Hối lộ 3.000 USD để vào một trường tiểu học
Ở Việt Nam, tham nhũng tuyển sinh phổ biến ngay từ cấp học ban đầu, với chi phí hối lộ 3.000 USD để được vào một trường tiểu học danh tiếng và khoảng 300 – 800 USD cho một suất vào trường “thường thường bậc trung”.
Đây là thông tin vừa được đưa ra trong khảo sát về “tham nhũng trong giáo dục phổ thông”của nhóm cán bộ tổ chức Hướng Tới Minh Bạch tại Việt Nam.
“Tiền thôi chưa đủ”
Theo kết quả của nhóm khảo sát, ở Việt Nam, tham nhũng tuyển sinh phổ biến ngay từ cấp học ban đầu, với chi phí hối lộ 3.000 USD để được vào một trường tiểu học danh tiếng và khoảng 300 – 800 USD cho một suất vào trường “thường thường bậc trung”.
Nhóm khảo sát cho rằng: “Tiền thôi chưa đủ”. Việc khoảng 30% phụ huynh tìm cách cho con vào học ở trường “điểm” trên các địa bàn trái tuyến đã dẫn tới sự hình thành một hệ thống ngầm có liên quan tới những người môi giới thứ ba xúc tiến cho quá trình này. Mặc dù các nghiên cứu cho đến nay tập trung chủ yếu vào khu vực thành thị như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, ở nông thôn tham nhũng có vẻ ít phổ biến hơn.
Phân tích nguyên nhân của việc “chạy” trường, cán bộ khảo sát cho biết: “Nhiều người chấp nhận”. Cụ thể, 67% phụ huynh học sinh coi việc gia đình phải tốn thêm chi phí để con cái được nhận vào trường tốt là bình thường, kể cả các trường mà con em họ thuộc diện đúng tuyến theo quy định tuyển sinh. Một phụ huynh cho rằng, mức chi phí 1.000 USD để được nhận vào một trường tiểu học hàng đầu là “hợp lý” và “chấp nhận được”, bởi “mong muốn con cái được giáo dục tốt là bình thường” và “gia đình nào cũng mong con em mình được học tập tại một trường danh tiếng”. Kết quả là các bậc phụ huynh sẵn sàng và tự nguyện đưa hối lộ để đổi lấy việc con cái họ được nhận vào một trường “điểm”.
Nhóm khảo sát về tham nhũng tại Việt Nam của tổ chức Hướng tới Minh Bạch nhận định: “Những thập kỷ qua, hệ thống giáo dục chủ yếu là công lập của Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về tỉ lệ biết chữ cơ bản và tỉ lệ trẻ em đến trường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục chất lượng cao cùng với nhận thức về hạn chế trong chuẩn giữa các trường công đã làm bùng bổ cuộc cạnh tranh, chạy đua vào các trường “điểm”. Một hậu quả là tham nhũng trong việc tuyển sinh vào các trường này đặc biệt là ở cấp tiểu học và THCS đã trở nên phổ biến ở Việt Nam, đe dọa khả năng tiếp cận giáo dục công của người dân”.
Nhóm khảo sát đã dẫn giải một cuộc khảo sát trực tuyến gần 20.000 người do báo điện tử Dân trí thực hiện vào tháng 6/2011, có 62% phụ huynh học sinh thừa nhận họ đã sử dụng các mối quan hệ cá nhân hoặc tiền để “chạy” trường, lớp cho con.
Video đang HOT
“Phí” chạy trường ở Việt Nam năm 2011. Nguồn: Cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, WDI và GDF, “GDP đầu người, USD”, 2011.
Khôi phục lòng tin của các bậc phụ huynh
Nhóm khảo sát cũng cho biết, việc nhiều người coi trọng vấn đề học ở trường “điểm” cũng được thể hiện quả kết quả Khảo sát Liêm chính trong Thanh niên của tổ chức Hướng tới Minh Bạch, khảo sát trên 1.500 thanh niên và người lớn tuổi ở 11 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Khi được hỏi ý kién với bốn lựa chọn, thanh niên và người lớn tuổi đều sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng để được nhận vào một trường (hay công ty) tốt – con số này nhiều hơn gấp đôi số người trả lời sẵn sàng thỏa hiệp tính liêm chính của mình để vượt qua một kỳ thi hay xin được một giấy phép. Mức độ “sẵn sàng” tham gia vào các hành vi tham nhũng trong quá trình tuyển sinh vào các trường của thanh niên và người lớn tuổi gắn với thực tế là việc vào được một trường tốt được coi là “quan trọng hơn tài chính” và có “ảnh hưởng lớn” tới tương lai của họ.
Nhóm khảo sát cho rằng, tham nhũng trong việc tuyển sinh vào các trường phổ thông cũng là một hiện tượng “tự thân” bởi hối lộ làm mất đi lòng tin vào hệ thống giáo dục và tăng áp lực cho mọi người cùng tham gia vào hành vi tham nhũng, từ đó khiến cho vấn đề ngày càng phát triển theo hướng trầm trọng hơn.Thực tế này còn góp phần làm gia tăng thái độ sống không lành mạnh.
Kết quả khảo sát Liêm chính trong thanh niên năm 2011 cho thấy mặc dù 92 – 94% thanh niên nhận thức rằng hành động liêm chính bao gồm “không bao giờ nhận hay đưa hối lộ”, có tới 38% vẫn sẵn sàng tham gia vào hành vi tham nhũng để được nhận vào một trường tốt hay một công ty tốt. Điều này cho thấy bản chất đang lan rộng của những hành vi như “chạy” trường khiến cho tham nhũng đang “trở thành chuẩn mực xã hội hơn là những ngoại lệ”.
Khắc phục tình trạng trên, theo nhóm khảo sát cần có thêm nhiều bài viết trên truyền thông chỉ rõ “chạy” trường là một hình thức tham nhũng. Bên cạnh đó, với vai trò vừa là nạn nhân vừa là chủ thể chính, phụ huynh học sinh cần đồng lòng chấm dứt nạn “chạy” trường.
Bởi nghiên cứu cho thấy 80% các bà mẹ đóng vai trò quyết định trong việc chọn trường học cho con. Điều quan trọng hơn cả là sự cần thiết phải khôi phục lại lòng tin của các bậc phụ huynh đối với hệ thống giáo dục nhằm giảm sự tự nguyện của họ khi tham gia vào các hành vi tham nhũng. Điều này sẽ không thể đạt được nếu không xử lý cá hình thức tham nhũng khác trong ngành giáo dục, ví dụ như thu trái phép các loại phí và tổ chức dạy thêm.
80% bà mẹ đóng vai trò quyết định trong việc chọn trường học cho con.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT chỉ có tác dụng khiêm tốn và ngắn hạn. Biện pháp quan trọng là tiếp tục cải cách lương giáo viên. Xóa bỏ việc chấp nhận hối lộ và sẵn sàng “chạy” trường là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự ủng hộ rộng rãi của công chúng đối với các hành động chống tham nhũng trong tuyển sinh vào các trường.
Khảo sát “tham nhũng trong giáo dục phổ thông” là một trong bốn chủ đề của “Báo cáo tham nhũng toàn cầu: Giáo dục” do tổ chức Minh Bạch quốc tế thực hiện. Báo cáo có 442 trang với 5 phần, với các phân tích và khuyến nghị của 70 chuyên gia từ hơn 50 quốc gia trên thế giới. Báo cáo toàn cầu này được công bố ngày 1/10/2013. Thông điệp được phát đi trong báo cáo “Giáo dục thế hệ trẻ sẽ không thể thành công khi tham nhũng làm hư hỏng các trường phổ thông và đại học”.
Theo Dantri
Tìm được "tin tặc" khiến gần 200 HS Hà Nội nghỉ học
Thông tin từ phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã tìm ra được đối tượng nhắn tin khiến hàng trăm học sinh nghỉ học ở Trường Tiểu học Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
ảnh minh họa
Danh tính đối tượng chưa được tiết lộ nhưng Thượng tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (CA TP Hà Nội) cho biết, đối tượng đã khai nhận hành vi nhắn tin của mình.
Để phòng chống những đối tượng "tin tặc", ngày 12/9, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn thông báo về việc tăng cường bảo mật hệ thống quản lý thông tin giáo dục nhằm tránh bị "tin tặc" tấn công như ở Trường tiểu học Hạ Đình.
Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường thiết lập tài khoản, tạo mật khẩu đảm bảo an toàn và bảo mật cao nhất đối với hệ thống công nghệ thông tin (email, quản lý sáng kiến kinh nghiệm, quản lý trường học trực tuyến, sổ liên lạc điện tử...) của đơn vị mình. Cần thay đổi mật khẩu định kỳ hoặc khi có thay đổi về nhân sự quản trị hệ thống hoặc các trường hợp đặc biệt. Tránh thiết lập một tài khoản cho tất cả mọi người sử dụng.
Ngoài ra, Sở Giáo dục Hà Nội cũng yêu cầu các trường nâng cao nhận thức về bảo mật thông tin cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường thông qua các cuộc họp hội đồng nhà trường. Phân công và giao trách nhiệm rõ ràng, bằng văn bản đối với các cá nhân được quyền khai thác và quản trị hệ thống thông tin nhà trường.
Trước đó, chiều 5/9, hàng trăm phụ huynh của Trường Tiểu học Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) rất bất ngờ khi nhận được tin nhắn từ hệ thống liên lạc điện tử của trường với nội dung: "Trường Hạ Đình thông báo: Ngày mai 6/9 học sinh toàn trường được nghỉ học do nhà trường bận công việc đột xuất. Thứ hai, 9/9 học sinh đi học bình thường".
Mặc dù ban giám hiệu Trường Tiểu học Hạ Đình đã phát hiện ra sự việc và gửi tin nhắn đính chính tới các phụ huynh, tuy nhiên, trong buổi học ngày 6/9 vẫn có tới 182 học sinh nghỉ.
Hồng Hạnh
Theo Dantri
Hãi hùng những vụ đánh ghen của nữ sinh Do ghen, học sinh nữ lớp 9 đánh và ép học sinh nữ lớp 7 uống thuốc ngủ trong nhà vệ sinh; vì tình, 2 học sinh nữ ghen tuông dùng kẹp tóc đâm nhau; hành hạ bạn gái vì xinh hơn mình... Đây là một trong những thông tin mà các giáo viên kể lại tại hội thảo "Xây dựng dự án...