Hồi kết của sự kiện Forsaken gian lận trong CSGO
Hành vi gian lận trong CSGO của game thủ này không chỉ ảnh hưởng đến anh ta, mà còn khiến đội tuyển OpTic India phải giải tán trong đau đớn.
Nikhil “ Forsaken” Kumawat, một game thủ Counter-Strike: Global Offensive chuyên nghiệp vừa trở thành đề tài nóng trong cộng đồng của tựa game eSports này nói chung, và tại Việt Nam nói riêng. Không phải vì tài năng hay đức độ, mà là vì anh ta là game thủ chuyên nghiệp dám cả gan… gian lận trong CSGO, ngay trong một trận đấu chuyên nghiệp.
Cụ thể, trong một đoạn video vừa lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội, Nikhil bị nhìn thấy đang cố tắt một phần mềm aim-assist ngay giữa trận đấu, khi đội tuyển OpTic India của Nikhil đấu với Revolution của Việt Nam vào thứ 6 tuần trước trong khuôn khổ giải Extremesland Asia. Đây là một giải đấu LAN với giá trị giải thưởng lên đến 100.000 USD, và có sự tham dự của 16 đội tuyển từ khắp thế giới.
Theo một số nguồn tin, các trọng tài của giải nhận thấy điều gì đó lạ lùng đang diễn ra, và tạm dừng trận đấu trong 20 phút đến khi họ xác nhận tìm thấy một phần mềm gian lận trong máy tính của Nikhil.
Forsaken cố gắng xóa gian lận khi bị trọng tài phát hiện.
Khi bị phát hiện, Nikhil chống chế rằng nó đã bị xóa bởi phần mềm diệt virus trên máy của mình. Tuy nhiên sau khi điều tra kỹ hơn, ESIC – một bên thứ ba chuyên thụ lý và giải quyết những vấn đề về gian lận và chất kích thích trong eSports – đã xác nhận rằng đây không phải là lần đầu tiên game thủ này gian lận, còn các thành viên khác trong đội không sử dụng phần mềm gian lận nào.
Phần mềm gian lận ngụy trang thành file Word.
Ngoài trận đấu với Revolution, Nikhil còn sử dụng phần mềm hỗ trợ trên tại giải đấu ESL India Premiership hồi đầu tháng để giành chiến thắng và giải thưởng khoảng 6.750 USD. Chưa hết, dù là một game thủ chuyên nghiệp, anh ta còn từng bị VAC Ban hồi năm 2017 cũng vì gian lận trong CSGO.
Forsaken cùng đội tuyển OpTic India giành chức vô địch giải đấu ESL India Premiership.
Với những khám phá này, Nikhil bị ESIC cấm thi đấu 5 năm. Thực ra, game thủ này có thể bị cấm thi đấu trọn đời với những vi phạm trên, nhưng ESIC nói rằng họ không muốn đưa ra hình phạt tối đa vì “chúng tôi thấy rằng lần vi phạm đầu vào năm 2017 không liên hệ trực tiếp đến lần này, và cấm thi đấu trọn đời là không phù hợp.” Hành vi gian lận trong CSGO của Nikhil không chỉ khiến anh ta lãnh án phạt cấm thi đấu, mà còn ảnh hưởng xấu đến đội tuyển OpTic India. Dù các thành viên còn lại trong đội nói rằng họ không biết gì về việc Nikhil gian lận, cả đội cũng bị loại khỏi giải đấu Extremesland Asia và sau đó bị giải tán.
Sau khi việc gian lận trong CSGO bị phát hiện, Nikhil nói phần mềm gian lận của mình không có gì to tát, bởi nó chỉ “đem lại một chút xíu lợi thế khi nhắm bắn” và “ không quá rõ rệt đến mức khiến người ta chú ý”. Nikhil còn bày tỏ rằng mình ân hận vì… lỡ chơi CSGO. “Nếu tôi có thể trở lại quá khứ, tôi có lẽ sẽ xóa cái ngày đầu tiên mình chơi Counter Strike. Chưa từng có thứ gì tốt đẹp xảy ra với tôi kể từ khi tôi bắt đầu chơi game.”
Forsaken ký tên vào biên bản và rời giải đấu.
Gác sang một bên việc Nikhil nói gì về việc gian lận trong CSGO của mình, bản thân sự xuất hiện của phần mềm gian lận trên một máy tính được dùng để thi đấu trong một giải đấu lớn như thế này là khá bất ngờ. Lý do Nikhil có thể gian lận là vì các game thủ CSGO thường có một file .cfg chứa các thiết lập riêng của mình, chẳng hạn góc nhìn (FOV), hình dạng, kích thước tâm ngắm (crosshair), và những thiết lập này thường nằm trong một ổ cứng mà họ mang theo người. Điều này giúp họ tiết kiệm thời gian kiểm tra và cài đặt lại từng thiết lập sao cho thuận tay, nhưng cũng mở đường cho việc gian lận. Thật vậy, các trọng tài đã tìm ra phần mềm gian lận trong ổ cứng SSD mà Nikhil mang theo.
Thế giới eSports đầy vinh quang nhưng ở mặt tối của nó cũng không ít những cú phốt nặng như nhắc nhở rằng eSports cũng không hẳn là “nhất mực tinh khôi”.
Việc ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai có lẽ là bất khả thi, bởi ngay cả những chip nhớ on-board trên các gear (bàn phím, chuột, tai nghe…) cũng có thể bị lợi dụng. Game thủ đã quá quen với bàn phím/chuột của riêng mình, một số thậm chí còn dùng những model không còn được sản xuất, và ngay cả khi có cùng model, cảm giác ấn giữa một thiết bị cũ và mới cũng rất khác biệt, ảnh hưởng đến phong độ của họ. Ngoài ra, nhà tổ chức còn phải cấm game thủ đem theo file .cfg, không được cài driver cho các thiết bị của mình, không được truy cập internet trên những máy thi đấu, không được dùng tài khoản Steam riêng… Vì vậy, ngay cả những giải đấu LAN hàng đầu cũng không thể chống cheat 100% và phải phụ thuộc vào sự tự giác của game thủ.
Đội tuyển Revolution của Việt Nam.
Giải thích cho việc sử dụng phần mềm gian lận, Nikhil nói rằng dù tự tin về hiểu biết và chiến thuật, anh ta không tự tin về khả năng ngắm bắn và vì thế tìm cách bù đắp. Trong khi người khác bù đắp bằng cách thêm giờ luyện tập, game thủ này chọn phần mềm gian lận. Bù lại, Nikhil không đổ lỗi cho áp lực phải chiến thắng, mà thừa nhận rằng việc gian lận trong CSGO là lỗi của chính mình.
“Tôi đã mất mọi thứ khi đặt Counter-Strike lên trên tất cả, và hôm nay tôi mất cả Counter-Strike,” Nikhil nói. “Thứ duy nhất tôi chưa từng mất là gia đình cùng bạn gái, và tôi hi vọng không bao giờ gian lận với họ.”
“Hi vọng?” Gian lận không phải là điều xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên hay ập đến bất thình lình. Nếu một bài học đắt giá như việc cả sự nghiệp eSports sụp đổ ngay trước mặt mình không đủ để dạy cho Nikhil cách để không gian lận, sẽ chẳng có thứ gì giúp game thủ này không gian lận trong tương lai.
Một meme mà game thủ thế giới tạo ra sau khi Forsaken bị phát hiện dùng gian lận.
Theo motgame
Giàu sụ khi sở hữu Steam, thế nhưng đây là những bí mật mà Valve luôn muốn giấu kín
Chắc chắn đây là những điều mà Valve chẳng bao giờ muốn tiết lộ đâu
Valve đã từng có một thời gian là đơn vị phát triển các trò chơi. Nhưng với sự ra đời của Steam, nó nhanh chóng lột xác trở thành chủ sở hữu của thị trường game PC trực tuyến cực kỳ màu mỡ. Giàu có là vậy, thế nhưng Gabe và tổ chức này cũng có khá nhiều bí mật mà chắc chắn rằng họ muốn càng ít người biết càng tốt đấy.
Lùm xùm quanh việc nói không với các trang web cá độ CS:GO
Counter Strike có thể coi là một trong những tựa game thành công nhất mà Valve từng sản xuất. Ít lâu sau đó, họ tung ra CS:GO - một bom tấn về dòng game bắn súng ở thời điểm bấy giờ.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói, nếu như việc ra đời các bộ skin của CS:GO dẫn tới sự xuất hiện của các trang web cá độ thứ ba. Và thời gian đó, Valve cũng hỗ trợ hết lòng những đối tượng này khi cho phép người chơi đăng nhập vào các trang web cá cược online thông qua hệ thống OpenID API của Steam.
Valve có phần hơi xấu chơi trong trường hợp này
Để rồi ba năm sau, sau khi đã kiếm được hàng triệu đô la từ phí giao dịch, tăng doanh số bán skin, Valve bất ngờ tuyên bố không liên quan cũng như nhận được bất kỳ một khoản tiền nào từ những trang web cá cược. Song hành cùng đó là thu hồi lại việc hỗ trợ đăng nhập qua API đối với người chơi. Để rồi nhiều trang web cá độ đồng loạt đóng cửa.
Hãy cứ tưởng tượng bạn tạo ra cơ hội cho các sòng bạc xuất hiện, kiếm bẫm từ chúng rồi sau đó tuyên bố không liên quan và tìm cách để gián tiếp đóng cửa các sòng bạc trên. Đó là cách mà Valve đã làm đấy. Không hay lắm nhỉ.
Môi trường làm việc tại Valve là cơn "ác mộng" với nhiều người
Làm việc tại một tổ chức như Valve có thể là ước mơ đối với nhiều người. Nhưng phải trong chăn mới biết chăn có rận. Đôi khi đời không đẹp như mơ đâu. Và không phải ngẫu nhiên mà Valve phải nhận khá nhiều những bình luận tiêu cực từ các cựu nhân viên.
Làm nhân viên của Gabe chưa hẳn sẽ mang tới những điều tốt đẹp
Rich Geldreich, người đã rời bỏ Valve từ 7/2018, đồng thời mang theo khá nhiều bí mật cũng tỏ ra khá bất bình với tổ chức này. Đầu tiên, ông tiết lộ rằng sổ tay và thông tin của các nhân viên đã bị Valve cố ý rò rỉ như một động thái dùng để PR cho tổ chức. Sau đó, các khoản tiền thưởng hứa hẹn chỉ tồn tại trên danh nghĩa, và đôi khi dù hiệu suất công việc của bạn có tốt, nhưng không được ủy ban của Valve thông qua thì cũng là vô nghĩa.
Jeri Ellsworth - một cựu nhân viên khác thì mô tả môi trường làm việc tại Valve như một trường trung học. Nhiều người có tài năng tìm tới tuyển dụng, nhưng lại bị từ chối bởi các lão làng thâm niên trong tổ chức. Nhìn chung, cơ chế cũ kỹ và có phần bảo thủ, tiêu cực. Chắc chắn rằng thông tin như thế này thì Valve chẳng bao giờ muốn nhiều người biết tới rồi.
Steam là một cơ chế độc quyền, và nó không tốt cho tương lai của làng game
Gần như bất kỳ game thủ nào cũng phải cài đặt Steam - đấy là điều gần như bắt buộc ở thời điểm hiện tại. Ban đầu nó là một lựa chọn để cập nhật Counter Strike, nhưng kể từ năm 2004, Valve đã bắt buộc người dùng phải cài đặt nó nếu như muốn tiếp tục chơi Half Life 2. Và theo Tim Colwill - một nhà phân tích nổi tiếng của Polygon - điều này chẳng tốt cho bất kỳ ai, trừ Valve.
Sự độc quyền khiến cho các game thủ cực kỳ lệ thuộc vào Steam
Nếu Steam hoạt động tốt thì không nói làm gì, nhưng xem ra, nền tảng này vẫn còn rất nhiều vấn đề, đặc biệt là trong cơ chế hoàn tiền dành cho game thủ. Đúng là cứ động tới những vấn đề nhạy cảm như tiền nong thì Valve như có một gương mặt khác vậy.
Valve không kiểm soát nổi, hay đang thả lỏng cho các nội dung 18
Ban đầu, Valve gần như cấm tiệt các nội dung 18 trong suốt một khoảng thời gian dài. Tháng 5/2018, họ thậm chí còn đưa ra những yêu cầu buộc các nhà phát triển game phải lựa chọn, hoặc kiểm duyệt kỹ lưỡng, hoặc xóa các game có yếu tố "người lớn" ra khỏi Steam. Nhưng nhiều tựa game thậm chí bị xóa mà nhà phát triển còn không hiểu tại sao, khi chúng hoàn toàn được coi là "sạch sẽ".
Xem ra Valve không biết nên cấm hay thả lỏng cho các tựa game người lớn nữa
Và những phản ứng là điều không thể tránh khỏi. Valve sau đó thả lỏng hơn. 9/2018, Valve ra mắt bộ luật mới về các tựa game nhạy cảm. Cùng thời điểm, Negligee: Love Stories, tựa game 18 đầu tiên được ra mắt trên Steam. Thế mới thấy, quan điểm và cách hành xử của Valve là bất nhất như thế nào. Chẳng ai hiểu họ muốn gì nữa.
Theo gamek
Muôn vàn lý do khiến Counter Strike mãi không chịu ra mắt phần tiếp theo Lâu đời là thế nhưng rõ ràng rằng Valve đến nay vẫn chưa hề có bất cứ ý định nào về việc sẽ cho ra mắt phiên bản tiếp theo của Counter Strike, mặc cho các fan mỏi cổ khản họng mong hóng. Vèo cái đã 20 năm trôi qua, thế nhưng "lão đại" Counter Strike vẫn cứ là một cái tên bất...