“Hơi khó” tìm quy định pháp luật tốt trong kinh doanh ?
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tìm kiếm 10 quy định pháp luật tốt trong kinh doanh “hơi khó”.
Phát biểu tại Hội thảo khởi động việc bình chọn 10 quy định pháp luật tốt nhất và 10 qui định tồi nhất do VCCI tổ chức tại Hà Nội ngày 22/12, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận định, tìm kiếm 10 cái xấu thì quá dễ, trong khi tìm kiếm 10 cái tốt thì hơi khó.
Bình luận về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, TS. Cung nhấn mạnh, văn bản quy phạm pháp luật trong kinh doanh của Việt Nam vẫn còn thiếu mục tiêu.
TS. Cung cho biết, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của nước ta về cơ bản vẫn “tồi” mặc dù những văn bản quy phạm pháp luật này đã được xây dựng dựa trên cách tiếp cận với các tiêu chuẩn của thế giới do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đặt ra.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Theo ông Cung, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam rất ít văn bản có xác định mục tiêu chỉ có mục tiêu chung là quản lý, từ cơ quan nhà nước áp xuống mà chưa vì sự phát triển. Văn bản pháp luật phải có cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học rõ ràng, trong khi văn bản Việt Nam phần lớn thiếu hai cơ sở này.
Viện trưởng CIEM cho hay, hiện nhiều quy định góp phần cản trở việc kinh doanh. Dẫn chứng về điều này, ông Cung cho biết, khi đặt ra các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo phải có nhà máy xay, kho bãi 10.000 tấn là không có cơ sở khoa học thực tiễn và làm méo mó cạnh tranh, bảo vệ lợi ích của một nhóm người.
Ông Cung cho rằng khâu tổ chức thực hiện các quy định cũng không tốt. Quy định pháp luật hiện nay đang theo hình phễu. Luật mở nhưng các nghị định, thông tư đều bóp lại dẫn đến việc các nghị định, thông tư được tuân thủ nhiều hơn.
Ngoài ra, theo vị tiến sĩ này, văn bản quy phạm phải rõ ràng, đơn giản đối với người sử dụng và phải tương thích với sự cạnh trạnh, thuận lợi thương mại. Trong 30 năm thay đổi vừa qua, nguyên nhân khiến văn bản kém hiệu quả là do cải cách chuyển sang kinh tế thị trường, tư duy quản lý điều hành vẫn chi phối trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, TS. Cung cho hay.
Video đang HOT
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng ông luôn trăn trở cần phải “sục” vào các Bộ tìm hàng loạt các “bẫy” quy định, từ đây bật ra hàng loạt thủ tục, cơ chế trói buộc doanh nghiệp…
Hội thảo khởi động cuộc bình chọn các quy định tốt nhất và tồi nhất
Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, cuộc bình chọn có thể coi như giải Oscar và Mâm xôi vàng cho các quy định pháp luật. Hoạt động này có tác dụng thiệt thực góp phần cổ vũ những văn bản pháp luật tốt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời cảnh báo những quy định bất lợi, không phù hợp đang gây cản hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn dẫn chứng khá nhiều ví dụ về các qui định “tồi” như quy định “tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất đối với mỗi dạng thành phần của thuốc bảo vệ thực vật” (Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT) làm ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông tư số 47/2011/TT-BTNMT của Bộ TN-MT qui định tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi phải đáp ứng tiêu chí chất thải loại A (mức tương đương nước uống bình thường). Qui định này còn cao hơn cả tiêu chuẩn của Nhật, Thái Lan và doanh nghiệp phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để có được hệ thống xử lý nước thải này, khiến họ không thể thực hiện được, ông Tuấn dẫn chứng.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết thêm, qui định giảm giá trong các chương trình khuyến mại tối đa chỉ đến 50% đang ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của DN, nhằm bán hết hàng DN có thể giảm giá nhiều hơn và không nên hạn chế…
10 tiêu chí để lựa chọn ra các qui định pháp luật tốt hoặc tồi là: tính cần thiết của qui định, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ, quyền tự do kinh doanh, môi trường cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu và thời điểm ban hành/có hiệu lực.
Ban Tổ chức sẽ gửi thư mời đến 384 Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam (cấp trung ương và cấp tỉnh) và 29 Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài trên cả nước tham gia bình chọn.
Dự kiến, tháng 4/2016 sẽ công bố “10 quy định tốt nhất và 10 quy định tồi nhất”./.
PV Tông hơp
Theo_VOV
Cơ hội "trời cho" để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình
Theo ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CEIM), Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC đang là cơ hội "trời cho" để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tận dụng được cơ hội này thì 5-7 năm nữa, Việt Nam sẽ không thể thoát được cái bẫy này.
AEC mở ra nhiều thị trường cho doanh nghiệp
Tại Diễn đàn "Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015" vừa được tổ chức ngày 13/12, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chỉ còn 2 tuần nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC sẽ chính thức hình thành (1/1/2016). Đây chỉ là thời điểm tuyên bố hình thành AEC, để xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN.
Theo ông Lộc, cơ hội khi AEC hình thành là mở ra nhiều thị trường cho doanh nghiệp, tạo khí thế và động lực mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, AEC cũng mang lại nhiều thách thức như doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh hàng hóa vô cùng lớn, khi trình độ phát triển thấp hơn và sự phát triển lại tương đồng, dịch vụ thấp hơn, sự lưu chuyển lao động và thách thức trong quản lý dòng vốn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cũng cho rằng, với một tiến trình hội nhập rất nhanh hiện nay thì khả năng nắm bắt của doanh nghiệp là một điều còn trăn trở.
Theo ông Hải, Chính phủ có vai trò mở đường, khai phá để doanh nghiệp khai thác thông qua việc ký được các FTA, TPP.... Tuy nhiên, dù con đường đã có nhưng doanh nghiệp vẫn chưa bước đi được bởi doanh nghiệp còn quá yếu. Do đó, Chính phủ cần dẫn dắt và "cầm tay chỉ việc" thì doanh nghiệp mới đi được.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết thêm, hiện Chính phủ đã cắt giảm nhiều thuế quan cũng như các thủ tục hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin như cơ chế một cửa quốc gia và sự phân quyền tự chứng nhận xuất xứ. Đây là sự cải cách rất lớn tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.
"Với quá trình gia nhập AEC, Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và mong nhận được sự tương tác từ phía doanh nghiệp", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương khẳng định.
ASEAN không chỉ là kinh doanh mà còn là hợp tác
Cũng liên quan đến những FTA, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI cho biết, năm 2015 là một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi một loạt các Hiệp định thương mại kết thúc đàm phám, ký kết, được Quốc Hội thông qua, trong đó có việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sắp chính thức ra đời.
Theo thông tin của VCCI, với không gian thị trường 600 triệu dân, GDP dự kiến sẽ đạt 4,7 nghìn tỉ USD vào năm 2020 và có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030, AEC chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam còn là điểm kết nối giữa AEC với các nước EU các nước tham gia TPP (thông qua hiệp định thương mại tự do), điều mà rất ít nước trong khối ASEAN có được.
Để tận dụng được những cơ hội này, bà Hằng cho rằng, từng cơ sở sản xuất phải có giải pháp chủ động đổi mới về quản trị, xây dựng một tầm nhìn kinh doanh chiến lược là điều không cần phải tranh cãi.
"Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh là liên kết theo chuỗi giá trị và liên kết trong các hiệp hội doanh nghiệp. Cùng với đó, cần đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam và tham gia vào các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong khu vực. Đây chắc chắn sẽ là những việc cần phải được ưu tiên thực hiện, nếu chúng ta muốn cạnh trang ngang ngửa với các doanh nghiệp ASEAN và tạo sức mạnh tổng hợp trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN đã bắt đầu chính thức có hình hài" - bà Hằng nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CEIM), ASEAN là một hình mẫu liên kết của các nước đang phát triển.
Theo phân tích của ông Thành, nếu TPP cơ bản là luật chơi thị trường đàng hoàng, minh bạch, thì ASEAN lại hướng tới tự do hóa, và nhấn mạnh tới hợp tác - đó là cam kết, đoàn kết và ý chí, kết nối. Cộng đồng kinh tế này giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thiết thế ở khu vực, nếu mất vai trò trung tâm này, thì không còn vai trò của ASEAN.
Ông Thành cũng cho biết, ASEAN là sân chơi thú vị bởi nó là một phần trong mạng chuỗi giá trị toàn cầu. Tại sân chơi này, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế bởi có rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chương trình này không chỉ dạy cách làm tiền mà còn hướng dẫn chúng ta làm tiền một cách xanh hơn, bền vững hơn, trách nhiệm hơn".
"Đây là một cơ hội "trời cho" để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tận dụng được cơ hội này thì 5-7 năm nữa, Việt Nam sẽ không thể thoát được bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta phải nghiên cứu nước cờ chơi như thế nào và đã đến lúc chúng ta phải chuyển sang cách chơi, thế cờ khác với đối phương thì mới có thể thắng được trên sân chơi hội nhập", Nguyên Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Yến Nhi
Theo_VnMedia
1 con lợn chịu 51 loại thuế, phí thì doanh nghiệp nào chịu nổi! Tại hội thảo "Cơ hội đối tác để Việt Nam tham gia thành công vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 13.11, ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, sự chi phối của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã ngăn cản sự phát triển của...