Hối lộ rồi sẽ nhận hối lộ
Gần 50% số người dân được hỏi trên toàn quốc cho rằng phải hối lộ mới có được việc làm trong khu vực hành chính công, đó là kết quả khảo sát trong báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI) công bố ngày 14.4 tại Hà Nội.
Tình trạng chạy để vào công chức được nói đến từ lâu. Dư luận còn nhớ rõ thông tin của ông Trần Trọng Dực – Chủ nhiệm UBKT Thành uỷ Hà Nội – rằng, thí sinh chạy để đỗ công chức không dưới 100 triệu đồng. Ông Dực không đưa ra bằng chứng trường hợp nào cầm tiền, nhưng ai cũng có thể tin lời ông nói là sự thật.
Và sự thật đó được chứng minh qua báo cáo vừa nêu trên, đó là con số được thực hiện bằng khảo sát, thống kê khoa học, không phải nói theo cảm tính. Muốn vào cửa công thì phải hối lộ. Chưa kể vào rồi, muốn leo cao hơn, cũng hối lộ.
Chuyện hối lộ để vào làm việc ở cửa công được chỉ ra cụ thể, nhưng hậu quả đằng sau đó thì chưa đo được bằng con số. Với 50% số công chức được chọn vì tiền thì chất lượng hành chính công không thể cao. Chính vì vậy nên các nỗ lực cải cách hành chính vẫn chưa thay đổi được tình trạng yếu kém như hiện nay.
Dù muốn hay không thì về bản chất, Nhà nước và tư nhân luôn phải cạnh tranh về nhân sự. Tư nhân tuyển chọn người có năng lực vào làm việc. Họ không nhận hối lộ để đưa người kém vào để làm hỏng đơn vị của họ, cho nên chất lượng nguồn nhân lực của khối tư nhân luôn cao hơn khu vực nhà nước.
Và dù muốn hay không, sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước phải dựa trên sự phát triển đồng đều giữa hai nguồn nhân lực của Nhà nước và tư nhân. Doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân năng động, sáng tạo, luôn có sáng kiến đổi mới, nhưng bộ máy hành chính chậm chạp, trì trệ, bảo thủ thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đi bằng hai chân, nhưng một chân bị tật thì không thể đi nhanh.
Nguy hiểm hơn, không ai bỏ tiền đầu tư mà không có mục đích thu hồi vốn và lợi nhuận. Những người bỏ tiền để chạy một chân công chức sẽ tìm cách để kiếm tiền, đồng lương nhà nước rất thấp, vậy họ thu hồi vốn và lấy lãi bằng cách gì ngoài nhận hối lộ.
Video đang HOT
Cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng cho doanh nghiệp, phục vụ nhân dân tốt là mục tiêu của Đảng, Chính phủ. Có nhiều biện pháp, giải pháp có tính chiến thuật và chiến lược được đặt ra. Nhưng cốt tử nhất là con người, tuyển dụng công chức qua hình thức thi cử công khai, minh bạch, trung thực thì mới có được đội ngũ công chức chất lượng.
Lê Thanh Phong
Theo báo Lao động
"Cứ vào được công chức là ỳ ra không chịu làm!"
"Cứ vào được công chức là nhiều người ỳ ra không chịu làm. Sở dĩ có tình trạng đó là do cơ chế kỷ luật, rất khó để đưa được một công chức ra ngoài. Cần phải sửa luật để có cơ chế cắt giảm công chức chây ỳ không chịu làm việc", Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị.
Ngày 15/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ. Tại đây, lãnh đạo nhiều Bộ ngành thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại trong việc tuyển dụng công chức không qua thi tuyển và thi nâng ngạch công chức.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Vào được công chức là chây ỳ
Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp - chỉ ra các nhóm vấn đề liên quan trực tiếp đến Bộ Nội vụ còn "giậm chân tại chỗ" trong cải cách thủ tục hành chính. Nổi cộm trong đó là quá trình tổ chức thi tuyển công chức còn nhiều thủ tục rườm rà. Do vậy, ông Ngọc đề nghị cần phải cắt giảm nhiều thủ tục không cần thiết tránh lãng phí cho thí sinh.
Ngoài ra, ông Ngọc còn đề cập đến vấn đề cơ chế tuyển thẳng thí sinh là sinh viên xuất sắc của các trường Đại học trong nước và loại giỏi ở nước ngoài vào bộ máy nhà nước. Theo quy định hiện nay, các trường hợp địa phương muốn tuyển thẳng cũng phải phải chờ Bộ Nội vụ thông qua. Ông Ngọc đề nghị nên phân cấp trực tiếp cho các Bộ ngành, địa phương chứ không nên để Bộ Nội vụ "ôm" hết. Còn cơ quan tuyển dụng là đơn vị phải chịu trách nhiệm về chất lượng người được tuyển dụng.
Liên quan đến cơ chế tuyển thẳng nhân tài, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Vũ Thị Mai cũng đề nghị sửa đổi quy định theo hướng không cần phải thông qua Bộ Nội vụ, mà phân cấp trực tiếp cho các đơn vị tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Còn để giảm lãng phí trong quá trình thi tuyển công chức, ngoài việc cắt bỏ thủ tục không cần thiết, bà Mai còn đề nghị rút ngắn thời gian thi thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai còn đề nghị nghiên cứu đưa ra biện pháp tăng sự năng động của công chức, viên chức. "Cứ vào được công chức là nhiều người ỳ ra không chịu làm, thiếu sự cạnh tranh. Sở dĩ có tình trạng đó là do cơ chế kỷ luật, rất khó để đưa được một công chức ra ngoài. Giờ nếu nói khó do luật thì cần phải sửa luật sao cho hợp lý để có cơ chế cắt giảm công chức chây ỳ không chịu làm việc", bà Mai nói.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - nhận định cơ chế, chính sách liên quan đến thi tuyển công chức vào bộ máy hành chính như hiện nay là rất đúng, nhưng đầu ra - đào thải công chức không đáp ứng được yêu cầu còn nhiều bất cập. Vì vậy mới dẫn đến tâm lý nhiều công chức có tâm lý an tâm với vị trí của mình.
Bộ ngành thi nâng ngạch công chức: Cứ thi là đỗ hết
Giải thích rõ những băn khoăn trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ sẵn sàng ủy quyền, phân cấp cho các Bộ ngành địa phương trong thi nâng ngạch công chức. Tuy nhiên, điều bất cập ông Tuấn nêu ra là các Bộ ngành, địa phương đã được ủy quyền thì thí sinh nộp hồ sơ đi thi là đỗ hết.
"Thi bao nhiêu đỗ hết bấy nhiêu thì phải kiểm tra lại chất lượng kỳ thi. Cứ đi thi là đỗ hết thì làm sao đảm bảo chất lượng, khách quan trong chế độ công chức, viên chức. Bộ Nội vụ chúng tôi làm là phải chấm thi qua "ba tay" để đảm bảo khách quan, công bằng", ông Tuấn nói.
Quy trình, thủ tục tuyển thẳng thí sinh là sinh viên xuất sắc của các trường Đại học trong nước và loại giỏi ở nước ngoài vào bộ máy nhà nước cũng được ông Tuấn giải thích rõ. Sở dĩ đưa ra việc này nhằm thu hút người tài vào làm việc trong bộ máy hành chính, tuy nhiên cần phải có cơ chế chặt chẽ kiểm soát. Như vừa rồi Hà Nội có 29 trường hợp đề nghị tuyển thẳng, nhưng mới giải quyết được 15 trường hợp, 14 trường hợp còn lại Bộ Nội vụ không đồng ý với lý do không đáp ứng điều kiện, yêu cầu theo quy định.
"Hiện dư luận còn nhiều băn khoăn cho rằng, nếu kiểm soát không chặt chẽ thì cơ chế này lại là kẽ hở để tuyển dụng những người có mối quan hệ thân thiết vào công chức, trong khi đó nhiều người phải thông qua hình thức thi cạnh tranh rất khắc nghiệt. Vì vậy, việc này phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo những người được tuyển thẳng không qua thi tuyển phải xứng đáng về phẩm chất, trình độ, năng lực", Thứ trưởng Bộ Nội vụ phân tích rõ.
Kết lại vấn đề, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong cải cách hành chính rất lớn, rất nặng nề. "Tôi nghĩ rằng nếu không cải cách thì tút hậu càng xa hơn. Nếu không cải cách, xa dân, quan liêu thì dân oán trách chúng ta. Không cải cách, không công khai minh bạch, dễ bị tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, mọi cấp, mọi ngành phải tự cải cách, tự đổi mới, trong đó Bộ Nội vụ phải làm gương", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thủ tục thi tuyển công chức, viên chức theo quy định người dự tuyển phải nộp rất nhiều thứ giấy tờ khác nhau từ giấy khai sinh, lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe, lý lịch bản thân, các loại bằng cấp... Thế nhưng chưa chắc đã có người đọc rà soát các loại giấy tờ này.
Để tiết kiệm tiền bạc cho Nhà nước, nhân dân, giảm thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu thay đổi quy trình làm thủ tục liên quan đến hồ sơ, giấy tờ để thi tuyển công chức theo hướng hậu kiểm. Điều đó có nghĩa là chỉ những người trúng tuyển mới yêu cầu nộp đủ giấy tờ liên quan.
Quang Phong
Theo Dantri
Chính phủ chỉ đạo không để gián đoạn công việc 6 ngày nghỉ lễ tới Phân lịch trực cho kỳ nghỉ lễ dài ngày sắp tới; thực hiện tốt công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia; tạm thời chưa áp dụng xử phạt ô tô chở hàng hoá quá tải trọng trục... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp tháng 3/2015 vừa được Chính phủ ban hành. Bên cạnh các nội dung...