Hội đồng chuyên môn đánh giá về trường hợp cô bé tử vong sau tiêm ComBE Five
Ngày 16-1, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn đánh giá về trường hợp cô bé Kiều Hải Y (hơn 2 tháng tuổi ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBE Five.
Sau cuộc họp, trao đổi với phóng viên Báo Hà nội mới, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, tham gia Hội đồng chuyên môn gồm có các chuyên gia hàng đầu về lâm sàng, về dịch tễ học và nhi khoa đến từ các bệnh viện gồm Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn và các cơ quan chức năng của Sở Y tế Hà Nội như: Thanh tra Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ y, dược…
Do trẻ tử vong trước khi được cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất nên các chuyên gia không thu thập được những biểu hiện lâm sàng ban đầu. Điều tra tại Trạm Y tế xã Cần Kiệm sáng 9-1, ngoài bé Kiều Hải Y còn có 38 trẻ khác cũng được tiêm vắc xin ComBE Five nhưng không ghi nhận phản ứng bất thường.
Qua kiểm tra tại trạm y tế này, đây là cơ sở đủ điều kiện thực hành tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tất cả các cán bộ tham gia tiêm chủng thường xuyên tại trạm y tế đều đã được tập huấn và cấp giấy chứng nhận an toàn tiêm chủng. Quy trình tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin đúng quy định. Vắc xin có nguồn gốc rõ ràng, có đầy đủ sổ sách, hoá đơn và phiếu xuất kho. Hiện, Sở Y tế Hà Nội chưa phát hiện sai sót trong quá trình tiêm chủng tại đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, sau khi xem xét lại toàn bộ sự việc, Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều tới nguyên nhân trẻ tử vong do sốc phản vệ. Đây là một trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Tuy nhiên, nguyên nhân cuối cùng phải chờ kết quả giám định pháp y sau khi thực hiện mổ tử thi. Kết quả này sẽ có trong khoảng một tháng nữa.
Video đang HOT
Trước đó, như Báo điện tử Hà nội mới đưa tin, khoảng 8 giờ ngày 9-1, bé Kiều Hải Y được đưa đến Trạm Y tế xã Cần Kiệm để tiêm chủng vắc xin ComBE Five mũi 1 và uống vắc xin phòng bại liệt lần 1. Đến tối cùng ngày, bé bị sốt. Đến 22h cùng ngày, khi thấy bé tiếp tục sốt, gia đình cho uống thêm thuốc hạ sốt. Đến khoảng 7h ngày 10-1, gia đình thấy trẻ ra máu mũi, người lạnh. Sau đó, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất. Trên đường đi, bé có biểu hiện sùi bọt mép, mũi chảy ra thêm dịch màu hồng. Trước khi vào khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất), bé đã tử vong.
Theo hanoimoi
Cẩn trọng với phản ứng muộn sau tiêm vắc xin ComBE Five
Khoảng 2,5% trẻ sau tiêm vắc xin ComBE Five có sốt, sưng tại vết tiêm. Ngoài ra, cần lưu ý phản ứng nặng xuất hiện muộn (24 - 48 giờ) sau tiêm.
Tăng cường bác sĩ đủ năng lực chuyên môn khám sàng lọc trước tiêm vắc xin ComBE Five - ẢNH LIÊN CHÂU
Tăng cường bác sĩ khám sàng lọc
Sau khi xảy ra trường hợp cô bé hơn 2 tháng tuổi tại Hà Nội tử vong sau tiêm vắc xin ComBE Five chưa rõ nguyên nhân (hôm 10.1), đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để đảm bảo tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả, giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo triển khai ngay một số nội dung quan trọng, trong đó, tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng cũng như cán bộ y tế tuyến huyện chưa được tập huấn, hoặc đã được tập huấn nhưng chưa thuần thục về khám sàng lọc. Đặc biệt là xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng theo hướng dẫn tại Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế, về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đặc biệt lưu ý chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng.
100% cơ sở tiêm chủng phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng; Cử cán bộ có trình độ chuyên môn từ tuyến trên xuống tăng cường cho các trạm y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng, đặc biệt là những trạm y tế không có bác sĩ hoặc những xã, phường khó khăn.
Cần lưu ý theo dõi phản ứng xuất hiện muộn trong 48 giờ sau tiêm vắc xin ComBE Five - ẢNH TƯ LIỆU TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG QUỐC GIA
Ông Phu cho rằng, các địa phương cần huấn luyện lại cho các nhân viên y tế tại các cơ sở tiêm chủng về việc tư vấn cho các bà mẹ biết cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng, phát hiện các triệu chứng bất thường của trẻ như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, sưng đau tại chỗ tiêm... để đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất khám, xử trí, cũng như cấp cứu kịp thời
Cẩn trọng với phản ứng muộn sau tiêm
Các chuyên gia tiêm chủng lưu ý, thực tế phản ánh từ gia đình có trẻ nhập viện sau tiêm vắc xin cho thấy, trong quá trình giám sát sau tiêm tại trạm y tế xã không thấy biểu hiện bất thường nhưng đã có các trường hợp phản ứng nặng khi trẻ đã về nhà, trong đó có trường hợp trẻ tử vong sau tiêm là các trường hợp xảy ra trong 24 - 48 giờ đầu sau tiêm.
"Chúng tôi đặc biệt lưu ý các gia đình cần theo dõi diễn biến sức khỏe của trẻ sát sao trong 48 giờ đầu sau tiêm. Nếu trẻ có các các biểu hiện nặng như: sốt cao, tím tái, trẻ mệt, li bì, bỏ bú, hoặc bất kỳ những tình huống nào mà gia đình thấy không an tâm, cần đưa đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất", ông Phu nói.
Theo Cục Y tế dự phòng, ngoài phản ứng sau tiêm thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc... với tỷ lệ khoảng 2,5%, cũng đã ghi nhận một số trường hợp trẻ sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật xảy ra tại một số địa phương, với tỷ lệ khoảng 0,05%.
Khi trẻ có biểu biện bất thường về sức khỏe như sốt cao trên 39 độ C, quấy khóc kéo dài, tím tái, phát ban, ly bì,... các gia đình phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Các số điện thoại hỗ trợ giải đáp về tiêm chủng: 0981.480.480; 0243 8213764; 0936255696.
Theo thanhnien
Tiêm vắc xin: Biện pháp phòng bệnh hiệu quả Những ngày vừa qua, thông tin liên quan tới việc nhiều trẻ phải nhập viện sau khi tiêm vắc xin ComBE Five đã khiến không ít phụ huynh lo lắng, thậm chí trì hoãn việc cho trẻ đi tiêm. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng tiêm vắc xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Phản ứng sau tiêm là bình thường...