Hối hận muộn màng của gã tội phạm mồ côi
Bố mất khi mẹ mang thai được 6 tháng, được 3 tuổi thì mẹ vì bệnh tật cũng ra đi. Long được các anh chị nuôi lớn lên. Dù vất vả nhưng các anh chị cũng toàn tâm toàn sức cho Long, nhưng vì ra đời sớm, Long đã nghe theo lời bạn bè và sa vào con đường tội lỗi.
Tạ Quang Long (SN 1985, ngụ Bình Phước, đang thụ án tại trại giam Đắk Plao, thuộc cục VIII, bộ Công an) dù mới bước qua tuổi 30 nhưng đã có 3 tiền án trước đó vì tội Trộm cắp tài sản.
Long chia sẻ với phóng viên.
Khi được hỏi về tội của mình, Long phân trần: “Cũng là do em cả, mỗi lần phạm tội bị đi tù về rồi định tu chí, nhưng cứ thiếu tiền lại đi ăn trộm lại. Dù được anh chị hết sức yêu thương, nhưng cứ phạm tội hết lần này đến lần khác nên ai cũng chán, không muốn đi thăm nữa”.
Long kể, gốc nhà Long tận Quảng Trị, vì cuộc sống khó khăn nên bố mẹ Long di cư vào Bình Phước. Vùng đất mới tuy còn nhiều vất vả, nhưng lại cho gia đình Long có đất để canh tác mưu sinh.
Long là con út trong gia đình có 6 anh chị em, kể đến đây Long nghẹn ngào: “Ba mẹ em sinh được 6 người con, lúc mẹ mang bầu em được 6 tháng thì ba bệnh nặng nên qua đời. Mẹ em vất vả nuôi 6 anh em, nhưng sau đó cũng mất vì bệnh tật. Em lúc đó mới 3 tuổi, các anh chị em trong nhà làm thuê làm mướn nuôi em nên người”.
Cũng chỉ vì kinh tế gia đình khó khăn nên mới học lớp 5 Long đã nghỉ học ở nhà giúp anh chị. Long chia sẻ: “Các anh chị cũng lần lượt lập gia đình, dù thương em nhưng ai cũng nghèo nên em quyết định bỏ học. Cứ trong nhà ai có gì làm là em phụ giúp, anh chị nào cũng thương em lắm”.
Dù sống trong sự bao bọc của anh chị, nhưng Long lại thường xuyên đi chơi với đám bạn hư nên đã nhiễm thói ăn chơi nhậu nhẹt.
Long kể lại: “Thực ra lúc mới lớn, em cũng chẳng phải ăn chơi phá phách quá đáng, chỉ la cà quán xá cà phê, rồi nhậu nhẹt với đám bạn thôi. Nhưng do mình nghèo, nên tiền để dùng mấy cái đó cũng là một vấn đề, vì vậy nên mới nghĩ ra cách kiếm tiền nhanh để tiêu xài”.
Video đang HOT
Cũng chỉ vì thấy mỗi lần bạn bè rủ rê chơi bời mà mình không có tiền bao bạn, toàn được bạn bao nên Long thấy ngại. Long tâm sự: “Em thấy mình nghèo thật nhưng đi ăn nhậu với bạn bè chả lẽ để họ bao mãi, nên nhiều lúc tủi thân lắm. Mà lúc đó đi làm thì chỉ làm cho các anh chị, lâu lâu anh chị cũng cho tiền nhưng không đủ đi ăn nhậu. Nghĩ vậy nên đã theo đám bạn đi ăn trộm xe máy bán lấy tiền tiêu”.
Lúc đầu bị bạn rủ, Long cũng không dám đi vì quá sợ. Nhưng thấy bạn bảo đi ăn trộm bán có tiền xài nên Long mềm lòng, Long đã đi cùng bạn và sau đó đã bị bắt năm mới 21 tuổi.
Mới bước vào tuổi đẹp đẽ nhất đời người lại phải vào tù nên Long buồn lắm, Long nói: “Thực chất, khi đi ăn trộm xe máy của người ta thì em nghĩ chắc không ai biết, ai ngờ công an bắt được. Vào tù sợ lắm, cũng đã nghĩ ra tù sẽ tu chí làm ăn…”.
Rồi Long cũng ra tù, nhưng thay vì tu chí làm ăn Long lại mặc cảm, đi xin việc với cái lý lịch đã từng đi tù, nhiều công ty ái ngại không nhận nên Long đi làm việc tự do bên ngoài. Ngày nào làm được đồng nào Long tiêu hết đồng đó, rồi buồn chán lại lao vào ăn nhậu, nhưng ăn nhậu không có tiền Long lại nghĩ đi ăn trộm…
Và cứ mỗi lần tặc lưỡi, Long lại đi ăn trộm và cuối cùng là nhà tù. Long chia sẻ: “Lần này là lần thứ 4 em vào tù, lần cuối cùng này với tội danh Cướp tài sản. Em cũng không biết nói gì nữa, bây giờ mọi chuyện đã đến nước này thì biết nói gì. Cũng chỉ nghĩ sau này về lại với đời thì cố gắng tu chí, nhất định không muốn vào tù một lần nào nữa…”.
Theo Tô Hương Sen (Người Đưa Tin)
Vượt cả trăm cây số để được đoàn tụ... trong trại giam
Có những nụ cười hạnh phúc, có những ánh măt nhìn thân thương và có cả những giọt nước mắt giấu vội. Ngày cuối năm, ai cũng mang trong mình một tâm trạng, một cảm xúc riêng, nhưng tất cả đều có chung một khát vọng hoàn lương, chờ ngày đoàn tụ.
Giáp Tết, hòa cùng không khí hối hả chuẩn bị để đón một cái Tết đoàn viên, ấm cúng của người dân cả nước, không khí tại khu thăm gặp phạm nhân của Trại giam Đắk P'Lao (Tổng cục VIII, Bộ Công an) cũng hối hả, vội vã, náo nhiệt hơn ngày thường bởi hàng trăm lượt người thân đến thăm phạm.
Có mặt tại Trại giam Đắk P'Lao vào ngày cuối cùng các gia đình phạm nhân được phép thăm phạm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từng dòng người vẫn kiên nhẫn xếp hàng để chờ vào gặp người thân. Theo quy định, mỗi phạm nhân chỉ có một ít thời gian ngắn ngủi để được trò chuyện với thân nhân, đó là quãng thời gian vàng ngọc mà họ hết sức trân trọng trong những ngày đặc biệt này.
Theo quy định, mỗi phạm nhân chỉ có một ít thời gian để gặp thân nhân
Không đủ để nói cặn kẽ mọi điều, họ chỉ biết động viên nhau giữ gìn sức khỏe, hứa cố gắng cải tạo tốt để sớm nhận được sự khoan hồng của pháp luật và trở về bên gia đình, bạn bè. Và như lẽ thường, hầu hết những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, đều kết thúc bằng những giọt nước mắt dấu vội của cả kẻ ở, người về.
Trong căn phòng được ngăn cách bằng tấm kính trong suốt, một người vợ trẻ ngồi lặng lẽ, đôi mắt đỏ ngầu, vừa nói chuyện với chồng được vài câu, chị lại phải nhường điện thoại để đứa con trai gặp bố. Bé Mai Văn Hoàng V. (5 tuổi, trú tỉnh Đắk Nông) tỏ ra háo hức khi được gặp bố. Qua điện thoại, cậu bé khoe về bộ quần áo mới mà mẹ mua mặc Tết và không quên hỏi: "Bao giờ bố về với con".
Gần Tết, hai anh em V. được mẹ đưa đến trại giam thăm bố
Lắng nghe cuộc trò chuyện giữa chồng và con trai, chị L. liên tục lấy tay lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt hốc hác. Chị bảo: "Anh ấy chấp hành án được hơn 2 năm rồi, năm nay là năm thứ 3 thằng bé không có bố bên cạnh ăn Tết. Sợ con buồn, nên 4h sáng nay, ba mẹ con khăn gói lên thăm bố, bố con gần gũi nhau mấy chục phút cũng là quý rồi. Chỉ mong sao anh ấy cải tạo tốt, để gia đình sớm đoàn tụ".
Những cuộc gặp ngắn ngủi với những phút giây bịn rịn, nghẹn ngào
Cách đó không xa, hai mẹ con bà Trần Thi Ph. (ngụ Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cũng bịn rịn không nói thành lời. Gia đình khó khăn, đường sá xa xôi nên mỗi năm bà Ph. chỉ bắt xe đò lên thăm con trai một lần. Mỗi lần thăm gặp, bà đều cố gắng mang cho người con trai đầu đang chấp hành án 7 năm tù ít bánh trái quê nhà cho con vơi bớt nỗi buồn.
Suốt 5 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ tầm khoảng ngày 27-28 Tết là hai mẹ con bà Ph., lại vào đây, vừa để thăm, vừa để động viên con trong dịp đặc biệt này. Bà Ph. cho biết, con trai chẳng may vướng vào vòng lao lý, phận làm mẹ đứt từng khúc ruột. Thương con, nên dù năm hết, tết đến nhưng năm nào bà cũng sắp xếp lên thăm con. Mỗi lần đi phải chuẩn bị đồ đạc từ mấy ngày trước, hơn 12h đêm đã phải thức dậy đón hai chuyến xe đi từ Bù Đăng (Bình Phước) mới tới được Trại giam Đắk P'Lao này.
Thấy em thay đổi tính nết, lại tu trí hướng thiện nên chị Ng. rất vui mừng
"Từ ngày nó đi chấp hành án, Tết buồn trông thấy, cũng chẳng muốn sắm sửa gì. Bây giờ chỉ mong con nhận ra lỗi lầm của mình, cố gắng cải tạo để trở về nhà. Dù nghèo khó, nhưng gia đình có mặt đầy đủ để ăn bữa cơm tất niên là hạnh phúc rồi", đôi mắt của người mẹ nghèo rơm rớm khi nhắc đến ước mong của mình.
Tương tự bà Ph., chị Lê Thị Tố Ng. (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) mỗi năm cũng chỉ sắp xếp lên thăm em trai đang thụ án 5 năm tù một lần. Mặc dù cả năm mới lên thăm em, lại chỉ được nhìn mặt và nói chuyện qua điện thoại, nhưng thấy em thay đổi tính nết, lại tu trí hướng thiện nên chị Ng. rất vui mừng.
Bên trong nơi gặp mặt của thân nhân và phạm nhân
"Lần nào lên thăm, gia đình tôi cũng động viên em cải tạo thật tốt để được hưởng chính sách khoan hồng, đặc xá của Nhà nước. Có lẽ chính nhờ ý thức được việc đó nên em đã rất cố gắng và lần này được Ban giám thị xét cho thăm gặp. Tết cổ truyền đang cận kề, hai chị em chỉ gặp nhau nửa tiếng đồng hồ, thấy em mạnh khỏe, biết ăn năn hối cải là may mắn rồi !', chị Ng. ngậm ngùi.
Những người mẹ, người cha, người vợ... đứng đợi đến lượt thăm gặp
Theo trại giam Đắk P'Lao, những phạm nhân được gặp người thân lần này đều là những người có quá trình cải tạo tốt. Ngoài ra để phạm nhân có an tâm đón Tết trong trại, Ban giám thị đặc biệt chú trọng công tác tư tưởng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ với hy vọng mang lại cho họ một cái Tết ấm áp, thấm đẫm nhân văn, giúp họ xóa đi mặc cảm, yên tâm cải tạo sớm nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
Dương Phong
Theo Dantri
Phạm nhân gói bánh, trang trí trại giam đón Tết Mậu Tuất Đây là hoạt động thường niên của trại giam với mong muốn các phạm nhân được đón Tết trong không khí đầm ấm, giảm bớt mặc cảm tội lỗi và sớm hòa nhập cộng đồng. Ngày 12/2, Trại giam Đắk P'Lao (Tổng cục VIII, Bộ công an) tổ chức cho các phạm nhân đang cải tạo tại đây gói bánh chưng, bánh tét,...