Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên kế hoạch họp về tình hình Myanmar
Các nguồn tin ngoại giao ngày 29/3 cho biết Anh đã kêu gọi triệu tập Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn cấp về tình hình tại Myanmar.
Theo nguồn tin trên, 15 thành viên HĐBA sẽ bắt đầu phiên họp kín vào ngày 31/3 và lắng nghe báo cáo tình hình của đặc phái viên LHQ về Myanmar, ông Christine Schraner Burgener.
Người biểu tình tập trung tại thành phố Yangon, Myanmar ngày 8/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã hoan nghênh các nỗ lực của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tại Myanmar. Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi đang ở thăm Nhật Bản, hai ngoại trưởng đã nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm cải thiện tình hình.
Nhật Bản là nước không cùng với Mỹ và các nước phương Tây khác áp đặt trừng phạt Myanmar. Chánh Văn phòng nội các Katsunobu Kato ngày 29/3 cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ nghiên cứu “các biện pháp có thể giúp bình ổn tình hình”.
Trong một diễn biến mới nhất, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 29/3 thông báo ngừng mọi cam kết thương mại của Mỹ với Myanmar, có hiệu lực ngay lập tức.
Về phần mình, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày cho biết Nga “rất lo ngại” về tình hình tại Myanmar. Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho rằng cần thời gian để Myanmar giải quyết vấn đề hiện nay và hối thúc ASEAN đóng một vai trò trong việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội Myanmar cáo buộc đã có nhiều gian lận xảy ra trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra tháng 11/2020, điều mà Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar đã bác bỏ. Sau khi nắm tạm quyền điều hành đất nước, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực. Quân đội cũng phủ nhận đã tiến hành đảo chính.
Myanmar tiếp tục trả tự do cho hàng trăm người biểu tình
Ngày 26/3, Myanmar đã trả tự do cho trên 300 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình phản đối việc quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD).
Người biểu tình tập trung tại Yangon, Myanmar phản đối việc nắm quyền lãnh đạo đất nước của các quan chức quân đội cấp cao, ngày 3/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng tin AFP của Pháp dẫn lời một quan chức cấp cao trại giam Myanmar, tổng cộng 322 người bị giam giữ tại nhà tù Insein ở Yangon đã được trả tự do. Trong khi đó, truyền thông địa phương và các nhân chứng cho biết 6 xe buýt đã chở khoảng 300 người rời khỏi nhà tù.
Trước đó hai ngày, trên 600 người biểu tình bị bắt giữ cũng đã được trả tự do.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của NLD. Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây, cho dù Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này. Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính.
Thái Lan bác thông tin cung cấp gạo cho quân đội Myanmar Giới chức Thái Lan ngày 20/3 lên tiếng phủ nhận thông tin truyền thông đưa rằng nước này cung cấp gạo cho quân đội Myanmar. Người biểu tình tập trung tại Yangon, Myanmar phản đối việc nắm quyền lãnh đạo đất nước của các quan chức quân đội cấp cao, ngày 3/3. Ảnh: AFP/TTXVN Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết truyền thông...