Hội đồng Giáo sư Nhà nước khôi phục chức danh Phó Giáo sư cho ông Hoàng Xuân Quế
Ngày 30/8/2019, tại phiên họp lần thứ II, Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023 đã biểu quyết thông qua việc khôi phục chức danh Phó Giáo sư với ông Hoàng Xuân Quế theo yêu cầu của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội.
Chủ trì phiên họp là Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Trong phiên họp, tất cả các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước có mặt tại phiên họp đã biểu quyết thông qua việc khôi phục chức danh Phó Giáo sư với ông Hoàng Xuân Quế theo yêu cầu của Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội.
Như vậy, vụ “Tiến sĩ kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT” lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục kéo dài 5 năm đã khép lại. Tiến sĩ đã thắng kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Hội đồng Giáo sư nhà nước khôi phục chức danh Phó Giáo sư cho ông Hoàng Xuân Quế
Trước đó, năm 2013, theo đơn tố cáo, ông Hoàng Xuân Quế, PGS.TS Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tác giả Luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003 với đề tài “ Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” đã “đạo văn” tới 30% dung lượng Luận án tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế, Học viên Ngân hàng với đề tài “ Các giải pháp hoàn thiện việc cung ứng và kiểm soát khối lượng tiền lưu thông của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nền kinh tế thị trường“.
Sau khi nhận được đơn tố cáo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc để xác minh. Theo đó lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ GD&ĐT, Hội đồng Chức danh giáo sư, trường Đại học Kinh tế Quốc dân… tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc theo thẩm quyền liên quan đến Luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.
Tại buổi làm việc với Bộ GD& ĐT, ông Hoàng Xuân Quế đưa ra các tài liệu khác nhau để cho rằng mình bị oan sai… Ngoài ra, ông Quế cũng đã nộp bản giải trình với các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT về các vấn đề liên quan đến vụ “đạo” luận án tiến sĩ này.
Ngày 11/10/2013, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định số 4674 thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế. Quyết định này được căn cứ vào kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc xác minh đơn tố cáo đối với bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.
Theo đó, ông Hoàng Xuân Quế bị thu hồi bằng tiến sĩ do “ sao chép lên đến 52,5/159 trang của luận án (khoảng 30,02%) từ luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng)”.
Ngày 22/11/2013, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã ban hành Công văn số 1080/NGCBQLGD-CSĐTBD về việc miễn nhiệm chức danh Phó giáo sư đối với ông Hoàng Xuân Quế.
Ngày 02/12/2013, căn cứ vào Quyết định số 4674 và Công văn số 1080, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã liên tiếp ban hành Quyết định 730/QĐ-ĐHKTQD v/v miễn nhiệm chức danh Phó Giáo sư đối với ông Hoàng Xuân Quế và Quyết định số 731/QĐ-ĐHKTQD về việc đình chỉ tham gia công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế; Ngày 10/12/2013, Trường ĐHKTQD có công văn số 1500 v/v đánh giá cán bộ để thực hiện quy trình miễn nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện NHTC đối với ông Quế.
Video đang HOT
Không đồng tình với kết luận và quyết định thu hồi bằng tiến sĩ nói trên, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra TAND TP Hà Nội.
Tại phiên tòa ngày 10/10/2016, Luật sư đại diện cho Bộ GD&ĐT cho rằng, Bộ GD&ĐT ra quyết định 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, luật sư đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hoàng Xuân Quế đã đưa ra rất nhiều luận cứ thuyết phục chứng minh việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi đó là ông Phạm Vũ Luận ra quyết định số 4674 là vi phạm pháp luật.
Ông Hoàng Xuân Quế trong lễ nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Phó Giáo sư năm 2009
Luật sư đại diện cho ông Quế cho rằng, có đầy đủ căn cứ để nghi ngờ cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế đã bị đánh tráo vì mục đích xấu, vì tất cả những tài liệu quan trọng liên quan tới ông Quế đều bị mất.
Người tố cáo (ông Nguyễn Văn Nam khi đó là Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân) là Chủ tịch cả 3 Hội đồng chấm luận án của ông Hoàng Xuân Quế, từ Hội đồng chấm chuyên đề luận án, Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở và Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước, nhưng lại không hề có bất cứ tài liệu chứng cứ nào để minh chứng (kể cả quyển luận án mà ông Quế đã nộp cho ông Nam khi bảo vệ tại 3 Hội đồng).
Kết luận thanh tra 1254 của Bộ GD&ĐT, mà căn cứ vào đó để Bộ GD&ĐT ra quyết định 4674 là không khách quan, dựa trên những chứng cứ phiến diện; không xem xét ý kiến của các nhà khoa học trong hội đồng.
Đồng thời, Luật sư ông Quế đề nghị HĐXX căn cứ vào quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện: Tuyên hủy QĐ 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.
Ngày 14/12/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã chính thức tuyên hủy quyết định 4674/QĐ-BGĐT ngày 11/10/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng có thẩm quyền khôi phục lại học hàm, học vị cho ông Hoàng Xuân Quế.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Ít người đăng ký xét GS, PGS hơn: Khó hơn!
Số ứng viên giảm mạnh cho thấy việc xét công nhận GS, PGS đang đi đúng hướng, đúng với yêu cầu GS, PGS phải tiếp cận với trình độ quốc tế.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố 555 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2019.
Trong đó, 105 người được đề nghị công nhận đạt chuẩn chức danh GS và 450 người là PGS.
Theo công bố, có nhiều ngành không có ứng viên được công nhận đạt chuẩn GS như ngành Giao thông Vận tải (chỉ có 19 PGS); ngành Giáo dục học (có 12 PGS).
Ba ngành có số lượng ứng viên được đề nghị công nhận đạt chuẩn GS, PGS ít nhất là ngành, liên ngành Luyện kim (4 cá nhân), Ngôn ngữ học (4), Tâm lý học (3).
4 ngành, liên ngành có số ứng viên được đề nghị công nhận đạt chuẩn nhiều nhất là: liên ngành Hóa học-Công nghệ thực phẩm (57 cá nhân), Vật lý (46), Y học (48) và Kinh tế (42).
Những con số trên cho thấy năm nay số ứng viên được đề nghị công nhận đạt chuẩn GS, PGS giảm mạnh so với năm 2017 - năm cuối cùng thực hiện xét GS, PGS theo Quyết định 174 được coi là "chuyến tàu vét" khi số ứng viên ứng cử chức danh GS, PGS là 1.537 người và có 1.226 người đạt chuẩn GS, PGS.
Số lượng ứng viên xét công nhận GS, PGS năm nay giảm mạnh
Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Trần Văn Sung, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Hóa học-Công nghệ thực phẩm, Hội đồng mới nhận được danh sách tổng kết từ các hội đồng cơ sở gửi lên mà chưa biết sau khi hội đồng cơ sở xét xong sẽ còn lại bao nhiêu ứng viên.
Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện xét công nhận chức danh GS, PGS theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS của Thủ tướng Chính phủ.
Dù năm 2018, Hội đồng Giáo sư Nhà nước không thực hiện xét GS và PGS do phải hoàn thiện cơ chế song sang năm 2019, số lượng ứng viên giảm mạnh. Theo GS Sung, riêng Hội đồng liên ngành Hóa học-Công nghệ thực phẩm chỉ còn khoảng 60-65% số lượng ứng viên so với năm 2017.
Cũng theo GS.TSKH Trần Văn Sung, năm nay việc xét công nhận GS, PGS có những tiêu chuẩn cao hơn và cũng có những tiêu chuẩn dễ hơn.
Riêng tiêu chuẩn cao hơn, ông dẫn chứng: giảng viên các trường đại học được yêu cầu điểm số cao bằng giảng viên thỉnh giảng ở các viện nghiên cứu.
Năm 2017, giảng viên ở các trường đại học chỉ yêu cầu 6 điểm; còn nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu là 10 điểm, nhưng năm nay điểm số hai bên bằng nhau nên số lượng ứng viên là giảng viên các trường đại học đăng ký xét công nhận GS, PGS giảm nhiều.
Điểm thứ hai liên quan đến bài báo quốc tế. Tiêu chí mới yêu cầu ứng viên phải là tác giả chính của ít nhất 3 bài báo quốc tế (đối với GS) hoặc 2 bài báo quốc tế (đối với PGS).
Ở điểm này, GS.TSKH Trần Văn Sung cho rằng, yêu cầu về bài báo quốc tế đối với các ứng viên GS, PGS trong các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ không phải là cao. Bởi lẽ, muốn đạt trình độ GS, PGS thì ứng viên phải đọc được tài liệu nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh. Nếu không nắm được tiếng Anh, không đọc được, không viết được bài báo tiếng Anh thì chưa đạt.
Riêng đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, yêu cầu bài báo quốc tế thấp hơn.
Bên cạnh đó, yêu cầu về tổng số các điểm quy đổi từ các bài báo khoa học ra chiếm 60% cũng là một cái hạn chế vì chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp giờ không được chấp nhận nữa.
Chủ tịch Hội đồng liên ngành Hóa học-Công nghệ thực phẩm đánh giá, các tiêu chuẩn xét công nhận GS, PGS trong Quyết định 37 đã tiến bộ lên rất nhiều, đi vào trình độ thực chất của GS, PGS hơn.
"Nó cho thấy việc xét công nhận GS, PGS của chúng ta đang đi đúng hướng và đúng với yêu cầu GS, PGS phải tiếp cận với trình độ quốc tế", GS.TSKH Trần Văn Sung nói.
Ông dẫn ví dụ, trước đây có những thầy là thủ trưởng các đơn vị chủ nhiệm các đề tài các cấp rất nhiều, cứ đăng ký được đề tài lập tức thầy đó đứng ra làm chủ nhiệm, có người làm chủ nhiệm từ mười mấy đến hàng chục đề tài nên điểm rất cao, trong khi đó các bài báo khoa học quốc tế lại không nhiều.
Giờ đây, quy chế mới đã cân đối lại, đề tài các cấp là trách nhiệm, không tính điểm. Tương tự, việc hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng thế, đã là GS thì phải hướng dẫn nghiên cứu sinh, không được tính điểm.
"Như vậy, trình độ các GS, PGS ngày càng thực chất hơn", GS.TSKH Trần Văn Sung nhấn mạnh.
Thành Luân
Theo baodatviet
Công khai hồ sơ điện tử của ứng viên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học có thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở năm 2019 về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Giáo sư cơ sở. Theo đó, để việc xét công nhận tiêu...