Hối hận vì sinh con theo ý muốn của người khác
Giờ nhìn hai đứa con nheo nhóc, tôi mới ân hận vì đã không kiên định sống theo ý mình, để bản thân và các con phải sống khổ sở
Tôi lấy chồng khi bản thân còn chưa có công việc ổn định. Nhà chồng tôi cũng chẳng giàu có gì. Chồng tôi là công nhân ở khu công nghiệp, thu nhập mỗi tháng được 4 triệu đồng.
Vì chồng tôi là con một nên mới lấy nhau về, nhà chồng đã muốn tôi phải sinh liền, mà phải là con trai mới được. Tôi thì muốn hai vợ chồng còn trẻ, kinh tế chưa vững chắc nên chờ một vài năm hãy sinh con cho đỡ khổ. Nhưng là dâu mới còn ngại ngùng trong khi bố mẹ chồng thúc giục, chồng cũng muốn sinh nên tôi cũng thuận theo.
Không chịu được sức ép của gia đình chồng, tôi đã sinh liền hai đứa con khi kinh tế còn khó khăn.
Tôi sinh con đầu lòng là cháu gái, cả nhà chồng đều tỏ ra không vừa lòng. Chồng tôi thấy bố mẹ, họ hàng nói ra nói vào nên khi con gái mới được gần 1 tuổi cũng năn nỉ ỉ ôi tôi sinh thêm một đứa nữa dù chúng tôi không đủ kinh tế để nuôi con cho tốt.
Mẹ tôi cũng khuyên tôi nên sinh đứa nữa: “Nhà họ độc đinh, lấy vợ là để có cháu trai nối dõi tông đường. Con cứ sinh con trai thì từ đây yên tâm, không sợ lời ra tiếng vào”.
May mắn đứa thứ 2 tôi sinh được con trai, cả nhà chồng đều rất vui mừng. Tuy nhiên, đó chỉ là về mặt tinh thần còn vật chất, họ chẳng giúp gì được cho tôi. Bố mẹ chồng tôi là nông dân, chẳng có lương hưu, vợ chồng tôi phải cáng đáng tất chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Cả nhà 6 người trông chờ tất cả vào đồng lương ít ỏi của chồng tôi nên lúc nào cũng thiếu hụt. Nhất là hai con tôi còn nhỏ, một đứa đau ốm là đứa kia cũng ốm theo, tiền khám bệnh mua thuốc… khiến tôi lúc nào cũng trong tình trạng túng quẫn giật gấu vá vai, vay mượn hết mọi người thân quen.
Những lúc gặp bạn bè cũ, tôi vô cùng xấu hổ và tự ti khi thấy chúng nó vẫn chưa lấy chồng. Thấy tôi khó khăn còn giúp đỡ tặng con tôi quần áo, sữa, bỉm hay cho vay tiền.
Con bạn thân của tôi cũng mới lấy chồng nhưng nó nói chưa muốn sinh con ngay: “Đẻ làm gì sớm. Hai vợ chồng tao mới vừa đi làm, công việc còn không có chắc chân, bản thân cũng chưa có tích tụ gì. Sinh con thì lấy gì nuôi con”.
Video đang HOT
Trẻ em cần được nâng niu… Ảnh minh họa.
Tôi nghe mà xót xa vô cùng. Giá mà tôi cũng quyết tâm như nó, không vội sinh con mà phấn đấu làm ăn ổn định thì đâu đến nỗi con mình bị thiếu thốn thiệt thòi như bây giờ.
Nhìn hình ảnh trong gương tàn tạ, già nua chẳng hợp với số tuổi mới hơn 20 của mình, tôi ân hận khi để người khác quyết định việc sinh con của hai vợ chồng.
Tôi muốn gửi con đi nhà trẻ để đi làm nhưng đọc những bài viết trên báo về những cô trông trẻ bạo hành học sinh mà rùng mình. Nếu nhà trẻ tốt hơn phải trả nhiều tiền thì tôi không lo được.
Nhiều lúc buồn phiền, tôi lại ngồi ngẫm về cảnh đời giống mình. Tôi thấy có cặp vợ chồng nghèo khó, sinh mười mấy đứa con. Để chúng phải sống vật vờ đói khổ, có mấy đứa đã chết vì ốm đau suy dinh dưỡng. Làng xóm, chính quyền nhìn không nổi phải xúm vào trợ cấp giúp đỡ. Vậy mà mỗi khi nhân viên y tế đến động viên hai vợ chồng đi triệt sản, họ lại trốn đi…
Người nghèo nên sinh càng ít càng tốt, đẻ nhiều là có tội với con cái và xã hội.
Mới đây lại có cô gái tỉnh lẻ lên Hà Nội làm thuê, trót có bầu với bạn trai nhưng anh ta không nhận. Cô vẫn quyết giữ cái thai và sinh con dù có lúc phải sống vạ vật ở gầm cầu. Tuy nhiên, đứa bé sinh ra mới vài tháng đã phải cùng mẹ ra bán quần áo buổi tối ở vỉa hè. Mệt thì ngủ ngay tại đó trông rất tội.
Có lúc con ốm đau, không đi bán hàng được, bà mẹ trẻ phải lên diễn đàn xin bỉm sữa cho con.
Lớn lên ở vỉa hè xô bồ như vậy, mẹ lại bận bươn chải kiếm sống, không có bố, ai dám chắc rằng đứa trẻ sẽ không dễ học cái xấu, dễ trở thành kẻ bất hảo, thành gánh nặng cho xã hội?
Nhiều người nói sau khi sinh con ra, mặc dù cuộc sống vẫn vất vả, nhưng về nhà nhìn thấy nụ cười của con thì họ quên hết mệt nhọc. Còn tôi, nhìn con ngây thơ đáng yêu, tôi chỉ thấy có tội khi không mang lại cho con cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ hơn.
Người ta nói “con không chê cha mẹ khó” nhưng cũng có câu “đầu thai thành công”. Có lẽ những bậc cha mẹ như tôi đều nên suy nghĩ đến điều này trước khi sinh con, bởi vì có lẽ chẳng có đứa trẻ nào muốn mình trở thành người “đầu thai không thành công” cả.
Về phần mình, tôi quyết định để lại con cho chồng và ông bà nội trông để đi xuất khẩu lao động mấy năm. Tuy biết con còn nhỏ, cần mẹ nhưng tôi không thể không nghĩ đến tương lai sau này của các con mình. Có một số vốn kha khá để làm ăn, tôi mới có thể lo cho con có cuộc sống tốt hơn, không để chúng chịu khổ như ông bà, bố mẹ mình.
* Ghi lại tâm sự của chị M.L – Nghệ An
Minh Khôi
Theo doisongphapluat.com
Đắn đo mãi mới dám bỏ tiền mua chiếc váy 300k đi đám cưới liền bị chồng mắng tiêu hoang, vợ 'sôi máu' nói ra sự thật
Lần đầu tiên kể từ lúc lấy nhau, Hùng mới thấy Quyên gay gắt với mình như vậy. May mắn là mẹ Hùng vừa lúc ở ngoài về, mọi chuyện mới được êm xuôi.
Bước từ tình yêu sang hôn nhân tuy chỉ cần đi qua một cánh cửa, nhưng khoảng cách của nó đôi khi chẳng khác gì từ trên trời rơi xuống mặt đất vậy. Tuy hơi phũ phàng, nhưng đây thực sự là cảm nhận của rất nhiều phụ nữ ở thời khắc chính thức trở thành một người vợ, người mẹ trong gia đình.
Là một người phụ nữ hiền lành, truyền thống, Quyên vẫn luôn tự nhủ bản thân chỉ cần nhường nhịn thì gia đình sẽ được hạnh phúc, ấm êm. Thế nhưng con người ai cũng chỉ có một giới hạn chịu đựng nhất định, "tức nước ắt phải vỡ bờ", chồng cô đã làm quá thì nhịn thêm cũng chỉ phí công.
Thời còn yêu đương, Quyên luôn lầm tưởng Hùng là mẫu đàn ông tâm lý, ga lăng. Khổ nỗi vừa mới yêu nhau được vài tháng thì Hùng nhận quyết định vào Nam công tác hơn năm, đôi bên ít có thời gian bên nhau. Đợt công tác của anh kết thúc là hai người làm đám cưới ngay nên Quyên cũng chẳng có cơ hội nhận rõ bộ mặt bảo thủ, kẹt xỉ của chồng mình.
Ảnh minh họa
Mặc dù làm bên khối kinh tế thu nhập một tháng không dưới 20 triệu nhưng mỗi tháng, Hùng chỉ đưa vợ 5 triệu để chi tiêu sinh hoạt, bao gồm ăn uống, điện nước, bỉm sữa cho con. Anh còn tuyên bố thẳng với vợ khéo lo thì đủ, thiếu tự bù. Tiền còn lại anh giữ sau này lo việc lớn hơn.
Hơi sốc với thời gian đầu chung sống nhưng dần dần, Quyên cũng phải tự làm quen với hôn nhân do bản thân chọn lựa. Cô luôn tự an ủi mình dù Hùng có gia trưởng, keo kẹt nhưng anh không nhậu nhẹt, gái gú là cũng hơn nhiều người rồi. Với lại, tiền anh giữ cũng là để lo cho tương lai, như vậy còn hơn khối người khác, đã không kiếm được tiền còn về làm khổ vợ con.
Từ một cô gái vô tư, Quyên dần trở thành người phụ nữ của gia đình đúng nghĩa. Lương cô 1 tháng 6 triệu, cộng với tiền chồng đưa là 11 triệu, trong khi phải nuôi 2 đứa con, 1 đứa tiểu học, 1 đang giai đoạn bỉm sữa, bố mẹ chồng lại già yếu nữa nên chi tiêu cô luôn phải tính toán, cân nhắc từng đồng. Tháng nào có phát sinh mà xin thêm, kiểu gì Hùng cũng cằn nhằn nói cô vung tay quá trán. Bởi lẽ đó mà từ khi sinh thêm đứa thứ 2, Quyên chưa hề mua cho mình 1 món đồ mới nào, toàn bộ tiền dồn lại lo bỉm sữa cho nó còn đâu.
Cuộc sống của Quyên cứ tiếp tục như vậy cho đến một ngày cô được bạn thân cấp 3 gọi điện mời đám cưới. Ban đầu, Quyên định không đi, nhưng nghĩ lại lúc trước bản thân cưới, cô bạn đó đã nhiệt tình xin nghỉ làm hẳn 2 hôm để về giúp cô lo việc, giờ mà không đi lại thì cũng quá mất mặt.
Thế nhưng, nói đi đám cưới đâu phải cứ ăn mặc tềnh toàng như bình thường là đi được. Trước hôm đi dư tiệc, Quyên bới tung cả tủ quần áo cũng chẳng tìm được chiếc váy nào vừa vặn nên đành lên mạng đặt mua tạm một cái. Ai ngờ, lúc shipper giao hàng tới lại đúng lúc Hùng đi làm về. Anh ngay lập tức khó chịu ra mặt quát: "Cô suốt ngày mua váy áo như thế bảo sao chưa hết tháng đã hết tiền. Hoang tàn như cô thế này thì có núi tiền cũng hết".
Bị chồng mắng oan uổng, bỗng nhiên, những ấm ức dồn nén bấy lâu nay trào lên tận cổ, cơn nóng giận át cả lý trí, Quyên quẳng ngay chiếc váy xuống giường nức nở gào lên với Hùng: "Anh bảo em ăn hoang phá hại trong khi rõ ràng anh thừa biết cả năm nay em không có lấy 1 bộ quần áo mới, không hộp phấn, thỏi son. Anh thử nhìn những người phụ nữ khác đi, họ nay váy này, mai áo khác đâu như em quần áo mặc sờn cả vải vẫn khoác trên người. Anh ra mở tủ quần áo của vợ anh xem vợ có bao nhiêu bộ. Chẳng qua vì mai em phải đi đám cưới nên mới mua chiếc váy mặc cho đỡ lôi thôi, cũng là để đỡ xấu mặt người làm chồng như anh đó".
Hùng ngây người vì ngạc nhiên với thái độ khác thường của vợ. Chưa bao giờ anh thấy vợ phản ứng gay gắt như vậy. Đúng lúc, mẹ Hùng ra ngoài vừa về đến cửa. Nghe được đầu đuôi câu chuyện, bà ngay lập tức lên tiếng bênh vực con dâu: "Vợ con nói đúng đó. Cái Quyên nó quá tằn tiện, giản dị. Con không kiếm đâu được người thứ 2 như nó đâu. Vợ ngoan hiền mày không biết đường trân trọng, mất đừng hối hận"
Nghe những lời mẹ nói, Hùng cũng giật mình suy nghĩ. Đúng là lâu lắm, vợ anh chẳng có gì khác lạ. Phải chăng mình quá ích kỷ, nhỏ nhen? Quyên vì anh mà chịu không ít thiệt thòi suốt thời gian qua, vậy mà anh còn đổ oan cho cô ấy.
Đêm ấy, nằm bên vợ, Hùng mon men tới gần ôm Quyên vào lòng thủ thỉ nói lời xin lỗi. Sau lần ấy tính nết Hùng thay đổi đáng kể, anh tâm lý mà yêu chiều vợ hơn trước rất nhiều.
Dung
Theo Nguoiduatin
Mua váy qua mạng hết 300 nghìn đồng liền bị chồng cằn nhằn tiêu như phá, vợ "nổi điên" đáp trả một câu khiến anh im như thóc Nghe Hân nói, Tuấn cứ ngây người. Chưa bao giờ anh thấy vợ phản ứng gay gắt như vậy. Vừa hay lúc ấy mẹ Tuấn đi chơi về, đứng ngoài nghe hết câu chuyện, bà liền lên tiếng... Trước nay Hân vẫn luôn dặn lòng rằng là phụ nữ, là vợ chịu khó nín nhịn một chút cho nhà cửa yên ấm là...