Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc “dính” đòn mất mặt
Ả-rập Xê-út hôm nay (18/10) đã thẳng thừng bác bỏ vai trò là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà họ vừa được bầu vào. Lý do mà Ả-rập Xê-út đưa ra là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã hoàn toàn bất lực trong việc giải quyết các cuộc xung đột như cuộc nội chiến ở Syria và họ không chấp nhận “tiêu chuẩn kép” mà hội đồng này áp dụng trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới.
Uy tín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang bị giảm sút.
Động thái trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi vương quốc Ả-rập Xê-út được bầu là một trong 10 thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.
Trong một tuyên bố được phát đi ngay sau đó trên hãng thông tấn chính thức của Ả-rập Xê-út, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thất bại trong nhiệm vụ ở Syria. Điều đó đã giúp chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad có thể tiếp tục giết hại dân thường bằng cả vũ khí hóa học mà không bị trừng phạt.
Theo Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không thể giải quyết được các cuộc xung đột lâu dài ở Trung Đông và cũng không giúp được khu vực này thoát khỏi nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Dẫn chứng mà Ả-rập Xê-út đưa ra là cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm ở đất nước Syria và cuộc xung đột kéo dài dai dẳng không có hồi kết giữa Israel với Palestine.
“Thất bại trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột Palestine-Israel trong suốt 65 qua đã dẫn đến vô số các cuộc chiến tranh đe dọa hòa bình thế giới”, Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út cho biết.
Video đang HOT
“Các cơ chế hoạt động và những tiêu chuẩn kép mà Hội đồng Bảo an áp dụng đã ngăn cản cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ của mình cũng như đảm nhiệm được trách nhiệm duy trì hòa bình thế giới”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ả-rập Xê-út cho hay.
“Việc cho phép chính quyền Syria giết hại người dân bằng vũ khí hóa học mà không phải hứng chịu bất kỳ hình phạt nào là bằng chứng cho thấy sự bất lực của Liên Hợp Quốc trong việc thực hiện nhiệm vụ và đảm nhiệm trách nhiệm” đối với thế giới. Ả-rập Xê-út còn chỉ trích Hội đồng Bảo an về “thất bại” của cơ quan này trong việc biến Trung Đông thành một khu vực không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân. Phát biểu này rõ ràng ám chỉ đến Iran và Israel. Ả-rập Xê-út vốn phản đối mạnh mẽ chương trình hạt nhân của Iran – một chương trình mà Mỹ và các đồng minh nghi ngờ là nhằm để chế tạo vũ khí nguyên tử..
Với những lý do trên, Ả-rập Xê-út tuyên bố, họ “không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc từ chối chiếc ghế thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho đến khi cơ quan này được cải cách và được trao những phương tiện để có thể hoàn thành các nhiệm vụ cũng như đảm nhiệm được trách nhiệm bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới”.
Ả-rập Xê-út đã được bầu vào Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên trong ngày hôm qua (17/10). Đây là lần đầu tiên quốc gia giàu dầu mỏ được trao một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – cơ quan có vai trò then chốt trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới. Tuy nhiên, nước này đã không ngại ngần từ chối vị trí đó.
Ả-rập Xê-út ngay từ đầu đã là nước ủng hộ mạnh mẽ cho phe nổi dậy Syria trong cuộc chiến nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trước đây, Ả-rập Xê-út cũng từng lên tiếng chỉ trích cộng đồng quốc tế về việc đã không thể ngăn chặn cuộc nội chiến ở đất nước Syria và để nó tiếp tục kéo dài sang năm thứ ba. Theo các con số thống kê của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột ở Syria đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người.
Vương quốc Ả-rập Xê-út đã dễ dàng giành một ghế tại tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua. Nước này đã không vấp phải sự phản đối gì bởi lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, không có cuộc đua căng thẳng để tranh giành vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Vị trí thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vốn được nhiều nước thèm muốn bởi nó cho phép các nước có tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế ở những nơi như Syria, Iran và Triều Tiên cũng như trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình rộng khắp của Liên Hợp Quốc.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên trong đó có 5 thành viên thường trực không thay đổi là các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp; và 10 thành viên không thường trực được bỏ phiếu lựa chọn trong nhiệm kỳ 2 năm một lần.
Sự từ chối của Ả-rập Xê-út rõ ràng là một hành động khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mất mặt. Uy tín của tổ chức này gần đây đã sụt giảm đi ít nhiều sau khi cơ quan này liên tục phải đối mặt với tình trạng mâu thuẫn, chia rẽ trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Đây là lý do khiến tình hình Syria rơi vào thế bế tắc, không thể tìm được một lối thoát.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á lần thứ 8
Tiếp tục các Hội nghị Cấp cao ASEAN liên quan, sáng 10/10/2013, tại Ban-đa Sê-ri Bê-ga-oan, Bru-nây, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN 3 và Cấp cao Đông Á lần thứ 8. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và đã có các phát biểu quan trọng tại các Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 3: Lãnh đạo các nước ASEAN và 3 nước Đối tác Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) hoan nghênh và đánh giá cao hiệu quả hợp tác ASEAN 3 thời gian qua; tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên thực hiện các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư và tài chính; triển khai Lộ trình mới về Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á và sáng kiến Phát triển Trái phiếu Tài chính Hạ tầng; đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nhân dịp này, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch công tác ASEAN 3 sửa đổi đến 2017; quyết định sớm triển khai Đối tác ASEAN 3 về Kết nối, bao gồm cả việc xem xét lập Quĩ tài chính ASEAN 3 về Kết nối hạ tầng khu vực; tiếp tục mở rộng Sáng kiến Chiềng Mai. Ngoài ra, các Lãnh đạo cũng đã quyết định đẩy hợp tác về an ninh, chính trị và ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; trong đó có hợp tác về bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh và an toàn lượng thực, môi trường, ứng phó với thảm họa thiên nhiên, phát triển bền vững, y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, thông tin và truyền thông, giao lưu nhân dân...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao cơ chế ASEAN 3 và các kết quả đạt được vừa qua, góp phần đẩy mạnh hơn nữa liên kết ở Đông Á. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, hai bên cần tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả Kế hoạch Công tác hợp tác ASEAN 3; tiếp tục tăng cường hợp tác về duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, cũng như trong các lĩnh vực như quản lý thiên tai, an ninh hàng hải, an ninh năng lượng và các vấn đề phi truyền thống khác; đặc biệt ASEAN 3 cần đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư ở các cấp độ song phương và đa phương, triển khai hiệu quả các FTA hiện có giữa ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như thúc đẩy nỗ lực để hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm 2015; mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác tài chính và tiền tệ. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN 3 cần tăng cường kết nối trong khu vực, bao gồm kết nối về hạ tầng, thể chế và nhân dân trên cơ sở mở rộng triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN.
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8: Các nhà Lãnh đạo đã trao đổi các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược của Cấp cao Đông Á với tư cách là Diễn đàn của các nhà Lãnh đạo, với ASEAN đóng vai trò chủ đạo, để bàn và quyết định về các vấn đề chiến lược, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, và phát triển ở khu vực. Theo đó Cấp cao Đông Á cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực; mở rộng liên kết và kết nối; cũng như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên khác như tài chính, năng lượng, giáo dục, bệnh dịch, quản lý thiên tai và kết nối ASEAN. Hội nghị nhất trí về việc đẩy nhanh đàm phán để có thể đạt được Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2015.
Theo đó, các Lãnh đạo hoan nghênh việc triển khai Sáng kiến Phát triển Đông Á, thông qua Tuyên bố EAS về An ninh lương thực, trong đó khuyến khích đầu tư có trách nhiệm vào sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp, mở rộng hợp tác quản lý thủy sản, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước và rừng... Các nhà Lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực; trong đó có an ninh an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; hợp tác phòng chống cướp biển, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, môi trường và an ninh biển.
Các Lãnh đạo đề cao các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982; thực hiện nghiêm túc DOC và các thỏa thuận đã đạt được, đi đôi với cần thiết phải sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu nêu bật trọng tâm "Tạo dựng và thúc đẩy một cấu trúc khu vực vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng" ở Đông Á. Đánh giá khu vực đang đứng trước những vận hội mới, to lớn về hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển, nhưng vẫn còn không ít thách thức phức tạp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Cấp cao Đông Á, với tư cách là diễn đàn của các Lãnh đạo, cần phát huy vai trò chủ động và quyết định của mình về mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và thúc đẩy xây dựng lòng tin chiến lược; Cấp cao Đông Á cần phát huy vai trò là một bộ phận quan trọng trong cấu trúc khu vực nhằm bảo đảm các mục tiêu nêu trên; đồng thời Cấp cao Đông Á cần đẩy mạnh hợp tác nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng và bước phát triển về chất cho tiến trình liên kết, kết nối và hội nhập khu vực; theo đó, đề nghị ASEAN và Đông Á cần đề ra chương trình nghị sự phát triển và mục tiêu ưu tiên phù hợp với các tiêu chí mới của Liên hợp quốc. Đề nghị các nước cần đẩy mạnh các nỗ lực về ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huy diệt khác, nhân dịp này, Thủ tướng cũng thông báo Việt Nam sẽ sớm tham gia "Sáng kiến An ninh không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt - PSI".
Về Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và xây dựng lòng tin ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS); đề nghị ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực thương lượng để sớm đạt Bộ Quy tắc COC.
Trúc Dân
Theo_VnMedia
CIA "cài bẫy" khiến Obama suýt gây ra Thế chiến III? Điện Kremlin tiết lộ, cơ quan tình báo Mỹ (CIA) từng đã can dự vào những kịch bản ở Syria có thể dẫn tới thảm họa toàn cầu - chiến tranh thế giới III. "Dấu vết nóng" Khi cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra ở ngoại ô Ghouta vào ngày 21.8 khiến 1.400 người thiệt mạng, các hãng thông...