền về xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Tại diễn đàn, lãnh đạo Hội Nông dân thành phố và Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Nội đã trực tiếp trao đổi và giải đáp các câu hỏi của các đại biểu đại diện cho hội viên nông dân của 3 đơn vị: Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh.
Các ý kiến phản hồi liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ nông dân đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp và tăng cường các hoạt động truyền thông, maketing thị trường…
Theo Danviet
Khi Hội Nông dân chỉ lối để hội viên làm giàu trên đất cằn
Những năm qua, Hội Nông dân xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (Kon Tum) luôn đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu chính đáng".
Phủ xanh đất cằn, sỏi đá
Dẫn chúng tôi tham quan một số mô hình kinh tế ở thôn K'Bay và thôn Tân Sang, anh Trần Công Thanh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hơ Moong cho hay, xã Hơ Moong được thành lập vào tháng 4/2006 với tổng diện tích đất tự nhiên 6.903ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 2.739,5ha. Những năm đầu thành lập xã, trên diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là đất khai hoang, hội viên nông dân nơi đây hầu hết chỉ trồng mì và lúa. Tuy nhiên, qua nhiều năm, diện tích đất trồng mì và lúa ngày càng cằn cỗi, hiệu quả thu nhập không cao.
Từ thực trạng trên, Hội Nông dân xã Hơ Moong đã tuyên truyền, vận động, định hướng cho các hội viên nông dân trên địa bàn xã sớm thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hình thức giảm dần diện tích cây hàng năm, tăng diện tích cây lâu năm và phát triển nhanh diện tích cây công nghiệp.
Ông Rmah Ben (trái), hội viên Hội Nông dân xã Hơ Moong đang trao đổi kinh nghiệm thâm canh cây cà phê của gia đình. (ảnh: Đức Thành)
Hiện nay, tổng diện tích cây công nghiệp trên địa bàn xã đạt 1.899,5ha, trong đó, diện tích cây cao su 595,5ha, diện tích cây cà phê 898,5ha, diện tích cây bời lời 361ha, cây tiêu 14,5ha, cây bơ 10ha và cây sầu riêng gần 20ha.
Để có được kết quả này, trong những năm qua, Hội Nông dân xã Hơ Moong đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, cách làm hay để giúp đỡ hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2018, Hội đã ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện số tiền 650 triệu đồng cho 24 hộ hội viên nông dân vay mới để phát triển sản xuất và đến nay dư nợ hơn 6 tỷ đồng/162 hộ vay.
Hội Nông dân xã còn phối hợp Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy mở 2 lớp đào tạo nghề về cạo mủ cao su và chăm sóc cây cà phê thu hút 70 hội viên tham gia. Cùng với đó, Hội còn phối hợp Công ty phân bón Hồng Lam và Công ty TNHH Công nghệ hữu cơ sinh học An Thái hỗ trợ cho hội viên nông dân mua trả chậm cây giống và các loại phân bón.
Dám nghĩ, dám làm
Ngoài việc định hướng hội viên, nông dân phát triển cây công nghiệp, những năm qua, Hội Nông dân xã Hơ Moong còn vận động hội viên, nông dân trồng xen canh các loại cây có giá trị cao như: Bơ, sầu riêng, đinh lăng... trên diện tích đất cà phê trồng thêm các cây như: tiêu, chanh dây, thanh long... và phát triển chăn nuôi đàn gia súc.
Công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Hội Nông dân xã Hơ Moong đã góp phần hình thành tiểu vùng sản xuất chuyên canh, cây công nghiệp, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, cung cấp phân bón và thu mua nông sản, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng của vùng. Nhờ các hoạt động hỗ trợ của Hội cũng như ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của nông dân, ở Hơ Moong đã xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, gắn kết với chuỗi sản xuất hàng hóa như gia đình hội viên Trần Văn Thuân và Quách Văn Cương tại Chi hội Nông dân thôn Tân Sang...
Theo Hội Nông dân xã Hơ Moong, trong năm 2017, số hộ nông dân của xã đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 40 hộ; số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm là 21 hộ. Đến nay, toàn xã Hơ Moong có 6 hộ hội viên nông dân có mô hình kinh tế tổng hợp, diện tích đất sử dụng bình quân 3,5ha/mô hình trở lên với doanh thu bình quân đạt 500 triệu đồng/năm/hộ. Đây là các hộ nông dân giỏi tiêu biểu có tác động cùng với Hội dẫn dắt, hỗ trợ phong trào thi đua...
Anh Trần Công Thanh cho biết, với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Hơ Moong sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực hưởng ứng phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu chính đáng". Từ đó, khuyến khích hội viên nông dân dám nghĩ, dám làm, tìm tòi đưa các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, quyết tâm vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo Danviet
Lâm Đồng: Chỉ trồng rau thôi, mỗi tháng lời gần 70 triệu đồng Nhờ mạnh dạn đầu tư trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nên ông Trần Văn Nhĩ (phường Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã mang về thu nhập "khủng" mỗi năm lời hơn 700 triệu đồng. Các loài rau, củ, quả thực phẩm ông Nhĩ trồng ra được tin tưởng, đưa vào tiêu thụ mạnh tại siêu thị Coopmart...