Hối hận muộn màng của những người cha tội lỗi
Mỗi người một hoàn cảnh phạm tội nhưng lại có kết cục chung là nhận án tử hình. Đến lúc phải trả giá cho tội lỗi, họ van vỉ xin được sống bởi nghĩ đến những đứa con.
Khúm núm trước vành móng ngựa một ngày cuối tháng 8, Trần Minh Long (nguyên kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước chi nhánh huyện Nhà Bè, TP HCM) cúi gằm mặt, đôi tay siết vào nhau khi nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án. “Bị cáo còn con nhỏ, bị cáo không muốn sau này con mình lớn lên phải mang một nỗi ám ảnh về người cha bị tội chết vì phạm pháp. Nếu được sống bị cáo sẽ dạy cho con trai của mình trở thành người có ích chứ không sai trái như mình”, Long khẩn khoản.
Bị cáo Long tại tòa. Ảnh: H. G.
Phía dưới khán phòng, vợ của Long gục đầu, khuôn mặt nhợt nhạt lộ rõ vẻ mệt mỏi ở đôi mắt thâm quầng. Trước đó, khi VKSND Tối cao đề nghị toà giữ nguyên án tử hình với Long, ánh mắt ấy đã dại đi.
Giờ nghị án chị tâm sự, từ ngày chồng vướng lao lý, dù tinh thần suy sụp chị vẫn cố gắng đi làm để nuôi con nhỏ. “Nhiều lần con trai hỏi về cha, nhưng tôi đều phải nói dối ba cháu đang đi công tác xa. Anh ấy mà được sống thì suốt đời này có cực khổ đến đâu để trả nợ tôi cũng cam lòng”, người vợ trẻ đưa tay quẹt nước mắt.
Bản án sơ thẩm xác định, Long đã lợi dụng vai trò là Kế toán trưởng, tham ô hơn 44 tỷ đồng để cá độ đá banh. Với hành vi này, Long bị TAND TP HCM tuyên án tử hình. Vì số tiền thất thoát quá lớn không thể khắc phục được, TAND Tối cao tại TP HCM hôm ấy cũng bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt, giữ nguyên mức án cao nhất đối với bị cáo.
Không gào thét đau đớn, người vợ trẻ chỉ lẳng lặng nhìn chồng bị dẫn giải đi với ánh mắt buồn rười rượi. Long cố ngoảnh lại nhìn vợ, vành mắt ngấn nước rồi vội bước theo cán bộ dẫn giải ra xe tù. Vừa phải nén nỗi đau mất chồng, người vợ trẻ ấy còn phải giữ cả bí mật về sự ra đi của người cha cho đứa con của mình.
Ngược lại, với con trai của Huỳnh Hữu Nghĩa thì tội lỗi của người cha sẽ là nỗi ám ảnh tâm trí non nớt của bé. 11 tuổi em đã chứng kiến cha bị xét xử về tội Giết người, lĩnh án tử hình.
Giữa tháng 8, Nghĩa bị đưa ra xét xử lưu động tại khu dân cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh (TP HCM) với sự chứng kiến của hàng trăm người. Con trai 11 tuổi của Nghĩa cũng theo bà nội đến phiên tòa. Cậu bé khôi ngô, sáng sủa, luôn khép nép khiến nhiều người để ý.
“Tội nghiệp thằng bé, từ nhỏ cha mẹ đã sớm ly hôn, giờ lại chứng kiến cảnh cha bị đưa ra xét xử, không biết rồi cuộc đời nó sẽ ra sao” người đàn bà trung tuổi lắc đầu, nhìn đứa bé với ánh mắt ái ngại.
Video đang HOT
Bị cáo Nghĩa cố nhìn theo đứa con trước khi bị dẫn giải lên xe tù. Ảnh: Hải Duyên.
Theo cáo trạng, do không có việc làm ổn định, vào tháng 11/2011, Nghĩa nảy sinh ý định ăn trộm bình ắc quy ôtô. Bị phát hiện và truy hô, trong lúc chạy trốn gã đánh rơi dép và điện thoại. Phi vụ không thành lại bị “lỗ”, Nghĩa quay lại bắt gia chủ phải bồi thường. Trong lúc gây sự, hắn đã đâm chết người nhà gia chủ.
Từ đầu phiên xử Nghĩa tỏ ra khá bình tĩnh, nhưng đến khi bị VKS đề nghị mức án tử hình, anh ta trở nên bấn loạn, nước mắt đầm đìa khi thấy mẹ ngất lịm và con trai nức nở sau lưng. Giọng lạc hẳn, bị cáo nói: “Xin HĐXX cho tôi một con đường sống để làm lại cuộc đời. Tôi vẫn còn phải nuôi dạy con nhỏ”.
Giờ tuyên án, Nghĩa lại ráo riết nhìn xung quanh tìm con. Thấy đứa trẻ đứng tận góc xa, người cha tội lỗi giàn giụa nước mắt. Bé định nhào đến gần nhưng bị người thân ghìm lại. Suốt thời gian nghe toà tuyên án, Nghĩa không rời mắt khỏi con.
Ngoài hành vi giết người côn đồ, Nghĩa còn có tiền án về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy… nên HĐXX tuyên phạt mức án tử hình. Vị chủ tọa vừa dứt lời, Nghĩa loạng choạng rồi khụy xuống nhưng vẫn cố nhìn về phía con. Phiên tòa kết thúc từ lâu nhưng cậu bé vẫn đứng ngẩn ngơ nhìn về hướng chiếc xe tù đã khuất bóng.
Cũng chung hoàn cảnh, con của Tân mới hơn một tuổi nhưng cùng lúc phải chịu cảnh cha mẹ chia tay rồi không lâu sau người cha cũng phải đền mạng vì gây tội ác.
Trần Vương Nhật Tân (21 tuổi) là bảo vệ cho một công ty tại Bình Dương. Rạng sáng 16/2, trong lúc đi tuần tra gã bảo vệ trẻ thấy chị Việt, nữ phiên dịch viên, ngủ trong phòng của công ty nên đã nảy sinh thú tính. Hắn cạy cửa vào thực hiện hành vi đê hèn rồi nhẫn tâm giết nạn nhân bịt đầu mối.
Hồi tháng 4, TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt mức án tử hình đối với Tân về các tội Giết người và Hiếp dâm. Ba tháng sau, trong phiên xử phúc thẩm xin giảm án, Tân tỏ ra ăn năn khi thừa nhận toàn bộ tội lỗi. Anh ta cũng nhắc đến đứa con còn nhỏ dại của mình, mong được pháp luật khoan hồng để có cơ hội nuôi dạy con.
Bị cáo Tân sau phiên phúc xử. Ảnh: Hải Duyên.
Luật sư bào chữa cho Tân cũng tha thiết xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt vì bị cáo đã có thái độ ăn năn hối cải, động viên gia đình khắc phục một phần hậu quả. Bị cáo cũng là lao động chính trong gia đình, có con còn nhỏ, vừa ly dị vợ, phạm tội trong tình trạng say rượu… Nghe vị luật sư bào chữa, Tân ngồi trầm ngâm trên băng ghế dài với vẻ mặt căng thẳng.
Xác định tội ác của Tân “là không thể tha thứ, không còn tính người…”, Toà Phúc thẩm TAND Tối cao vẫn giữ nguyên án sơ thẩm.
Lặng người sau phán quyết của HĐXX, Tân lê những bước đi nặng nhọc theo cảnh sát. Không ai biết Tân nghĩ gì khi đôi mắt thỉnh thoảng lại nhắm nghiền…
Theo VNE
Lời sám hối muộn màng của "tú bà" trong trại giam
Trong cảnh nghèo hèn, Thúy nhớ lại trước đây thời còn làm công nhân, cô đã chứng kiến bạn mình "bán vốn tự có" cho "khách làng chơi", thu về rất nhiều tiền. Thế là Thúy bàn với mẹ biến quán cà phê nhà mình thành "ổ nhền nhện"...
Phạm nhân Lê Thị Thúy
Hai mẹ con cùng "xộ" khám
Trại giam An Phước (đóng tại tỉnh Bình Dương, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) có một bộ phận phạm nhân nữ, trong đó chủ yếu cải tạo tại Phân trại 2. Phạm nhân cải tạo tại trại có xuất thân từ đủ mọi thành phần xã hội, nhưng trong đó có hai trường hợp đặc biệt phải nhập trại cùng một ngày, cùng thụ mức án 4 năm tù giam như nhau về cùng một tội danh "Chứa mại dâm", đặc biệt bởi họ là 2 mẹ con. Trong đó, người mẹ Nguyễn Kim Chi (50 tuổi), con gái là Lê Thị Thúy (24 tuổi, quê ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).
Hoàn tất việc thu dọn và để lại những cuốn sách trong thư viện gọn gàng, phạm nhân Thúy dành thời gian nghỉ trưa hàng ngày để trò chuyện với phóng viên. Thúy tâm sự: "Em nhớ nhà quá. Lâu rồi chưa về quê, không biết nhà em bây giờ ra sao nữa. Hai mẹ con vào đây, nhà em chỉ còn em gái út của em vì bố em đã đi lấy vợ khác rồi".
Theo lời Thúy, khi Thúy còn ở ngoài xã hội, cuộc sống tuy thiếu thốn nhiều bề nhưng gia đình cô rất hạnh phúc. Tuy nhiên, sau khi mẹ Thúy sinh con thứ hai vẫn là con gái thì bà nội của Thúy vì quá mong mỏi có thằng cu nối dõi tông đường nên tỏ ý không ưng và thi thoảng nói qua nói lại khiến mẹ Thúy rất buồn. Nhưng chỉ mình bà nội thì không sao, đằng này cha của Thúy cũng tự dưng đâm ra gắt gỏng và thường xuyên quát nạt ba mẹ con Thúy. Ngày tháng qua đi, rạn nứt quan hệ lớn dần, đến khi không khí gia đình không thể nặng nề hơn thì cha mẹ Thúy đã "đường ai nấy đi" bằng quyết định ly hôn.
Cũng từ sau khi cha mẹ chia đôi ngả, Thúy chán đời nên cũng chểnh mảng việc học rồi không đến trường nữa. Thay vào đó, Thúy theo một nhóm bạn đi làm công nhân kiếm thêm thu nhập về phụ giúp cho mẹ nuôi em gái ăn học.
Đến năm 2008, chán cảnh làm công nhân vất vả, đồng lương lại ít ỏi nên Thúy chuyển hẳn về Bình Dương sống với mẹ. Lúc này bà Chi đang làm chủ một quán cà phê nhỏ ở thị xã Thủ Dầu Một. Phụ mẹ bán hàng, Thúy thấy thu nhập từ việc bán hàng này cũng không đáng là bao.
Trong lúc cố nghĩ ra hướng đi để thay đổi phận nghèo, Thúy chợt nhớ ra rằng thời gian cô làm công nhân đã từng chứng kiến bạn mình "bán vốn tự có" cho "đàn ông ham của ngọt" và kiếm được rất nhiều tiền. Thế là Thúy dại dột cho rằng phải "kinh doanh thân xác phụ nữ" thì mới mong nhanh chóng thoát nghèo.
Đem "kế hoạch làm ăn" của mình bàn với mẹ, Thúy đề nghị bà Chi tuyển một đội ngũ nữ tiếp viên xinh đẹp để "hút" khách háo sắc. Nghe con trình bày, bà Chi thay vì khuyên can con và gạt đi ý định điên rồ đó thì bà lại gật đầu đồng ý.
Sau đó, bà Chi đưa tiền vốn cho con gái mở rộng, sửa sang lại quán cà phê và tuyển nhân viên. Móc nối với một số bạn bè cũ và thông qua cả người quen, Thúy đã có trong tay 4 nữ tiếp viên ưng ý. Trong đó, có một cô bé cùng quê với Thúy chưa đầy 16 tuổi.
Hàng ngày, Thúy thay mẹ trông coi cửa hàng, khi khách có "nhu cầu vui vẻ" thì Thúy điều người đẹp phục vụ. Thúy kể: "Có lần khách "đòi" ngay tại quán nhưng em từ chối. Nguyên tắc của em là đưa tiếp viên đến nhà nghỉ, tiền phòng khách trả, còn tiền "boa", em chia cho tiếp viên một nửa".
Chỉ trong một thời gian ngắn, "ổ nhền nhện" của mẹ con Thúy đã nườm nượp "khách làng chơi" ra vào, trong đó có đủ thiếu niên, trung niên, cao niên. Nhắc lại chuyện cũ, Thúy thở dài tâm sự: "Em biết mình làm như thế là phạm pháp, nhưng không hiểu sao em như con thiêu thân chỉ biết đến tiền nên đã bất chấp tất cả".
Sau một thời gian "hái ra tiền" cho mẹ con Thúy, quán cà phê trá hình này đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan công an. Tháng 4-2009, cảnh sát đã bắt quả tang 2 tiếp viên của mẹ con Thủy đang hành lạc cùng "khách làng chơi" tại một nhà nghỉ trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một. Thúy và mẹ lập tức bị bắt giữ, sau đó bị truy tố về tội "Chứa mại dâm" và mỗi người lĩnh 4 năm tù như đã nêu trên.
"Mong mẹ khỏe và em sẽ làm lại"
Cải tạo được một thời gian, Thúy luôn cố gắng và thường xuyên được xếp loại khá và tốt. Nhận thấy những nỗ lực của nữ phạm nhân này, Ban Giám thị Trại giam An Phước và Phân trại 2 đã thường xuyên cử cán bộ quản giáo động viên hai mẹ con Thúy để cả hai cùng yên tâm trả án, sớm trở về làm lại cuộc đời.
Thúy khoe: "Em được giảm án 3 tháng tù lần đầu tiên vào Quốc khánh năm 2011. Mẹ em cũng đã được xét đề nghị giảm án rồi nên em mừng lắm! Vừa rồi, em lại được các phạm nhân tín nhiệm bầu vào Tiểu ban đời sống trật tự. Em rất vui vì mình đã được tin tưởng, em sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Nhưng nói đến đây, bỗng dưng Thúy bày tỏ sự lo lắng: "Vào trại được một thời gian thì một số bệnh cũ của mẹ em tái phát. Phần vì không quen điều kiện thời tiết, phần vì mẹ em hay lo nghĩ nên lại càng làm cho cơ thể suy nhược, ốm yếu. Giờ đây, em chỉ mong mẹ em mau khỏe. Được ra tù rồi, em sẽ làm một nghề gì đó, vất cả cũng được, nhưng phải là nghề lương thiện để nuôi và chăm sóc mẹ".
Thúy cũng nhận thức được rằng để hai mẹ con lâm vào tình cảnh này, lỗi trước hết xuất phát từ Thúy vì Thúy đã để đồng tiền che mờ mắt, làm lung lạc lý trí mà kéo mẹ vào vòng lao lý. "Thi thoảng cái Út nó cũng lên thăm hai mẹ con em nhưng đôi lúc chính em cũng tìm cách tránh gặp nó vì xấu hổ" - Thúy nói một cách chua xót.
Nói về mẹ nhiều, khi chúng tôi hỏi chuyện tình duyên của bản thân Thúy thì phạm nhân này khóc: "Em cũng đã lấy chồng nhưng sau khi biết em vi phạm pháp luật, anh ấy li dị luôn. Giờ đây, người thân duy nhất còn lại của em chỉ là đứa em gái đang chuẩn bị sinh con đầu lòng. Vừa rồi, cả gia đình nó đưa nhau lên đây thăm hai mẹ con em".
Cũng tại trại giam, Thúy đã tham dự cuộc thi viết dành cho phạm nhân với chủ đề "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện", kể lại toàn bộ quãng thời gian đã qua khi phải trả giá cho hành vi của mình. Kết quả bài thi của nữ phạm nhân này được giải Ba, theo đánh giá của các cán bộ quản giáo tại Phân trại, là một bài viết xúc động và chứa chan tình thương yêu gia đình. Sắp tới, Thúy và mẹ đều được xét giảm án, hy vọng bài học đắt giá đầu đời này sẽ giúp hai mẹ con nữ phạm nhân này tránh xa các tệ nạn xã hội sau khi được trở về xã hội.
Theo ANTD
Nỗi ân hận muộn màng của gã thợ mộc thú tính Gần 4 tháng trời thực hiện hành vi thú tính của mình với cháu bé 11 tuổi, bản thân Nguyễn Văn Phong cũng không ý thức được cái giá mà mình phải trả, 20 năm tù là cái giá thích đáng cho việc làm của y. Gã đàn ông thú tính ... Nguyễn Văn Phong, sinh năm 1963, trú tại xã Văn Sơn...