Hối hả thu gom tài sản chạy bão số 5
Bão Hagupit (bão số 5) đang áp sát duyên hải Nam Trung Bộ, đe dọa trực tiếp đến người dân ở đây. Hiện 2 tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với bão.
Xóm “nhà chồ” mong manh trước bão
Sáng 11/12, có mặt tại xóm “nhà chồ” ở phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, PV Dân trí ghi nhận người dân ở đây đang hối hả thu gom đồ đạc, tài sản chuẩn bị “chạy bão”. Đây là khu nhà chồ nằm ngay bên mé biển, được ghép nối bằng những cột gỗ sơ sài, mục nát có thể đổ sập nếu bão đổ bộ vào đất liền.
Người dân ở đây cũng nắm chắc thông tin mưa bão nên chủ động gom bao cát chằng chống nhà cửa, kéo ghe thuyền lên bờ, mang ngư lưới cụ đi gửi. Tiếng sóng biển “gào thét” càng lúc càng to khiến những đứa trẻ dù can đảm đến mấy cũng không dám ló đầu ra ngoài. Trong tiếng gió rít, nhìn xa xa khu “nhà chồ” càng trở nên mong manh trước bão.
Chị Võ Thị Xuân Lệ, một người dân sinh sống hơn 23 năm ở xóm “nhà chồ” phường Vĩnh Nguyên cho biết khi nghe bão có khả đổ bộ vào Khánh Hòa, người dân trong xóm rất lo sợ. Để đề phòng trường hợp xấu nhất, gia đình chị Lệ đã vận chuyển các ngư lưới cụ, tài sản đến nơi an toàn.
Người dân xóm nhà chồ phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang cần di dời nếu bão đổ bộ vào địa phương này.
“Nếu sóng lớn cứ đánh mạnh như thế này, đá chẻ dưới nước sẽ va vào làm gãy cột chồ, sập nhà. Bà con đang chuẩn bị di dời đến nơi an toàn chứ không ai dám ngủ lại lại trên nhà chồ đâu”, chị Lệ nói.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên, cho biết khu nhà chồ nói trên có hơn 20 hộ, đã hình thành từ rất lâu, đa phần người dân sinh sống bằng nghề chài lưới. Hiện địa phương đã triển khai các phương án đối phó với bão, kể cả cưỡng chế các hộ dân xóm “nhà chồ”. Ông Trọng cho biết thêm, về lâu dài, TP Nha Trang đã có kế hoạch xây bờ kè, di dời các hộ dân ở xóm “nhà chồ” đến nơi ở mới an toàn.
Người dân Nha Trang mang ngư lưới cụ đi gửi.
Ngừng các hoạt động du lịch trên Vịnh Nha Trang
Sáng sớm nay (11/12), Ban quản lý Vịnh Nha Trang đã cho cắm các biển báo nghiêm cấm du khách, người dân địa phương tắm biển. Tuy nhiên, trước 8h sáng cùng ngày, đâu đó trên bãi biển Nha Trang, một vài du khách vẫn bất chấp lệnh cấm, “đùa giỡn” với những con sóng cao hơn đầu người.
Tại bến tàu du lịch Cầu Đá, nơi trung chuyển du khách tham quan Vịnh Nha Trang đã dừng làm thủ tục xuất bến, nghiêm cấm các phương tiện chuyên chở du khách. Lãnh đạo Bến tàu du lịch Cầu Đá cũng đã thông báo cho 169 tàu gỗ và 94 chiếc ca nô du lịch di chuyển đến cầu Bình Tân (xã Phước Đồng, Nha Trang) để trú tránh bão, đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Video đang HOT
Nha Trang nghiêm cấm du khách, người dân địa phương tắm biển vào sáng sớm nay (11/12).
Đối với hoạt động của cáp treo Vinpearland, các tour du lịch biển đảo thì tùy vào tình hình diễn biến của bão, UBND tỉnh Khánh Hòa có thể sẽ cho ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Các cơ sở du lịch được yêu cầu phải có các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Không được chủ quan…”
Hiện khoảng 10.000 tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sau khi biết được hướng di chuyển của bão Hagupit đã chủ động vào bờ trú tránh tại các khu neo đậu ở huyện Vạn Ninh, TP Nha Trang, TP Cam Ranh…
Ghi nhận tại cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang), chủ các phương tiện đã hoàn tất việc chằng chống tàu thuyền, ngư lưới cụ được sắp xếp ngay ngắn trên khoang thuyền hoặc mang lên bờ. Ông Nguyễn Văn Tuấn Anh, chủ tàu cá KH-05399-TS cho biết, sau khi nghe tin đài báo bão, ông đã chủ động cho tàu lập tức chạy về bờ, hiện tàu cá của ông đã neo đậu an toàn.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, địa phương hiện đang có 11 tàu cá với 80 thuyền viên đánh bắt ở ngư trường Trường Sa nhưng đã nắm được thông tin bão, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại TP Cam Ranh, hiện có trên 500 bè, trên 12 ngàn lồng, 176 lao động trên lồng bè đã được yêu cầu vào bờ trước 12h ngày 11/12. TP Cam Ranh cũng đã yêu cầu người dân gia cố, chằng néo và thả chìm các lồng bè để tránh thiệt hại. Hiện TP Cam Ranh có khoảng 1.700 hộ dân ở vùng trũng, ven biển đã sẵn sàng di dời, đến 16h chiều nay sẽ hoàn tất công tác di dời.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát kiểm tra công tác đối phó bão số 5 ở Cam Ranh, Khánh Hòa sáng 11/12.
Cũng trong sáng 11/12, tại TP Cam Ranh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão TƯ cùng đoàn công tác đã có buổi thị sát tại một số nơi xung yếu và làm việc với TP Cam Ranh để chỉ đạo công tác ứng phó với bão Hagupit.
Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa không được chủ quan trong việc đối phó với bão. Tích cực vận động người dân sinh sống trong nhà tạm bợ sơ tán, di chuyển đến những nơi kiên cố; kiên quyết đưa người dân trên các lồng bè lên bờ để đảm bảo an toàn…
Ninh Thuận hoãn kỳ họp HĐND tỉnh để tập trung chống bão số 5
Tại Ninh Thuận, ngày 11/12, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 5 xuống các huyện, thành phố để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 5. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng có mặt tại Ninh Thuận để kiểm tra công tác đối phó với bão số 5 tại địa phương này.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, đến chiều 11/12, công tác phòng chống bão số 5 tại địa phương này đã hoàn tất và sẵn sàng ứng phó với bão.
Tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ, di chuyển các phương tiện, lòng bè, thủy nội địa vào bờ an toàn, neo đậu tàu thuyền an toàn tại các khu tránh trú bão được quy định định: Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná… Tổng số tàu cá trên toàn tỉnh Ninh Thuận là 2.730 chiếc/16.913 lao động. Trong đó có 168 chiếc/1.276 lao động đang hoạt động trên biển nhưng đã liên lạc được và nắm được hướng đi của bão. Hiện có 2.562 chiếc/15.637 lao động neo đậu tại các bến cảng của Ninh Thuận.
Tàu thuyền ở Ninh Thuận đã vào nơi trú tránh bão số 5 an toàn.
Để tập trung đối phó với bão, Ninh Thuận đã đình hoãn tất cả các cuộc họp từ ngày 10 đến ngày 12/12, trong đó có cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Hiện UBND thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã chỉ đạo các xã, phường huy động lực lượng, vật tư chằng chống 550 nhà cửa tại những khu vực xung yếu ven đê, ven biển, vùng trũng thấp…
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đã cấp cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 200 cái áo phao, 1.000 cái bao cát để chằng chống các doanh trại và chủ động trong công tác phòng chống cơn bão số 5. UBND huyện Ninh Hải đã cấp 1.000 cái bao cát cho các xã Thanh Hải và Vĩnh Hải để chằng chống nhà cửa
Viết Hảo
Theo Dantri
Tổng Thanh tra Chính phủ: Xoá "vùng cấm", thưởng thích đáng người tố tham nhũng
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh giải pháp tăng cường cơ chế bảo vệ, khuyến khích khen thưởng thích đáng người tố cáo tham nhũng và xoá bỏ mọi vùng cấm để củng cố lòng tin của người dân đối với quyết tâm và nỗ lực chống tham nhũng của Đảng, nhà nước.
Đây được xem là những cam kết của cơ quan "gác đền" tại cuộc toạ đàm "Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển" diễn ra hôm qua, 9/12 - đúng dịp kỷ niệm ngày quốc tế phòng chống tham nhũng.
Tại cuộc tọa đàm, ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, cho biết chủ đề của Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng năm nay là "Phá vỡ chuỗi tham nhũng".
"Tham nhũng gây tổn hại cho tất cả chúng ta. Ngăn chặn tai họa này và tìm cách lấy lại những gì đã mất là trách nhiệm của mọi người. Các chính phủ và công chúng đều có vai trò then chốt trong chống tham nhũng, phải tiếp tục kiên định để phá vỡ chuỗi tham nhũng" - ông Bakhodir Burkhanov nhấn mạnh.
Ông Bakhodir Burkhanov dẫn lại kết quả khảo sát chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2014 ở Việt Nam, cứ 4 người Việt Nam thì có một người cho rằng tham nhũng đang là vấn đề kinh tế - xã hội nghiêm trọng nhất, để khẳng định vai trò của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và đại diện UNDP chủ trì cuộc toạ đàm.
Trong khi đó, bà Đào Nga, Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam (TI), cho rằng dân chúng là những người chịu tác động trực tiếp và nhiều nhất bởi tham nhũng.
"Mọi nỗ lực chống tham nhũng đều không thể thành công nếu không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và có sự tham gia của người dân" - bà Nga bày tỏ.
"Dân thường là những người chịu tác động trực tiếp và nhiều nhất bởi tham nhũng, vừa là nạn nhân, đồng thời có phần trách nhiệm trong các hành vi tham nhũng", bà Nga nhận định mọi nỗ lực chống tham nhũng đều không thể thành công nếu không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của dân, và có sự tham gia của người dân.
Theo TI, người dân có thể góp phần chống tham nhũng bằng cách nói lên những vấn đề bức xúc cần thay đổi ở ngay cộng đồng của mình, tố cáo các hành vi tham nhũng, giám sát và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, góp ý kiến xây dựng luật pháp, chính sách, tham gia vận động, tuyên truyền, khuyến khích bạn bè, người thân liêm chính, và quan trọng nhất, bản thân không tham gia các hành vi tham nhũng và không tư lợi.
Tuy nhiên, bà Nga cũng thừa nhận thực tế hiện nay, phần đông người dân ngại tố cáo tham nhũng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ khoảng hơn 30% người dân Việt Nam sẵn sàng tố cáo, trong khi các nước cùng khu vực dao động khoảng 60%-70%. "Người dân không tin tưởng vào cách giải quyết của cơ quan nhà nước và sợ bị trả thù, trong khi quy định về việc bảo vệ họ còn chung chung, khó thực hiện" - bà Nga nhận xét.
Giám đốc quốc gia Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) tại Việt Nam Zhuldyz Akisheva chia sẻ kinh nghiệm của một số nước về bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng, như thưởng tiền cho người tố cáo, bảo vệ người tố cáo và cả người thân của họ...
Đồng tình với những nhận định trên, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định, phòng, chống tham nhũng không còn được coi là nhiệm vụ của riêng Chính phủ. Người dân giờ đây không còn thụ động, e ngại, chỉ ngồi quan sát và bình luận về những gì mà các cơ quan nhà nước đang làm, mà đã thực sự chủ động tham gia tích cực vào những nỗ lực phòng, chống tham nhũng chung của cả hệ thống chính trị bằng những hành động rất thiết thực và có tính lan tỏa cao.
Tổng Thanh tra Chính phủ nêu nghịch lý, dù quyết tâm chính trị của Việt Nam rất cao, Đảng, nhà nước tuyên chiến mạnh mẽ với tham nhũng nhưng kết quả cuộc chiến mới chỉ đạt được ở bước đầu, rất hạn chế. Nhấn mạnh còn nhiều việc phải làm, ông Tranh cho rằng, hướng triển khai quyết định thành công của cuộc đấu tranh với quốc nạn là làm sao để phát huy hơn nữa vai trò của người dân và các tổ chức.
Nhóm giải pháp về sự tăng cường tham gia của người dân, xã hội dân sự, theo đó, đã được Thanh tra Chính phủ xây dựng, báo cáo và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. Đó là 1 trong 9 giải pháp sẽ được tập trung hơn nữa trong năm 2015. Ngành thanh tra sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về luật PCTN; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để người dân dễ dàng tiếp cận hơn; đẩy mạnh cơ chế giám sát phản biện, tổ chức các kênh để người dân các khu vực tham gia sáng kiến chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo và có hình thức khuyến khích khen thưởng thích đáng.
"Ngoài ra, cơ quan nhà nước sẽ đảm bảo việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, xoá bỏ mọi vùng cấm trong PCTN. Làm tốt việc này cũng là để củng cố lòng tin của người dân đối với quyết tâm và nỗ lực của Đảng, Nhà nước, khuyến khích người dân tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng" - Tổng Thanh tra CP khẳng định.
P.Thảo
Theo Dantri
"Cứ 3 phụ nữ thì 1 người là đối tượng của bạo lực giới" Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nóng. Cứ 3 phụ nữ trên thế giới thì có 1 người trở thành đối tượng của bạo lực giới. Ngày 30/11, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) phối hợp cùng Hội Liên hiệp phụ...